Ánh nắng luôn bị “gắn mác” là kẻ thù số một của làn da với các tia cực tím có thể làm lão hóa hóa da, gây bỏng rát, hoặc thậm chí là ung thư da nếu để da trực tiếp tiếp xúc với ánh nắng trong thời gian đủ lâu. Tuy nhiên, việc tiếp xúc vừa phải với ánh nắng mặt trời có thể mang lại những tác dụng tuyệt vời mà chúng ta đã vô tình bỏ qua như cải thiện tâm trạng và cung cấp vitamin D cho cơ thể. Hãy cùng Doctor Anywhere tìm hiểu nhé!
Tia UV trong ánh nắng mặt trời
Mặt Trời là nguồn cung cấp ánh sáng kì diệu mà thiên nhiên dành cho Trái Đất và con người. Hầu hết các tác động trên da của ánh sáng mặt trời là do bức xạ UV, được chia thành 3 dải có bước sóng từ dài đến ngắn lần lượt là UVA, UVB và UVC.
Khí quyển cản một số bức xạ nên chỉ có tia UVA và UVB xuống được đến bề mặt Trái Đất. Trong khi tia UVB là tác nhân gây ra cháy nắng, tổn thương ADN và ức chế hệ miễn dịch của da thì tia UVA có khả năng xuyên thấu mạnh hơn và gây tác động đến màng tế bào da và các tế bào ADN bên trong.
Vậy chúng ta có nên tắm nắng?
Mối liên hệ của ánh nắng mặt trời với vitamin D
Mặc dù ánh nắng mặt trời mang những tác hại quá rõ rệt với làn da và cơ thể, song việc tiếp xúc vừa phải với ánh nắng mặt trời vẫn có thể mang đến một số lợi ích cho sức khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần. Bởi, đây được xem là nguồn cung cấp vitamin D dồi dào. Khi da tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời sẽ kích thích cơ thể tạo nên vitamin D từ cholesterol, tia UVB có vai trò cung cấp năng lượng cho quá trình chuyển hóa này.
Một số lợi ích của vitamin D và ánh nắng có thể kể đến như:
-
Hướng dẫn các tế bào trong ruột hấp thụ canxi (calcium) và phốt pho (phosphorus) làm chắc khỏe xương và răng.
-
Tăng cường hệ miễn dịch chống lại các loại bệnh.
-
Giảm nguy cơ mắc các bệnh về tim.
-
Cải thiện tâm trạng nhờ kích thích sản sinh ra các hormone serotonin.
-
Điều chỉnh nhịp sinh học để nâng cao chất lượng giấc ngủ.
-
Tăng hiệu quả giảm cân.
Tắm nắng hiệu quả để bổ sung vitamin D
Lượng vitamin D cần bổ sung mỗi ngày
Đơn vị để tính toán lượng vitamin cần bổ sung mỗi ngày thường được dùng là đơn vị quốc tế (international unit – IU) hoặc microgam (mcg). Nhu cầu vitamin D phụ thuộc vào nhiều yếu tố (tuổi, nồng độ vitamin D trong máu,…) và số lượng trung bình được Viện Y tế Hoa Kỳ khuyến nghị bổ sung là:
-
Trẻ sơ sinh 0-12 tháng tuổi: 400 IU hoặc 10 mcg.
-
Người trong khoảng 1-70 tuổi: 600 IU hoặc 15 mcg.
-
Người trên 71 tuổi: 800 IU hoặc 20 mcg.
-
Phụ nữ mang thai: 600 IU hoặc 15 mcg.
Thời điểm hấp thụ vitamin D tốt nhất từ mặt trời
Một điều vô cùng bất ngờ đó là giữa trưa (đặc biệt là trong mùa hè) lại là thời điểm tốt nhất đón nhận ánh sáng mặt trời để cơ thể tạo ra vitamin D. Tia UVB lúc này có cường độ mạnh nhất, đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ cần ít thời gian dưới ánh nắng mặt trời hơn. Việc phơi nắng vào khoảng giữa trưa không chỉ hiệu quả hơn trong việc hấp thụ vitamin D mà còn có thể an toàn hơn vì giảm nguy cơ tạo ra ung thư hắc tố (cutaneous malignant melanoma – CMM) so với việc phơi nắng vào buổi sáng hay buổi chiều.
Những tip tắm nắng hiệu quả
-
Phơi khoảng một phần ba diện tích da dưới ánh nắng mặt trời.
-
Thực hiện 3 lần mỗi tuần, mỗi lần khoảng từ 10 đến 30 phút tùy theo độ nhạy cảm của da với nắng và độ mạnh yếu của tia UV. Bạn có thể thử không dùng kem chống nắng trong khoảng thời gian này để cơ thể tạo ra vitamin D hiệu quả nhất nhé!
-
Cần đảm bảo da không bị bỏng rát.
-
Để cơ thể sản sinh ra một lượng vitamin D bằng nhau, những người có tông da sẫm màu hơn sẽ cần dành nhiều thời gian dưới nắng hơn là những người có tông da sáng hơn.
-
Có thể đội mũ và đeo kính râm để bảo vệ khuôn mặt, tóc và đôi mắt trong khi tắm nắng cho các bộ phận khác trên cơ thể.
Trong trường hợp phải tiếp xúc lâu với ánh nắng
- Sử dụng kem chống nắng và thoa lại sau mỗi 2-3 giờ tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, đặc biệt là khi đổ mồ hôi hoặc tiếp xúc với nước.
-
Di chuyển vào nơi có bóng râm nếu cảm thấy cơ thể nóng lên.
-
Uống nhiều nước.
-
Ăn cà chua để hạn chế tình trạng nổi mẩn đỏ do tia UV.
Những ảnh hưởng khi tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng mặt trời
Việc tắm/phơi nắng vẫn có những rủi ro nhất định nếu thực hiện nhiều hơn mức cần thiết đã nêu ở trên. Những tác động có thể kể đến như:
-
Cháy nắng. Đây là tác hại phổ biến nhất và thường biểu hiện qua các triệu chứng trên da bao gồm nổi đỏ, sưng tấy, đau rát và phồng rộp da.
-
Tổn thương mắt. Nếu để mắt tiếp xúc lâu dài với tia UV có thể làm hỏng võng mạc, tăng nguy cơ mắc các bệnh về mắt như đục thủy tinh thể.
-
Lão hóa da nhanh hơn. Cùng với tuổi tác, ánh nắng góp phần làm làn da trở nên nhăn nheo, lỏng lẻo hoặc sần sùi hơn.
-
Xuất hiện tàn nhang, nốt ruồi và những thay đổi khác trên da.
-
Ung thư da. Hấp thụ quá nhiều tia UV là nguyên nhân chính gây ra bệnh lý này.
-
Say nắng. Tình trạng nhiệt độ của cơ thể tăng lên do ở quá lâu dưới ánh nắng mặt trời.
Thiếu ánh nắng và vitamin D trong giai đoạn giãn cách xã hội
Thông thường, tình trạng thiếu hụt vitamin D từ ánh nắng thường xảy ra tại các thành phố lớn, nơi tập trung đông dân cư, có nhiều tòa nhà cao tầng chắn nắng và phần lớn người dân ít dành thời gian tham gia các hoạt động ngoài trời. Đặc biệt, trong giai đoạn nhiều khu vực hạn chế người dân ra đường do dịch bệnh, thời gian tiếp xúc với ánh nắng ít đi hoặc gần như không có cũng làm gia tăng khả năng thiếu hụt nguồn năng lượng này.
Nhiều cảnh báo về sự gia tăng nguy cơ rối loạn tâm thần trong đại dịch COVID-19 xuất hiện làm dấy lên mối lo ngại về sức khỏe tâm thần. Cách đơn giản và dễ thực hiện để cải thiện tâm trạng lúc này là dành thời gian thư giãn an toàn dưới ánh nắng để cơ thể sản sinh ra nhiều hormone serotonin, thúc đẩy những cảm xúc tích cực.
Cần lưu ý rằng: Ánh nắng mặt trời không phải nguồn bổ sung vitamin D duy nhất. Chúng ta hoàn toàn có thể bổ sung vitamin D thông qua thực phẩm như: hải sản, lòng đỏ trứng, sữa, ngũ cốc,… Tuy nhiên, cần chú ý bổ sung vitamin đúng cách để đảm bảo hấp thụ được những hiệu quả tuyệt vời của các chất dinh dưỡng nhé!
Tổng kết
Vitamin D được xem là “vitamin nắng” (sunshine vitamin) vì ánh nắng mặt trời là nguồn tự nhiên và dễ tiếp cận nhất để thúc đẩy cơ thể tạo ra loại vitamin này. Ánh nắng mang đến nhiều lợi ích cho các con người như cải thiện tâm trạng, điều chỉnh nhịp sinh học,… Tuy nhiên, bạn cần hết sức cẩn thận khi tiếp xúc lâu với ánh nắng và bổ sung vitamin D từ nguồn này vì mỗi cơ thể sẽ có những nhu cầu khác nhau. Để xác định chính xác lượng cần thiết của cơ thể, bạn có thực hiện các xét nghiệm nồng độ vitamin D trong máu.
Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc hoặc vấn đề nào cần tư vấn từ chuyên gia sức khỏe, hãy truy cập ứng dụng Doctor Anywhere để được thăm khám bởi đội ngũ bác sĩ uy tín nhé! Và đừng quên sử dụng mã VNKIENCUONG tại bước thanh toán để nhận tư vấn miễn phí cho 4 chuyên khoa: Nội, Nhi, Tai Mũi Họng, Dinh dưỡng.
Tham khảo từ Harvard Health Publishing, Healthline, Viện Y tế Hoa Kỳ và Bộ Y tế
Xem thêm: