TRƯỜNG THPT LÊ LỢI
ĐỀ THI THỬ THPT QG
MÔN: NGỮ VĂN
NĂM HỌC: 2021-2022
(Thời gian làm bài: 120 phút)
I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
Một lần tình cờ tôi đọc được bài viết “Hạnh phúc là gì?” trên blốc của một người bạn. Bạn ấy viết rằng: “Hạnh phúc là được nằm trong chăn ấm xem ti vi cùng với gia đình. Hạnh phúc là được trùm chăn kín và được mẹ pha cho cốc sữa nóng. Hạnh phúc là được cùng đứa bạn thân nhong nhong trên khắp phố. Hạnh phúc là ngồi co ro hàng giờ trong quán cà phê, nhấm nháp li ca-cao nóng và bàn chuyện chiến sự… thế giới cùng anh em chiến hữu…“.
Bất chợt giật mình, hạnh phúc đơn giản vậy sao? Ừ nhỉ! Dường như lâu nay chúng ta chỉ quen với việc than phiền mình bất hạnh chứ ít khi biết được rằng mình đang hạnh phúc. (9) Hãy một lần thử nghĩ xem: Khi chúng ta than phiền vì bố mẹ quá quan tâm đến chuyện của mình thì ngoài kia biết bao nhiêu người thèm hơi ấm của mẹ, thèm tiếng cười của bố, thèm được về nhà để được mắng; khi chúng ta cảm thấy thiệt thòi khi không được ngồi xe hơi chỉ vì phải chạy xe máy giữa trời nắng thì ngoài kia biết bao nhiêu bạn của chúng ta mồ hôi nhễ nhại, gò mình đạp xe lên những con dốc vắng; khi chúng ta bất mãn với chuyện học hành quá căng thẳng thì ngoài kia biết bao người đang khao khát một lần được đến trường, một lần được cầm cây bút để viết lên những ước mơ; khi chúng ta…
(Dẫn theo Bài tập Ngữ văn 11, tập 2, NXB Giáo dục 2007)
Câu 1: Xác định phong cách ngôn ngữ của đoạn trích. (0,5 điểm)
Câu 2: Tại sao tác giả lại “Bất chợt giật mình, hạnh phúc đơn giản vậy sao?”?(1,0 điểm)
Câu 3: Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong câu (9).(1,0 điểm)
Câu 4: Anh/Chị hãy rút ra thông điệp có ý nghĩa nhất trong đoạn trích trên. (0,5 điểm)
II. PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1.
Qua đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) bày tỏ suy nghĩ của mình về: Hạnh phúc của giới trẻ trong thời đại ngày nay.
Câu 2
Về nhân vật ông lái đò trong tùy bút “Người lái đò sông Đà” của Nguyễn Tuân, có ý kiến cho rằng: “Ông lái đò là một nghệ sĩ tài hoa”. Ý kiến khác thì nhấn mạnh: “Ông lái đò là một người lao động bình thường”.
Từ cảm nhận về nhân vật ông lái đò, anh/chị hãy bình luận những ý kiến trên ?
—- HẾT —-
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 1
PHẦN ĐỌC HIỂU
Câu 1: Xác định phong cách ngôn ngữ của đoạn trích. (0,5 điểm)
– Đoạn trích thuộc phong cách ngôn ngữ Chính luận
Câu 2: Tại sao tác giả lại “Bất chợt giật mình, hạnh phúc đơn giản vậy sao?” (1,0 điểm)
Tác giả “Bất chợt giật mình, hạnh phúc đơn giản vậy sao?” bởi vì:
– Khi nghĩ đến hạnh phúc thì con người thường nghĩ đến những gì cao xa, to lớn nhưng thực ra hạnh phúc là những gì rất giản dị, gần gũi quanh ta.
– Con người thường không nhận ra giá trị của những gì mình đang có, vì vậy thường “than phiền mình bất hạnh chứ ít khi biết được rằng mình đang hạnh phúc”.
Câu 3: Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong câu cuối đoạn văn? (1,0 điểm)
– Biện pháp tu từ được sử dụng trong câu (9): liệt kê, điệp ngữ, tương phản đối lập.
– Tác dụng:
+ Tạo giọng điệu thiết tha, hùng hồn, mạnh mẽ để tăng tính thuyết phục.
+ Nhấn mạnh sự tương phản về hoàn cảnh của chúng ta và biết bao nhiêu người để từ đó gợi ra quan niệm về một hạnh phúc giản đơn.
Câu 4: Anh/Chị hãy rút ra thông điệp có ý nghĩa nhất trong đoạn trích trên. (0,5 điểm)
– Thông điệp có ý nghĩa nhất trong đoạn trích:
– Chúng ta cần biết trân trọng những hạnh phúc bình dị, giản đơn nhưng thiết thực trong cuộc sống.
PHẦN LÀM VĂN
Câu 1
* Giải thích: Hạnh phúc là một trạng thái tâm lý của con người khi ta cảm thấy vui vẻ, thoả mãn. (Câu mở)
* Bình luận
* Giới trẻ hiện nay quan niệm về hạnh phúc như thế nào?
– Giới trẻ hiện nay có nhiều quan niệm khác nhau về hạnh phúc:
+ Hạnh phúc là hưởng thụ;
+ Hạnh phúc là trải nghiệm;
+ Hạnh phúc là sống vì người khác;
+ Hạnh phúc là hài hòa giữa lợi ích của cá nhân và cộng đồng…
* Vì sao giới trẻ hiện nay lại có những quan niệm khác nhau về hạnh phúc?
– Thời đại mà kinh tế xã hội ngày càng phát triển, con người dễ coi trọng lối sống vật chất, vì vậy dễ nảy sinh quan niệm hạnh phúc là hưởng thụ.
– Thời đại ngày nay cũng đặt ra nhiều thách thức, cơ hội, vì vậy giới trẻ cũng năng động hơn, dám sống dám trải nghiệm, dám hi sinh vì người khác…
* Bài học nhận thức và hành động
– Cần có những quan niệm đúng đắn về hạnh phúc.
– Luôn hoàn thiện mình để hướng tới một hạnh phúc chân chính.
Câu 2
* Vài nét về tác giả, tác phẩm
– “Nguyễn Tuân là một định nghĩa về người nghệ sĩ tài hoa” (Nguyễn Minh Châu). Toàn bộ cuộc đời cũng như gần 5000 trang viết của ông đã tạo nên một “huyền sử” – huyền sử của một người ưu lối chơi “độc tấu”.
– “Người lái đò sông Đà” được coi là một trong những tác phẩm thành công xuất sắc nhất trong “ Tùy bút sông Đà”. Với khát khao truy tìm “chất vàng mười của tâm hồn vùng Tây Bắc” – “thứ vàng mười đã được thử lửa” (Đi mở đường), Nguyễn Tuân đã viết lên bài ca cuộc sống của con người và thiên nhiên Tây Bắc với nhiều nét độc sáng mới lạ.
* Giải thích ý kiến
– Người nghệ sĩ tài hoa: là những người có rung động tâm hồn mãnh liệt trước mọi vui buồn của đời sống và có khả năng thể hiện những rung động ấy bằng những phương tiện nghệ thuật đặc thù. Ở ý kiến trên, người nghệ sĩ tài hoa được hiểu là người đạt tới trình độ điêu luyện trong nghề nghiệp và có đời sống tâm hồn đậm chất nghệ sĩ.
– Người lao động bình thường: là người lao động thầm lặng, vô danh, không tên tuổi giống như bao người lao động khác trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
—(Để xem tiếp đáp án phần Làm văn vui lòng xem online hoặc đăng nhập vào Học247 để tải về máy)—
I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 ĐIỂM)
Đọc đoạn thơ sau:
(1) “Giấc mơ của anh hề
Thấy mình thành triệu phú (…)
Giấc mơ người hát xẩm nhục nhằn
Thức dậy giữa lâu đài rực rỡ
Thằng bé mồ côi lạnh giá
Thấy trong tay chiếc bánh khổng lồ
Trên đá lạnh, người tù
Gặp bầy chim cánh trắng
Kẻ u tối suốt đời cúi mặt
Bỗng thảnh thơi đứng dưới mặt trời.
(2) Giấc mơ đêm cứu vớt cho ngày
Trong hư ảo người sống phần thực nhất
Cái không thể nào tới được
Đã giục con người
Vươn đến những điều đạt tới
Những giấc mơ êm đềm
Những giấc mơ nổi loạn
Như cánh chim vẫy gọi những bàn tay.
(3) Đời sống là bờ
Những giấc mơ là biển
Bờ không còn nếu chẳng có khơi xa…”
(Trích “Giấc mơ của anh hề” – Lưu Quang Vũ)
Trả lời các câu hỏi sau:
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được tác giả sử dụng trong đoạn thơ ?
Câu 2. Nêu tác dụng của phép đối lập được tác giả sử dụng trong đoạn (1) ?
Câu 3. Anh / chị hiểu như thế nào về nội dung của hai câu thơ:
“Giấc mơ đêm cứu vớt cho ngày
Trong hư ảo người sống phần thực nhất” ?
Câu 4. Anh / chị có đồng tình với tác giả khi ông cho rằng:
“Đời sống là bờ
Những giấc mơ là biển
Bờ không còn nếu chẳng có khơi xa…” ?
Lí giải vì sao?
II. PHẦN LÀM VĂN (7,0 ĐIỂM)
Câu 1 (2,0 điểm)
Từ nội dung đoạn thơ ở phần Đọc hiểu, hãy viết 01 đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về vấn đề: giấc mơ vẫy gọi con người.
Câu 2 (5,0 điểm)
Cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp tâm hồn người mẹ qua nhân vật bà cụ Tứ (“Vợ nhặt” – Kim Lân)
—- HẾT —-
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 2
I. ĐÁP ÁN PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 ĐIỂM)
Câu 1. Phương thức biểu đạt chính là: Nghị luận
Câu 2. Tác dụng của phép đối lập được tác giả sử dụng trong đoạn (1):
– Làm rõ sự tương phản giữa ước mơ và hiện thực
– Cho thấy giấc mơ chính là khát vọng của mọi người về một hiện thực tươi đẹp, hạnh phúc trong tương lai; đối lập với hiện thực đau khổ ở hiện tại.
Câu 3. Hai câu thơ:
“Giấc mơ đêm cứu vớt cho ngày
Trong hư ảo người sống phần thực nhất” có thể hiểu là:
– Những giấc mơ tươi đẹp vào ban đêm chính là “liều thuốc an thần”, giúp chúng ta giải tỏa căng thẳng, tạm thời quên đi những khó khăn, mệt mỏi trong cuộc sống thực ban ngày.
– Những điều đến với ta trong giấc mơ chính là cái khát vọng thầm kín nhưng chân thực nhất: đó là những điều ám ảnh ta nhất, khiến ta khát khao muốn đạt được nhất.
Câu 4.
Thí sinh tự do bày tỏ quan điểm, miễn là có lý giải phù hợp thì đều đạt điểm. Gợi ý:
– Đồng tình
– Lý giải:
+ Bờ luôn là cái nhỏ bé, trong khi biển luôn là cái rộng lớn, bao la. Cũng như vậy, đời sống luôn là cái hạn hẹp, nghèo nàn; trong khi đó giấc mơ luôn mở ra một thế giới vô cùng rộng lớn và phong phú.
+ Nếu không có biển, bờ sẽ không còn lí do để tồn tại. Cũng như vậy, nếu không có những giấc mơ, những khát vọng để hướng về những điều tốt đẹp; cuộc đời sẽ trở nên vô vị, mất hết ý nghĩa.
II. ĐÁP ÁN PHẦN LÀM VĂN (7,0 ĐIỂM)
Câu 1 (2,0 điểm)
Từ nội dung đoạn thơ ở phần Đọc hiểu, hãy viết 01 đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về vấn đề: giấc mơ vẫy gọi những con người.
Thí sinh có thể vận dụng các thao tác lập luận khác nhau để triển khai vấn đề cần nghị luận, tuy nhiên phải đúng trọng tâm mà đề bài yêu cầu. Có thể tham khảo hướng sau:
– Giấc mơ ở đây có thể hiểu là khát vọng vươn tới những điều tốt đẹp, để làm cho cuộc sống trở nên hạnh phúc hơn. “Giấc mơ vẫy gọi con người” muốn nói về ý nghĩa của giấc mơ trong việc thúc đẩy con người tiến về phía trước.
– Giấc mơ vẽ nên một viễn cảnh tươi đẹp, từ đó tạo ra động lực, niềm cảm hứng để giúp chúng ta tiến về phía trước.
– Giấc mơ giúp chúng ta có đủ sức mạnh để đối mặt và vượt qua những khó khăn
– Giấc mơ giúp chúng ta bớt bận tâm bởi những việc vô bổ; tránh xa những cám dỗ xấu xa để tập trung vào những việc có ích
– Giấc mơ giúp chúng ta có cái nhìn tích cực, lạc quan hơn về cuộc sống
Câu 2 (5,0 điểm)
Mở bài:
– Nêu những nét khái quát về tác giả Kim Lân và truyện ngắn “Vợ nhặt”
– Nêu ra được vấn đề: vẻ đẹp tâm hồn người mẹ qua nhân vật bà cụ Tứ
Thân bài:
1. Cảm nhận về vẻ đẹp tâm hồn của bà cụ Tứ
a. Giới thiệu: Bà cụ Tứ là một người mẹ nghèo khổ, lam lũ
b. Vẻ đẹp tâm hồn:
– Bà cụ Tứ là một người rất mực thương con:
+ Khi biết Tràng lấy vợ, bà vừa ai oán cho hoàn cảnh, vừa xót thương cho số kiếp con mình
+ Khi nghĩ đến cái hiện thực đói khát mà các con mình phải đối mặt, bà đã không cầm được nước mắt
+ Ở bữa cơm đón dâu, bà đã cố gắng, chắt chiu để có được nồi cháo cám, cố gắng để niềm vui của các con không bị gián đoạn
+ Khi nghe tiếng trống thúc thuế vang lên, một lần nữa bà lại khóc khi nghĩ đến cuộc sống của những đứa con mình.
– Bà là một người mẹ nhân hậu, bao dung:
+ Bà chấp nhận việc người phụ nữ theo không con mình, mà lại là theo không ngay giữa nạn đói
+ Không những thế, bà còn bày tỏ lòng yêu thương, cảm thông và biết ơn đối với người đàn bà xa lạ
– Bà cụ Tứ còn là một người mẹ giàu tinh thần lạc quan:
+ Khi hiểu ra việc Tràng lấy vợ, bà đã động viên, an ủi các con tin tưởng vào tương lai: Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời.
—(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 2 vui lòng xem online hoặc đăng nhập vào Học247 để tải về máy)—
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích:
Bài học về việc đón nhận thành công luôn thật dễ hiểu và dễ thực hiện. Nhưng đối mặt với thất bại, nhất là thất bại đầu đời, lại là điều không hề dễ dàng. Với tất cả mọi người, thất bại – nhất là thất bại trong các mối quan hệ – thường vẫn tạo ra những tổn thương sâu sắc. Điều này càng trở nên nặng nề đối với các bạn trẻ. Nhưng bạn có biết rằng tất cả chúng ta đều có quyền được khóc? Vậy nên nếu bạn đang cảm thấy cô đơn, tuyệt vọng thì hãy cho phép mình được khóc. Hãy để những giọt nước mắt ấm nồng xoa dịu trái tim đang thổn thức của bạn. Và hãy tin rằng ở đâu đó, có một người nào đó vẫn đang sẵn lòng kề vai cho bạn tựa, muốn được ôm bạn vào lòng và lau khô những giọt nước mắt của bạn… Muốn nhìn thấy cầu vồng, ta phải đi qua cơn mưa… Vì thế, hãy tin ngày mai nắng sẽ lên, và cuộc đời lại sẽ ươm hồng những ước mơ của bạn, một khi bạn còn giữ trong lòng ánh sáng của niềm tin.
(Theo Hạt giống tâm hồn dành cho tuổi teen, Tập 2 -Nhiều tác giả, NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2012, trang 02)
Thực hiện các yêu cầu sau:
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích.
Câu 2. Theo tác giả, điều gì có thể giúp con người đứng lên sau thất bại?
Câu 3. Chỉ ra và nêu tác dụng biện pháp tu từ trong câu: Muốn nhìn thấy cầu vồng, ta phải đi qua cơn mưa…
Câu 4. Anh/chị có đồng ý với ý kiến: “hãy tin ngày mai nắng sẽ lên, và cuộc đời lại sẽ ươm hồng những ước mơ của bạn, một khi bạn còn giữ trong lòng ánh sáng của niềm tin”? Vì sao?
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1. (2,0 điểm)
Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày quan điểm của bản thân về cách ứng xử của bản thân khi gặp thất bại trong cuộc sống.
Câu 2. (5,0 điểm)
Trong bài thơ Sóng, Xuân Quỳnh viết:
Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức
Dẫu xuôi về phương Bắc
Dẫu ngược về phương Nam
Nơi nào em cũng nghĩ
Hướng về anh một phương
Ở ngoài kia đại dương
Trăm ngàn con sóng đó
Con nào chẳng tới bờ
Dù muôn vời cách trở.
(Theo Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2019, tr155)
Cảm nhận của anh/chị về đoạn thơ trên. Từ đó nhận xét về nét riêng trong cách thể hiện tình yêu của nhà thơ Xuân Quỳnh.
—- HẾT —-
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 3
I. Đọc hiểu
Câu 1. Phương thức biểu đạt: nghị luận
Câu 2. Theo tác giả, niềm tin vào ngày mai, vào những điều tốt đẹp sẽ giúp con người đứng lên sau thất bại
Câu 3.
– Biện pháp tu từ: ẩn dụ: Cầu vồng (thành công), cơn mưa (khó khăn, thất bại)
– Tác dụng: làm cho cách diễn đạt trở nên gợi hình, gợi cảm. Nó cũng giúp chúng ta liên tưởng một điều: Muốn có được thành công, chúng ta phải trải qua những thử thách, gian khổ.
Câu 4.
– Thí sinh thể hiện rõ quan điểm: có thể đồng tình/không đồng tình/ đồng tình một phần.
– Thí sinh lí giải được quan điểm của mình một cách hợp lý
II. Làm văn
Câu 1. Viết đoạn văn về cách ứng xử của con người khi gặp thất bại
a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn
Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành.
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận
cách ứng xử của bản thân khi gặp thất bại
c. Triển khai vấn đề nghị luận
Thí sinh có thể lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ cách ứng xử của bản thân khi gặp thất bại
Có thể triển khai theo hướng:
– Tìm hiểu nguyên nhân thất bại
– Phải đối diện với thất bại và thừa nhận nó.
– Có thái độ phù hợp: tích cực, không bi quan
– Từ thất bại rút ra bài học kinh nghiệm, học hỏi thêm để hoàn thiện bản thân
– Đừng ngồi yên quá lâu, đứng dậy tiếp tục lập kế hoạch và hành động…
d. Chính tả, ngữ pháp
Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận, có cách diễn đạt mới mẻ.
—(Để xem tiếp đáp án những câu còn lại vui lòng xem online hoặc đăng nhập vào Học247 để tải về máy)—
PHẦN I: ĐỌC – HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
(1) Sự thiếu trung thực sẽ ảnh hưởng đến bản thân ta rất nhiều: Sự thiếu trung thực trong kinh doanh, những mối quan hệ của doanh nhân cũng trở nên hời hợt, dẫn đến thiếu vắng những tình cảm chân thành, những điều giá trị hơn trong cuộc sống; Sự thiếu trung thực trong học tập làm người học sinh trở nên coi thường kiến thức, coi thường giá trị của sự khổ công trong học tập, rèn giũa của mình, mà chỉ còn chú ý đến những con điểm, đến những mánh khóe để đạt được điểm cao; Sự thiếu sự trung thực trong đời sống gia đình sẽ dẫn đến sự mất niềm tin lẫn nhau của mọi thành viên, là một nguy cơ làm gia đình tan rã… Thói quen thiếu trung thực dần dần khiến con người cũng phải tự lừa dối chính mình, huyễn hoặc mình, và không còn nhìn thấy những nguy cơ, thách thức sắp đến nên không có phản ứng kịp lúc và nhấn chìm mình trong sai lầm triền miên. (…) Chính vì vậy, mỗi khi định làm gì đó thiếu trung thực, trái với lương tâm của mình, bạn hãy nhớ kỹ: những gì mà việc đó đem lại cho bạn không thể bù đắp được “cái giá” mà bạn và những người xung quanh phải trả.
(2) Mỗi người đều có một “la bàn” cho chính mình, đó không phải là tài năng, không phải là ước mơ, nó không chỉ cho bạn cái đích cần đến, nhưng nó giữ cho bạn đi đúng hướng và không bị lạc đường, không bị sa ngã. Chiếc la bàn ấy là thứ tối quan trọng để bạn có thể “lãnh đạo chính mình”, nó được cất trong tim mỗi người, luôn sẵn sàng cho bạn, chỉ tùy thuộc vào bạn có đủ dũng khí sử dụng nó hay không thôi. Chiếc la bàn ấy có tên là Trung thực.
(Nhóm tác giả Nguyễn Thành Thân, Nguyễn Hoàng Sơn, Lương Dũng Nhân – Thắp ngọn đuốc xanh – NXB Trẻ, 2018, Tr 96,97)
Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích. (0,5 điểm)
Câu 2: Theo tác giả, mỗi khi định làm gì đó thiếu trung thực, cần nhớ kỹ điều gì? (0,5 điểm)
Câu 3: Xác định và nêu hiệu quả của phép tu từ nổi bật được sử dụng trong đoạn (1) (1,0 điểm)
Câu 4: Thông điệp nào trong đoạn trích có ý nghĩa nhất đối với anh/chị? Tại sao? (1,0 điểm)
PHẦN II: LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm)
Hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý nghĩa của việc sống trung thực.
Câu 2 (5,0 điểm)
“Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ
Sóng không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể
Ôi con sóng ngày xưa
Và ngày sau vẫn thế
Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ
(Trích Sóng – Xuân Quỳnh, Ngữ văn 12, tập 1, NXBGD, 2018)
Cảm nhận của anh/ chị về đoạn thơ trên. Theo anh/ chị những suy nghĩ của Xuân Quỳnh về tình yêu trong đoạn thơ trên có còn phù hợp với giới trẻ hôm nay?
—- HẾT —-
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 4
PHẦN I: ĐỌC – HIỂU (3,0 điểm)
Câu 1:
Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận (0,5 điểm)
Câu 2:
Theo tác giả, mỗi khi định làm gì đó thiếu trung thực, cần nhớ kỹ: những gì mà việc đó đem lại cho không thể bù đắp được “cái giá” mà chúng ta và những người xung quanh phải trả. (0,5 điểm)
Câu 3: Xác định và nêu hiệu quả của phép tu từ nổi bật được sử dụng trong đoạn (1) (1,0 điểm). HS có thể nêu một trong hai biện pháp tu từ sau:
a. Phép điệp cấu trúc ngữ pháp (Sự thiếu trung thực trong….) (0,5 điểm)
– Tác dụng: tạo nhịp điệu cho câu văn; nhấn mạnh tác hại của việc sống thiếu trung thực. (0,5 điểm)
b. Phép liệt kê (…trong kinh doanh, trong học tập, trong đời sống gia đình…) (0,5 điểm)
-Tác dụng: diễn tả một cách đầy đủ, cụ thể, sâu sắc những biểu hiện của sự thiếu trung thực, qua đó nhấn mạnh tác hại của lối sống này. (0,5 điểm)
Câu 4:
Học sinh nêu thông điệp và lý giải. Có thể có những thông điệp khác nhau. (1,0 điểm).
– Nêu thông điệp: 0.25 điểm
– Lí giải: 0,75 điểm
Giáo viên tùy thuộc vào sự lý giải của học sinh để cho điểm phù hợp.
PHẦN II: LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1: Nghị luận xã hội
a) Yêu cầu:
– Về kĩ năng: Học sinh biết viết đoạn văn nghị luận xã hội, biết triển khai luận điểm, diễn đạt mạch lạc.
– Về hình thức:
+ Không tách dòng (Tách dòng: – 0,5 điểm).
+ Số chữ theo quy định, được phép + 3 dòng.
– Yêu cầu về nội dung: Bài làm có thể diễn đạt theo nhiều cách khác nhau nhưng phải phù hợp với chuẩn mực, biết cách vận dụng các thao tác nghị luận.
b) Gợi ý:
HS biết cách viết đoạn văn nghị luận, vận dụng tốt thao tác lập luận, có những ý cơ bản sau:
– Xác định được vấn đề nghị luận: ý nghĩa của sự trung thực trong đời sống.
– Giải thích sự trung thực: Trung thực là luôn tôn trọng sự thật, tôn trọng chân lí, lẽ phải; sống ngay thẳng, thật thà và dũng cảm nhận lỗi khi mắc khuyết điểm.
– Ý nghĩa của việc sống trung thực: Trung thực giúp có ý thức tốt trong học tập, trong công việc; Giúp có được tình cảm của mọi người và dần có chỗ đứng trong xã hội; Giúp sửa chữa được sai lầm để bản thân thành người tốt, hoàn thiện nhân cách. Trung thực khiến người khác tin tưởng, được giao phó những công việc quan trọng, có ý nghĩa trong cuộc sống. Trung thực sẽ giúp cho xã hội trong sạch, văn minh, phát triển hơn.
– Phê phán những người sống thiếu trung thực.
– Bài học: Học sinh cần rèn luyện đức tính trung thực để có hiệu quả học tập tốt nhất, thành công bằng chính lực học, kiến thức của bản thân.
Câu 2: Nghị luận văn học
* Yêu cầu về kĩ năng:
– Học sinh biết cách làm bài nghị luận văn học, nắm vững kĩ năng phân tích thơ, vận dụng tốt các thao tác lập luận, văn viết có cảm xúc.
– Không mắc lỗi về chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
– Khuyến khích những bài viết thể hiện cá tính, sáng tạo.
* Yêu cầu về kiến thức:
Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau. Song trên cơ sở của việc phân tích đoạn thơ, học sinh cần chỉ ra được những vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ Việt Nam.
Cụ thể bài làm cần đáp ứng những yêu cầu cơ bản:
1. Giới thiệu ngắn gọn (1,0 điểm)
– Tác giả Xuân Quỳnh
– Bài thơ “Sóng”
—(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 4 vui lòng xem online hoặc đăng nhập vào Học247 để tải về máy)—
I. Đọc hiểu (3 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:
Trên sóng xanh những đàn ngựa biển
lướt dưới mặt trời dưới trăng sao
ngựa biển hôm nay choàng giáp sắt
như ngựa thiêng Thánh Gióng thuở nào
Không bay lên trời vẫn ngang dọc như chim
lưới cá đầy mồ hôi tuôn lấp lánh
tàu vỏ sắt ý chí màu thép lạnh
thuộc Hoàng Sa, Trường Sa từng tấc đảo nổi chìm
Chỉ nguyện cầu sóng lặng biển êm
chỉ ao ước cá đầy khoang mỗi sớm
chỉ xin được suốt đời bám biển
như một người đánh cá ngay lành
Như một ngư dân Việt rất thường dân
yêu biển mình cũng là yêu Tổ quốc
thương cha ông xưa thuyền nan đơn độc
vẫn lên đường trực chỉ Hoàng Sa
Những dây thừng chiếu bó nẹp tre
mang một lời thề nóng bỏng
dẫu thân xác này dạt trôi theo sóng
chỉ khát mong ngày trở lại quê nhà
Lớp cháu con của Hải đội Hoàng Sa
đi đánh cá hôm nay tàu vỏ thép
kĩ thuật cao mà trái tim nồng nhiệt
vẫn trái tim yêu nước khôn cùng (…)
(“Những ngư dân yêu nước rất thường dân” – Thanh Thảo – Báo Văn nghệ quân đội. com)
Câu 1. (0,5điểm) Đoạn trích trên được viết theo thể thơ nào?
Câu 2. (0,5 điểm) Trong đoạn trích, ngư dân Việt Nam mong ước những gì?
Câu 3. (1,0 điểm) Xác định một biện pháp tu từ và nêu tác dụng của biện pháp tu từ đó trong đoạn thơ sau:
Trên sóng xanh những đàn ngựa biển
lướt dưới mặt trời dưới trăng sao
ngựa biển hôm nay choàng giáp sắt
như ngựa thiêng Thánh Gióng thuở nào
Câu 4. (1,0 điểm) Hãy rút ra một thông điệp mà anh/chị cho là ý nghĩa nhất qua đoạn trích trên.
II. Làm văn (7 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm):
Hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý nghĩa được gợi nên từ 2 câu thơ trong văn bản ở phần Đọc hiểu:
“Ta hay chê rằng cuộc đời méo mó
Sao ta không tròn ngay tự trong tâm”
Câu 2 (5.0 điểm)
Mở đầu bản Tuyên ngôn độc lập, Hồ Chí Minh viết:
Hỡi đồng bào cả nước.
“Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.
Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do.
Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi.”
Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được.
(Trích SGK Ngữ văn 12 tập 1- NXB Giáo dục Việt Nam 2016)
Anh chị hãy phân tích đoạn trích trên. Từ đó liên hệ tới phần mở đầu của Đại cáo bình Ngô (Nguyễn Trãi) để nhận xét về cách xác lập chân lí về quyền độc lập dân tộc của mỗi tác giả.
—- HẾT —-
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 5
I. ĐỌC HIỂU:
Câu 1:
– Thể thơ: tự do
Câu 2: Trong đoạn trích, ngư dân mong ước được: trời êm biển lặng, cá đầy khoang, mong được vươn mình ra khơi ngày đêm bám biển như những người đánh cá bình thường nhất.
Câu 3:
– Biện pháp tu từ: ẩn dụ hoặc so sánh (ngựa biển hôm nay choàng giáp sắt/ như ngựa thiêng Thánh Gióng thuở nào)
– Ẩn dụ: ngựa biển là tàu đánh cá được làm bằng sắt thép
– So sánh: ngựa biển như ngựa thiêng Thánh Gióng.
– Tác dụng:
+ Tăng khả năng gợi hình gợi cảm và sức gợi cho ý thơ, làm cho hình ảnh thơ trở nên sinh động hấp dẫn hơn.
+ Khắc họa được hình ảnh của những con tàu đánh cá hôm nay như những con ngựa chiến băng băng ra khơi thật oai phong lẫm liệt để đánh bắt thật nhiều tôm cá, bám biển bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Câu 4: HS có thể rút ra nhiều thông điệp có ý nghĩa, miễn là lý giải lý do hợp lý, thuyết phục (Ví dụ: Tình yêu quê hương biển đảo; Khát vọng bám biển; Ý chí quyết tâm bảo vệ biển đảo; Tự hào về đất nước, con người Việt Nam…)
II. LÀM VĂN
Câu 1:
a. Đảm bảo hình thức của đoạn văn
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: đứng trước cái “méo mó” của nhân sinh, cần có thái độ tích cực, chủ động, lạc quan.
c. Nội dung đoạn văn
-Ý nghĩa 2 câu thơ: Bản chất cuộc đời là không đơn giản, không bao giờ hoàn toàn là những điều tốt đẹp, thậm chí có vô vàn những điều “méo mó”, thử thách bản lĩnh, ý chí của con người. Thái độ “tròn tự trong tâm” là thái độ tích cực, chủ động trước hoàn cảnh.
– Thái độ “tròn tự trong tâm” sẽ giúp ích nhiều cho cá nhân và xã hội. Thái độ, suy nghĩ của bản thân sẽ chi phối hành động, từ đó quyết định công việc ta làm cùng một hoàn cảnh có người chỉ ngồi than khóc còn người “tròn tự trong tâm” sẽ nỗ lực để đi qua thử thách đó và hướng đến thành công. Đây là thái độ sống đúng, làm đúng, không gục ngã trước khó khăn, trước phi lý bất công.
– Nêu và phê phán một số hiện tượng tiêu cực: “ta hay chê”, chỉ biết than thở, không tích cực suy nghĩ và hành động
– Rút ra bài học cho bản thân: đứng trước cái “méo mó” của nhân sinh, cần có cái nhìn lạc quan, hành động quyết đoán, tôi rèn nghị lực để chống chọi với hoàn cảnh, để cải tạo hoàn cảnh…để cuộc sống có ý nghĩa hơn.
—(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 5 vui lòng xem online hoặc đăng nhập vào Học247 để tải về máy)—
Trên đây là một phần trích đoạn nội dung Bộ 5 đề thi thử THPT QG môn Ngữ văn năm 2021-2022 Trường THPT Lê Lợi. Để xem thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang Hoc247.net để tải tài liệu về máy tính.
Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.
Chúc các em học tập tốt !