“Bộ trưởng giải vây” Nguyễn Cơ Thạch – Hội Nhà Văn Việt Nam

Vanvn- Dù không còn đương chức khi Việt Nam và Mỹ chính thức bình thường hóa quan hệ vào ngày 12.7.1995 song Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch lại là người ghi dấu ấn sâu đậm nhất…

Sau một thời gian dài chững lại, đến năm 1986, vấn đề bình thường hóa (BTH) quan hệ Việt – Mỹ mới được khơi lại. Mỹ đưa ra 2 điều kiện để nối lại đàm phán là giải quyết vấn đề MIA/POW (người mất tích trong chiến tranh và tù binh) và Việt Nam phải rút quân khỏi Campuchia.

>> Nhà ngoại giao tài ba Nguyễn Cơ Thạch

“Phá băng”

Là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là phó thủ tướng Chính phủ), Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, cũng là một trong những người đi đầu trong vấn đề đổi mới, ông Nguyễn Cơ Thạch (Phạm Văn Cương) đặc biệt quan tâm đến việc BTH quan hệ với Mỹ bởi vì phải phá bỏ được cấm vận của Mỹ và các nước thì Việt Nam mới có thể “mở cửa”.

Hiểu mấu chốt để Mỹ bỏ cấm vận kinh tế và tiến tới BTH quan hệ là giải quyết vấn đề MIA/POW, ông Thạch ủng hộ và tạo điều kiện hết mức có thể cho người Mỹ trong quá trình tìm kiếm hài cốt lính Mỹ ở Việt Nam.

Trong nước lúc này cũng chưa hoàn toàn thống nhất việc BTH quan hệ với Mỹ. Ông Thạch đã đưa ra sáng kiến đề nghị Mỹ phải có trách nhiệm nhân đạo sau chiến tranh, giúp đỡ những người Việt Nam bị tàn tật trong chiến tranh với chân tay giả, xe đẩy… để phía Việt Nam chấp nhận tìm kiếm người mất tích cho Mỹ.

Vào năm 1991, tại Mỹ nổi lên vấn đề mà một số người cho là “lính Mỹ bị giam giữ bí mật”. Những người chống Việt Nam luôn tung tin trông thấy người Mỹ ở chỗ này, chỗ khác tại Việt Nam; Tổ chức Gia đình người Mỹ mất tích đấu tranh đòi phải tìm bằng được, nếu không thì không cho tiến thêm bước nào trong quan hệ 2 nước.

Trợ lý ngoại trưởng Mỹ Winston Lord đang có chuyến thăm Việt Nam lúc bấy giờ đã yêu cầu cho phép kiểm tra xem Việt Nam còn giam giữ tù binh Mỹ không. Sau khi ăn cơm trưa ở Nhà khách Chính phủ, phía Mỹ yêu cầu đưa sang sân bay Gia Lâm, cung cấp trực thăng và đến khi lên trời họ mới chỉ dẫn đi những đâu. Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch nhanh chóng đồng ý để xây dựng lòng tin.

Khi lên máy bay, đoàn Mỹ yêu cầu bay đến một khu rừng ở Thanh Hóa. Đến nơi chỉ có lán trại đã mục nát của một trại giam tù binh từ thời chiến tranh. Nhìn thấy cỏ mọc dày hết cả lối đi, người Mỹ mới hoàn toàn tin rằng không còn người lính Mỹ nào bị giam giữ tại Việt Nam.

Nhận được hậu thuẫn từ đối thủ một thời

Là người đặt nền móng cho vấn đề BTH, ông Nguyễn Cơ Thạch luôn chủ động tìm kiếm các kênh khác nhau để thúc đẩy tiến trình này. Từ khi nối lại đàm phán đến cuối những năm 1980, phía Mỹ chỉ tập trung vào vấn đề nhân đạo, tìm kiếm người mất tích, dứt khoát không muốn nhắc đến việc bỏ cấm vận hay BTH quan hệ với Việt Nam.

Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã liên hệ với ông William Sullivan, người đồng cấp trong đàm phán Hiệp định Paris năm 1973, mà ông vẫn giữ được quan hệ bạn bè.

Vào năm 1989, ông Sullivan là Chủ tịch Trung tâm Phát triển quốc tế – một tổ chức phi chính phủ chuyên nghiên cứu biện pháp giúp các nước thế giới thứ ba phát triển và tăng cường quan hệ của Mỹ với các nước đó. Trong tình hình căng thẳng lúc bấy giờ, ông Sullivan không thể trực tiếp tới Hà Nội mà sang London gặp đại sứ Việt Nam tại Anh. Sau đó, Việt Nam mời ông Sullivan tới Hà Nội năm 1989 cùng hội đàm hẹp.

Trong buổi gặp mặt với danh nghĩa bạn cũ, ông Thạch và ông Sullivan đã bàn những cách thức, bước đi để tiến tới BTH quan hệ 2 nước. Ông Sullivan đã đưa ra sáng kiến phải tìm cách đẩy quan hệ không chính thức lên và cần có một cơ chế cho quan hệ này. Hội đồng Thương mại Việt – Mỹ đã ra đời theo sáng kiến của họ. Lấy vấn đề kinh tế mà dư luận quan tâm làm trọng tâm song hội đồng này có vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy vấn đề MIA/POW cũng như xóa bỏ cấm vận với Việt Nam.

“Trong những năm 1989-1990, các doanh nghiệp Mỹ muốn vào Việt Nam lắm rồi bởi khi đó các doanh nghiệp Nhật và Tây Âu đã vào làm ăn” – cựu Đại sứ Việt Nam đầu tiên tại Mỹ, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Văn Bàng kể. Ông Sullivan cũng là người đầu tiên đưa các công ty Mỹ sang Việt Nam dự hội thảo và diễn đàn doanh nghiệp trong nỗ lực thúc đẩy quan hệ kinh tế để BTH quan hệ 2 nước.

Sau khi ông Nguyễn Cơ Thạch mãn nhiệm vào giữa năm 1991, những gương mặt nổi bật tiếp tục đưa tiến trình BTH quan hệ Việt – Mỹ đến đích là nguyên Phó Thủ tướng – Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm, cố Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Mai, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan…

Năm 1992, trước khi George H. Bush (Bush cha) hết nhiệm kỳ tổng thống, ông đã cho phép các doanh nghiệp Mỹ đặt văn phòng tại Việt Nam và ký các hợp đồng sau khi lệnh cấm vận thương mại được bãi bỏ. Lúc đó, Mỹ đã đưa ra 2 điều kiện để BTH quan hệ: Việt Nam rút hết quân khỏi Campuchia; đồng thời phải giải quyết vấn đề tìm kiếm người Mỹ mất tích và tìm người còn sống. Phía Mỹ đưa ra lộ trình ngầm trong 2 năm, nếu hoàn thành sẽ BTH quan hệ.

Hài hước, sắc bén

Không những có trí tuệ sắc bén, ông Nguyễn Cơ Thạch còn được nhắc đến nhiều bởi tính hài hước. Năm 1988, ông phụ trách về vấn đề nhóm tài chính ngân hàng của Việt Nam đổi mới. Trong một lần làm việc với người Mỹ, khi câu chuyện đang căng thẳng, ông bỗng nói: “Tuy chúng tôi hết chiến tranh rồi nhưng chúng tôi muốn nhập ít thuốc nổ”. Phía Mỹ ngạc nhiên hỏi tại sao Việt Nam muốn nhập thuốc nổ và cho biết luật pháp Mỹ chưa cho phép xuất khẩu vũ khí cho Việt Nam.

Ông trả lời: “Chúng tôi muốn đặt thuốc nổ phá hết nhà máy in tiền của Việt Nam”. Mọi người phá lên cười, không khí trao đổi tự nhiên dịu hẳn đi. Lúc đó, Việt Nam đang lạm phát hàng ngàn phần trăm. Ông Thạch cũng tìm hiểu thêm về cách chống lạm phát của người Mỹ, một trong những cách đó là không được in tiền.

DƯƠNG NGỌC/NLĐ

Rate this post

Viết một bình luận