Bí kíp sống ở Sài Gòn

Lương bao nhiêu sống được?

Rất nhiều lo lắng của người trẻ khi chọn sống ở Sài Gòn, như: vật giá ở Sài Gòn khá cao, thì mỗi tháng lương bao nhiêu là sống được? Liệu lương 6 triệu đồng một tháng thì có đủ sống ở Sài Gòn hay không?…

Chưa kể nhiều người ta thán “làm lương bao nhiêu cũng không đủ sống”, “luôn sống trong cảnh thiếu thốn ở Sài Gòn”… khiến những ai dự định chọn Sài Gòn để sống lo ngại.

Bí kíp sống ở Sài Gòn - ảnh 1

tin liên quan

Cười, khóc giữa Sài Gòn

“Lương tháng 10 triệu đồng nhưng luôn thâm hụt. Tháng nào cũng thiếu, tháng nào cũng hết. Rồi khi lương tháng lên được 13,5 triệu đồng, cũng rơi vào cảnh nợ. Nói chung,

“Lương tháng 10 triệu đồng nhưng luôn thâm hụt. Tháng nào cũng thiếu, tháng nào cũng hết. Rồi khi lương tháng lên được 13,5 triệu đồng, cũng rơi vào cảnh nợ. Nói chung, ở Sài Gòn, lương bao nhiêu cũng không đủ cả”, Nguyễn Văn Hiếu, đang làm việc ở Công ty TNHH XNK Hải Điền (Q.2, TP.HCM) than vãn.

Tuy nhiên, có những ý kiến cho rằng, “đủ hay không đủ, đều do mình cả”. Trần Bình An (công nhân Công ty TNHH Colgate Palmolive, TP.HCM) cho biết lương của anh hiện 7,5 triệu đồng/tháng nhưng An vẫn “sống phà phà”.

Bình An lý giải: “Mỗi tháng tiền trọ của mình 1,8 triệu. Chi phí xăng, tiêu lặt vặt khoảng 1 triệu đồng. Tiền ăn mỗi tháng 3 triệu đồng. Cũng còn dư, dù không nhiều, nhưng vẫn sống được”.

Chị Nguyễn Thị Thủy, làm việc ở Công ty TNHH thủy hải sản Thủy Hiền (Q.Tân Bình, TP.HCM) kể mỗi tháng dành dụm được gần 4 triệu đồng. “Lương mình gần 10 triệu đồng. Trừ tiền thuê nhà, tiền ăn, những chi phí phải chi tiêu thì vẫn còn dư”, Thủy nói.

Có những lập luận bảo: “Sống ở Sài Gòn, thành phố phát triển, năng động, tại sao phải lựa chọn cuộc sống… nhạt nhẽo. Nên đi coi phim, tận hưởng không khí ở những trung tâm thương mại, ca nhạc giải trí cuối tuần… thì mới ra ‘cách sống ở Sài Gòn’. Nói về điều này, Thủy bảo: “Mỗi người có sự lựa chọn cho cuộc sống khác nhau. Nhưng nếu ngoài giờ làm, về nhà với chồng, hạn chế đi ngoài đường, hay tự nấu ăn, thì rất đỡ, tiết kiệm được nhiều khoản”.

Với câu hỏi: “Lương (hay mức thu nhập) mỗi tháng bao nhiêu thì sống được ở Sài Gòn?”, phần lớn câu trả lời của những người trẻ đang sống ở thành phố đông dân này, dù đang làm công nhân, hay công chức, giới trí thức… thì có một điểm chung: “Chủ yếu do bản thân mỗi người. Lương ít, sống tiết kiệm thì vẫn sống được ở Sài Gòn. Lương cao, nhưng nếu tiêu chi quá đà, cũng dễ rơi vào thâm hụt”. 

Bí kíp sống ở Sài Gòn - ảnh 2

ẢNH: Như Lịch

Tự nấu ăn có thể tiết kiệm chi tiêu hằng tháng

“Người trẻ hay sa đà vào những việc chi tiêu không đáng, hoặc dành khoản tiền lớn cho những việc tiêu dùng không quan trọng. Việc tìm hiểu và học kỹ năng quản lý tài chính là điều quan trọng để có thể ‘sống tốt’ ở Sài Gòn”, Nguyễn Anh Tuấn, làm việc ở Công ty TNHH Nguyễn Trường Nguyễn (Q.Tân Bình, TP.HCM), nói.

“Mình có thói quen thiết lập kế hoạch chi tiêu hằng tháng, luôn nói không với những chi phí không đáng có, nếu đồ dùng ấy, vật dụng ấy không cần thiết, không sử dụng nhiều thì mình không mua. Ngoài ra, mình cũng có thói quen ăn sáng và ăn tối ở nhà…”, Nguyễn Mỹ An, làm việc ở Công ty TNHH Colgate Palmolive, TP.HCM, cho biết. Nhờ cách này, mỗi tháng An để dành được hơn 4 triệu đồng để gởi về cho gia đình ở quê.

Cẩn thận với trộm cắp

Theo anh Nguyễn Văn Hiếu thì nhiều người cho rằng Sài Gòn phức tạp, có nhiều cạm bẫy, cảm thấy không an toàn khi tham gia lưu thông bởi có thể là nạn nhân của nạn cướp giật, hoặc dễ bị mất trộm… “Điều đó không sai, nhưng vẫn luôn có cách để giảm thiểu, tránh trở thành nạn nhân của những tệ nạn trên”, Hiếu nói.

Theo Hiếu, khi ra đường, đừng bao giờ mang trên người những tài sản có giá trị. Túi xách, ví tiền nên bỏ trong cốp xe. Đừng vừa chạy xe vừa nghe điện thoại, cả ban ngày lẫn đêm khuya… Có như vậy thì sẽ hạn chế tình trạng bị cướp giật.

Với những người sống trọ, anh Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ kinh nghiệm: “Đừng để những tài sản có giá trị ở gần cửa sổ. Phải “đầu tư” cho ổ khóa, chốt cửa kỹ lưỡng. Nên đề xuất chủ nhà trọ lắp đặt hệ thống camera theo dõi, và mỗi khi đi làm, có thể nhờ hàng xóm xem giúp. Lưu ý với sự xuất hiện của những người lạ mặt lảng vảng ở khu trọ”.

“Ở khu mình trọ, nhiều người rất chủ quan. Đi làm về vì mệt, vì vội, nên vô phòng mà quên khóa cổ xe, hoặc ngủ quên mà không đóng cửa, mở toang cửa sổ, trong khi điện thoại, ví tiền để ngay cửa sổ… Nếu như vậy thì rất dễ xảy ra mất cắp. Ở bất kỳ nơi nào cũng có nguy cơ bị trộm, cắp cả. Điều quan trọng là mỗi người phải luôn đề cao cảnh giác, cẩn thận”, Hoàng Văn Quý, sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng, chia sẻ.

Quý cũng bảo, khi sống ở Sài Gòn, mọi người nên lưu ý và nhớ những con đường tắt, chú ý những con đường hay ngập, những con đường có nhiều trường học… Có như vậy thì đỡ phải rơi vào cảnh kẹt xe hỗn loạn hay ngập nước. “Có những con hẻm đi tắt rất tiện, nếu để ý thì khi sắp rơi vào cảnh kẹt xe, có thể chạy theo đường tắt. Hoặc khi trời mưa, hạn chế đi “những con đường hay bị ngập” thì đỡ vất vả hơn”, Quý nói thêm.

 

Bí kíp sống ở Sài Gòn - ảnh 3

Lưu Trân

Biết được những con hẻm đi tắt là cách hay để tránh kẹt xe hiệu quả

Và còn cả những “mẹo” tuy nhỏ nhưng rất hữu ích khi quyết định sống ở Sài Gòn, có thể kể như: đừng “sửng cồ” nổi nóng khi va chạm trên đường, cần hòa nhã, biết bao dung bỏ qua khi gặp những chuyện trên đường, tránh những mâu thuẫn không đáng có. 

Bên cạnh đó, điều mà nhiều người từng có kinh nghiệm sống ở Sài Gòn, luôn rỉ tai nhau, dành cho những người lần đầu đến Sài Gòn, có ý định chuyển đến sống ở Sài Gòn, đó là phải cẩn thận khi ra đường, biết cách “né” những chiêu lừa: dàn cảnh cướp xe, dàn cảnh để móc túi trên xe buýt…

“Cần tìm hiểu kỹ lưỡng, nhờ những người từng ở Sài Gòn chỉ dẫn kinh nghiệm, có như vậy thì vừa đỡ bỡ ngỡ khi chọn Sài Gòn để sống và làm việc, cũng như đỡ trở thành nạn nhân của những vụ lừa, trộm cắp, cướp giật…”, chị Nguyễn Thị Thủy chia sẻ.

Rate this post

Viết một bình luận