“Bữa sáng là bữa ăn quan trong nhất trong ngày”. Tuy nhiên việc bỏ bữa sáng liệu có thực sự ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của chúng ta? Nghiên cứu mới nhất của các chuyên gia dinh dưỡng sẽ giúp bạn tìm ra câu trả lời.
Bữa sáng được xem là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày khi mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Các chuyên gia dinh dưỡng cũng khuyên chúng ta nên duy trì thói quen ăn sáng bởi bỏ bữa sáng thường xuyên không chỉ làm tăng cân mà còn ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều xung quanh tầm quan trong của bữa sáng. Các nghiên cứu gần đây cũng bắt đầu đặt câu hỏi về tác hại thực sự của việc bỏ bữa sáng. Sau đây là những phát hiện mới nhất về các tác hại gây tranh cãi của việc bỏ bữa sáng.
Bỏ bữa sáng gây tăng cân
Mặc dù các khuyến cáo dinh dưỡng cho rằng những người bỏ bữa sáng thường có cân nặng hơn những người ăn sáng; nhưng đến nay mối liên hệ giữa việc bỏ bữa sáng và tăng cân vẫn chưa được khoa học chứng minh.
Việc bỏ bữa sáng sẽ khiến não bộ phản ứng nhạy hơn với đồ ăn, khiến chúng ta ăn nhiều hơn vào bữa trưa. Tuy nhiên, vẫn chưa có kết luận chính thức nào về việc bỏ bữa sáng làm tăng lượng calo nạp vào cơ thể mỗi ngày.
Trong thực tế, các kết quả nghiên cứu đăng trên Tạp chí Dinh dưỡng lâm sàn Mỹ, thậm chí chỉ ra rằng bỏ bữa sáng có thể giảm lượng calo nạp vào cơ thể lên đến 400 calo mỗi ngày.
Giải thích cho mối liên hệ giữa việc không ăn sáng và tăng cân chính là những người có thói quen ăn sáng thường có lối sống lành mạnh hơn những người bỏ bữa. Cụ thể như, người ăn sáng thường có chế độ dinh dưỡng cân đối, trong khi người bỏ bữa sáng thường hút thuốc, sử dụng rượu bia và ít tập thể dục.
Có thể nói, thói quen ăn sáng là một trong những yếu tố giúp người ăn sáng có sức khỏe tốt và việc bỏ bữa sáng không nhất thiết là nguyên nhân dẫn đến tăng cân.
Bỏ bữa sáng làm chậm quá trình trao đổi chất
Ăn uống làm kích thích các quá trình sinh học và dẫn đến sự gia tăng lượng calo bị đốt cháy tạo nên hiệu ứng nhiệt (Diet Induced Thermogenesis – DIT). Điều đó có nghĩa rằng việc ăn sáng quả thực giúp thúc đây quá trình trao đổi chất được diễn ra tốt hơn.
Tuy nhiên, nghiên cứu khác chỉ ra rằng tổng lượng thức ăn nạp vào cơ thể trong ngày là yếu tố quan trọng cho lượng calo sẽ bị đốt cháy (chỉ từ 10-15% tổng lượng calo nạp vào).
Do đó, việc bạn ăn khi nào hoặc ăn bao nhiêu bữa trong ngày sẽ không mang đến nhiều khác biệt về lượng calo bị đốt cháy trong 24 giờ nếu cường độ vận động của bạn vẫn không đổi.
Các nhà nghiên cứu cũng có lời giải thích khác cho việc ăn sáng thúc đẩy quá trình trao đổi chất rằng những người ăn sáng thường tiêu tốn năng lượng nhiều hơn thông qua các hoạt động thể chất (đặc biệt vào buổi sáng) so với những người bỏ bữa.
Do đó, có thể hiểu rằng những người bỏ bữa sáng thường không có nhiều năng lượng, nên họ hạn chế tham gia vào các hoạt động làm tiêu tốn calo.
Bỏ bữa sáng có thể mang đến một số lợi ích sức khỏe
Bỏ ăn sáng được cho là một phần phổ biến của các phương pháp nhịn ăn gián đoạn – đã được chứng minh là có hiệu quả làm giảm lượng calo và cải thiện sức khỏe trao đổi chất.
Nhưng bạn cần lưu ý rằng phương pháp nhịn ăn gián đoạn, cũng như việc bỏ bữa sáng không phù hợp với tất cả mọi người bởi các hiệu ứng ảnh hưởng đến mỗi người là khác nhau. Một số người có thể thu được kết quả tích cực, trong khi những người khác có thể mắc phải triệu chứng như ngất xỉu, nhức đầu, hạ đường huyết và thiếu tập trung.
Tóm lại, mặc dù ăn sáng là thói quen tốt cho sức khỏe, nhưng đó không phải là yếu tố tiên quyết. Việc bạn lựa chọn ăn sáng hay không đều không quan trọng, nhưng lưu ý mỗi lựa chọn đều có những lợi ích riêng và mang đến kết quả khác nhau cho mỗi người.
Bạn nên tham khảo tư vấn từ các chuyên gia dinh dưỡng trước khi đưa ra các quyết định quan trọng về lối sống cũng như thói quen ăn uống của bản thân.
Nguồn tham khảo
https://www.cbsnews.com/news/eat-breakfast-gain-less-weight-belly-fat-study/
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/24898236
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4473164/
https://academic.oup.com/ajcn/article/100/2/539/4576482
https://www.health.harvard.edu/blog/intermittent-fasting-surprising-update-2018062914156
https://www.frontiersin.org/articles/10.3389/fnhum.2013.00631/full