Không chỉ riêng Tư Ẩn, hầu hết giới pháp sư Việt đều săn lùng loại Huyết ngải độc thần tướng được cho là chúa tể trong thế giới ngải. Tuy nhiên, giới kiểm lâm khẳng định rằng, ở Việt Nam loại ngải này đã tuyệt chủng từ lâu. Giới tà thuật không đồng ý điều đó. Họ cho rằng, loại ngải đó vẫn tồn tại đâu đó trong vườn nhà một cao thủ tà thuật hoặc ẩn náu nơi nào đó trong rừng sâu, núi thẳm. Có nhiều lý do để giới tà thuật tin điều đó. Lý do cơ bản nhất là căn cứ vào… giai thoại.
Nuôi ngải như nuôi con so
Theo nhiều bậc kỳ lão, ngày xưa ở vùng rừng Bảy Núi (An Giang) và vùng Tây Nguyên, loại ngải chúa này mọc hoang rất nhiều. Khi còn mọc hoang, ngải chỉ là cây cỏ bình thường. Pháp sư dùng bùa chú “rước” ngải về vườn nhà “nuôi” rồi “luyện” để ngải có linh hồn. Khi được một pháp sư cao tay ấn “nuôi” và “luyện”, ngải sẽ có linh hồn bất diệt. Linh hồn ngải sẽ bám theo pháp sư để bảo vệ như vệ sĩ vô hình.
Khi pháp sư chết đi, “linh hồn” loại ngải chúa tể ấy sẽ bỏ đi lang thang vào trong rừng sâu trú ẩn mặc dù thân xác tàn lụi. Nó chờ đợi gặp một pháp sư “có duyên” trục về.
Chỉ cần nuôi được một cây “huyết ngải” là pháp sư đã chứng minh mình thuộc đẳng cấp siêu hạng trong giới tà thuật. Bởi theo lời đồn, người “yếu cơ” sẽ không “trục” được ngải về nhà khiến nó sẽ chết.
Các tài liệu “bí kíp” chép tay lưu truyền và lời kể của các pháp sư đang “hành nghề” cho biết, phép “trục” huyết ngải rất nhiêu khê. Khi phát hiện một “ông” ở rừng, pháp sư phải chờ đến đúng 0 giờ mới tiến hành bứng ngải.
Đầu tiên, pháp sư phải đốt nhang rồi vái lạy 4 phương trời, 10 phương Phật rồi tay bắt ấn quyết trừ vong để các vong hồn ma quỉ không nhập vào thân ngải. Cùng lúc đó, pháp sư phải đọc câu thần chú thỉnh ngải “Ohm bok chau bon thum xa…”.
Xong thủ tục lễ, pháp sư dùng máu của mình rưới lên hoa để ngải “no bụng”. Chờ ngải “ăn” xong, pháp sư dùng 1 củ ngải đen (đã ếm chú, thổi bùa yêu từ hàng tháng trước) phất xung quanh cây huyết ngải để nó bị mùi hương mê hoặc.
Chờ cho huyết ngải bị “lú lẫn” vì bùa yêu, pháp sư mới dùng tay bới nhẹ nhàng xung quanh gốc. Lúc này, pháp sư phải liên tục đọc nhiều bài thần chú cao cấp để ngải hôn mê. Suốt thời gian “trục ngải” pháp sư không được để trong người bất cứ món đồ kim loại nào. Nếu không “mộc khắc kim” sẽ làm ngải chết.
Bứng xong, pháp sư cho cây ngải vào chậu chứa sẵn một loại đất. Để có loại đất này, pháp sư phải dùng đất sét nặn thành ông táo bếp nấu cơm. Sau khi ông táo đã hoàn thành nhiệm vụ nấu cơm suốt 3 tháng, pháp sư giã nhuyễn thành đất mịn cho vào chậu đất nung để trồng ngải.
Anh Luong và tác giả
Khi về đến nhà, pháp sư để nguyên chậu tiếp tục nuôi hoặc chuyển ngải vào vườn nhà. Đất trồng ngải phải là loại đất giã nhuyễn từ ông táo nấu cơm trộn với cát, tuyệt đối không để trộn lẫn rác, phân.
Trong 7 ngày đầu, cách 1 giờ, pháp sư phải đọc thần chú cho ngải nghe. Kết thúc ngày thứ 7, lúc 0 giờ, pháp sư bắt đầu cho ngải ăn bữa đầu tiên bằng máu gà có pha máu người “nuôi”.
Đến 0 giờ ngày thứ 99, nếu ngải vẫn còn sống thì xem như cuộc “trục” ngải thành công. Nếu ngải chết sau ngày thứ 99, linh hồn ngải vẫn bám theo pháp sư để bảo vệ hoặc tấn công người khác theo lệnh. Tuy nhiên, “công lực” của loại ngải “chết non” ấy không “mạnh”. Ngải từ 3 năm tuổi trở lên mới đủ trí khôn luyện thành những cao thủ vô hình.
Ngải càng lớn tuổi, sức học càng mạnh, công lực càng cao. Tuổi của ngải trở thành thước đo công lực phép thuật của người nuôi ngải. Người yếu phép thuật, ngải chỉ sống đến 1 năm. Pháp sư bậc trung nuôi ngải được 3 năm. Pháp sư cao cường sẽ nuôi ngải sống trường thọ bằng tuổi mình.
Đem được về vườn nhà trồng là một chuyện, nuôi dưỡng để “huyết ngải” tươi tốt là chuyện khác và luyện để ngải có linh hồn lại là chuyện khác nữa.
Bí truyền luyện ngải
Giới tà thuật cho rằng, ngải được “nuôi” sẽ có linh hồn như con người. Ngải dưới 3 tuổi có tính tình giống một đứa trẻ, cũng giận, hờn, đùa giỡn, hay phá phách và không biết vâng lời.
Để ngải vâng lời, pháp sư phải dạy dỗ bằng những phương thuật ếm, chú gọi là “luyện ngải”. Với các loại ngải khác, họ dùng củ để luyện nhưng với huyết ngải, họ dùng hoa.
Mỗi đài hoa huyết ngải luôn có những giọt nước như giọt sương gọi là “thủy tử”. Pháp sư chờ ngày trăng tròn, dùng 1 cái lọ thủy tinh hớt từng giọt thủy tử. Lọ thủy tinh chứa thủy tử được đặt trên bàn thờ tổ dưới 1 ngọn lửa nến. Hàng ngày pháp sư phải niệm chú vào lọ thủy tử.
Đến ngày thứ 49, thủy tử trở thành một loại nước đặc sệt dưới đáy lọ thủy tinh. Lúc này, pháp sư lại dùng lọ thủy tử “bẻ răng” rết 49 lần và rắn 49 lần. “Bẻ răng” là cách gọi của việc chiết nọc độc từ 2 con vật này. Lọ thủy tử có chứa nọc rết và rắn lại được để lên bàn thờ tổ hong nến và nghe niệm chú 49 ngày nữa cho cô đặc như hắc ín. Pháp sư se chất độc đó thành một viên thuốc tễ gọi là Khalamay.
Mỗi khi có đám ma, thầy Ba Cao Lãnh xin vào cúng rồi lén nhét Khalamay vào tay tử thi để ngải hút sinh khí người chết. Sau 5 lần hút sinh khí, Khalamay sẽ được nhét vào miệng con rắn độc. Sau khi rắn chết, thầy Ba Cao Lãnh mổ bụng rắn lấy nguyên dạ dày có chứa Khalamay ra phơi thật khô rồi tán nhuyễn thành bột cất vào lọ thủy tinh nhỏ hoặc đổ vào chai dầu gió.
Để thử công năng của ngải, pháp sư “thư ếm” một con chó. Nếu chó lăn ra chết hoặc không hề hấn gì thì ngải đã bị luyện sai, phải đào hố chôn. Ngải luyện đúng bài nạn nhân không được chết ngay mà phải chết dần mòn.
Muốn “thư ếm” ai, pháp sư chỉ cần nhúng móng tay út vào bột Khalamay rồi bắt ấn quyết, miệng niệm thần chú. Thủ pháp bắt ấn có nhiều động tác búng ngón tay út về phía đối thủ nghe tí tách. Hồn ngải nghe tiếng tí tách này nhập vào đối thủ. Người bị thư ếm không chết ngay mà những ngày sau sẽ bị thổ huyết, tay chân lở loét, bụng trướng, nói lảm nhảm như ma nhập, bệnh nặng dần rồi chết. Người bị “trúng” Huyết ngải độc thần tướng phải đến pháp sư xin tội, cúng lễ “trục” ngải.
Để “trục ngải”, pháp sư phải dùng một loại ngải khác vẽ bùa trên giấy rồi đốt thành tro hòa nước lã cho bệnh nhân uống.
Rất nhiều bậc kỳ lão sống ở vùng đồng bằng sông Cửu Long đã từng tận mắt chứng kiến nạn nhân bị trúng huyết ngải và cả pháp sư trục ngải. Họ khẳng định, người bị thư ếm, chỉ cần uống bùa của pháp sư cao tay ấn là tỉnh táo ngay. Đó là lý do tà thuật tồn tại đến ngày nay.
Liệu những huyền thuật về loại ngải độc này có thật?
TheoNông Huyền Sơn(CAND)