–
Chủ nhật, 22/05/2022 06:48 (GMT+7)
Chuẩn bị những gì, đầu tư như thế nào cho đúng cái trẻ cần khi bước vào lớp 1 là vấn đề được nhiều phụ huynh quan tâm.
Giáo viên trường Tiểu học Phúc Trạch- Hương Khê (Hà Tĩnh) đón trẻ 5 tuổi trường mầm non Phúc Trạch tham quan trường. Ảnh: La Giang
Những việc nên làm
Chuẩn bị tâm thế cho trẻ vào lớp 1. Khi có trẻ sắp vào lớp 1, phụ huynh nên giới thiệu cho trẻ biết một vài thông tin sơ lược và tốt đẹp về trường tiểu học mà con sắp được học. Nếu được hãy đưa trẻ đến trường tiểu học để trẻ làm quen, tạo sự thích thú cho trẻ (khuôn viên, cảnh quan, phòng học, phòng chức năng, phòng truyền thống, công trình vệ sinh,…).
Trò chuyện, chia sẻ với trẻ về những điều vui vẻ, thú vị sắp được học ở lớp 1 như những trò chơi dân gian, những buổi sinh hoạt Sao, những giờ học vẽ, học hát… để gieo vào trẻ lòng yêu thích, khát khao được đến trường.
Mua sắm cho trẻ thật đầy đủ mọi tư trang và dụng cụ học tập (quần áo, giày, mũ, cặp, sách, vở, bảng con, bút chì, bút vẽ, thước kẻ…). Tất cả đều phải sạch sẽ, gọn gàng, ngăn nắp, tốt nhất là sắm mới và nếu có thể thì cho các em được tự chọn.
Hướng dẫn trẻ cầm bút đúng cách. Học sinh lớp 1 là đối tượng học sinh “đặc biệt” nhất trong các đối tượng học sinh của hệ thống giáo dục quốc dân. Đặc biệt là bởi vì lần đầu tiên trong đời, hoạt động học tập là hoạt động chủ đạo của các em. Và trong hoạt động học tập đó cái gì các em cũng bắt đầu phải “tập”, trong đó hoạt động “tập viết” cùng với các hoạt động nghe, nói, đọc đóng vai trò hết sức quan trọng.
Khi viết, trẻ cầm bút và điều khiển bút viết bằng ba ngón tay (ngón trỏ, ngón cái, ngón giữa) của bàn tay phải. Đầu ngón tay trỏ đặt ở phía trên, đầu ngón tay cái giữ bên trái, phía bên phải của đầu bút tựa vào cạnh đốt đầu ngón tay giữa. Ba điểm tựa này giữ bút và điều khiển ngòi bút dịch chuyển linh hoạt. Ngoài ra, động tác viết cần có sự phối hợp cử động của cổ tay, khuỷu tay và cả cánh tay.
Phụ huynh thấy con cầm bút sai phải kịp thời sửa chữa, kiên nhẫn chứ không được trách mắng hay dọa đánh vào tay, phạt trẻ. Điều này sẽ khiến các trẻ gặp áp lực, sợ hãi trong việc cầm bút. Thói quen cầm bút đúng sẽ giúp trẻ viết nhanh, viết đúng và đẹp.
Những việc cần phải tránh
Dạy trước cho trẻ. Nhiều phụ huynh vì quá nôn nóng, lo lắng đã bắt con học trước cả mấy tháng hè, kể cả đánh vần, tập viết, làm toán, kể chuyện… theo sách giáo khoa lớp 1, thậm chí cả các tài liệu tham khảo, nâng cao.
Học sinh sẽ rất nhàm chán, mất hứng thú, chủ quan, không tập trung ngay khi các em phải học những bài học đầu tiên vì không có gì mới mẻ và thích thú nữa. Đây là điều tuyệt đối không nên.
Cho trẻ viết bút mực và bút bi. Đây là lần đầu tiên các em được cầm bút để tập viết những nét chữ, con chữ theo “quy trình viết chữ”. Vì vậy khi cầm bút, bàn tay, cổ tay và các ngón tay của các em đang còn “vụng về”.
Lúc viết các em đè rất mạnh nhiều khi rách cả tờ giấy, chỗ cầm bút có em cầm thấp, có em cầm cao, viết chưa ưng ý lại tẩy để viết lại,…Và công cụ tập viết hữu hiệu nhất theo đúng tâm lý và hành động của các em chính là bút chì.
Khi dùng bút chì, chỗ trên điểm gọt bút chính là chỗ để các em cầm bút viết, nếu các em cầm bút thấp hơn hoặc cao hơn điểm gọt bút sẽ dẫn đến khó viết và viết chậm. Ngòi bút chì mềm nên nếu các em đè mạnh thì ngòi bút sẽ bị gãy.
Sau một vài lần ngòi bút bị gãy, các em sẽ rút kinh nghiệm và không đè mạnh nữa. Điều nữa là phía trên của mỗi chiếc bút chì người ta gắn một cục tẩy để giúp học sinh khi viết sai có thể tẩy để viết lại.
Vì vậy, phụ huynh không nên tự ý cho con em mới vào lớp 1 viết bằng bút bi, bút mực khi chưa có sự cho phép của cô giáo phụ trách.
Không cho trẻ sử dụng bảng viết (bảng con) bằng chất liệu mica màu trắng, viết bằng bút dạ. Vì loại bảng và bút này có nhiều hạn chế: bảng trơn, viết không chủ động, mực ra đậm, nhạt không đều, khi xóa dễ gây bẩn, mất vệ sinh, bút to quá cỡ tay cầm bút của trẻ kiến các em khó điều khiển ngòi bút khi viết chữ.