Biết cách quan tâm người khác, con sẽ trở thành người tử tế | Prudential Việt Nam

Nếu như ở bài trước, Prudential đã cùng bạn tìm hiểu những cách để dạy trẻ biết cảm thông thì bài viết này sẽ mang đến cho bạn các bí quyết biến sự đồng cảm của con thành hành động quan tâm người khác nhé!

Theo Tiến sĩ tâm lý Anne Wien (Đại học York, Toronto), “sự quan tâm” chính là điều quan trọng để trẻ gìn giữ các mối quan hệ sau này. Bà cũng đưa ra những lời khuyên để phụ huynh dạy con kỹ năng quan tâm người khác từ thuở ấu thơ.

Giúp trẻ gọi tên “cảm xúc”

Chàng trai 2 tuổi nhà bạn chưa thể hiểu rõ và định nghĩa được các loại cảm xúc. Hãy giúp con bằng cách kể cho con nghe những câu chuyện, hình ảnh và đặt câu hỏi để con tự cảm nhận và gọi tên cảm xúc đó. Ví dụ như khi thấy con giành đồ chơi với bạn, cười nhạo khi bạn trượt chân… bạn hãy đặt câu hỏi cho con: “Con sẽ cảm thấy sao nếu bị người khác giành đồ chơi? – tức giận đúng không?”, “nếu con bị vấp té mà bạn lại cười con thì lúc đó có phải con xấu hổ không?”. Đặt câu hỏi khác nhau tùy theo tình huống sẽ giúp trẻ có khả năng nhận diện cảm xúc đa dạng hơn.

Còn một cách khác giúp trẻ nhận diện cảm xúc đó là thông qua những bức ảnh. Bạn có thể chụp lại những khoảnh khắc của bé, như hốt hoảng, khó chịu hay vui vẻ rồi cùng con sắp xếp vào album. Khi gắn ảnh vào album, bố mẹ có thể kể lại câu chuyện qua mỗi bức hình: chuyện gì đã xảy ra lúc đó, con hành động thế nào, mọi người phản ứng ra sao, cảm xúc đó là gì,… giúp bé nhìn lại hành động của mình, vừa có thêm từ ngữ diễn tả cảm xúc, từ đó lắng nghe cảm xúc của người khác dễ dàng hơn.

Làm mẫu cho bé

Tiến sĩ tâm lý Deborah Best (Đại học Wake Forest, ở Winston-Salem, Bắc Carolina) khuyên bố mẹ rằng cách tốt nhất để trẻ học được cách quan tâm người khác là cho trẻ thấy cách bố mẹ làm điều đó thế nào. Trong cuộc sống hằng ngày, bạn cần chú ý cách cư xử của mình, con bạn đang quan sát và học theo cách bạn hỏi về một ngày của vợ/chồng, giúp đỡ người lớn tuổi qua đường, biết nói “cảm ơn” với người phục vụ, hỏi thăm người thân bạn bè.

Khi bạn thể hiện sự quan tâm, trẻ sẽ dễ dàng bắt chước trong những tình huống tương tự. Tiếp đó, bạn hãy bảo trẻ thực hiện các hành động quan tâm, như đỡ bạn bị té trong sân chơi, cầm phụ đồ giúp mẹ khi đi siêu thị.

Dành sự quan tâm thích hợp cho mỗi người

Trẻ cần được hướng dẫn rằng mỗi người đều có suy nghĩ và cảm xúc khác nhau nên cách quan tâm với người này cũng không giống người kia.

Bạn hoàn toàn có thể chỉ cho con mình từ những cách đơn giản hằng ngày: “bố thích ăn cải nên lần sau mình sẽ dành phần cải cho bố nhiều hơn nhé”, “bà thích đi dạo lắm đấy, cuối tuần này nhà mình sẽ cùng bà đi dạo nha”, hoặc “mẹ biết con thích ăn thịt gà nên mẹ chia thêm cho con một phần đây”.

Khi trẻ lớn hơn chút, trẻ có thể thực hiện những hành động quan tâm rõ ràng hơn, như mang thêm ớt vào giờ ăn cho bố, mở vòi nước để ông tưới cây… Lúc đã dần quen với việc quan tâm cho từng người đều khác nhau, bạn có thể gợi ý trẻ đến dỗ dành một bé đang khóc trong sân chơi, chia sẻ bánh ngon với bạn hàng xóm… Thực hiện hành động chia sẻ yêu thương thường xuyên lâu ngày sẽ trở thành thói quen. Rồi sẽ có ngày bạn cảm thấy tự hào vì con mình biết để ý và quan tâm người khác.

Hãy đón xem bài tiếp theo với nội dung giúp trẻ giữ bình tĩnh , kỹ năng quan trọng để con trở thành người tử tế khi lớn lên. 

Rate this post

Viết một bình luận