cá chép giòn
Tuy vậy, không phải ai cũng hiểu đúng về loài cá này. Nhiều ý kiến cho rằng,là một giống mới được đột biến gen còn cá chép thường là giống cá trong nước. Sự thật có đúng là như vậy?
Cá chép giòn và cá chép thường khác nhau như thế nào?
Theo visinhthuysan.vn, ban đầu giống cá chép giòn được nhập khẩu từ Liên bang Nga hoặc Hungari, sau đó, một số hộ nuôi đã tiến hành lai tạp giống cá này với cá trắm Việt Nam, đồng thời “vỗ béo” chúng bằng hạt đậu tằm khi đạt trọng lượng thích hợp để trở thành cá giòn của Việt Nam như hiện nay.
Chính vì vậy, xét về hình dáng bên ngoài, cá chép thường và cá chép giòn có kích thước khá giống nhau. Tuy nhiên, theo đánh giá từ giới mộ điệu thì cá chép giòn có màu sắc hơi nhạt hơn, thân thon và suông; ngược lại, cá chép thường trông có vẻ tròn trịa hơn hẳn. Trọng lượng của cá chép giòn thường nặng gấp 2-3 lần so với cá cùng loại.
Thịt của cá chép giòn không thể dùng đũa để dẻ mà phải dùng kéo hoặc dao để cắt thành từng miếng vừa ăn, khi ăn cảm nhận được vị giòn dai khác biệt. Thịt cá sau khi chiên lên không bị teo tóp mà giòn dai và vẫn giữ được vị béo mềm trong từng thớ thịt. Chính vì vậy, mức giá của cá chép giòn tại các nhà hàng thường luôn ở mức vài trăm nghìn đồng/kg, cao rất nhiều lần so với cá chép thường.
Cá có trọng lượng càng lớn thì thịt càng giòn và ngon, do vậy những người sành ăn thường sẽ chọn mua những con cá có trọng lượng từ 2kg trở lên để thịt giòn dai hơn.
Cá chép giòn (bên trái) có phần thân thon và săn chắc hơn cá chép thường (bên phải). Ảnh minh họa.
Cá chép giòn (bên trái) có phần thân thon và săn chắc hơn cá chép thường (bên phải). Ảnh minh họa.
Kỹ thuật “hô biến” cá chép thường thành cá chép giòn
Trong giai đoạn đầu, cá chép được nuôi bình thường. Đến một giai đoạn nhất định, những con cá đạt trọng lượng >1kg/con sẽ được chuyển sang vỗ béo bằng hạt đậu tằm.
Hạt đậu tằm là gì?
Đây là một loại thức ăn đặc biệt giúp thay đổi cấu trúc của thịt cá chép giúp chúng trở nên giòn dai và săn chắc hơn, khi ăn có độ giòn. Theo TS. Kim Văn Vạn (Khoa chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản Học viện Nông nghiệp Việt Nam) thì đậu tằm chiếm hàm lượng cao protein (31%), lipid thô (0,15%) cùng một số thành phần là yếu tố quyết định dẫn đến sự thay đổi chất lượng thịt cá, tăng độ dai cơ thịt nên thịt cá săn chắc, giòn dai.
Theo kinh nghiệm từ nhiều nông dân nuôi cá chép giòn, hạt đậu tằm cần phải được ngâm trong nước từ 12-24 giờ trước khi cho cá ăn, những hạt to nên bổ làm đôi; sau đó đãi sạch và trộn với 1-2% muối, để trong 10-15 phút rồi mới cho cá ăn.
Để cá thích nghi và tiêu thụ triệt để hạt đậu tằm, trong thời gian đầu khi bắt đầu vỗ béo bà con tuyệt đối không được cho cá ăn gì khác ngoài đậu tằm. Ban đầu cho cá ăn với khẩu phần 0.03% khối lượng thân, sau đó tăng dần lên 1.5-3% khối lượng cá trong ao. Cho cá ăn đậu tằm 2 lần / ngày vào thời điểm: 8-10h và 16-18h. Khi cho cá ăn, nên rải chậm rãi từng ít một để tránh đậu chìm xuống đáy gây lãng phí thức ăn. Quan sát sức ăn của cá mà có sự điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp.
Kỹ thuật nuôi cá chép giòn
Như đã biết, giá cá chép giòn luôn ở mức cao và lợi nhuận ổn định nên đây là đối tượng nuôi khá lý tưởng của nhiều bà con. Theo kinh nghiệm từ nhiều bà con, nuôi cá chép giòn tương đối đơn giản và cũng chẳng có bí quyết gì “ghê gớm” mà quan trọng là tuân thủ đúng kỹ thuật nuôi và lựa chọn thời gian vỗ béo hợp lý. Dưới đây là một số kỹ thuật nuôi cá chép giòn cần lưu ý:
1) Chuẩn bị ao nuôi, lồng nuôi cá chép
Đặc điểm của loài cá chép là ưa sạch, trong tự nhiên chúng thường sinh sống ở những khu vực có nguồn nước sạch. Do vậy, những ao nuôi cá hoặc lồng cá thường phải được thiết kế ở những khu vực có nguồn nước sạch và không bị ô nhiễm do nước thải sinh hoạt, khu công nghiệp,…
a) Đối với ao nuôi cá chép
Ao nuôi cá chép thích hợp có diện tích từ 2.000-5.000m2. Cải tạo và sang bằng đáy ao tạo độ nghiêng hướng về cống thoát nước. Độ sâu thích hợp của ao nuôi phải từ 2m trở lên với mực nước từ 1.5-2m. Trước mỗi vụ nuôi, bà con cần cải tạo ao nuôi theo đúng kỹ thuật: tháo cạn nước, nạo vét bùn, bón vôi diệt tạp, phơi đáy ao,… Bên cạnh đó, bà con nên lắp đặt hệ thống quạt nước hoặc máy bơm để kích thích cá hoạt động và bơi lội.
Sau khi ao đã cải tạo xong, bà con tiến hành cấp nước sạch và đã được xử lý diệt tạp trước vào ao.
b) Đối với lồng nuôi cá chép
Mô hình nuôi cá chép lồng trên sông được rất nhiều hộ áp dụng hiện nay. Các lồng nuôi thường được thiết kế đặt nổi và neo cố định tại một vị trí thuận lợi trên sông: có dòng chảy liên tục, mực nước sông ổn định, nguồn nước sạch,… Những lồng cá lớn thường được đặt ở khu vực nước có độ sâu 3.5-4m.
Nguồn: Minh Chiến XYZ t/h.