Buồn nôn khi mang thai và hướng xử trí phù hợp – YouMed

Buồn nôn khi mang thai là một hiện tượng rất thường gặp. Đây là biểu hiện điển hình nhất của hội chứng nghén khi mang thai. Tuy nhiên, không phải tất cả triệu chứng buồn nôn đều là biểu hiện của hội chứng nghén. Vì vậy, tùy theo từng trường hợp cụ thể, chúng ta sẽ có hướng xử trí khác nhau. Bài viết sau đây sẽ trình bày rõ hơn về vấn đề này để bạn đọc tham khảo.

1. Buồn nôn khi mang thai là biểu hiện điển hình của hội chứng nghén

Buồn nôn khi mang thai nhưng không nôn được là dấu hiệu điển hình của hội chứng nghén. Dân gian thường gọi là ốm nghén khi mang thai. Nếu thực sự buồn nôn là do hội chứng nghén thì nó không kéo dài lâu. Thông thường, những triệu chứng khó chịu của tình trạng nghén chỉ xảy ra trong tam cá nguyệt đầu.

Từ tháng thứ tư hay tam cá nguyệt thứ hai trở đi, hội chứng nghén sẽ giảm. Song song với tình trạng đó là triệu chứng buồn nôn cũng sẽ thuyên giảm rõ rệt. Lúc này, thai nhi đã đi vào giai đoạn ổn định và phát triển nhanh chóng trong bụng mẹ.

Theo các chuyên gia, triệu chứng buồn nôn xuất hiện khi mang thai là một trong những dấu hiệu sớm của thai kỳ. Các số liệu thống kê chung cho thấy có đến 70% chị em phụ nữ sẽ bị buồn nôn khi mang thai. Một số ít phụ nữ, triệu chứng buồn nôn có thể diễn ra trong suốt thai kỳ. Nó không hẳn sẽ thuyên giảm sau tam cá nguyệt đầu tiên.

2. Nguyên nhân khi mang thai bị buồn nôn

Nguyên nhân của buồn nôn do hội chứng nghén vẫn chưa được biết rõ hoàn toàn. Tuy nhiên, nó dường như có liên quan mật thiết với sự gia tăng nồng độ hormon HCG ở thai phụ. Đây là hormone mà cơ thể sẽ bắt đầu sản xuất khi trứng được thụ tinh bám vào niêm mạc tử cung.

Có những giả thuyết khác về nguyên nhân gây tình trạng buồn nôn trong lúc mang thai.

2.1 Một số giả thuyết đáng tin cậy

  • Estrogen là một loại hormon tăng lên trong thời kỳ đầu mang thai. Và hormon này có thể góp phần gây nên tình trạng buồn nôn.
  • Một dạ dày nhạy cảm có thể trở nên tồi tệ hơn. Bởi vì nó cố gắng thích nghi với những thay đổi của thai kỳ.
  • Căng thẳng, lo âu và mệt mỏi có thể gây ra phản ứng của cơ thể. Điều đó dẫn đến tình trạng buồn nôn và nôn.

2.2 Một số nguyên nhân khác

  • Viêm loét dạ dày, tá tràng xuất hiện đồng thời khi có thai.
  • Hội chứng trào ngược dạ dày thực quản (GERD) gây nên buồn nôn.
  • Ăn quá no, vận động nhiều và sớm sau khi ăn.
  • Có tiền sử đau nửa đầu (đau đầu Migraine).
  • Nằm ngửa khi ngủ sẽ làm tăng cảm giác buồn nôn.
  • Thay đổi tư thế đột ngột dẫn đến hạ huyết áp tư thế. Tình trạng này dễ xuất hiện khi mang thai và có thể gây cảm giác buồn nôn.
  • Ăn uống thiếu chất, không đầy đủ. Điều này dẫn đến tình trạng hạ đường huyết và kèm theo cảm giác buồn nôn.
  • Bổ sung không đầy đủ canxi, magie, vitamin B6 trong lúc mang thai.

Viêm dạ dày có thể gây ra tình trạng buồn nôn khi mang thai
Viêm dạ dày có thể gây ra tình trạng buồn nôn khi mang thai

3. Khi mang thai bị buồn nôn liệu có nguy hiểm hay không?

Một số chị em bị buồn nôn khi mang thai thường khá lo lắng. Đặc biệt là những thai phụ bị nghén nặng, buồn nôn nhiều, thậm chí là nôn. Nếu như buồn nôn do hội chứng nghén thì nó hoàn toàn lành tính. Vì vậy, chị em hãy yên tâm.

>>> Tham khảo thêm bài viết cùng chủ đề: Thai to liệu có phải là tốt?

Tuy nhiên, nếu buồn nôn có kèm theo triệu chứng của dạ dày như đau, ợ nóng, ợ chua,… thì bạn nên đi khám. Các bác sĩ chuyên khoa sẽ cho thuốc điều trị bệnh lý ở dạ dày. Bao gồm những loại thuốc an toàn cho cả thai phụ và em bé.

4. Những mẹo để hạn chế tình trạng buồn nôn trong thai kỳ

Sau đây là một số mẹo vặt giúp bạn hạn chế buồn nôn khi mang thai:

  • Tránh xa những thực phẩm có thể kích thích bạn buồn nôn.
  • Luôn mang theo ít bánh ngọt bên mình. Hãy ăn mỗi khi cảm thấy đói để tránh buồn nôn do hạ đường huyết.
  • Chia 3 bữa ăn lớn trong ngày thành nhiều bữa ăn nhỏ.
  • Uống ít nước trước khi ăn. Thay vào đó, hãy uống nước giữa các bữa ăn để hạn chế tình trạng căng bụng có thể gây buồn nôn.
  • Giữ phòng thông thoáng và có quạt để thở dễ dàng hơn. Hoặc có thể đi dạo ở ngoài để hít thở không khí thoáng đãng.
  • Nghỉ ngơi mỗi khi cảm thấy mệt. Không nên làm việc quá sức.
  • Nếu buồn nôn do uống viên sắt thì bạn hãy nói với bác sĩ chuyên khoa. Một phương pháp pháp bổ sung chất sắt khác có thể được thay thế. Chẳng hạn như ăn gan động vật, tăng cường vitamin C, ăn củ dền, rau ngót,… Xem thêm: 9 thực phẩm hàng đầu chứa vitamin C mà bạn cần biết
  • Hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa về việc uống viên thuốc Magie B6. Nhiều nghiên cứu cho thấy uống loại thuốc này giúp giảm buồn nôn khi mang thai.
  • Ngửi gừng hoặc chanh. Uống nước gừng hoặc nước chanh có thể giúp giảm cảm giác buồn nôn.

 

buon-non-khi-mang-thai
buon-non-khi-mang-thai

5. Khi nào cần gặp bác sĩ?

Thai phụ cần đến gặp bác sĩ khi có các triệu chứng như:

  • Ốm nghén nặng.
  • Nôn nhiều lần trong ngày.
  • Chóng mặt.
  • Nhịp tim nhanh.
  • Phù tay chân, phù mặt.
  • Nôn kèm theo đau bụng, rối loạn đi tiêu.

Hy vọng với những thông tin mà bài viết đã cung cấp, bạn đọc sẽ hiểu rõ hơn về triệu chứng buồn nôn khi mang thai. Từ đó, các chị em cũng như mẹ bầu sẽ có hướng xử trí phù hợp. Mục đích là để yên tâm, có cảm giác dễ chịu và có một thai kỳ khỏe mạnh hơn.

Bác sĩ Nguyễn Lâm Giang

Rate this post

Viết một bình luận