Bị cảm cúm nên uống thuốc gì?

/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/suc-khoe-tong-quat/bi-cam-cum-nen-uong-thuoc-gi/

Cảm cúm là dạng bệnh lý do virus cấp tính đường hô hấp gây ra và có khả năng lây lan nhanh trong cộng đồng. Triệu chứng bệnh bao gồm: viêm long đường hô hấp, đau họng, đau đầu, nhức mỏi toàn thân,…Vậy khi bị cảm cúm nên uống thuốc gì?

1. Tổng quan về bệnh cảm cúm

Cảm cúm là dạng bệnh lý do virus cấp tính đường hô hấp gây ra và có khả năng lây lan nhanh trong cộng đồng. Triệu chứng bệnh bao gồm: viêm đường hô hấp, đau họng, đau đầu, nhức mỏi toàn thân,… Các triệu chứng có thể kéo dài từ vài ngày đến vài tuần tùy vào hệ miễn dịch của người bệnh.

Phân độ cảm cúm:

Cúm chưa có biến chứng (cúm nhẹ): Chỉ có biểu hiện triệu chứng đơn thuần như viêm long đường hô hấp (sổ mũi, ngạt mũi, ho, hắt hơi, đau rát họng), đau đầu, đau nhức người,…

Cúm có biến chứng (cúm nặng): Có các triệu chứng kể trên kèm theo một trong các biểu hiện sau:

  • Có tổn thương phổi với biểu hiện suy hô hấp ( thở nhanh, khó thở, spO2 giảm).
  • Có các biến chứng thứ phát như viêm xoang, viêm phổi do bội nhiễm vi khuẩn, sốc nhiễm trùng, tụt huyết áp, suy đa phủ tạng.
  • Có các triệu chứng tăng nặng lên ở người bệnh có bệnh lý mạn tính kèm theo (bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, suy gan, suy thận, đái tháo đường, bệnh tim mạch, bệnh về máu,…).

Các đối tượng nguy cơ xuất hiện biến chứng khi mắc cảm cúm bao gồm:

  • Trẻ em: < 5 tuổi, suy dinh dưỡng, béo phì, suy giảm miễn dịch bẩm sinh hay mắc phải.
  • Người già trên 65 tuổi.
  • Phụ nữ có thai.
  • Người lớn mắc các bệnh mạn tính (bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, hen phế quản, suy tim, nhồi máu cơ tim, ….)
  • Người bệnh suy giảm miễn dịch (người bệnh đang điều trị thuốc chống ung thư, HIV/AIDS).

2. Cảm cúm nên uống thuốc gì?

Việc điều trị cảm cúm phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tuổi tác, mức độ nặng của bệnh, thể trạng của bệnh nhân, các bệnh lý đi kèm. Vì vậy khi người bệnh mắc cảm cúm cần liên hệ bác sĩ chuyên môn để đảm bảo phương pháp điều trị đúng cách, không gây tổn hại sức khỏe. Dưới đây là một số thuốc sử dụng khi người bệnh được chẩn đoán mắc cảm cúm mà bạn có thể tham khảo:

2.1. Điều trị thuốc kháng virus.

Dùng thuốc kháng virus theo chỉ định của bác sĩ trong trường hợp người bệnh nhiễm cúm A hoặc B (nghi ngờ hoặc xác định) có biến chứng hoặc có yếu tố nguy cơ. Thuốc được sử dụng phổ biến hiện nay là Oseltamivir, Zanamivir.

Liều lượng Oseltamivir ( Tamiflu) được tính theo tuổi, cân nặng.

  • Người lớn và trẻ em trên 13 tuổi: Liều 75mg x 2 lần/ngày.
  • Trẻ em từ ≥ 12 tháng đến ≤ 13 tuổi điều chỉnh liều theo cân nặng:

Cân nặng ≤ 15kg: 30mg x 2 lần/ngày.

Cân nặng > 15kg đến 23kg: 45mg x 2 lần/ngày.

Cân nặng > 23kg đến 40kg: 60mg x 2 lần/ngày.

Cân nặng >40kg: 75mg x 2 lần/ngày.

  • Trẻ < 12 tháng tuổi:

0-1 tháng: Liều 2mg/kg x 2 lần/ngày.

> 1 – 3 tháng: Liều 2.5mg/kg x 2 lần/ngày

> 3-12 tháng: Liều 3mg/kg x 2 lần/ngày.

Zanamivir: sử dụng trong các trường hợp không có oseltamivir, chậm đáp ứng hoặc kháng với oseltamivir. Zanamivir sản xuất dưới dạng hít định liều, liều dùng zanamivir có thể tham khảo như sau:

  • Người lớn và trẻ em > 7 tuổi: 10mg ( 2 lần hít 5mg) x 2 lần/ngày.
  • Trẻ em từ 5 đến 7 tuổi: 10mg ( 2 lần hít 5mg) x 1 lần /ngày.

2.2. Thuốc điều trị hỗ trợ

  • Thuốc hạ sốt: chỉ dùng Paracetamol khi sốt trên 38,5 độ C, không dùng nhóm thuốc Salicylate như Aspirin để hạ sốt.
  • Thuốc cân bằng nước điện giải: Người bệnh cần bổ sung nhiều nước và hàm lượng chất điện giải. Oresol thường được sử dụng để bổ sung bù nước khi chúng ta bị mất nước. Chúng có lượng đường thấp hơn nhiều so với đồ uống thể thao thông thường và natri, clorua và kali là những chất điện giải duy nhất mà oresol bao gồm.
  • Thuốc chống dị ứng, viêm mũi (gồm kháng histamin H1 như loratadin, clorpheniramin maleat…).
  • Bổ sung các vitamin và khoáng chất, tăng sức đề kháng (vitamin C, vitamin 3B, vitamin tổng hợp, selen,…).

2.3. Cảm cúm sổ mũi có thể dùng thuốc gì?

  • Các nhóm thuốc co mạch như Naphazolin, Xylometazoline dùng dưới dạng nhỏ mũi. Nhờ cơ chế làm co các động mạch nhỏ, mao mạch, tĩnh mạch hang đẩy máu đi nơi khác, từ đó làm cho hốc mũi rộng làm mũi hết nghẹt, giúp người bệnh dễ thở hơn. Những thuốc này chỉ nên dùng trong 3-5 ngày, nếu dùng thuốc kéo dài có thể gây ra tình trạng viêm mũi, phù nề cuốn mũi và tăng tình trạng nghẹt thở, giảm khứu giác, đau đầu.
  • Ho là một phản xạ có lợi cho cơ thể để tống các dị vật ở đường thở ra ngoài. Do đó, trong bệnh cảm cúm, nếu triệu chứng ho nhẹ, không đáng kể thì không cần dùng thuốc giảm ho. Tuy nhiên nếu ho với mức độ thường xuyên, khiến cho bệnh nhân đau rát cổ họng, mệt mỏi, khó chịu, nuốt đau, nên sử dụng các thuốc giảm ho.
  • Trong trường hợp ho khan có thể dùng Dextromethorphan, codein. Ho khan kèm ngạt mũi, sổ mũi có thể dùng các thuốc phối hợp như Atussin, Decolgen, Rhumenol,…
  • Nhóm thuốc phối hợp chứa các hoạt chất làm giảm ho như dextromethorphan và kháng histamin như chlorpheniramine, fexofenadine giúp người bệnh giảm nhanh các triệu chứng ngạt mũi, sổ mũi, ngứa mũi, ngứa họng, hắt hơi.
  • Dùng các thuốc làm loãng đờm, tiêu đờm như Bromhexin, Ambroxol, Acetylcystein,…trong trường hợp ho có đờm. Các thuốc có tác dụng làm đờm loãng hơn, khi người bệnh ho đờm sẽ dễ thoát ra ngoài hơn.
  • Nhỏ mũi, rửa mũi, súc miệng họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý, uống nhiều nước cam chanh, nước chanh nóng mật ong, nước gừng mật ong, giúp làm ấm cơ thể và cũng có tác dụng giảm ho, tiêu đờm.
  • Lưu ý: Kháng sinh không có hiệu quả trong điều trị cảm cúm, vì cảm cúm là bệnh do virus gây nên, kháng sinh chỉ có tiêu diệt vi khuẩn chứ không tiêu diệt được virus. Kháng sinh chỉ sử dụng trong các trường hợp đã có bội nhiễm vi khuẩn, hoặc dùng với mục đích dự phòng bội nhiễm vi khuẩn ở nhóm đối tượng nguy cơ nhiễm khuẩn cao (người suy giảm miễn dịch, người cao tuổi có nhiều bệnh nền,…). Việc sử dụng kháng sinh phải qua thăm khám và tư vấn của bác sĩ chuyên khoa để tránh tình trạng kháng thuốc và gây ra tác dụng phụ không mong muốn.

3. Cách chữa bệnh cảm cúm

Ngoài việc sử dụng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ và dùng thuốc đúng cách, người bệnh cũng cần cũng cần áp dụng một số phương pháp khác để bệnh nhanh khỏi bao gồm:

  • Nghỉ ngơi thư giãn

Người bệnh nên dành thời gian nghỉ ngơi, thư giãn, đồng thời giữ tinh thần lạc quan, vui vẻ. Người bệnh có thể tập thiền, điều hòa hơi thở. Những việc này sẽ giúp hệ miễn dịch được cải thiện, từ đó mà cơ thể mau khỏe hơn.

  • Uống thật nhiều nước

Trong bệnh cảm cúm có sốt cao, có thể kèm theo triệu chứng rối loạn tiêu hóa như nôn mửa, tiêu chảy, làm cho cơ thể mất nước, mất điện giải. Lúc này, ngoài uống bổ sung oresol, người bệnh có thể uống kèm thêm nước lọc, nước ép trái cây, nước sinh tố) để bổ sung thêm nước cho cơ thể và tăng sức đề kháng.

  • Mặc quần áo thoải mái

Khi người bệnh cảm cúm có triệu chứng sốt cao, cần mặc quần áo thoải mái, thoáng mát để cơ thể dễ tỏa nhiệt hơn. Không nên mặc đồ quá dày hay mặc nhiều lớp quần áo, vì sẽ khiến cơ thể khó thoát nhiệt và mồ hôi không thoát ra ngoài được, dễ thấm ngược vào cơ thể, làm cho bệnh trầm trọng hơn.

  • Giữ gìn vệ sinh cá nhân

Cảm cúm lây truyền chủ yếu qua giọt bắn, khi ho, hắt hơi và bề mặt có chứa giọt bắt. Vì vậy, cần đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên khi tiếp xúc với người nghi nhiễm cúm. Cùng với đó, vệ sinh các bề mặt trong nhà, thường xuyên lau chùi, quét dọn, mở cửa sổ để không gian sạch sẽ, thoáng mát cọ rửa nhà vệ sinh sạch sẽ để tránh phát tán virus.

Thông qua bài viết này hi vọng sẽ giúp giải đáp được thắc mắc của người bệnh khi cảm cúm nên uống thuốc gì và làm sao để điều trị cúm tại nhà nhanh khỏi. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào về sức khỏe cần được tư vấn, thăm khám, có thể đến Bệnh viện Vinmec để được chẩn đoán bệnh và điều trị bởi đội ngũ bác sĩ chuyên khoa nhiều kinh nghiệm.

Để được tư vấn trực tiếp, Quý khách vui lòng bấm số

hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.
Tải ứng dụng MyVinmec
để đặt lịch nhanh hơn, theo dõi lịch tiện lợi hơn và
đặt tư vấn từ xa qua video
với bác sĩ Vinmec mọi lúc mọi nơi.

Rate this post

Viết một bình luận