Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Bước đột phá của cửa hàng tiện lợi
Nếu trước đây lợi thế vị trí, hàng hóa đa dạng và dịch vụ hiện đại là khác biệt lớn nhất của các chuỗi này so với các cửa hàng tạp hóa gia đình thì nay nhiều chuỗi hướng tới các cửa hàng rộng, tích hợp với khu thức ăn nhanh và chỗ ngồi tiện lợi làm điểm dừng chân cho giới trẻ, nhân viên văn phòng…
Phân khúc cửa hàng tiện lợi cạnh tranh mở chuỗi
Trong ngày khai trương chính thức cửa hàng 7-Eleven đầu tiên tại Saigon Trade Center sáng 15/6, hàng người rồng rắn nối đuôi nhau chờ đến lượt vào mua sắm cho thấy đây là thương hiệu được mong đợi, dù người dân đã khá quen thuộc với các mô hình cửa hàng tiện lợi đến từ nước ngoài. So với mô hình chung 7-Eleven trên thế giới, cửa hàng tại Việt Nam có không gian tương đối rộng.
Bà N.N.Hương đến đây cùng con gái tuổi teen thừa nhận có chút hiếu kỳ, xem có gì đặc biệt so với cửa hàng Ministop nằm sát nhà hay không.
“Nhìn chung không nhiều khác biệt, thức ăn đa dạng và có nhiều hàng hóa riêng nhưng vì so với nhiều cửa hàng Circle K, Ministop hoặc FamilyMart thì diện tích nhỏ. Trong ngày đầu vì quá đông người nên tôi cũng không nhận xét gì được về dịch vụ”, bà Hương nói.
Công ty Seven System Việt Nam – nhà nhượng quyền 7-Eleven tại Việt Nam, cho biết đưa ra danh mục hàng trăm món ăn phù hợp với nhu cầu ẩm thực của người Việt, cung cấp bữa trưa công sở với hơn 20 món thay đổi hàng ngày. Bên cạnh thế mạnh về sản phẩm thương hiệu riêng, các cửa hàng 7-Eleven cung cấp các tiện ích phổ biến như khu vực ăn uống, phủ sóng wifi, dịch vụ thanh toán thẻ, tủ khóa tự phục vụ…
Ông Vũ Thanh Tú – Tổng giám đốc Seven System Việt Nam cho biết, sẽ phát triển danh mục sản phẩm đồ ăn và cung cấp trải nghiệm mua sắm tiện lợi cho người Việt. Dự kiến trong năm đầu tiên sẽ mở 20 cửa hàng và trong vòng 3 năm sẽ có 100 cửa hàng 7-Eleven tại Việt Nam.
Mô hình cửa hàng tiện lợi có mặt tại Việt Nam từ đầu những năm 2000, sau hơn thập kỷ phát triển ì ạch đã thật sự bứt phá khoảng 3 năm gần đây khi nhiều nhà khai thác mới có tiềm lực gia nhập thị trường, thay đổi cách thức tiếp cận và tạo thêm động lực cạnh tranh.
FamilyMart, Ministop và Bs mart sau khi thay đổi mô hình liên doanh đã đẩy mạnh chuỗi, trung bình mỗi thương hiệu này hằng năm có 40 – 50 cửa hàng ra đời. Trong vòng 3 năm toàn phân khúc cửa hàng tiện lợi 24/24 đã tăng lên gần 3 lần và mở rộng đến các tỉnh – thành khác thay vì tập trung chủ yếu tại TP. Hồ Chí Minh.
Mặc dù chi phí mặt bằng bán lẻ vẫn đang là rào cản lớn nhất cho việc phát triển kênh cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam, theo các doanh nghiệp chiếm đến 40% chi phí vận hành.
Tuy nhiên việc cạnh tranh mạnh mẽ đã đẩy toàn kênh này vượt qua được giai đoạn phát triển chật vật để hình thành chuỗi quy mô lớn. Chi phí hậu cần cũng ngày càng cải thiện và kênh phân phối đã trưởng thành hơn sẽ là lợi thế lớn thúc đẩy mức tăng vượt bậc trong giai đoạn tới.
Những lối đi riêng
Đa số chuỗi cửa hàng tiện ích đang là cánh tay nối dài hệ thống phân phối của các tập đoàn lớn như Aeon, Central Group, Saigon Co.op, Vingroup, SATRA…
Điển hình của sự bao phủ này có thể kể đến là tập đoàn Aeon đang sở hữu nhiều chuỗi cửa hàng tại Việt Nam gồm Ministop (cửa hàng 24/7 phủ các khu trung tâm); Aeon Fivimart (cửa hàng thực phẩm tiện lợi); Aeon Citimart B&B (phủ ở tòa chúng cư), Daiso (chuỗi cửa hàng đồng giá)… kết nối đến các mô hình khác, từ siêu thị tầm trung, đại siêu thị/trung tâm thương mại đến nhiều lĩnh vực tiềm năng khác của thị trường bán lẻ.
Chuỗi Zakkamart (100% vốn Việt Nam) sau 3 năm mở 45 cửa hàng chính phục vụ cư dân trong các tòa nhà và chủ yếu ở vùng phụ cận, trung bình mỗi tháng thêm 2 cửa hàng mới. Mô hình Zakkamart khác với các cửa hàng 24/24 ở chỗ bên cạnh hàng bách hóa còn bán cả thực phẩm tươi sống, rau củ quả hay đồ đông lạnh.
Ông Bùi Văn Tuynh – người sáng lập Zakkamart cho biết: “Tùy thuộc vào điểm mạnh thương hiệu, vị trí và khả năng tài chính mỗi chuỗi có chiến lược riêng. Zakkamart là công ty nhỏ nên chọn mô hình này để tận dụng lợi điểm là chi phí thấp, triển khai nhanh và linh hoạt khi có vị trí phù hợp”.
Các nhà kinh doanh ước tính mật độ trung bình cần thiết của thị trường bán lẻ hiện đại là cứ 500 – 1.000m có 1 cửa hàng tiện lợi, và không gian lớn cho sự phát triển sắp tới.
Ông Bùi Văn Tuynh nhận định, hiện phân khúc siêu thị lớn (big size) và trung (medium size) đang chững lại do khó khăn về thủ tục và vị trí. Trong khi phân khúc siêu thị mini/cửa hàng tiện lợi còn nhiều dư địa và sẽ là phân khúc phát triển mạnh và cạnh tranh nhất trong thời gian tới.
Rủi ro lớn trong lĩnh vực bán lẻ hiện đại, theo ông Tuynh là sức mua còn yếu, nguồn hàng sản xuất trong nước còn đơn điệu, giá lại cao so với mặt bằng chung trong khu vực, đặc biệt so với Thái Lan hay Malaysia.
“Tuy nhiên các nhà kinh doanh kỳ vọng vào thị trường phát triển trong tương lai. Hiện tại tất cả đang tập trung xây dựng thương hiệu và phát triển thị phần cứng của mình để khẳng định vị thế đối với người tiêu dùng”, ông Tuynh nói.
Ông Nguyễn Văn Khoa – Phó tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA), cũng cho biết SATRA xác định hướng đi vào phân khúc cửa hàng thực phẩm phục vụ bữa ăn hằng ngày của người dân chứ không chỉ riêng hàng FMCG (hàng tiêu dùng nhanh). Sau 5 năm, chuỗi Satrafoods hiện đạt 120 cửa hàng và dự tính cuối năm 2017 có khoảng 155 cửa hàng.
Ông Khoa cho rằng: “Chúng tôi tự tin cách đi này phù hợp thế mạnh của SATRA với hàng hóa đa dạng nhờ vào lợi thế chuỗi cung ứng từ các đối tác, từ các công ty thành viên đang sở hữu các thương hiệu lớn về thực phẩm có uy tín trên thị trường, đồng thời có thể liên kết hỗ trợ nông dân sản xuất và tiêu thụ tốt hơn”.