Biên giới quốc gia là gì? | Các Nước

Biên giới hay biên giới quốc gia là một cụm từ thường xuyên xuất hiện khi tìm hiểu thông tin các nước trên thế giới. Và thường được mọi người hiểu ngắn ngọn là đường giới hạn lãnh thổ của một quốc gia. Tuy nhiên, hiểu như vậy có đúng không và khái niệm chính xác của từ biên giới quốc gia là gì? Hãy cùng cacnuoc.vn tìm hiểu vấn đề này.

Biên giới quốc gia là gì?

Biên giới là ranh giới địa lý của các thực thể chính trị hoặc quyền tài phán hợp pháp, chẳng hạn như vùng lãnh thổ, các quốc gia có chủ quyền, các quốc gia liên hiệp và các thực thể địa phương (đơn vị hành chính quốc gia như: tỉnh, bang,… ). Biên giới được thiết lập thông qua các thỏa thuận giữa các thực thể chính trị hoặc xã hội kiểm soát các khu vực đó; việc tạo ra các thỏa thuận này được gọi là phân định ranh giới.

Biên giới quốc gia là ranh giới địa lý của một quốc gia được thiết lập thông qua các thỏa thuận của quốc gia đó với các quốc gia tiếp giáp. Biên giới quốc gia bao gồm biên giới trên đất liền, biên giới trên biển (nếu quốc gia đó tiếp giáp biển), biên giới dưới lòng đất và biên giới trên không. Biên giới quốc gia trên biển lại chia ra: vùng lãnh hải, vùng tiếp giáp và vùng đặc quyền kinh tế. Biên giới biển thường được các quốc gia xác định dựa trên các luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển.

Biên giới quốc gia được kiểm soát hoàn toàn bởi quốc gia đó và chỉ có thể vượt qua hợp pháp tại các trạm kiểm soát biên giới được chỉ định. Biên giới quốc gia là bất khả xâm phạm. Việc vi phạm biên giới quốc gia bị pháp luật quốc tế coi là xâm phạm chủ quyền quốc gia và làm phát sinh trách nhiệm quốc tế.

Khái niệm trong luật Việt Nam

Biên giới quốc gia của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là đường và mặt thẳng đứng theo đường đó để xác định giới hạn lãnh thổ đất liền, các đảo, các quần đảo trong đó có quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, vùng biển, lòng đất, vùng trời của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Biên giới Việt Nam

Biên giới Việt Nam phân định lãnh thổ, lãnh hải của Việt Nam với các quốc gia chung quanh. Việt Nam có tổng cộng 4.639 km biên giới đất liền, với 3 quốc gia: phía bắc là Trung Quốc, phía tây là Lào và Campuchia; và 3.444 km biên giới biển, phân chia chủ quyền biển với các quốc gia như: Trung Quốc, Đài Loan, Philippines, Indonesia, Brunei, Malaysia, Campuchia

Dựa vào luật biên giới quốc gia Việt Nam mô tả cách xác định biên giới Việt Nam như sau:

  • Biên giới quốc gia được xác định bằng điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập hoặc do pháp luật Việt Nam quy định.
  • Biên giới quốc gia trên đất liền được hoạch định và đánh dấu trên thực địa bằng hệ thống mốc quốc giới.
  • Biên giới quốc gia trên biển được hoạch định và đánh dấu bằng các toạ độ trên hải đồ là ranh giới phía ngoài lãnh hải của đất liền, lãnh hải của đảo, lãnh hải của quần đảo của Việt Nam được xác định theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 và các điều ước quốc tế giữa Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các quốc gia hữu quan. Các đường ranh giới phía ngoài vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa xác định quyền chủ quyền, quyền tài phán của Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 và các điều ước quốc tế giữa Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các quốc gia hữu quan.
  • Biên giới quốc gia trong lòng đất là mặt thẳng đứng từ biên giới quốc gia trên đất liền và biên giới quốc gia trên biển xuống lòng đất. Ranh giới trong lòng đất thuộc vùng biển là mặt thẳng đứng từ các đường ranh giới phía ngoài của vùng đặc quyền về kinh tế, thềm lục địa xuống lòng đất xác định quyền chủ quyền, quyền tài phán của Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 và các điều ước quốc tế giữa Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các quốc gia hữu quan.
  • Biên giới quốc gia trên không là mặt thẳng đứng từ biên giới quốc gia trên đất liền và biên giới quốc gia trên biển lên vùng trời.

Biên giới quốc gia của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền quốc gia, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế – xã hội, tăng cường quốc phòng và an ninh của đất nước.

Rate this post

Viết một bình luận