Biển cả là gì? Giải thích thuật ngữ Biển cả

BIỂN CẢ

“Biển cả” được hiểu như sau:

Vùng biển chung của tất cả các quốc gia, không thuộc chủ quyền của bất kỳ quốc gia nào.

Vùng biển không nằm trong vùng đặc quyền kinh tế, lãnh hải hay nội thủy của một quốc gia cũng như không nằm trong vùng nước quần đảo của một quốc gia quần đảo.

Biển cả được để ngỏ cho tất cả các quốc gia (dù có biển hay không có biển). Điều 2 Công ước Giơnevơ 1958 về biển cả và Điều 87 Công ước luật biển 1982 đểu ghi nhận chế độ pháp lý đặc thù của biển cả là chế độ tự do biển cả. Tự do biển cả bao gồm: tự do hàng hải; tự do hàng không; tự do đặt dây cáp và ống dẫn ngầm; tự do xây dựng các đảo nhân tạo và các thiết bị khác được pháp luật cho phép; tự do đánh bắt hải sản; tự do nghiên cứu khoa học.

Khi hoạt động trên biển cả, tàu thuyền có địa vị pháp lý bình đẳng với nhau. Quyền tài phán đối với tàu thuyền trên vùng biển cả theo nguyên tắc “luật quốc kỳ”, nghĩa là tàu thuyền chỉ chịu sự tài phán của quốc gia mà nó mang quốc kỳ. Các quốc gia phải chịu trách nhiệm đối với mọi hậu quả do tàu thuyền của nước mình gây ra ở biển cả. Biển cả còn được gọi là biển công, biển mở, biển quốc tế hay biển tự do.

Rate this post

Viết một bình luận