Món sùng đất um với đọt thiên niên kiện.
Theo nhiều già làng Cơ Tu, sùng đất là một ấu trùng của một loại côn trùng nào đó, có thể là ấu trùng của con bọ hung. Sùng đất có thân hình bằng ngón tay út người lớn, màu trắng ngà, hoặc trắng xanh, hoặc vàng. Đầu màu cánh kiến bằng kitin cứng, có hai cái răng màu đen nằm ngang.
Đốt, da có nhiều nếp nhăn, mỗi đốt có 1- 2 nếp (trừ 2 đốt cuối). Các đốt đều có lông tơ dạng móc câu. Chúng thường sống ở các bãi bồi ven sông hoặc tại các vùng đất pha cát và nhiều lá mục, hoặc ven các sườn đồi, nơi có đất ẩm thấp ở trung du, miền núi…
Hàng năm khi đến vụ Đông Xuân, bà con miền núi cày đất nà (bãi, biền ven suối) tỉa đậu, có người mang giỏ đi theo sau đường cày để nhặt sùng đất về nấu ăn.
Sùng đất chuyên cắn, ăn rễ hoa màu như đậu, bắp… nên bắt chúng, vừa bảo vệ hoa màu sau này, vừa có tí mồi đặc biệt để bồi dưỡng và nhâm nhi vào buổi chiều.
Chúng tôi thấy đồng bào đào sùng đất rất nhanh chóng. Khi đào được, tay phải nắm đầu, tay trái dùng móng tay xé khúc cuối da đuôi ra và dùng tay phải rảy mạnh, phần ruột đen sẽ văng ra ngoài, phần còn lại trong lớp vỏ mềm là chất dịch như sữa đặc, tương tự chất dịch trong con nhộng. Kết thúc buổi đào, họ mang giỏ sùng xuống suối rửa sạch.
Ông Trần Văn Cước (56 tuổi) là “chuyên gia” đào sùng đất ở thôn Tà Lâu (xã Ba, huyện Đông Giang- Quảng Nam) cho biết: “Người Cơ Tu nơi đây nhìn cây, cỏ trên mặt đất nơi có con sùng đất ở bị héo úa hoặc chết là xác định lũ con này đã và đang ăn, cắn đứt rễ của cây cỏ hoặc nơi nào có heo rừng ủi thì nơi đó có nhiều sùng đất, bởi vì mũi heo rừng rất thính và heo rừng rất khoái ăn loại con này.
Tuy nhiên, khi đào trên đồi thì toàn loại con nhỏ do đất đồi thiếu dinh dưỡng. Muốn bắt những con lớn (cỡ ngón tay cái), thì phải đào ở các bãi bồi ven suối, ven khe…”
Già làng Đinh Văn Bớt (68 tuổi), ở thôn Tà Lâu cho biết: “Tuy những người dân miền núi chưa hề đọc một tài liệu khoa học nào chứng minh con sùng đất có tác dụng trong y học, nhưng thực tế đã cho thấy là ăn nó thì rất ngon, ngọt đậm như thịt gà mà có tác dụng như làm các cơn đau khớp, nhức mỏi cũng bớt dần nên người Cơ Tu rất thích ăn con sùng đất này.
Ngoài ăn ngon ra, khi ăn con này, đời sống tình dục của người ăn được cải thiện đáng kể, nhất là người già. Cho nên thời xa xưa, những đàn ông Cơ Tu quý tộc có nhiều của cải nên nhiều vợ, và để đáp ứng nhu cầu “nhiều vợ”, họ cho người đi đào con này thường xuyên về dùng.
Đúng là “biệt dược” bổ thận, tráng dương, chữa chứng yếu sinh lý và đau lưng, khớp, nhức mỏi tay chân, chân run mắt mờ…”
Theo các thầy thuốc Đông y, con sùng đất từ xa xưa các thầy thuốc đã biết đến nó, liệt vào danh sách các loại dược liệu với công dụng làm cho các đấng nam nhi yêu mãnh liệt hơn.
Khi đào lấy sùng đất, rửa sạch, ngâm vào nước sôi khoảng 15- 20 phút, rồi vớt ra đem phơi hoặc sấy khô.
Dược liệu có vị mặn, tính hơi ấm, có tác dụng bổ thận, tráng dương, ích khí chữa chứng yếu sinh lý, đau lưng, chân tay nhức mỏi. Liều dùng hàng ngày từ 10- 20g dưới dạng hoàn tán hoặc rượu ngâm.
Rang sùng đất không cần dầu ăn, người ta bắc xoong lên bếp cho nóng, cho sùng đã rửa sạch để ráo vào khuấy đều, mỡ từ thân nó tươm ra, đủ để “rang” chín…
Không gì hấp dẫn hơn vào ngày đông rét mướt, hương thơm sùng đất lan tỏa bên bếp lửa hồng ấm áp, người già, trẻ con quây quần thưởng thức…
Sùng đất um với đọt non thiên niên kiện là món ăn truyền thống, hấp dẫn của đồng bào Cơ Tu với chức năng tăng cường công năng của sùng đất bởi theo Đông y, thiên niên kiện là “ngàn năm tráng kiện”.
Hai thứ này kết hợp thì “hết biết”, không có loại viagra nào sánh bằng. Song sùng đất chỉ xuất hiện trong thời gian ngắn trong năm và sau mùa mưa lụt, nên rất hiếm và ít người có dịp thưởng thức nhằm tăng cường khả năng “chiến đấu” của mình.