Chào chuyên gia
Tôi đã 40 tuổi, hiện tại tôi đã lập gia đình và có 2 con nhỏ, dạo gần đây tôi thấy chu kỳ kinh nguyệt không còn đều đặn như trước. Ngày xưa, vòng kinh khoảng 29 ngày, nhưng 3- 4 tháng trở về đây thì vòng kinh bắt đầu thưa hơn, phải 1 tháng rưỡi mới có kinh một lần, lượng máu kinh cũng ít hơn hẳn chỉ ra khoảng 2 – 3 ngày là hết. Ngoài ra, tôi hay bị đau rát, khó chịu âm đạo mỗi khi hai vợ chồng gần gũi.
Xin cho hỏi bị rối loạn kinh nguyệt như vậy ở độ tuổi này có sao không? Làm sao để khắc phục? Xin cảm ơn!
(Trần Thị Bích Hồng, Kỳ Anh, Hà Tĩnh)
Trả lời
Chào bạn
Hiện tại bạn đang 40 tuổi, người ta thường nói rằng ở độ tuổi này chưa hẳn đã già nhưng cũng chẳng còn trẻ.
Vì 40 tuổi là thời kỳ đầu của giai đoạn tiền mãn kinh, thế nên các chị em phụ nữ phải đối mặt với vô vàn nỗi lo về sức khỏe. Một trong số đó là vấn đề rối loạn kinh nguyệt.
Rối loạn kinh nguyệt tuổi 40 là do đâu?
Thường thì, phụ nữ có 2 thời điểm dễ bị rối loạn nhất trong cuộc đời đó là tuổi dậy thì và giai đoạn tiền mãn kinh.
– Ở tuổi dậy thì, 2 – 3 năm đầu kinh nguyệt chưa ổn định do hệ trục não bộ từ vùng dưới đồi đến tuyến yên – buồng trứng đang dần hoàn thiện nên chưa đi vào quỹ đạo cân bằng.
– Còn ở tuổi trung niên từ 40 trở đi, buồng trứng suy giảm chức năng, từ đó kéo theo sự lão hóa của vùng dưới đồi, tuyến yên. Hệ thống thần kinh – nội tiết suy thoái từ từ làm cho nội tiết tố bị mất câng bằng dẫn đến rối loạn kinh nguyệt.
Ngoài ra, những tác nhân bên ngoài cũng là một trong những yếu tố có ảnh hưởng rất lớn tới chu kỳ kinh nguyệt ở độ tuổi trung niên này. Ví dụ thay đổi khí hậu, điều kiện làm việc, stress, chế độ ăn uống kém lành mạnh đều có thể làm xáo trộn nội tiết và khiến kinh nguyệt trở nên bất ổn.
Có rất nhiều dấu hiệu bất thường khác nhau về chu kỳ kinh nguyệt xảy ra với những chị em trong độ tuổi 42 – 45.
Như trường hợp của bạn, vòng kinh bắt đầu thưa hơn, lượng máu ra ít hơn. Ngược lại, có những người vòng kinh rút ngắn lại có khi chỉ còn 25, 26 ngày, thậm chí là 21, 22 ngày. Đặc biệt, nếu phụ nữ ở tuổi trung niên có nhân xơ tử cung, mỗi lần có kinh nguyệt sẽ thấy máu kinh ra nhiều hơn, những ngày hành kinh kéo dài hơn (rong kinh)
Rối loạn kinh nguyệt chỉ là một trong hàng trăm vấn đề xảy đến với các chị em phụ nữ ở tuổi tiền mãn kinh. Thực chất ngọn nguồn của những rắc rối này đều xuất phát từ sự thay đổi nội tiết tố.
Chính vì lẽ đó mà phụ nữ tuổi 40 có thể gặp những biểu hiện tiêu cực khác về sức khỏe như là: bốc hỏa, khó ngủ, da dẻ xấu, sức đề kháng giảm, dễ mắc bệnh, tính tình thay đổi, xương khớp yếu, loãng xương do thấp thụ can xi kém, béo phì…
Không những vậy, chuyện chăn gối cũng không còn thăng hoa như trước. Lượng hormone estrogen giảm mạnh, vì thế dịch nhầy ở âm đạo và cổ tử cung tiết ra hạn chế, niêm mạc âm đạo teo mỏng. Chính điều này đã khiến cho các chị em bị đau rát khi quan hệ vợ chồng, ham muốn tình dục suy giảm, không đạt được cực khoái nên trốn tránh nghĩa vụ với chồng. Đời sống tình dục trong hôn nhân không còn hòa hợp sẽ dẫn tới nhiều bất hòa, nền tảng gia đình lung lay.
Vậy, làm sao để khắc phục rối loạn kinh nguyệt ở tuổi 40?
Rối loạn kinh nguyệt tuổi giai đoạn tiền mãn kinh là một phần tất yếu của quá trình lão hóa. Bạn không thể ngăn chặn một cách tuyệt đối tình trạng này xảy ra. Hầu hết mọi phụ nữ sẽ phải đối mặt với nó dù ít hay nhiều. Tuy nhiên, việc thay đổi thói quen sống khoa học và lành mạnh hơn là điều vô cùng cần thiết để hạn chế tối đa sự ảnh hưởng của rối loạn kinh nguyệt xảy đến.
Vì vậy, để khắc phục những bất ổn về kinh nguyệt ở tuổi 40, bạn nên lưu tâm hơn đến những vấn đề sau đây:
- Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, ăn nhiều rau xanh, hạn chế chất béo, tinh bột để giữ cân nặng ổn định, tránh béo phì
- Chọn lựa những thực phẩm tăng cường estrogen tự nhiên như là mầm đậu nành, quả mọng, rau họ cải…để cân bằng nội tiết tố.
- Rèn luyện thể dục thể thao thường xuyên với các bài tập nhẹ nhàng, vừa phải như đi bộ, xe đạp, yoga…
- Cân bằng giữa nghỉ ngơi và làm việc một cách khoa học
- Ngủ đủ giấc, tránh sử dụng các chất kích thích.
Thăm khám sức khỏe định kỳ thường xuyên hơn từ 3 – 6 tháng/ lần, nếu nhận thấy có dấu hiệu bất thường cũng cần phải đi khám ngay. Đôi khi những vấn đề bạn gặp phải cũng có thể là triệu chứng tiềm ẩn của các bệnh lí phụ khoa nguy hiểm. Do đó việc điều trị kịp thời là rất cần thiết.
Trong vấn đề tình dục, nếu cảm thấy đau rát, chị em có thể chọn lựa những loại gel bôi trơn thích hợp để giúp cho “chuyện ấy” dễ dàng hơn. Cần mạnh dạn chia sẻ, tâm sự với chồng những lo lắng thầm kín của bản thân để nhận được sự thấu hiểu và đồng cảm.
Dù muốn hay không, sớm hay muộn thì phụ nữ đều phải đối diện với thời kỳ tiền mãn kinh và những ảnh hưởng của nó. Vì thế, các chị em nên chuẩn bị tâm lý từ trước và tìm hiểu những kiến thức cần thiết để có thể dễ dàng thích nghi và vượt qua giai đoạn khủng hoảng này.
Thân ái!