Hai gia đình ở ngoại ô bang Queensland, Australia, tìm thấy bộ xương vô cùng quý hiếm có niên đại 100 triệu năm của loài cá kiếm cổ đại.
Hóa thạch cá kiếm dài ba mét được tìm thấy ở ngoại ô bang Queensland, Australia. Ảnh: Patrick Smith.
Gia đình Johnston và Amos ở thị trấn Richmond phía tây bắc Queensland, phát hiện những chiếc xương trồi lên giữa tảng đá tại một khu vực tìm kiếm hóa thạch tự do, BBC hôm qua đưa tin. Hóa thạch được cho thuộc về loài Australopachycormus hurleyi đã tuyệt chủng, một động vật săn mồi giống cá kiếm dài ba mét với hàm răng ngoại cỡ.
Lúc đầu, gia đình Johnston không biết rõ về hóa thạch. “Chúng tôi cứ nghĩ đó là răng của một loài bò sát khổng lồ, bởi nó rất lớn và có hình nón”, Mirjam Johnston. “Mãi tới buổi tối, khi đưa chiếc xương cho một người yêu thích hóa thạch cùng trại xem, chúng tôi mới nhận ra đó là chóp mũi của một con cá”.
Gia đình Tony và Gail Amos trở lại khu vực sau đó một tuần và tìm thấy phần xương còn lại của con cá gồm hộp sọ và vây trước. “Khi thọc xẻng xuống dưới đất, tôi không ngờ sẽ bắt gặp bộ xương hoàn chỉnh đến vậy. Tôi xúc lớp đất lên và thấy bộ xương lộ ra ở khắp mọi nơi”, Tony nói.
Bộ xương hóa thạch được giao cho bảo tàng Kronosaurus Korner ở địa phương. “Điều khiến mẫu vật này trở nên đặc biệt là nó khá hoàn chỉnh. Chúng tôi biết đây là loài ăn thịt ở tầng trên. Nó chuyên săn một loài cá lớn bơi nhanh gần giống cá marlin”, tiến sĩ Patrick Smith, quản lý bảo tàng, cho biết.
Xem thêm: Hóa thạch 125 triệu năm còn nguyên da, lông của chuột tiền sử
Phương Hoa