Búng Bình Thiên – điểm trải nghiệm HOT nhất An Giang | Godidigo

Cách trung tâm thành phố Châu Đốc khoảng chừng 32km về hướng Tây sông Bình Di thuộc địa phận 4 xã Khánh An, Khánh Bình, Nhơn Hội, Quốc Thái của huyện An Phú, tỉnh An Giang. Búng Bình Thiên là một hồ nước ngọt tự nhiên có diện tích lớn đóng vai trò quan trọng trong việc điều tiết nước cho cả một châu thổ và cung ứng cho cả huyện An Phú trong vấn đề sinh hoạt hàng ngày. Không những vậy, hồ nước ngọt Búng Bình Thiên được xem là thắng cảnh thiên nhiên và xếp hàng trong tứ đại danh cảnh của An Giang gồm rừng tràm Trà Sư, Hồ Tà Bạ, Cù Lao Giêng và Búng Bình Thiên.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Trần Thiện Khánh – chuyên gia về môi trường nước của Đại Học An Giang, một trong những người tham gia đoàn thực địa do tổ chức “Con người và thiên nhiên” (PAN Nauture) tài trợ – giới thiệu: “Búng Bình Thiên dài khoảng 4.000m và rộng trung bình khoảng 500m (chỗ lớn nhất 1.000m), là hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất Tây Nam Bộ. Nhưng quan trọng hơn là diện tích mặt nước của Búng thay đổi theo mùa. Vào mùa khô, Búng rộng 220ha và tăng lên 600ha vào mùa lũ.

Hồ chia thành hai hồ nhỏ với hai tên gọi khác nhau là hồ lớn (Búng Bình Thiên lớn) và hồ nhỏ (Búng Bình Thiên nhỏ). Trong đó, Búng Bình Thiên lớn là tên gọi được chỉ để phân biệt nguồn nước với Búng Bình Thiên nhỏ khi trời vào những ngày nắng hạn, diện tích Búng Bình Thiên nhỏ bị co hẹp lại trong một diện tích nhỏ.

Tên gọi Búng Bình Thiên từ đâu mà có?

Khám phá Búng Bình Thiên cùng Khoai Lang Thang

Vốn dĩ hồ nước có tên gọi Búng Bình Thiên là vì theo tiếng địa phương của người dân tại đây, “Búng” có nghĩa “hồ” hoặc “đầm”, “Bình” là do mặt nước quanh năm êm ả không gợn sóng và “Thiên” có nghĩa là “trời”. Đọc gộp lại thì Búng Bình Thiên có nghĩa là “hồ nước trời” hoặc “hồ nước trời ban”.

Đó là theo tên gọi của dân địa phương sinh sống tại hồ, còn theo nhà nghiên cứu Vương Hồng Sểnh (trong “Tự vị tiếng nói miền Nam”) thì chữ Búng là biến âm của “bưng” là từ có nguồn gốc từ tiếng Khmer là “trapeáng” có nghĩa là “vùng đất sình lầy lấp xấp nước, cá tôm ở nhiều, cỏ lác mọc loạn xạ”… Còn chữ “Bình” và chữ “Thiên”  thì vẫn giải nghĩa theo dân cư bản địa. Tuy nhiên, trong Địa bạ triều Nguyễn năm 1832 thì cho rằng chữ Thiên trong “Bình Thiên” có thể là sự biến âm của chữ Tiên trong thần tiên, tức là chốn tiên cảnh bình yên. Thế nhưng, dù giải thích như thế nào thì tên gọi Búng Bình Thiên vẫn thể hiện cho sự thanh bình, yên ả, sâu lắng và xinh đẹp.

Song cùng với các cách giải thích trên, hồ nước trời ban Búng Bình Thiên còn gắn liền với hai truyền thuyết nổi tiếng. Một với tướng Võ Văn Vương (viên tướng dũng mãnh, tài ba dưới thời Vua Quang Trung – vương triều Tây Sơn). Hai, với Chúa Nguyễn Phúc Ánh (Sau là Vua Gia Long – người sáp lập ra vương triều Nguyễn).

Đầu tiên là truyền thuyết của viên tướng Võ Văn Lương vào cuối thế kỉ thứ XVIII. Chuyện kể trong một lần tướng Võ Văn Vương (một viên tướng của nhà Tây Sơn) hành quân qua khu vực Búng Bình Thiên vào mùa khô. Tướng Võ Văn Vương thấy một cái hồ rộng lớn mà chẳng có giọt nước nào trong khi đó quân sĩ thì mệt mỏi, rã rời. Thấy vậy ngài dâng lễ vật cúng trời đất mong trời ban nước cho các binh sĩ và khi ông đâm thanh gươm xuống đất thì có một dòng nước trào lên đọng thành hồ nước trong vắt. Từ đó về sau, hồ nước này được người dân đặt tên là Búng Bình Thiên hay còn gọi là Hồ Nước Trời.

Không khác gì mấy với truyền thuyết của tướng Võ Văn Vương, truyền thuyết gắn liền với chúa Nguyễn Phúc Ánh được lưu truyền thông dân gian cũng tương tự như vậy. Cụ thể câu chuyện là trong lúc trốn chạy quân Tây Sơn qua vùng An Phú, thời tiết nắng nóng, khô hạn, quân sĩ đi nhiều ngày rất đói và mệt, lương thực, nước uống hết sạch mà xung quanh chẳng có nguồn nước nào.

Nhòm ngó xung quanh, chúa Nguyễn thấy xa xa có một hồ rộng lớn nên mừng rỡ. Đến gần, chúa Nguyễn tá hỏa khi thấy hồ chỉ toàn là các với đá, đào sâu hơn hai tượng mà chẳng có một giọt nước. Quá tức tối, chúa rút gươm đâm thẳng xuống thì bỗng đâu nước chảy ra. Lạ thay, nước càng chảy thì càng mát và trong, quân sĩ uống vào thì bổng mạnh khỏe, tinh thần phấn chấn. Nhờ đó mà cả đội quân theo phò chúa được cứu sống, từ đó chúa đặt tên cho hồ là “hồ nước trời ban”.

Khám phá hồ nước trời ban “Búng Bình Thiên” An Giang

Khám phá Búng Bình Thiên cùng Color Man

Nên đi Búng Bình Thiên vào thời điểm nào trong năm?

Thông thường vào khoảng thời gian cuối tháng 8 đến tháng 12 hàng năm (mùa nước nổi miền Tây, hay mùa lũ miền Tây) là khoảng thời gian Búng Bình Thiên đón một lượng khách du lịch đến đây trải nghiệm những hoạt động sông nước thú vị.

Búng Bình Thiên có gì thú vị?

Búng Bình Thiên ở An GiangBúng Bình Thiên ở An Giang

Đặc biệt là dịp lễ 2 tháng 9, cộng đồng dân cư sinh sống tại khu vực Búng Bình Thiên tổ chức lễ hội “Liên hoan văn hóa mùa nước nổi” tổ chức trong khoảng thời gian 2 ngày. Trong đó ngày 1 là ngày vui nhất khi buổi sáng ngày thì diễn ra rất nhiều trò chơi như đua thuyền, bơi lội, chống xuồng đua, nơm cá,… Đêm về, ở trên mặt hồ sẽ diễn ra hoạt động văn nghệ tại một sân khấu nổi mang đậm chất dân gian Nam Bộ.

Song cùng với những hoạt động thường niên hàng năm này của cộng đồng dân cư sinh sống quanh hồ nước Búng Bình Thiên. Một trong những điểm nhấn tạo nên sức hút cho Bình Bình Thiên chính là nước trong hồ chỉ dâng lên rồi hạ xuống chứ không chảy, mặt nước quanh năm yên lắng, xanh biết không gợn sóng, mặc dù miệng hồ thông với nhánh sông Bình Di, thường xuyên bị các dòng phù sa đỏ ngầu xâm lấn.

Du lịch Búng Bình Thiên (An Giang)Du lịch Búng Bình Thiên (An Giang) mùa nước nổi

Thế nhưng khi dòng phù sa chạm đến miệng hồ thì dòng nước không bị biến đổi mà càng trong xanh hơn. Do đó mà tháng nào trong năm, dù mùa khô hay mùa lũ, hồ nước cũng chìm vào một khoảng không gian trầm lặng với hình ảnh của những vách đá trắng cao, những hàng cây xanh thắm mọc ven bờ, đám sen hồng nở rộ bên lùm rau nhút vàng tươi, đám lục bình trôi lững lờ theo những chiếc thuyền đang quăng chài đánh cá, đặt lợp, đặt câu, … hay những hình ảnh của các cô, các chị đang ngâm mình dưới nước nhổ bông súng, hái bông điên điển, gặt cỏ ma, ….

Điều thú vị của Búng Bình Thiên không chỉ có thế. Không chỉ có những hình ảnh bình yên, mộng mị, nên thơ của cảnh sắc thiên nhiên hiện hữu trong hồ; hay những hình ảnh mộc mạc, dân dã của người nông dân với công việc đánh bắt, khai thác sản vật trong hồ để trang trải cho cuộc sống mà còn là sự hiện hữu của những nét đặc trưng văn hóa truyền thông dân tộc Chăm xen lẫn truyền thống Việt rất đặc sắc tại khu vực hồ.

Có thể sẽ người sẽ biết hoặc không biết An Giang là nơi có một bộ phận người Chăm theo Hồi giáo (Chăm Islam) định cư và sinh sống tại đây. Họ là những người có nguồn gốc từ miền Trung, chủ yếu là từ Ninh Thuận và Bình Thuận. Vì chiến tranh loạn lạc mà họ di cư sang Campuchia, rồi khi Campuchia cũng loạn lạc nên họ theo các vị tướng nhà Nguyễn là Lê Văn Đức, Doãn Uẩn, Trương Minh Giảng về An Giang định cư dọc theo bên bờ sông Hậu theo xóm (pa-lây) nhằm làm đội tiền trạm bảo vệ biên giới (sau khi cùng Thoại Ngọc Hầu đào con kênh Vĩnh Tế nối Châu Đốc và Hà Tiên).

Hiện tại, xung quanh Búng Bình Thiên có 3 xóm Chăm thuộc xã Quốc Thái, Nhơn Hội và Khánh Bình sinh sống. Phần lớn người họ theo tín ngưỡng Hồi giáo, có phong tục sống trên nhà sàn (theo địa hình sông nước) và cùng nhau sinh hoạt dưới thánh đường Amiul Muslimin ở xã Quốc Thái. Cuộc sống của đồng bào Chăm tại đây rất bình dị nhưng cũng lắm đặc sắc vì nhiều nét văn hóa truyền thống đặc trưng được lưu giữ hàng trăm năm qua. Vì thế mà một chuyến đến Búng Bình Thiên, bạn nhất định phải đến các làng Chăm này.

Tại Bùng Bình Thiên có rất nhiều quán chuyên phục vụ nhiều món ăn, đặc sản được chế biến hoàn toàn từ nguyên vật liệu tự nhiên trong gió. Giá tương đối rẻ, ngon và rất đậm đà hương vị miền Tây Nam Bộ. Ngoài ra, nếu bạn muốn trải nghiệm, du ngoạn phong cảnh Búng Bình Thiên, bạn có thể thuê thuyền với mức giá từ 150.000 – 300.000 vnđ/ một người. Mỗi thuyền sẽ chở khoảng 4 đến 10 khách đi tham quan trong khoảng thời gian là 40 phút.

Hướng dẫn di chuyển đến Búng Bình Thiên từ thành phố Châu Đốc

Búng Bình Thiên cách thành phố Châu Đốc khoảng 32km, mất 40 phút để di chuyển, cho nên bạn có thể thực hiện bằng các phương tiện như xe bus, xe máy và xe ô tô.

Cung đường di chuyển rất dễ, chỉ cần bật google map hoặc đi theo hướng huyện An Phú đến Cồn Tiên vào tỉnh lộ 956. Tại đây, bạn chạy thẳng đến thị trấn An Phú đến cửa khẩu Khánh Bình. Đến ngã tư Quốc Thái thì rẽ tiếp độ 2 km là tới Búng Bình Thiên.

  • Lưu ý: Búng Bình Thiên rất rộng và thuộc địa phận của 4 xã Khánh An, Khánh Bình, Nhơn Hội, Quốc Thái. Do vậy mà việc bạn tìm đến địa phận xã nào cũng được, nhưng theo kinh nghiệm của Godidigo.com thì bạn nên đến xã Quốc Thái.

Búng Bình Thiên – điểm trải nghiệm HOT nhất An Giang

5

(100%)

1

vote[s]

(100%)vote[s]


Rate this post

Viết một bình luận