Cá Lau Kiếng – Sinh Vật Ngoại Lai Đang Xâm Hại Môi Trường – BQ&Q

Trước đây, cá lau kiếng thường được nuôi làm kiểng, nhưng gần đây loài cá này sinh sản khá mạnh trong tự nhiên do những người nuôi thả ra môi trường. Theo các chuyên gia, đây là loài cá ngoại lai được xếp vào những nhóm sinh vật gây hại đến môi trường sinh sống của các loài cá nước ngọt bản địa.

Chúng là loài cá ăn tạp, có thể ăn được nhiều loại thức ăn khác nhau kể cả tảo, mùn đáy hữu cơ… nên chúng gây cạnh tranh thức ăn với các loài cá bản địa rất cao. Khi chúng phát triển mạnh dẫn đến tình trạng thức ăn và nơi cư trú của các loài bản địa giảm dần.

Do cá ăn bùn đất nên có thể làm thay đổi nền đáy và các chất dinh dưỡng nền đáy sẽ bị chuyển hóa sớm hơn bình thường trong chuỗi thức ăn. Đặc biệt, nó gây tác động trực tiếp đến những loài có cùng chuỗi thức ăn với nó. Cá lau kiếng có thể ăn cả trứng và cá con của các loài cá bản địa. Từ tập tính ăn tạp ở tầng đáy nên chúng “cày xới” nền đáy, tác động trực tiếp đến hệ thực vật thủy sinh ở nền đáy và ảnh hưởng đến cả hệ sinh thái. Vì cá lau kiếng thường đào hang để trú ẩn (chiều dài hang phổ biến từ 0,5 – 1m) nên dễ gây ra xói lở bờ sông, kênh, rạch, ao đìa…

Cá lau kiếng có thể sống trong môi trường ẩm thấp, ngay cả khi mực nước thấp hơn miệng hang. Phạm vi phân bố của nó rất rộng, từ nơi có nước chảy mạnh đến nước chảy yếu, từ hàm lượng ôxy hòa tan thấp đến ôxy hòa tan cao. Ngay cả ở vùng ven biển, cá lau kiếng cũng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng sản lượng khai thác của ngư dân. Cá lau kiếng khi di nhập vào môi trường mới sẽ gia tăng nhanh về số lượng trong thời gian ngắn. Một khảo sát thú vị khác nữa là các loài chim biển rất thích ăn thịt cá lau kiếng (do cá có kích thước to và ít di chuyển), tuy nhiên, khi ăn thì chim rất dễ chết do mắc vào gai cá.

dù cá lau kiếng đã bùng phát khắp vùng ĐBSCL ở mức đáng báo động, làm cho đa dạng sinh học bị giảm sút và nghiêm trọng hơn là sự tuyệt chủng một số loài cá, nhưng đến nay, tác hại của loài cá này vẫn chưa được cảnh báo đúng mức.

Quản lý thế nào?

Trước tình hình trên, thiết nghĩ cần có những giải pháp để ngăn chặn sự phát tán cá lau kíếng như: tuyên truyền sâu rộng đến người dân về tác hại của cá lau kiếng; người dân ở các nơi phát hiện thấy cá lau kiếng thì loại chúng ra khỏi các vực nước càng nhiều càng tốt; các cấp có thẩm quyền hỗ trợ kinh phí đánh bắt cá lau kiếng cho người dân hoặc liên kết với nhà máy chế biến thức ăn thu mua cá để làm bột cá.

Bên cạnh đó, cần có những nghiên cứu xác định vùng phân bố chính và mức độ phong phú của cá lau kiếng; nghiên cứu tác động của cá lau kiếng đến đa dạng sinh học đối với các loài cá bản địa kinh tế; xây dựng kịch bản về tác động của cá lau kiếng và đề xuất các giải pháp giảm thiểu; thí nghiệm kiểm chứng tác động của cá lau kiếng đối với một vài loài cá bản địa là đối tượng nuôi cơ bản trong vùng nghiên cứu, ngăn ngừa thiệt hại tiếp theo do sinh vật ngoại lai này mang lại.

Từ đó có những giải pháp quản lý phù hợp, góp phần bảo vệ đa dạng sinh học và môi trường sinh thái.

 

Rate this post

Viết một bình luận