Bùng nổ ứng dụng thanh toán điện tử hỗ trợ tiêu dùng mua sắm Tết | Thông tin doanh nghiệp

Số liệu dự báo từ Criteo, công ty tiếp thị công nghệ có cổ phiếu đang niêm yết tại sàn NASDAQ về thị trường thương mại điện tử Việt Nam mùa Tết Mậu Tuất khá tích cực. Cùng với hàng hóa, là nhiều ứng dụng, ví tiền điện tử hỗ trợ thanh toán đã chuẩn bị sẵn sàng.

Doanh số trực tuyến mùa Tết tăng trưởng

Theo số liệu của Criteo (CRTO), về hành vi mua sắm trực tuyến, người tiêu dùng Việt Nam đã bắt đầu chuẩn bị cho Tết Âm Lịch từ những ngày đầu năm, điều này được thể hiện khi doanh số kinh doanh trực tuyến tăng trưởng bắt đầu từ ngày 3 tháng 1 năm 2017 (6 tháng Chạp) trở đi và giảm vào 5 ngày trước ngày đầu năm âm lịch tại Việt Nam. Cùng với thói quen mua sắm trong mùa lễ hội, nhóm hàng thời trang và thực phẩm chứng kiến sự tăng trưởng mua sắm trực tuyến tới 68,5 %. Các gói du lịch trực tuyến cũng tăng lên mạnh mẽ sau ngày mùng 2 Tết.    

Ngồi một chỗ, lướt smartphone và quét QR Code để mua nước ngọt, tại sao không?

Ngồi một chỗ, lướt smartphone và quét QR Code để mua nước ngọt, tại sao không?

Phân tích dựa trên 3,5 triệu giao dịch trực tuyến được tập hợp từ các nhà cung cấp thương mại lớn trên mạng, bao gồm các nền tảng như ứng dụng di động, website trên máy tính và di động, ở các quốc gia Singapore, Đài Loan và Việt Nam trong giai đoạn trước, trong và sau Tết Âm Lịch năm 2017.

 Alban Villani – Tổng Giám đốc của Criteo khu vực Đông Nam Á, Hong Kong và Đài Loan chia sẻ: “Trước thềm năm mới, chúng tôi thường ghi nhận sự tăng trưởng doanh thu của một số mặt hàng vì mọi người mua sắm quần áo mới và thực phẩm ngày Tết. Họ mua sắm trực tuyến nhiều hơn, nhất là trên các ứng dụng di động, điều đó có nghĩa là các doanh nghiệp thương mại cần tập trung ngân sách của họ vào nền tảng phù hợp trong thời điểm thích hợp. Để tiếp cận được những người mua hàng sở hữu nhiều thiết bị và sử dụng nhiều kênh đòi hỏi các doanh nghiệp phải sử dụng các tập dữ liệu, cả online và offline. Công nghệ của Criteo giúp các nhà cung cấp thương mại thu hút khách hàng trên cả ứng dụng lẫn nền tảng của bên thứ ba, từ đó trực tiếp thúc đẩy doanh thu và lợi nhuận.”

Số liệu từ Nielsen Việt Nam công bố tháng 11/2017 và thống kê của Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam 2016 cho thấy Việt Nam là một trong những nước “sành” về di động nhất trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương (APAC), số người sử dụng điện thoại thông minh tăng lên 84% vào năm 2017 []trên tổng người sử dụng điện thoại di động. Xu hướng này cũng xuất hiện ở các thành phố thứ cấp và vùng nông thôn trong nước. Việc sử dụng điện thoại di động được xem là tiền đề để thúc đẩy tăng trưởng Thương mại Điện tử của Việt Nam, dự kiến sẽ tăng 150% vào năm 2022, lên đến 10 tỷ USD.

 Bước chạy đà của các “ví” 

Con đường khai phá phát triển thương mại điện tử của các nhà đầu tư, các doanh nghiệp biết tận dụng xu thế công nghệ 4.0 dường như đang càng nhộn nhịp hơn với hàng loạt trang thương mại điện tử cũ, mới, cùng cạnh tranh. Và trong hệ sinh thái này, sự gia nhập của các nhà phát triển công nghệ thông tin để hỗ trợ thanh toán điện tử trở nên quan trọng hơn bao giờ.

Năm 2017, Samsung ra mắt Samsung Pay với những tính năng hỗ trợ thanh toán hiệu quả cho những ai đang sở hữu “dế” thông minh của Samsung và cài đặt hệ điều hành Android. Ứng dụng này thực tế đã được ông lớn công nghệ Hàn Quốc ra mắt tại xứ sở Kim chi vào 2015 và được cho là một “vũ khí” mới để Samsung đối đầu trực diện trong mảng thanh toán điện tử với hãng Apple khi hãng này đã ra Apple Pay trước đó.

Tuy nhiên, cái khó của Samsung Pay ở thị trường Việt Nam khi ứng dụng vào thanh toán điện tử là người dùng phải sử dụng thẻ tín dụng của một ngân hàng có ký kết thỏa thuận hợp tác với công ty Hàn Quốc. Cùng với đó, các điểm sử dụng được Samsung Pay vẫn phải thông qua máy chấp nhận thanh toán POS. Có nghĩa là ngay cả “vượt trội” hơn Apple Pay khi ứng dụng thanh toán của “Quả táo khuyết” đòi hỏi trang bị máy mới thì Samsung Pay vẫn yêu cầu những điều kiện “cần”, dù góp phần giúp người tiêu dùng có thể thoát khỏi những chiếc thẻ thanh toán bằng nhựa luôn làm nặng ví. Hiện chưa có số liệu thống kê về lượt giao dịch thanh toán điện tử qua Samsung Pay và thị trường đang mong đợi con số này, sau một giai đoạn kể từ sau công bố, từ đó có thể ước lượng độ tương tác của khách hàng sử dụng “dế” Samsung với thương mại điện tử tại Việt Nam.

Hoàn toàn “made in Việt Nam” xét về thương hiệu, Zalo Pay mới có cuộc ra mắt rình rang cùng “đại sứ” ca sĩ Mỹ Tâm trong dịp Tết Mậu Tuất này, được hứa hẹn bảo chứng đột phá về công nghệ bởi người đứng đầu thị trường game Việt Nam VNG. Cùng với đợt ra mắt, ZaloPay giới thiệu chương trình “ZaloPay đi, lì xì đầy ví” nhằm mang lại cho người dùng một trải nghiệm hoàn toàn mới mẻ của phong tục lì xì trong dịp Tết năm nay. Theo đó, ZaloPay mang đến nhiều hoạt động và khuyến mãi hấp dẫn như Mỹ Tâm lì xì fan 300 triệu đồng, nhận lộc may mắn lên đến hàng tỷ đồng, cơ hội trúng chuyến đi Nhật hay Iphone X.

Bà Trương Cẩm Thanh – đại diện ZaloPay cho biết: “Thông qua chương trình “ZaloPay đi, lì xì đầy ví”, chúng tôi mong muốn mang đến một trải nghiệm mới cho nét văn hoá truyền thống trong thời đại số. Với tính năng lì xì, ZaloPay hi vọng người dùng sẽ ngày càng trở nên thân quen với việc sử dụng ví điện tử, khiến họ cảm thấy đây là phương pháp thanh toán thuận tiện và dễ dàng nhất, hướng tới một xã hội thanh toán không cần tiền mặt”.

Hiện người dùng ZaloPay đã có thể liên kết với các thẻ Visa, Mastercard, JCB và 6 ATM của ngân hàng lớn như Vietinbank, Eximbank, Sacombank, BIDV, TMCP Sài Gòn (SCB) và tài khoản ngân hàng Vietcombank. Là một sản phẩm mới nằm trong hệ sinh thái của VNG – doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực Internet và nội dung số tại Việt Nam, với nhiều sản phẩm nổi bật như Zalo, Zing MP3, Zing News, Báo Mới…ZaloPay được kỳ vọng sẽ là sản phẩm dẫn đầu thị trường thanh toán trực tuyến ở Việt Nam.

Tuy nhiên, thách thức của Zalo Pay chắc chắn vẫn còn phía trước không chỉ vì thị trường đã có Samsung Pay mới tinh, MoMo với hơn 1 triệu người dùng, Smartlink với các thành viên rất lớn là các ngân hàng, Payoo, Nganluong.vn hay MOL Pay, VTC Pay, 2Checkout, Paypal, OnePay… mà còn bởi sự phát triển của thị trường thương mai điện tử Việt Nam hiện chưa đạt đến giai đoạn bùng nổ. “Đỉnh” phía trước của thị trường là một hứa hẹn cho mọi chủ đầu tư, nhà phát triển ứng dụng công nghệ hăm hở khám phá và tiên phong, song cũng đòi hỏi họ độ kiên nhẫn về thời gian khi nhìn hiệu quả.

 

Do đó, thời điểm Tết cổ truyền và sự tham gia của các ứng dụng thanh toán điện tử hỗ trợ người mua sắm Tết qua các cổng trực tuyến cũng mới chỉ là bước “chạy đà” đẹp khởi động đường đua dài phía sau đó.

Đánh giá của bạn:

Rate this post

Viết một bình luận