Tối 7/1, nhà thơ- nhạc sĩ Nguyễn Trong Tạo qua đời sau một tuần hôn mê vì bệnh ung thư phổi, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho gia đình, bạn hữu và gây chấn động lớn trong giới văn nghệ cả nước.
Nói như nhà phê bình- nhà thơ Nguyễn Thụy Kha, nhà biên kịch Phạm Ngọc Tiến thì “người ham chơi” Nguyễn Trọng Tạo đã rời cuộc chơi dương thế…
Nhà thơ- nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo đã đi xa mãi…
Nhớ Nguyễn Trọng Tạo, nhiều người tìm đến các ca khúc thấm đẫm hồn phách làng quê Việt của ông. Cho đến nay, ông đã sáng tác gần 100 ca khúc. Bên cạnh những ca khúc nổi tiếng như “Làng quan họ quê tôi”, “Khúc hát sông quê”, “Đôi mắt đò ngang”, còn có nhiều ca khúc được khán giả yêu thích như: “Tình ca bên một dòng sông”, “Non nước Cao Bằng”, “Mẹ tôi”, “Đồng Lộc thông ru”, “Tình ca hạt giống vàng”…
“Làng quan họ quê tôi”
NSND Thanh Hoa hát “Làng quan họ quê tôi”
Có thể nói “Làng quan họ quê tôi” là một trong những ca khúc nổi tiếng nhất của Nguyễn Trọng Tạo, được phổ từ bài thơ của nhà thơ Nguyễn Phan Hách từ năm 1978. Bài hát chứa đựng chất liệu quan họ mượt mà, duyên dáng với những câu thơ lãng mạn, chan chứa và nhạc điệu nhẹ nhàng, tình tứ. Cảm xúc rất dạt dào!
Theo chia sẻ của Nguyễn Trọng Tạo, những giai điệu của “Làng quan họ quê tôi” được ông viết nhanh kỷ lục, chỉ khoảng 1 giờ.
Năm 1979, ca khúc “Làng quan họ quê tôi” trình bày bởi ca sĩ Thanh Hoa cùng tốp ca nữ Đài Tiếng nói Việt Nam, được thu thanh và phát sóng lần đầu tiên. Đây cũng là bài hát chính thức của Đài Phát thanh – Truyền hình Bắc Ninh.
Bài hát được đưa vào chương trình karaoke Âm nhạc Việt Nam (chọn lọc) do Nhật Bản và Việt Nam thực hiện, được dàn nhạc giao hưởng Leipzig (Đức) trình tấu trong Tuần văn hóa Việt Nam tại Đức.
Theo nhà phê bình- nhà thơ Nguyễn Thụy Kha thì đây là ca khúc số 1 của Nguyễn Trọng Tạo, nổi tiếng đến tận bây giờ và sẽ còn vương vấn mãi cõi nhân gian.
“Khúc hát sông quê”
Anh Thơ hát “Khúc hát sông quê”
“Khúc hát sông quê” cũng là sáng tác ghi dấu son trong sự nghiệp của nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo. Bài hát phổ thơ Lê Huy Mậu, ra đời năm 2002 khi tác giả vào Vũng Tàu sáng tác.
Nguyễn Trọng Tạo từng chia sẻ, “Khúc hát sông quê” là một sáng tác bất ngờ: “Sáng 2/9/2002, tôi ngủ dậy ra biển Vũng Tàu tắm rồi trở về định đi thăm bạn bè ngày Quốc khánh. Chợt thấy trên bàn chùm thơ 5 bài của nhà thơ Lê Huy Mậu vừa đưa tôi sau cuộc nhậu đêm qua, nhờ xem để mang về in báo Văn Nghệ. Tôi ngồi vào bàn xem, và khi đọc đến bài thơ dài “Khúc hát sông quê” thì tôi thực sự xúc động, và nảy ra những giai điệu đầu tiên…”, Nguyễn Trọng Tạo trả lời báo chí.
Ông nói, điều khiến ông xúc động nhất khi viết ca khúc này chính là quê hương trong thơ Lê Huy Mậu. Nó da diết. Nó thương cảm. Nó máu thịt…
Từ khi ca khúc “Khúc hát sông quê ra đời”, tên tuổi của nhà thơ Lê Huy Mậu được công chúng biết đến với tư cách là người khởi nguồn cho nhạc của Nguyễn Trọng Tạo. Lần đầu tiên lên sóng truyền hình qua giọng hát nhấn nhá như lên đồng của ca sĩ Anh Thơ, “Khúc hát sông quê” đã chiếm trọn tình cảm của khán giả.
“Đôi mắt đò ngang”
Phương Thảo hát “Đôi mắt đò ngang”
“Đôi mắt đò ngang” được nhà thơ- nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo lấy cảm hứng từ dòng sông Lam, kể về câu chuyện tình của chàng trai và cô gái nơi bến đò. Ca khúc dễ hát, dễ thuộc mà thấm đẫm tình ý:
“Bồng bềnh bồng bềnh
Đò ngang đò ngang
Gọi đò gọi đò
Đò sang đò sang
Đò sang bến nước
Gặp đôi mắt biếc
Mà say mà say ứ tình
Mà yêu mà yêu ứ người
Qua sông Lam hỏi thăm đôi mắt ấy
Hỡi người, người về đâu
…”
Ca khúc từng được trao Giải thưởng Văn học Nghệ thuật 1997 của Ủy ban Toàn quốc các Hội VHNTVN và Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Hồ Xuân Hương (1997-2002).
“Đôi mắt đò ngang” được nhiều giọng hát thể hiện thành công như Lương Nguyệt Anh, Phạm Phương Thảo, Thu Hiền…
Nguyễn Hằng