Từ 8 tuần tuổi, tai của thai nhi đã bắt đầu hình thành, 18 tuần tuổi em bé đã có thể nghe được tiếng nhịp tim mẹ đập nhịp nhàng. Đến 25 tuần tuổi em bé bắt đầu lắng nghe được giọng nói của mẹ và từ 27 tuần tuổi em bé thậm chí còn nhận ra và phân biệt được giọng nói của bố mẹ.
Các bố mẹ có thể thấy, thính giác của thai nhi phát triển từ rất sớm và rất nhanh. Vì thế, nếu có thể dành thời gian để chuyện trò, thủ thỉ đọc sách cho con nghe sớm thì em bé không chỉ phát triển thông minh hơn mà còn có sự gắn kết tình cảm tuyệt vời với bố mẹ. Điều này rất có ý nghĩa đối với sự phát triển cảm xúc, tinh thần của thai nhi.
Đọc sách cho con nghe ngay từ khi còn trong bụng mẹ giúp bố mẹ nuôi dưỡng tình cảm gia đình và tình yêu đọc sách cho trẻ từ sớm (Ảnh: HM).
Dưới đây là một số bí quyết chọn những cuốn sách phù hợp và thú vị để bố mẹ đọc cho con nghe:
1. Những truyện kể có nhịp điệu dịu dàng, ấm áp như những bài thơ
Những lời thơ ấm áp sẽ tạo nên những cuộc chuyện trò tuyệt vời cho bố mẹ và thai nhi trong suốt thời gian ở trong bụng mẹ (Ảnh: HM).
Ngoài việc lắng nghe những âm thanh bên trong cơ thể mẹ như tiếng nhịp tim, tiếng máu chảy đều đặn qua cuống rốn, thai nhi còn rất nhạy cảm với các âm thanh tiếp nhận từ thế giới bên ngoài.
Em bé có thể giật mình hoặc thay đổi tư thế trong bụng mẹ khi có tiếng động lớn đột ngột, đặc biệt, nhịp tim của em bé thường chậm lại khi mẹ đang trò chuyện. Điều đó chứng tỏ, những âm thanh dịu dàng, ấm áp và thân thương của bố mẹ có thể xoa dịu thai nhi, giúp em bé thư giãn và tràn ngập cảm giác bình an.
Cuốn sách nhỏ với nhiều câu chuyện tuyệt vời để bố mẹ thủ thỉ rù rì cùng con (Ảnh: HM).
Bố mẹ có thể đọc cuốn sách “Chuyện to, chuyện nhỏ (Thủ thỉ rù rì)” của tác giả Lizi Boyd cho em bé trong bụng nghe. Những lời thơ ngọt lịm như từng giọt mật sẽ giúp bố mẹ gửi cho con rất nhiều yêu thương.
“Bên chiếc ghế nho nhỏ
Có chú gấu to to
Chú thầm thì kể chuyện
Những câu chuyện hay ho…”.
Đó cũng là một “thủ thuật” vô cùng dễ thương để bố mẹ mở đầu câu chuyện với em bé, cứ như thế, thế giới với biết bao điều bé xíu và to đùng dễ thương lần lượt mở ra qua trừng trang sách.
2. Những truyện kể có nội dung về tình cảm gia đình, tình yêu dành trẻ nhỏ
Tình cảm yêu thương của bố mẹ luôn là điều tuyệt vời nhất nuôi dưỡng các em bé. (Ảnh: HM)
Trí thông minh cảm xúc là một trong những yếu tố tạo nên sự khác biệt vượt trội cho những đứa trẻ khi lớn lên. Kết nối tình cảm với con ngay từ khi con ở trong bụng mẹ chính là một trong những cách hiệu quả nhất giúp bố mẹ nuôi dưỡng và phát triển trí thông minh cảm xúc cho con.
Khi trẻ ở trong bụng mẹ, những truyện kể có nội dung về tình cảm gia đình, tình yêu thương dành cho trẻ chính là những câu chuyện phù hợp nhất để bố mẹ đọc cho thai nhi nghe hàng ngày.
Đừng ngại thủ thỉ cùng con những lời yêu thương mỗi ngày, bố mẹ nhé! (Ảnh: HM)
Cuốn sách “Bé bỏng ơi, bố ở bên con” của tác giả, nghệ sĩ châu Âu Soosh là một ví dụ. Những lời thủ thỉ giản dị nhưng tràn ngập yêu thương trong cuốn sách là thế giới đầy ắp tình yêu để bố mẹ cùng nói với con.
“Bố còn biết kể cho con nghe
những câu chuyện hay nhất trần đời
Bố khiến cho mọi nơi chốn
đều trở nên nhỏ xinh, ấm cúng…”.
Còn gì tuyệt vời hơn, khi mỗi khoảnh khắc em bé lớn lên, được đắm chìm trong những lời yêu thương như thế.
3. Những truyện kể mà cả nhà có để đọc chung với nhau, vừa đọc vừa tương tác với nhau và với cuốn sách
Vừa đọc những cuốn sách ấm áp, vừa tương tác với em bé trong bụng mẹ là một trò chơi tuyệt vời giúp bố mẹ kết nối với thai nhi. (Ảnh: HM)
Không phải chỉ sau khi chào đời trẻ mới tương tác và đáp lại những thông điệp mà bố mẹ gửi cho mình. Ngay từ khi có thể lắng nghe tiếng nói của bố mẹ, thai nhi đã có thể đáp lại bằng những cử động của mình. Vì thế, vừa trò chuyện vừa tương tác với con bằng những cử chỉ vuốt ve hay chạm nhẹ lên bụng mẹ là một cách để bố mẹ và con cùng chia sẻ với nhau một câu chuyện vui vẻ.
Vừa trò chuyện vừa tương tác với con bằng những cử chỉ vuốt ve hay chạm nhẹ lên bụng mẹ là một cách để bố mẹ và con cùng chia sẻ với nhau một câu chuyện vui vẻ (Ảnh: HM).
Ngoài những trò chơi thì đọc các cuốn sách tương tác như cuốn “Gõ nhẹ vào thân cây kì diệu” của tác giả Christie Matheson là một gợi ý giúp bố mẹ bớt lúng túng, ngượng ngịu khi chơi cùng em bé trong bụng mẹ.
Bố mẹ hãy thật thư giãn, mở từng trang sách, đọc cho em bé nghe và cùng chơi với con thật vui qua những tương tác được gợi mở trong cuốn sách:
“… Nào thử lại nhé! Gõ thêm một lần nữa (Bố mẹ có thể gõ cộc cộc vào mặt bàn chẳng hạn).
À há! Giờ thì cùng thổi một hơi thật êm…” (Bố có thể thổi nhẹ nhàng lên bụng mẹ trong lúc thủ thì cùng con).
Mỗi ngày chỉ cần dành thời gian chất lượng cho con từ 15 đến 30 phút ngay từ khi mang thai là một trong những cách giáo dục sớm cực kì hiệu quả (Ảnh: HM).
Mỗi ngày chỉ cần dành thời gian chất lượng cho con từ 15 đến 30 phút ngay từ khi mang thai là một trong những cách giáo dục sớm cực kì hiệu quả và có ý nghĩa đối với sự phát triển của trẻ. Một trong những cách đơn giản nhưng tuyệt vời nhất để dành thời gian chất lượng nuôi dưỡng thai nhi hạnh phúc từ trong bụng mẹ chính là bố mẹ hãy đọc sách, chuyện trò thủ thỉ với con qua những cuốn sách tuyệt vời.