(GDVN) – “Cho con theo học nơi này cả năm nhưng con chẳng tiến bộ gì, vốn tiếng Anh học được chỉ là vài bài hát, vài câu chào quen thuộc”.
LTS: Nhận thức được tầm quan trọng của tiếng Anh trong xu thế phát triển hiện nay, ngày càng nhiều trung tâm tiếng anh xuất hiện.
Với những lời quảng cáo hoa mỹ, các trung tâm này đủ các kiểu chào mời học sinh. Tuy nhiên, cô giáo Thuận Phương đặt câu hỏi về việc kiểm soát các trung tâm này.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!
Hiện nay, ở một số địa phương, đang thi nhau nở rộ các trung tâm Anh ngữ, điều đáng nói các trung tâm này đều mang những cái tên nước ngoài rất oách và quảng cáo một cách rầm rộ.
Nhờ thế, các trung tâm đã chiêu sinh được một lượng học sinh không nhỏ tới đăng kí theo học.
Chẳng biết có cơ quan quản lý nào kiểm soát chất lượng của các trung tâm đào tạo tiếng Anh trong khi không ít phụ huynh cho con vào học một thời gian tốn biết bao tiền học phí mới bị “vỡ mộng?”
Quảng cáo trên trời, học phí ngất ngưởng
Trong một thị xã bé tí mà có tới vài trung tâm Anh ngữ. Nào là trung tâm tiếng Anh Mĩ Úc, trung tâm tiếng Anh Dila, trung tâm tiếng Anh Mĩ Việt, trung tâm tiếng Anh Úc Châu…
Trung tâm nào cũng quảng cáo vô cùng hấp dẫn kiểu: Học giáo viên nước ngoài; Học chương trình Quốc tế; Học chương trình trên trường; Học Thuật ngữ toán học; Phát âm rèn giọng; Tham gia Summer Camp; Tham gia dã ngoại hè; Giáo viên Việt Nam từ Anh văn Hội Việt Mỹ, Đại học Quốc gia, chuyên sư phạm…
Ngoài ra, các trung tâm này còn đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi như bốc thăm trúng thưởng mức học phí đến cả triệu đồng…
Để khẳng định thương hiệu nên mức học phí nơi đây chưa hề rẻ. Một tháng học sinh tiểu học được học 3 buổi/ tuần học phí phải trả gần 1 triệu đồng/tháng.
Chưa kể những khoản tiền khác như tiền mua tài liệu học tập cũng chỉ vài ba cuốn sách phô-tô nhưng phụ huynh phải tốn đến dăm trăm ngàn đồng.
Bí quyết chiêu sinh
Những trung tâm này không biết bằng cách nào đó mà có quyền ngang nhiên vào các trường học để quảng cáo. Họ thường mượn danh tổ chức cho học sinh buổi ngoại khóa tiếng Anh.
Học sinh các trường được lùa ra sân trường, những giáo viên tại trung tâm này chọn một lớp vài em tổ chức cho các em chơi trò chơi, trả lời một số câu tiếng Anh thông thường như tên, tuổi, học lớp, trường, một số câu chào, câu chúc rồi phát tờ rơi quảng cáo.
Cuối cùng, người đại diện giới thiệu về trung tâm của mình với những quảng cáo trên trời như thế.
Vài ba tháng, các trung tâm này tổ chức cho học sinh cấp 1 trên của các trường tham gia kì thi Starters Challenge rồi cấp bằng, cấp học bổng…
Một năm vài lần, trung tâm gửi thư mời về trường, giáo viên chủ nhiệm được hiệu trưởng giao nhiệm vụ phát thư mời học cho từng học sinh.
Điều lạ lùng, họ có đầy đủ danh sách học sinh các trường nên thư mời ghi tên đích danh từng em một.
Điều này đã giúp việc chiêu sinh của các trung tâm trở nên thuận lợi. Có không ít phụ huynh nói “Thấy cô phát thư mời về tưởng nhà trường bắt buộc đi học nên phải đăng kí cho con đi học dù tiếng Việt nó học còn yếu”.
Treo “đầu dê, bán thịt chó”
Với cam kết giáo viên dạy là người bản ngữ, giáo viên Việt Nam từ Anh văn Hội Việt Mỹ, Đại học Quốc gia, chuyên sư phạm nhưng thực chất toàn là những sinh viên các trường cao đẳng, đại học làng nhàng chưa xin được việc làm.
Giáo viên bản ngữ thi thoảng cũng về đứng lớp nhưng chủ yếu là “Tây ba lô” đi du lịch.
Một giáo viên ở trung tâm bật mí “Nếu thuê giáo viên bản ngữ có bằng cấp sư phạm thì tốn rất nhiều tiền nhưng thuê “Tây ba lô” lại rất rẻ”.
Chất lượng giảng dạy
Không ít phụ huynh bị ‘hớp hồn” bởi những màn quảng cáo ấn tượng như thế nên dù học phí có mắc gấp 5 lần học phí ở các trường học họ cũng bấm bụng cho con theo học với hy vọng các em sẽ nói giỏi tiếng Anh.
Nhiều phụ huynh than phiền “Cho con theo học nơi này cả năm nhưng con chẳng tiến bộ gì, vốn tiếng Anh học được chỉ là vài bài hát, vài câu chào quen thuộc”.
Chị Mai, sau khi cậu con trai theo học ở đây được 6 tháng, do quá chủ quan nên chị không kiểm tra cách học, sự tiếp thu của con.
Trong một lần ngồi bên con xem con học, chị mới phát hiện cậu bé không biết viết chữ dù những âm vần rất đơn giản.
Chị tá hỏa, hỏi cậu bé cặn kẽ mới được biết con học chủ yếu là phát âm, là chơi trò chơi, đóng kịch, xem phim, xem hoạt cảnh… tạo cho trẻ vui, hứng thú và rất thích đi học (Đây chính là mục tiêu của trung tâm).
Không ít gia đình khi nhận ra chất lượng đào tạo thật của trung tâm lập tức cho con nghỉ học. Nhưng họ thấy tiếc vì cũng đã tiêu tốn vào đó mất mấy triệu tiền học phí.
Ngành giáo dục địa phương cho phép mở trung tâm đào tạo tiếng Anh cũng đừng nên bỏ ngỏ khâu giám sát, kiểm tra. Có như vậy, chất lượng học mới thật sự được nâng lên và người dân cũng sẽ tránh mất tiền oan.
Thuận Phương