Bệnh thủy đậu vào mùa và những lưu ý khi dùng thuốc

Bệnh thủy đậu vào mùa và những lưu ý khi dùng thuốc

Thủy đậu là một bệnh siêu vi có tính truyền nhiễm cao. Bệnh xảy ra quanh năm nhưng có xu hướng bùng phát thành dịch vào mùa xuân. Vậy có những loại thuốc nào thường được sử dụng trong điều trị bệnh?

1. Bệnh thủy đậu lành tính nhưng có thể gây biến chứng nguy hiểm

Bệnh thủy đậu là do nhiễm virus varicella zoster nguyên phát. Ở những người khỏe mạnh, đây thường là một bệnh lành tính, đặc trưng bởi sốt nhẹ, khó chịu và phát ban mụn nước, ngứa, toàn thân. Phát ban thường khởi phát ở mặt, bụng, ngực, lưng và lan nhanh ra các phần khác của cơ thể. Những người chưa từng mắc bệnh thủy đậu đều có thể mắc bệnh, nhưng phổ biến nhất là trẻ em ở lứa tuổi dưới 15 tuổi.

Mặc dù lành tính nhưng thủy đậu có thể gây khó chịu kéo dài và có liên quan đến các biến chứng nghiêm trọng bao gồm:

– Viêm não

– Viêm phổi

– Nhiễm khuẩn thứ phát

– Rối loạn chảy máu

– Nhiễm trùng chu sinh đe dọa tính mạng.

Nguy cơ mắc bệnh nặng cao hơn trong thai kỳ, ở trẻ sơ sinh (<28 ngày tuổi) và ở những người bị suy giảm miễn dịch. Sau khi nhiễm trùng sơ cấp, virus varicella zoster vẫn tiềm ẩn trong cơ thể. Sau đó, có thể tái kích hoạt để gây ra bệnh zona.

2. Các thuốc thường được sử dụng điều trị thủy đậu

Việc điều trị bệnh thủy đậu về cơ bản là điều trị triệu chứng và hỗ trợ. Với việc dùng thuốc cần phải được sử dụng và chỉ định bởi bác sĩ, không tuỳ tiện sử dụng.

Dưới đây là các thuốc thường được bác sĩ sử dụng để điều trị:

2.1 Thuốc giảm ngứa

Ngứa là một triệu chứng phổ biến của nhiễm trùng thủy đậu, đặc biệt là cho trẻ nhỏ. Nhiều bệnh nhân cần được chăm sóc hỗ trợ để kiểm soát các triệu chứng này. Trong trường hợp ngứa nhiều, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng histamine như chlorpheniramin hay loratadin để giảm ngứa.

Tuy nhiên, thuốc có thể có tác dụng phụ gây khô miệng, ngủ gà gật, chóng mặt và gây kích thích xảy ra khi điều trị ngắt quãng. Vì vậy, khi dùng các thuốc này, cần phải lưu ý, nhất là đối với trẻ nhỏ.

Các sản phẩm thuốc bôi có đặc tính chống viêm và được bán dưới dạng phương pháp điều trị chống ngứa có thể có tác dụng làm dịu da bị kích ứng do các bệnh như thủy đậu hoặc chàm. Thuốc bôi và kem chứa calamine được thoa trực tiếp lên các nốt ngứa để giúp giảm ngứa và cũng có thể giúp làm khô các nốt này để chúng đóng vảy và bong ra nhanh hơn.

2.2 Thuốc giảm đau, hạ sốt

Bệnh thủy đậu gây đau và sốt cao, có thể thuyên giảm bằng cách sử dụng thuốc giảm đau, hạ sốt không kê đơn. Thuốc giảm đau, hạ sốt được ưu tiên sử dụng để điều trị các triệu chứng của bệnh thủy đậu là paracetamol. Liều lượng paracetamol đường uống là 10 – 15 mg/kg, ngày 4 – 6 lần. Không nên dùng quá liều khuyến cáo.

Paracetamol cũng có sẵn ở dạng lỏng hoặc dạng bột hòa tan trong nước cho trẻ em hoặc trẻ sơ sinh khó nuốt viên nén.

Lưu ý không nên sử dụng ibuprofen hoặc aspirin để điều trị bệnh thủy đậu, vì chúng là thuốc chống viêm không steroid có thể gây ra phản ứng có hại nghiêm trọng trên da khi dùng để điều trị nhiễm virus. Nếu không chắc chắn về loại thuốc nào phù hợp cần tham khảo ý kiến của dược sĩ hoặc bác sĩ trước khi dùng bất cứ thứ gì.

2.3 Thuốc kháng virus

Trong trường hợp bị bệnh thủy đậu dạng nặng và những người thuộc nhóm bệnh nhân có nguy cơ cao (người lớn, nhiễm siêu vi, biến chứng, bị suy giảm miễn dịch…) bác sĩ sẽ chỉ định điều trị bằng thuốc kháng virus.

Liệu pháp kháng virus toàn thân có thể rút ngắn quá trình chữa lành thuỷ đậu cấp tính, ngăn ngừa hoặc giảm đau và các biến chứng cấp tính và mãn tính khác, đặc biệt, khi được sử dụng trong vòng 48 giờ đến tối đa 72 giờ sau khi phát ban.

Một số loại thuốc kháng virus phổ biến được sử dụng bao gồm:

– Acyclovir

– Famciclovir

– Ganciclovir

– Ribavirin

– Valacyclovir

Acyclovir là một loại thuốc kháng virus, ngăn chặn sự nhân lên của virus VZV và có khả năng loại bỏ virus làm giảm nhanh các triệu chứng. Vì thuốc chỉ được hấp thụ bởi các tế bào bị nhiễm virus, nên acyclovir có tác dụng phụ tối thiểu. Một số tác dụng phụ được báo cáo khi uống acyclovir bao gồm buồn nôn, nôn, tiêu chảy và chóng mặt.

Acyclovir đường uống nên được sử dụng trong vòng 24 giờ sau khi vết loét xuất hiện. Tiêm tĩnh mạch sớm acyclovir là điều cần thiết cho bệnh nhân thuỷ đậu có biến chứng viêm phổi.

Mặc dù acyclovir được dung nạp tốt nhưng những lo ngại về khả năng kháng virus cũng ảnh hưởng đến quyết định về nguy cơ – lợi ích của acyclovir. Cho đến nay điều trị ngắn hạn (5 ngày) với acyclovir dường như không gây ra tình trạng kháng virus.

2.4 Thuốc kháng sinh

Bệnh thủy đậu do virus gây ra nên không tự ý dùng kháng sinh. Kháng sinh chỉ có tác dụng diệt vi khuẩn. Tự ý dùng thuốc có thể gây các tác dụng phụ ngoại ý nguy hiểm cho sức khỏe. Trong trường hợp có bội nhiễm sau mắc thủy đậu như viêm da, nhiễm trùng huyết, thuốc kháng sinh sẽ được bác sĩ chỉ định.

3. Những điều nên và không nên làm khi bị thủy đậu

– Nên cân nhắc kỹ loại khi sử dụng thuốc giảm đau, hạ sốt. Cần lưu ý, không sử dụng thuốc aspirin, để hạ sốt cho trẻ em vì có thể gây ra tình trạng được gọi là hội chứng Reye nguy hiểm ở trẻ em dưới 16 tuổi. Đây là một căn bệnh nghiêm trọng ảnh hưởng đến não và thậm chí có thể gây tử vong.

– Không nên sử dụng thuốc chống viêm corticoid mà không hỏi ý kiến bác sĩ vì có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng da nặng.

– Khi được kê đơn thuốc kháng virus đảm bảo tuân thủ liệu trình điều trị cũng như không tự ý dùng thuốc.

– Không nên gãi ngứa, cắt móng tay ngắn có thể ngăn ngừa trầy xước và giảm nguy cơ nhiễm trùng thứ cấp.

– Nên ăn thức ăn lành mạnh, tự nấu ở nhà, uống đủ nước.

4. Tiêm vaccine, biện pháp đơn giản, hiệu quả phòng ngừa thủy đậu

Do bệnh thủy đậu có tính chất lây lan, nên nếu một người trong gia đình được chẩn đoán mắc bệnh thủy đậu thì các thành viên khác trong gia đình nên đi tiêm phòng nếu chưa được tiêm phòng trước đó. Tiêm phòng là cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa sự bùng phát bệnh thủy đậu.

Vaccine không chỉ ngăn ngừa bệnh tiến triển nặng hoặc phức tạp ở trẻ em khỏe mạnh mà còn bảo vệ những trẻ em có nguy cơ mắc bệnh, bao gồm cả những trẻ bị suy giảm miễn dịch.

Thanh thiếu niên chưa được tiêm chủng nên được tiêm hai liều vaccine thủy đậu. Vaccine an toàn và được dung nạp tốt ở trẻ em và thanh thiếu niên. Các tác dụng phụ thường gặp bao gồm các phản ứng tại chỗ tiêm như đau, đỏ, sưng, phát ban./.

Theo suckhoedoisong.vn

Rate this post

Viết một bình luận