Đây là bệnh ngoài da phổ biến trong mùa mưa lũ, mà nguyên nhân chính là do tiếp xúc thường xuyên với nước hoặc do môi trường ẩm ướt, mang giày vớ bít kín mà không thay giặt thường xuyên hoặc bị chứng tăng tiết mồ hôi.
Tác nhân gây bệnh là các vi nấm sợi tơ như Trichophyton, Epidermophyton, Microsporum, hoặc cả vi nấm men Candida albicans.
Biểu hiện của bệnh
– Ở các kẽ ngón, lòng bàn chân, gót chân lớp da bên trên bị mủn trắng, có kẽ nứt, bên dưới là một nền da đỏ ướt, dịch tiết có mùi hôi rất khó chịu.
– Bệnh gây ngứa ngáy, khó chịu. Trong trường hợp bị bội nhiễm, bệnh nhân có thể sốt, nổi hạch bẹn và đau. Lúc bấy giờ bàn chân bị sưng tấy lên và có mủ.
Phòng ngừa chứng nước ăn chân
Để phòng ngừa chứng nước ăn chân, bạn cần:
– Vệ sinh đôi chân thường xuyên mỗi ngày.
– Chọn loại tất có chất liệu thấm hút tốt, và nên thay tất ít nhất 2 lần mỗi ngày.
– Luôn giữ cho đôi bàn chân được sạch sẽ và khô ráo giữa các ngón chân.
– Không nên mang giày suốt cả ngày.
– Không dùng giày, dép chung với người khác, rất dễ bị lây bệnh.
– Không nên đi giày, dép quá chật.
– Nên giặt tất với nước nóng để “tiêu diệt” vi khuẩn.
Điều trị nước ăn chân
Ở nước ta có nhiều loại cây thuốc dùng để trị nấm da cho kết quả tốt như:
– Lấy lá muồng trâu giã nát đắp sát vào kẽ chân.
– Lấy rễ cây táo rừng sắc nước đặc bôi vào kẽ chân.
– Trầu không giã nát bôi vào kẽ chân.
– Rau răm giã nát bôi vào kẽ chân.
– Ké đầu ngựa (còn gọi là thương nhĩ tử) sắc nước đặc bôi vào kẽ chân.
– Dùng một trong các loại sau hòa vào nước để ngâm chân: dấm, rượu, muối, gừng, phèn chua.
Hay bôi các thuốc trị nấm như:
– Trosyd (Thioconazol) cream 1%, bôi 1-2 lần/ngày.
– Sporiline 1 lần/ngày trong 6 tháng.
Có thể dùng thêm những loại thuốc uống để hỗ trợ, nhưng việc uống thuốc phải thận trọng theo chỉ dẫn của bác sĩ.