Bổ sung trái cây trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày được coi là cách hỗ trợ điều trị bệnh thiếu máu đơn giản và hiệu quả nhất hiện nay. Vậy đâu là các loại trái cây có lợi cho bệnh nhân bị thiếu máu?
1. Nguyên nhân và triệu chứng điển hình chứng thiếu máu
1.1. Nguyên nhân gây thiếu máu
- Thiếu máu do viêm
Một số bệnh như ung thư, HIV/AIDS, bệnh thận, viêm khớp dạng thấp, bệnh Crohn và các bệnh viêm cấp tính hoặc mãn tính khác có thể cản trở việc sản xuất các tế bào hồng cầu. Những tình trạng này đều là nguyên nhân gây nên thiếu máu.
- Thiếu máu không tái tạo
Đây là tình trạng thiếu máu nguy hiểm và hiếm gặp, đe dọa đến tính mạng khi cơ thể không sản xuất đủ hồng cầu. Thiếu máu không tái tạo có thể do các nguyên nhân như nhiễm trùng, sử dụng một số loại thuốc, bệnh tự miễn và tiếp xúc với hóa chất độc hại.
- Thiếu máu do thiếu sắt
Thiếu máu do thiếu sắt là loại thiếu máu thường gặp nhất hiện nay. Tủy xương cần nguyên liệu sắt để tạo ra huyết sắc tố. Do vậy, nếu không có đủ chất sắt, cơ thể sẽ không thể sản xuất đủ lượng huyết sắc tố cho các tế bào hồng cầu.
- Thiếu máu thiếu vitamin
Bên cạnh sắt, cơ thể chúng ta cần vitamin B12 và folate để tạo ra đủ các tế bào hồng cầu khỏe mạnh. Một chế độ ăn thiếu vitamin và các chất dinh dưỡng quan trọng khác có thể làm giảm sản xuất hồng cầu.
Ngoài ra, một số bệnh nhân tiêu thụ đủ B12 không thể hấp thụ vitamin. Điều này có thể dẫn tới thiếu máu do thiếu vitamin, còn được gọi là thiếu máu ác tính.
- Tan máu bẩm sinh
Tan máu bẩm sinh là một bệnh lý huyết học có tính di truyền liên quan đến sự bất thường của hemoglobin, một loại cấu trúc protein trong hồng cầu có chức năng vận chuyển oxy. Ở những bệnh nhân bị tan máu bẩm sinh, các hồng cầu bị phá hủy quá mức dẫn đến tình trạng thiếu máu.
- Bệnh thiếu máu hồng cầu hình liềm
Thiếu máu hồng cầu hình liềm là một bệnh lý di truyền và đôi khi nghiêm trọng hơn là thiếu máu tán huyết. Nguyên nhân gây bệnh là do một dạng hemoglobin khiếm khuyết khiến các tế bào hồng cầu có hình dạng lưỡi liềm bất thường. Những tế bào máu bất thường này sẽ sớm mất đi, dẫn đến tình trạng thiếu hồng cầu mãn tính.
1.2. Triệu chứng thiếu máu
Các triệu chứng thiếu máu thay đổi tùy theo loại bệnh thiếu máu mà bệnh nhân mắc phải. Những triệu chứng thường gặp ở các loại thiếu máu bao gồm:
- Dễ mệt mỏi và mất năng lượng
- Nhịp tim thay đổi bất thường, đặc biệt là khi tập thể dục
- Khó thở và đau đầu, đặc biệt khi tập thể dục
- Khó tập trung
- Chóng mặt
- Da nhợt nhạt
- Chuột rút ở chân
- Mất ngủ
2. Thiếu máu nên ăn trái cây gì?
Trên các trang thông tin về sức khỏe, các trang mạng xã hội, chúng ta rất dễ bắt gặp các câu hỏi như “Thiếu máu ăn trái cây gì?”, “Thiếu máu ăn hoa quả gì?”… Những loại hoa quả được đề cập dưới đây đều có lợi ích cho sức khỏe những bệnh nhân bị thiếu máu.
2.1. Trái cây có múi
Các loại trái cây có múi như cam, bưởi, chanh, quất,… rất giàu vitamin C, giúp cơ thể hấp thu chất sắt từ thức ăn tốt hơn, từ đó cung cấp nguồn nguyên liệu cần thiết để sản sinh hồng cầu và huyết sắc tố. Theo khuyến cáo, những bệnh nhân thiếu máu nên ăn ít nhất một quả cam mỗi ngày.
2.2. Mận
Mận thường được biết đến với tác dụng nhuận tràng nhẹ, đồng thời là nguồn chất sắt rất tốt, trung bình trong một chén mận khô chứa 4.5 mg sắt và một cốc nước ép mận tươi cung cấp cho cơ thể khoảng 3 mg sắt. Một lượng nhỏ magie trong mận còn có tác dụng kích thích sản sinh hồng cầu và điều hòa quá trình vận chuyển oxy của máu. Ngoài ra, mận cũng giàu vitamin C, vitamin B6, kali, mangan, chất xơ.
2.3. Đào khô
Hàm lượng sắt có trong đào khô cao hơn so với đào tươi, trung bình 5 quả đào khô chứa khoảng 5.3 mg sắt. Ngoài ra, đào còn là một loại quả rất giàu vitamin C, hỗ trợ hệ tiêu hóa hấp thu chất sắt tốt hơn, bảo vệ mắt và giúp da sáng khỏe. Chúng ta có thể thêm đào khô vào ngũ cốc ăn sáng hoặc dùng để chế biến bánh và ăn hằng ngày.
2.4. Mơ khô
Mơ khô là một lựa chọn khác để trả lời cho câu hỏi “Thiếu máu ăn quả gì” bởi loại quả này rất giàu chất sắt. Trong 100g mơ sấy khô có khoảng 6mg sắt, đáp ứng 35% nhu cầu sắt hằng ngày của cơ thể. Ngoài ra, trong mơ khô cũng chứa nhiều kali, khoáng chất cần thiết cho hoạt động của tim, cơ và thận.
2.5. Nho khô
Tương tự mơ, nho khô cũng là nguồn chất sắt phong phú, trung bình mỗi cốc nước ép nho khô cung cấp 24% nhu cầu sắt khuyến nghị (tương đương khoảng 4.5 mg sắt), từ đó giúp cơ thể đối phó hiệu quả với tình trạng thiếu máu.
2.6. Dưa hấu
Dưa hấu là một loại trái cây mà bệnh nhân thiếu máu không nên bỏ qua. Trung bình trong một phần tám quả dưa hấu cỡ vừa chứa khoảng 1.5g sắt, ngoài ra dưa hấu cũng giàu vitamin C dưỡng chất quan trọng cho quá trình hấp thu sắt của cơ thể.
2.7. Chuối
Acid folic là một loại dưỡng chất đóng vai trò quan trọng và cũng là tiền chất cần thiết để tạo ra các tế bào hồng cầu khỏe mạnh. Chuối chính là nguồn cung cấp acid folic và sắt dồi dào, kích thích cơ thể tăng sản xuất huyết sắc tố và tăng lượng máu tuần hoàn.
2.8. Dâu tằm
Dâu tằm là loại trái cây có giá trị dinh dưỡng rất cao, đặc biệt cho người bệnh thiếu máu. Một cốc nước ép dăm tằm chứa khoảng 2.6 mg sắt, đáp ứng 14% nhu cầu sắt và 85% nhu cầu vitamin C khuyến cáo hằng ngày. Ngoài ra, loại quả này còn là nguồn chất chống oxy hóa tuyệt vời, giúp bảo vệ tim mạch, chống ung thư, tiểu đường.
2.9. Oliu
Oliu rất giàu chất sắt, trung bình trong 100g oliu chứa khoảng 3.3 mg sắt, cung cấp 18% nhu cầu sắt hằng ngày. Ngoài ra, Oliu tươi cũng là nguồn chất xơ, chất béo không bão hòa, vitamin A, vitamin E tốt cho sức khỏe, nhất là đối với người có vấn đề về tim mạch.
2.10. Cà chua
Cà chua là nguồn cung cấp vitamin C tuyệt vời giúp cơ thể tăng hấp thu sắt từ thức ăn. Bên cạnh đó, mặc dù hàm lượng sắt trong cà chua tươi khá thấp (khoảng 0.5 mg sắt/cốc nước ép) nhưng khi sấy khô hàm lượng sắt tăng lên, trung bình mỗi 1/2 cốc bột cà chua hòa tan có 3.9 mg sắt, đáp ứng 22% nhu cầu sắt của cơ thể.
2.11. Lựu
Lựu cũng là một trong những loại trái cây rất tốt cho người bị thiếu máu. Không chỉ giàu sắt, lựu còn bổ sung thêm vitamin C, A và E giúp cải thiện hàm lượng sắt trong cơ thể để tăng sản xuất huyết sắc tố của tế bào hồng cầu. Uống 1 cốc nước ép lựu mỗi ngày có thể giúp ngăn ngừa thiếu máu.
Việc tăng cường ăn những thực phẩm này sẽ giúp cơ thể khắc phục được tình trạng thiếu máu và những căn bệnh do thiếu máu gây nên. Do đó, bạn nên chú ý bổ sung đầy đủ trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày.
Bên cạnh việc áp dụng một chế độ ăn lành mạnh, bạn cũng nên chủ động thực hiện việc kiểm tra sức khỏe nhằm giúp phát hiện sớm những vấn đề bất thường, từ đó có kế hoạch điều trị đạt kết quả tối ưu. Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec có các gói sức khỏe tổng quát phù hợp với từng độ tuổi, giới tính và nhu cầu riêng của quý khách hàng với chính sách giá hợp lý. Sau khi có kết quả khám sức khỏe, nếu phát hiện các bệnh lý cần khám và điều trị, bác sĩ sẽ tư vấn và có những chỉ định phù hợp với từng tình trạng khách hàng.
Để được tư vấn trực tiếp, Quý Khách vui lòng bấm số hoặc đăng ký lịch trực tuyến TẠI ĐÂY. Tải ứng dụng độc quyền MyVinmec để đặt lịch nhanh hơn, theo dõi lịch tiện lợi hơn!