Cá đuôi kiếm là một trong những loài cá cảnh phổ biến nhất hiện nay, hầu như ai mới chơi cá cũng đều nuôi loài này do chúng rất dễ nuôi, cứng cáp, thích nghi được với nhiều môi trường nước khác nhau.
Cá đuôi kiếm đã được lai tạo qua nhiều thế hệ, tạo ra nhiều giống trong loài. Cá đuôi kiếm là loài đẻ con, sinh sản rất nhanh, có thể dễ dàng phân biệt cá đực và cá cái bằng đuôi có hình “thanh kiếm” đặc biệt của chúng.
Dưới đây Aquarila xin cung cấp một vài thông tin để các bạn tham khảo về loài cá đuôi kiếm.
Cá đuôi kiếm – Swordtail Fish Họ Poeciliidae Tên khoa học Xiphophorus helleri Nguồn gốc Bắc và Trung Mỹ Kích thước trưởng thành 10 cm TÍnh cách Hòa bình Tuổi thọ 5 năm Tầng nước Bơi toàn bể Kích thước bể tối thiểu 60L Chế độ ăn Động vật ăn tạp Sinh sản Đẻ con Yêu cầu chăm sóc Dễ pH 7.0 đến 8.5 Độ cứng 100 đến 150 mg/L Nhiệt độ 18°C đến 28°C * Theo tổng hợp từ Aquarila.com
Nguồn gốc và phân bố
Cá đuôi kiếm có nguồn gốc từ khu vực Bắc và Trung Mỹ trải dài từ Veracruz, Mexico, đến tây bắc Honduras, được thuần chủng nuôi trong trại cá từ lâu đời. Có rất nhiều giống được lai tạo từ loài này được phổ biến rộng rãi trong cộng đồng cá cảnh, bao gồm Neon, Pineapple, Painted, Marigold Wag, Red Wag và Hi Fin Lyretail.
Một số trang web và cửa hàng cá cảnh có bán một số giống đuôi kiếm có màu sắc độc đáo. Các giống độc đáo này được tạo ra qua nhiều thế hệ giao phối cận huyết.
Mặc dù hình dáng bên ngoài của chúng rất đặc biệt và đẹp, nhưng các chú cá này sẽ yếu hơn, dễ mắc bệnh và tuổi thọ ngắn hơn nhiều so với cá đuôi kiếm thuần chủng.
Mô tả
Cá đuôi kiếm được đặt tên theo vây đuôi của con đực, thùy dưới dài ra, tạo ra một phần nhô ra giống như “thanh kiếm”. Tùy thuộc vào loại đuôi kiếm bạn sở hữu, có nhiều kết hợp màu sắc đa dạng ở nhiều giống đuôi kiếm khác nhau. Các giống đuôi kiếm thường có 3 màu đỏ, cam và đen, có một vài thanh màu ngang dài trên cơ thể. Ngoài ra, còn có giống đuôi kiếm vây dài có vây lưng, vây ngực và vây đuôi kéo dài.
Phân biệt cá đuôi kiếm đực và cái
Cá đuôi kiếm có đặc điểm nhận dạng rất dễ phân biệt cá đực và cá cái. Đặc điểm nổi bật nhất của cá đuôi kiếm đực là vây đuôi. Thùy dưới dài ra, tạo ra một phần nhô ra giống như thanh kiếm, có thể dài bằng phần còn lại của cơ thể. Con cái có cạnh đuôi tròn và có thân dày hơn con đực do con cái thường xuyên đẻ và mang theo cá con trong bụng.
Bạn cùng bể
Cá đuôi kiếm sống theo đàn, vì vậy ít nhất bạn phải nuôi 4-5 con mỗi bể. Bạn có thể kết hợp các giống đuôi kiếm khác nhau, nhưng cần để ý vì chúng đẻ cực kì nhanh, bất chấp điều kiện nuôi bể. Bạn phải nuôi nhiều con cái hơn con đực, để tránh con cái bị con đực làm phiền quá nhiều. Tỷ lệ khuyến nghị là bốn cá cái trên một cá đực. Là loài cá đẻ con, cá đuôi kiếm có thể sinh sản rất nhanh, khoảng 3 tháng tuổi là con cái có thể sinh sản một cách hoàn thiện.
Cá đuôi kiếm thường được nuôi chung với cá Neon xanh, Coolie Loach hoặc Corydora.
Môi trường sống của cá đuôi kiếm
Cá đuôi kiếm rất dễ sống và thích hợp với hầu như mọi kích thước bể (tối thiểu phải bể cỡ 60L). Chúng là loài cá hiếu động, vì vậy trong bể bạn không nên trang trí quá nhiều làm cản trở đường bơi của cá. Do cá đuôi kiếm thích bơi ở mọi tầng nước nên bạn chỉ nên trang trí hoặc trồng cây đến 2/3 chiều cao bể, nhường không gian bên trên cho chúng tích cực bơi lội.
Cá đuôi kiếm đực có xu hướng hình thành lãnh thổ và trở nên hung dữ đối với những con cá khác, nên phải nuôi cá cái nhiều hơn cá đực để tránh chúng xảy ra xung đột. Đảm bảo bể dư không gian để chúng thoải mái bơi, mặc dù kích thước của cá đuôi kiếm khá nhỏ! Có thể bổ sung thêm cây hoặc trang trí hang giả tạo thành khu vực lãnh thổ giả cho cá đuôi kiếm.
Chế độ ăn của cá đuôi kiếm
Cá đuôi kiếm là loài ăn tạp có chế độ ăn uống đa dạng. Tùy thuộc vào nhiệt độ bể, bạn có thể cần cho cá ăn 2-3 lần mỗi ngày hoặc hơn. Do nguồn gốc ở khu vực nhiệt đới nên cá đuôi kiếm thích kiếm ăn suốt cả ngày, vì vậy tốt nhất bạn nên cho cá ăn nhiều lần trong ngày với số lượng ít.
Cá đuôi kiếm ăn tốt các loại thức ăn hạt công nghiệp đồng thời bạn có thể bổ sung dinh dưỡng bằng các món như artemia – tôm ngâm nước muối, giáp xác, giun huyết.
Cá đuôi kiếm sinh sản
Các loài cá đẻ con như cá đuôi kiếm rất dễ để nhân giống, thậm chí trong điều kiện nuôi bể. Nếu gặp điều kiện thích hợp, con cái có thể đẻ 28 ngày một lần.
Mặc dù con cái dễ dàng sinh sản trong bể chính mà không cần bất kỳ sự can thiệp nào, nhưng tốt nhất bạn nên có một bể sinh sản riêng biệt. Bể sinh sản giúp tăng cơ hội sống sót cho cá con.
Cá đuôi kiếm trưởng thành nhanh và khi đạt 3 tháng tuổi có thể sinh sản, đẻ tối đa 50 cá con mỗi lần.
Giữ điều kiện bể nuôi trong tình trạng tốt và tăng điều kiện cho cặp cá sinh sản bằng thức ăn giàu protein. Khi mang thai, cá cái sẽ bắt đầu phồng lên cùng với trứng bên trong.
Những con cái mang thai sẽ đi đến một góc của bể và ở đó khi nó gần đến ngày đẻ. Đặt một số cây lá mảnh khắp bể nuôi để cá con có chỗ ẩn náu.
Cá bột quá nhỏ để ăn thức ăn dạng vảy hoặc dạng viên tiêu chuẩn. Vì vậy, bạn phải cung cấp thức ăn cho cá dạng bột hoặc artemia – tôm ngâm nước muối mới nở. Tiếp tục cho cá ăn cho đến khi chúng đủ lớn để ăn thức ăn thông thường.
Để tránh vấn đề giao phối cận huyết khiến tỉ lệ sống ở cá con giảm, hoặc tuổi thọ cá quá ngắn, bạn nên mua thêm cá đuôi kiếm bên ngoài thả thêm vào bể. Điều này giúp đa dạng nguồn gen di truyền cũng như tăng cơ hội lai tạo được các giống có màu sắc đa dạng hơn.
Tham khảo các loài cá cảnh và hướng dẫn chăm sóc từ Aquarila
Nếu bạn quan tâm đến các loài cá cảnh khác, tham khảo thêm:
Tìm hiểu về các loài cá để chăm sóc tốt hơn cũng như thêm chú cá mới phù hợp cho bể của mình nhé.
Nguồn tham khảo: Wikipedia