6 230 đã xem
Cho con bú mẹ hoàn toàn trong những tháng đầu đời là mong muốn của hầu hết các bà mẹ. Tuy nhiên không phải lúc nào mọi việc cũng như ý muốn nếu một ngày nào đó bỗng dưng mẹ bị mất sữa khiến mẹ không có đủ sữa cho con bú. Vậy nguyên nhân nào khiến mẹ mất sữa và mẹ phải làm gì để khắc phục tình trạng mất sữa khi cho con bú?
Mất sữa khi cho con bú là nỗi lo lắng của tất cả các bà mẹ
Nguyên nhân dẫn tới tình trạng mất sữa khi cho con bú
Sữa mẹ được tiết ra nhờ sự ảnh hưởng của hai nội tiết tố là prolactin và oxytocin. Khi bé bú mẹ, động tác mút vú của bé cũng tạo nên phản xạ tiết oxytocin, giúp mẹ có thêm nhiều sữa. Khi các nang ứ đầy sữa nhưng không được tiết ra ngoài, các tế bào sẽ sản sinh ít sữa lại. Nói cách khác, hoạt động bú mẹ của con chính là “chất xúc tác” mạnh mẽ giúp sữa tiết ra ngày càng nhiều hơn. Nếu bé càng ít bú thì khả năng mất sữa sau sinh sẽ càng cao.
Ngoài ra, các nguyên nhân gây mất sữa cũng đến từ nhiều lý do chủ quan và khách quan khác, bao gồm
– Stress, trầm cảm: Sau khi sinh nhất là những phụ nữ mang thai lần đầu thường rơi vào trạng thái tâm lý bất ổn. Tinh thần căng thẳng, stress khiến nội tiết tố thay đổi, mẹ dễ rơi vào trạng thái trầm cảm. Điều này làm ảnh hưởng không tốt đến sự hoạt động của tuyến yên, ảnh hưởng đến quá trình tiết sữa, làm lượng sữa ngày càng ít dần.
– Dinh dưỡng không đầy đủ: sữa mẹ được sản xuất ra từ máu mẹ, khi cơ thể mẹ không được bổ sung đầy đủ các vitamin và khoáng chất phải dùng nguồn dự trữ năng lượng trong cơ thể mẹ sản xuất sữa, khi nguồn dự trữ này cạn kiệt thì dẫn tới tình trạng ít sữa dần và mất sữa. Ngoài ra, việc kiêng khem ăn uống quá mức hoặc ăn uống quá khắc khổ sau sinh sẽ làm mẹ thiếu chất và không đủ dinh dưỡng để đảm bảo nguồn sữa mẹ.
– Không có thời gian nghỉ ngơi: Sau 9 tháng mang thai và đặc biệt là trải qua quá trình “vượt cạn”, người phụ nữ thường tiêu hao rất nhiều sức lực nên rất cần nghỉ ngơi để tăng tốc độ phục hồi cơ thể. Nếu không cơ thể sẽ chóng rơi vào tình trạng mệt mỏi và suy yếu, làm ảnh hưởng đến hoạt động của tuyến yên, khiến cơ thể rất khó tiết ra sữa nuôi con.
– Cho con bú chưa đúng cách : Cho bé bú đúng cách là phương pháp hiệu quả để kích thích tuyến vú tiết sữa. Nếu mẹ cho bé bú quá ít hoặc sai tư thế sẽ khiến tuyến vú không nảy sinh được phản xạ tiết sữa.
– Sinh mổ: Mặc dù sinh mổ vẫn có thể nuôi con bằng sữa mẹ nhưng việc tiết sữa ban đầu sẽ có phần khó khăn hơn do tác dụng phụ của thuốc kháng sinh.
– Cho bé bú bình sớm: Khi bé được bú bình sẽ quen với núm vú giả và bỏ bê sữa mẹ. Trong khi đó, sữa mẹ muốn tiết nhiều và không bị tắc phải cần bé mút bú liên tục.
– Không uống đủ nước: Nước là thành phần quan trọng trong việc “sản xuất” sữa của cơ thể. Nếu mẹ không uống đủ nước sẽ khiến tuyến vú không đủ nước tiết ra sữa.. Do đó, nếu thiếu nước cũng dẫn đến việc ít và mất sữa mẹ.
– Do thực phẩm dùng khi cho con bú: Nếu mẹ ăn phải một số loại thực phẩm như lá lốt, măng, bạc hà, lá dâu … hoặc các thức uống có chứa cồn cafein cũng có thể dẫn đến tình trạng mất sữa.
– Mất sữa do bị tắc tia sữa : Lượng sữa còn đọng lại trong bầu sữa nhiều sau mỗi lần bú không những làm tắc tuyến sữa, viêm vú, áp xe tuyến vú mà còn dẫn tới tình trạng mất sữa do khi bị căng sữa lâu cơ thể mẹ hiểu rằng sản xuất sữa vượt quá nhu cầu của bé nên tự điều chỉnh để sản xuất sữa ít đi.
Làm gì nếu mẹ bị mất sữa khi cho con bú?
Mất sữa sau khi sinh ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn dưỡng chất vô cùng quý giá cung cấp cho bé đồng thời cũng ảnh hưởng đến tâm lý của mẹ. Vậy phải làm gì nếu không may bạn lại rơi vào trường hợp này?
Cho trẻ bú nhiều và đúng cách là cách tốt nhất kích thích tạo sữa
Việc quan trọng nhất mà các mẹ cần làm trước tiên là phải kích thích tạo sữa bằng cách cho trẻ ngậm bắt vú mẹ càng nhiều lần càng tốt. Khi trẻ có dấu hiệu đói, mặc dù bà mẹ không cảm giác căng sữa nhưng cũng nên cho bé ngậm bú vú mẹ. Tốc độ tạo sữa dựa vào độ trống của tuyến sữa và ống dẫn sữa sau cữ bú. Càng trống, sữa tạo cho lần sau sẽ càng nhanh, tức là cho bú càng nhiều, sữa càng nhiều. Điều quan trọng nhất là phải cho trẻ bú thường xuyên và bú đúng cách thì vú sẽ tiết nhiều sữa. Trong một cữ bú, nếu bé bú không hết, mẹ nên dùng máy hút hoặc nặn bằng tay cho sạch sữa hai bên. Cữ bú sau, mẹ luôn phải bắt đầu từ bên ngược lại, không phải là bú một bên nhiều lần cho hết sữa.
Sự bài tiết sữa còn chịu ảnh hưởng bởi những ý nghĩ và cảm giác của bà mẹ. Nếu mẹ cảm thấy thoải mái, hài lòng yêu thương trẻ và tin tưởng vào nguồn sữa của mình thì vú sẽ chảy nhiều sữa, còn nếu mẹ luôn trong tâm trạng lo lắng buồn phiền sẽ hạn chế sự xuống sữa. Vì vậy, khi cho bé bú, tâm lý mẹ phải thật thoải mái thì sữa mới về nhiều và chất lượng.
Ngoài ra, trong thời gian cho con bú bà mẹ cần được sự yêu thương chăm sóc của các thành viên trong gia đình, nhất là người chồng, mẹ chồng, tránh những xích mích, cãi cọ trong gia đình, bởi vì yếu tố tinh thần đóng một vai trò rất quan trọng, nếu bà mẹ mất ngủ do suy nghĩ thì cũng sẽ mất sữa.
Về chế độ dinh dưỡng, các mẹ cần ăn đa dạng thực phẩm, ăn tăng hơn so với bình thường để có đủ năng lượng và chất dinh dưỡng. Khẩu phần ăn cần đủ bốn nhóm thực phẩm: chất đạm (thịt, cá, trứng, sữa, đậu đỗ…, chất béo (dầu, mỡ, bơ), chất đường bột (gạo, mì, khoai…), vitamin và khoáng chất (rau xanh và hoa quả tươi).
Mỗi ngày mẹ cũng nên uống từ 2,5 đến 3 lít nước bao gồm sữa, nước quả, nước canh, nước lọc…, nên uống trước khi cho con bú và cả sau khi cho con bú. Buổi tối trước khi đi ngủ bạn có thể uống một ly sữa, ban đêm sau khi cho con bú cần uống ngay một ly nước để sữa mau về.
Mẹ có thể ăn thêm một số món ăn truyền thống như cháo ninh cùng đu đủ xanh vừa mau nhừ xương, vừa có tác dụng lợi sữa. Có thể ăn thêm cháo lạc, cháo hoặc chè vừng đen. Hằng ngày có thể uống thêm cả nước chè vằng cũng có tác dụng kích thích tiết nhiều sữa nữa.
Tóm lại để khắc phục tình trạng mất sữa cho con bú mẹ hãy cho bé bú thường xuyên, đúng cách, nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ chất, uống nhiều nước ấm, không uống nước lạnh, bổ sung vitamin, uống thêm sữa, sữa non để tăng kháng thể, khoáng chất truyền cho bé.
Theo: Procarevn.vn