Ăn uống khoa học không chỉ cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể mà còn giúp cải thiện run tay và đẩy lùi các biến chứng nguy hiểm của bệnh Parkinson. Vậy người bệnh Parkinson nên ăn như thế nào mới “khoa học”, tất cả đã có trong bài viết dưới đây.
Bệnh Parkinson xảy ra do sự thiếu hụt dopamin – chất dẫn truyền thần kinh có vai trò quan trọng trong việc kiểm soát và điều phối hoạt động của cơ bắp – từ đó dẫn tới triệu chứng run rẩy, co cứng cơ và chậm chạp vận động. Trong khi nỗ lực trong việc nghiên cứu đang hướng đến một phương pháp có thể chữa khỏi hoàn toàn bệnh Parkinson, thì các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo người bệnh cần chủ động bổ sung dopamin tự nhiên thông qua chế độ ăn uống.
Các biến chứng như mất trí nhớ, lú lẫn, trầm cảm, khó nuốt, táo báo, cũng có thể được cải thiện nhờ thực phẩm và việc luyện tập thể dục. Các thực phẩm chống oxy hóa đã được nghiên cứu và chứng minh có thể giúp làm giảm “stress oxy hóa” của não, từ đó giúp làm chậm quá trình lão hóa, thoái hóa não bộ
Bổ sung thực phẩm bổ dưỡng để đảm bảo sức khỏe và đảm bảo thuốc điều trị bệnh Parkinson hoạt động tốt
Ăn nhiều các thực phẩm giàu chất chống oxy hóa
Quá trình chuyển hóa các chất trong cơ thể sản sinh ra rất nhiều gốc tự do, đây là tác nhân kích thích các phản ứng viêm gây thoái hóa tế bào đặc biệt là các tế bào não sản sinh chất dẫn truyền thần kinh dopamin. Vì vậy, đây được coi là “thủ phạm” chính khiến bệnh Parkinson trở nên tồi tệ hơn.
Người bệnh Parkinson nên bổ sung các thực phẩm giàu chất chống oxy hóa như rau xanh, hoa quả (như kiwi, cam, bưởi, lựu, cà chua, cà rốt..), các loại quả hạch (óc chó, hạnh nhân), trà xanh và trà đen…
Một nghiên cứu của Đại học Hồng Kông đăng trên tạp chí Khoa học thế giới năm 2013 cho thấy, hai thảo dược Thiên Ma, Câu Đằng chứa rất nhiều các chất chống oxy hóa nên có khả năng dọn dẹp các gốc tự do, chống viêm, từ đó ngăn chặn quá trình thoái hóa, lão hóa não bộ trong các bệnh Parkinson, Alzheimer…
Bổ sung Omega-3: Chất chống viêm “hoàn hảo” cho não bộ
Nhiều nghiên cứu cho thấy, omega – 3 không những làm giảm quá trình viêm mạn tính trong bệnh Parkinson, giảm nguy cơ trầm cảm mà còn rất tốt cho tim mạch, hạ mỡ máu từ đó nâng cao sức khỏe toàn trạng của người bệnh.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo, nên ăn cá ít nhất 2 lần mỗi tuần hoặc sử dụng viên uống dầu cá để bổ sung omega – 3 cho cơ thể. Một số loại cá giàu omega – 3 bạn có thể lựa chọn là cá thu, cá trích, cá hồi, cá mòi,… Tuy nhiên, nếu sử dụng dầu cá, bạn nên uống sau các bữa ăn chính, nhiều dầu mỡ để đảm bảo hấp thu và không nên uống quá 3.000 mg omega – 3 mỗi ngày.
Một số loại hạt chứa nhiều omega – 3 bạn có thể tham khảo là hạt lanh, hạt chia, đậu nành, dầu oliu…
Cá, dầu cá, các loại hạt và quả hạch là nguồn cung cấp omega – 3 tự nhiên cho cơ thể
Thực phẩm giàu dopamin tốt cho người bệnh Parkinson
Ngoài bổ sung dopamin bằng các loại thuốc điều trị parkinson, bạn có thể bổ sung dopamin tự nhiên bằng cách ăn nhiều đậu tằm, đậu đỏ, đậu nành, các loại quả hạch (hạnh nhân, hồ đào, hạt điều, óc chó…), hạt hướng dương, rau cải xoăn, cải bắp, súp lơ… Bởi những thực phẩm này rất giàu tyrosine – một protein cần thiết cho quá trình tổng hợp dopamin của não bộ.
Các vitamin và khoáng chất
Canxi, Magie là các khoáng chất rất cần thiết cho hoạt động của cơ bắp. Một số dấu hiệu cảnh báo sự thiếu hụt Magie là run, co cứng cơ, yếu cơ, nhịp tim không đều, căng thẳng, thậm chí trầm cảm… Vì vậy, người bệnh Parkinson nên ăn nhiều các thực phẩm giàu Magie như hải sản, bơ, chuối, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu để cải thiện tình trạng trên.
Gần đây, một nghiên cứu đã chứng minh vai trò quan trọng của vitamin D trong việc cải thiện tâm trạng, trí nhớ, từ đó giúp giảm tình trạng suy giảm trí tuệ, trầm cảm mà bệnh Parkinson gây ra. Người bệnh Parkinson được khuyến cáo nên tắm nắng trước 9 giờ mỗi ngày để cơ thể tổng hợp Vitamin D tự nhiên, đồng thời tránh được các tác động xấu từ tia cực tím trong ánh nắng mặt trời.
Ăn như thế nào để khắc phục các biến chứng của bệnh Parkinson
– Táo bón: Bạn nên ăn nhiều chất xơ trong rau xanh, hoa quả, đặc biệt là rau diếp cá, mồng tơi, rau đay, rau dền, vừng đen, khoai lang và uống đủ 2 lít nước mỗi ngày. Một “mẹo” nhỏ là bạn hãy uống một cốc nước đầy (khoảng 500 ml) vào buổi sáng ngay sau khi thức dậy để đánh thức nhu động ruột, tình trạng táo bón sẽ cải thiện hơn đáng kể. Ngoài ra, bổ sung lợi khuẩn từ sữa chua cũng là cách giúp giảm táo bón hiệu quả.
– Khó nuốt: Nên chế biến thức ăn thành dạng mềm, lỏng như cháo, canh, súp; ngồi thẳng lưng, ăn chậm, nhai kỹ và chia thành nhiều bữa nhỏ là các cách để người bệnh ăn uống dễ dàng và nhận đủ chất dinh dưỡng mỗi ngày.
– Buồn nôn: Để ngăn ngừa hoặc làm giảm buồn nôn, trong bữa ăn hoặc sau khi ăn, bạn có thể uống một chút nước lạnh. Lưu ý không uống nước cam, nước ép bưởi hoặc các đồ uống có tính acid. Ngoài ra, bạn nên ăn chậm, chia làm nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày, nên ăn thực phẩm khi đã nguội để tránh buồn nôn vì mùi thức ăn.
Mặc dù không có một chế độ ăn chung dành cho tất cả người bệnh Parkinson, nhưng để giúp làm giảm run, ngăn ngừa biến chứng, hầu hết người bệnh Parkinson nên ăn nhiều các loại ngũ cốc, trái cây, các loại quả hạch, cá biển, các loại đậu đỗ… Tốt nhất bạn hãy trao đổi cùng bác sĩ dinh dưỡng để được tư vấn chế độ ăn tốt nhất.
Nguồn:
https://www.verywell.com
http://www.livestrong.com
http://www.foodforthebrain.org