Rối loạn tuần hoàn não là một trong những dạng bệnh lý thần kinh nhiều người mắc phải, có thể gây ra những ảnh hưởng lớn đến công việc và cuộc sống người bệnh. Vậy rối loạn tuần hoàn não uống thuốc gì để nhanh chóng khỏi bệnh?
1. Rối loạn tuần hoàn não là gì?
Rối loạn tuần hoàn não là tình trạng não bị thiếu oxy do lưu trữ máu lên não giảm sút, từ đó các tế bào não sẽ bị tổn thương, chức năng não sai lệch hoặc ngưng trệ. Tình trạng này thường xảy khi có cục máu đông làm tắc mạch hoặc các mảng xơ vữa khiến mạch máu dày lên, lòng mạch bị thu hẹp.
2. Dấu hiệu rối loạn tuần hoàn não
Rối loạn tuần hoàn não hay thiểu năng tuần hoàn máu thường có nhiều triệu chứng khác nhau gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống người bệnh. Các triệu chứng thường khởi phát vào ban đêm và lúc sáng sớm.
- Đau nhức đầu: Xảy ra ở nhiều vị trí khác nhau như trán, gáy, các vị trí trên đầu, …Cơn đau xảy ra thường xuyên kèm với những hiện tượng khác như hoa mắt, ù tai, chóng mặt, mất thăng bằng, …
- Dị cảm: Cảm giác có kiến bò, tiếng ve kêu trong tai hay những triệu chứng dị cảm khác như đau sườn, đau mỏi vai gáy, tê bì chân tay, … do chức năng của hệ thống thần kinh suy yếu.
- Mất ngủ, ngủ không ngon giấc: Rối loạn tuần hoàn não gây ra rối loạn giấc ngủ như khó đi vào giấc ngủ, mất ngủ, ngủ không ngon giấc, ngủ hay mơ, thường xuyên thức giấc giữa đêm và khó ngủ lại, …chất lượng giấc ngủ không được đảm bảo ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người bệnh.
- Rối loạn cảm xúc: Người bệnh rối loạn tuần hoàn não, đau đầu, mất ngủ thường xuyên khiến tâm trạng bị thay đổi như căng thẳng, dễ cáu giận, thậm chí có thể dẫn đến bệnh trầm cảm.
- Mất tập trung, suy giảm trí nhớ: Tình trạng mất ngủ, đau đầu khiến người bệnh mất dần khả năng tập trung trong sinh hoạt cũng như công việc, khả năng ghi nhớ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người bệnh.
3. Nguyên nhân rối loạn tuần hoàn não
Mọi nguyên nhân làm cho máu lên não kém đều gây ra rối loạn tuần hoàn não. Cụ thể bắt nguồn từ những nguyên nhân dưới đây:
- Thiếu máu hồng cầu lưỡi liềm: Thiếu máu này có thể gây ra các rối loạn tuần hoàn não liên quan đến các tế bào máu có hình dạng không đều. Tế bào máu hình lưỡi liềm dễ tạo máu đông hơn so với các tế bào máu bình thường và làm cản trở lưu lượng máu đến não.
- Mạch máu bị đè nén: Sự tác động đè nén lên mạch máu có thể gây cản trở các động mạch mang oxy đến não dẫn đến các rối loạn tuần hoàn não. Khối u là một trong những nguyên nhân gây ra đè nén mạch máu.
- Nhịp nhanh thất: Có thể làm cho tim ngừng đập hoàn toàn dẫn đến sự ngưng chảy của dòng oxy. Hơn nữa, có thể hình thành các cục máu đông dẫn đến tình trạng thiếu oxy ở các bộ phận cơ thể.
- Tắc nghẽn động mạch do tích tụ mảng xơ vữa: Sự tích tụ các mảng xơ vữa ở động mạch có thể dẫn đến thiếu máu cục bộ. Dù chỉ một lượng nhỏ các mảng xơ vữa cũng có thể thu hẹp dòng chảy, làm cho khu vực đó dễ hình thành cục máu đông.
- Đau tim: Huyết áp và đau tim có mối liên hệ mật thiết với nhau gây ra rối loạn tuần hoàn não. Bệnh nhân bị bệnh tim dễ có huyết áp thấp làm cho quá trình dẫn oxy đến các mô bị thiếu.
- Dị tật tim bẩm sinh: Tim bị dị tật do bẩm sinh có thể gây ra thiếu máu do sự hình thành và liên kết động mạch chưa hoàn chỉnh.
- Bệnh lý xương khớp cổ: Các bệnh lý xương khớp như thoái hóa đốt sống cổ, thoát vị đốt sống cổ, … gây chèn ép lên hệ thống mạch máu, các rễ thần kinh đi qua vùng cổ và ảnh hưởng đến lưu lượng máu lưu thông lên não.
- Béo phì: Nguyên nhân dẫn đến các bệnh lý như tim mạch, huyết áp, tiểu đường, …làm tăng thêm mức độ nặng của tình trạng rối loạn tuần hoàn não.
- Tuổi tác: Người trung tuổi, người cao tuổi, chức năng cũng như hoạt động của nhiều cơ quan kém do lão hóa, kéo theo nhiều bệnh lý khác nhau và rối loạn tuần hoàn não là một trong số đó. Tuy nhiên, căn bệnh này ngày càng “trẻ hóa” người trẻ bị rối loạn tuần hoàn não ngày một nhiều.
- Stress, căng thẳng kéo dài: Áp lực trong công việc, môi trường sống, …dẫn đến stress, căng thẳng kéo dài, tác động xấu đến hoạt động của não, quá trình lưu thông máu não.
4. Biến chứng nguy hiểm của rối loạn tuần hoàn não
Thực tế, rối loạn tuần hoàn não có 2 dạng: cấp tính và mãn tính. Ở dạng cấp tính, triệu chứng thường chỉ xuất hiện trong vài giờ, vài ngày hay cũng có khi chỉ chốc lát và không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Tuy nhiên, những triệu chứng ban đầu này khá giống với với triệu chứng cảm thông thường vì vậy rất nhiều người chủ quan không chữa trị kịp thời dẫn tới bệnh chuyển sang mãn tính.
Một số biến chứng nguy hiểm do rối loạn tuần hoàn não gây ra đó là:
- Phù não: Rối loạn tuần hoàn não khiến máu không lưu thông, có thể làm cho não bị tích tụ quá mức chất lỏng trong không gian nội bào hoặc ngoại bào của não, tăng thể tích của não bộ, từ đó gây áp lực lớn tới thành não, dẫn tới bệnh phù não.
- Xuất huyết não: Máu lưu thông không đều gây áp lực lên các động mạch dẫn tới vỡ động mạch và xuất huyết ra khoang não.
- Động kinh: Rối loạn tuần hoàn não kéo dài có thể dẫn tới chứng bệnh động kinh. Tùy thuộc vào vùng tổn thương rộng hay không người bệnh sẽ có các biểu hiện khác nhau như co giật, mất ý thức trong thời gian ngắn hoặc mất trương lực cơ đột ngột.
- Đột quỵ: Tuần hoàn máu lên não có vấn đề có thể gây ra các ứ đọng máu tạo thành các khối máu đông, làm cho các tế bào ở khu vực đó chết dần dẫn đến đột quỵ lúc nào không hay biết.
5. Chẩn đoán rối loạn tuần hoàn não?
Trên lâm sàng, chẩn đoán rối loạn tuần hoàn não thông qua việc kiểm tra triệu chứng hỏi bệnh nhân về các dấu hiệu họ gặp phải thường xuyên như đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, dị cảm, mất ngủ, suy giảm trí nhớ. Sau đó mới tiến hành một vài xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh cận lâm sàng để đưa ra kết luận chính xác nhất.
Một số xét nghiệm chẩn đoán bệnh rối loạn tuần hoàn não hiện nay như là:
- Chụp CT scan, chụp cộng hưởng từ MRI
- Siêu âm doppler mạch máu
- Điện tâm dồ
- Đo chỉ số huyết áp cổ chân – cánh tay ABI
- Xét nghiệm máu: để kiểm tra các chỉ số lượng cholesterol, triglyceride, HDL-C,HbA1C, LDL-C trong máu
6. Thuốc dùng để điều trị rối loạn tuần hoàn não
Bị thiểu năng tuần hoàn não có chữa khỏi được không và cách nào để khắc phục nhanh tình trạng máu lên não kém? Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại thuốc bổ não, cải thiện, tăng cường tuần hoàn não và thúc đẩy quá trình lưu thông máu lên não. Trong đó phải kể đến những loại thuốc thông dụng được sử dụng dưới đây.
6.1. Piracetam
Piracetam có tác dụng đẩy mạnh chuyển hóa và glucose trên não, phục hồi những tổn thương não, duy trì khả năng tổng hợp năng lượng ở não, cải thiện tình trạng mất trí nhớ, thiếu tập trung, hoa mắt, chóng mặt.
Tuy nhiên, sử dụng Piracetam có thể xuất hiện những tác dụng phụ như mệt mỏi, mất ngủ, đau đầu, kích động, căng thẳng, mệt mỏi hoặc dị ứng, khó thở, sưng và sốt. Có thể giảm nhẹ tác dụng phụ bằng cách giảm liều.
6.2. Cinnarizine
Cinarizin có tác dụng chẹn kênh canxi chọn lọc đồng thời làm giảm hoạt tính co mạch của một số chất như adrenalin, serotonin, do đó làm tăng lưu lượng máu đến các vùng, giảm thiểu tình trạng thiếu oxy não, nâng cao sức đề kháng của tế bào thiếu oxy, cải thiện sự lưu thông vi mạch của não bộ và ngoại vi bị giảm sút. Ngoài ra, Cinarizin có tính kháng histamin, góp phần làm giảm một số triệu chứng của rối loạn tuần hoàn não.
Tuy nhiên, thuốc cũng có những tác dụng không mong muốn như buồn ngủ, đau miệng, khô họng, dị ứng, tức ngực, khó thở, mất tiếng, tiểu nhiều, ngất, tim đập nhanh.
6.3. Cerebrolysin
Cerebrolysin tác động vào tận phía trong của tế bào thần kinh, giúp biệt hóa, tăng sinh, điều hòa các chức năng của tế bào thần kinh, tăng cường sự dẫn truyền máu lên não, bảo vệ các tổn thương tế bào não do tình trạng thiếu máu gây ra.
Tuy nhiên, thuốc cũng gây ra tác dụng phụ làm tăng mẫn cảm có thể run, đau đầu hoặc tăng thân nhiệt.
6.4. Saponin
Saponin có tác dụng tương tự như nhân sâm, giúp tăng cường khả năng chống mệt mỏi, stress, cho lại sự tỉnh táo, tập trung, đồng thời tăng sự phục hồi trí nhớ, hạn chế sự gắn kết các tiểu cầu máu, cải thiện rối loạn tuần hoàn não.
6.5. Ginkgo biloba
Ginkgo Biloba giúp tăng lưu thông máu, tăng tuần hoàn máu não, cải thiện tốt triệu chứng rối tuần hoàn não, đau đầu, sa sút trí tuệ, chán não, lo âu, …và tốt hơn khi kết hợp với thành phần vitamin nhóm B như tiền Vitamin B1 (Fursultiamine), Cao Blueberry và Chondroitin có tác dụng hiệp đồng với nhau, giúp hỗ trợ điều trị rối loạn tuần hoàn não.
7. Lời khuyên của thầy thuốc
Không nên chủ quan, xem thường với bất kỳ bệnh lý nào khi không may mắc phải, đặc biệt là rối loạn tuần hoàn não. Bệnh xảy ra với nhiều nguyên nhân khác nhau nên để điều trị hiệu quả, người bệnh cần được khám bệnh, tốt nhất là khám ở các cơ sở y tế đủ điều kiện để xác định nguyên nhân, trên cơ sở đó, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị phù hợp.
Người bệnh tuân thủ sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, không tự ý tăng hoặc giảm liều, theo dõi phát hiện những tác dụng phụ của thuốc có thể xảy ra trong quá trình sử dụng, kịp thời báo cáo cho bác sĩ để được xử lý thích hợp.
Bên cạnh việc dùng thuốc để điều trị rối loạn tuần hoàn não thì việc cung cấp các thực phẩm giàu dinh dưỡng, hạn chế sử dụng các chất kích thích, bia rượu, thuốc lá, …hay tập thể dục cũng sẽ giúp quá trình điều trị mang lại hiệu quả. Mắc chứng rối loạn tuần hoàn não nên ăn gì tốt nhất? Đó là:
- Nho khô, mè, hạnh nhân, rau xanh, …chứa nhiều magie, khoáng chất giảm các chứng đau đầu cho người bệnh.
- Dầu ô liu chứa chất chống oxy hóa và vitamin E giúp cân bằng hormone trong cơ thể.
- Các loại thịt như thịt bò, thịt lợn, thịt dê, …chứa hàm lượng sắt rất cao, tăng quá trình tạo máu, cung cấp oxy cho các tế bào cơ thể, cải thiện triệu chứng rối loạn tuần hoàn não.
Ngoài ra, cải thiện rối loạn tuần hoàn não cần có một chế độ sinh hoạt khoa học, ngủ đủ giấc, tránh thức khuya.