CôngThương – Cá lau kính còn gọi là cá tì bà hay cá cọ bể. Chúng có nguồn gốc từ Nam Mỹ, được du nhập vào Việt Nam qua đường kinh doanh cá cảnh, chủ yếu nhập từ Hongkong và Singapore. Chúng xuất hiện tràn lan ra ao hồ sông suối do những người bán và nuôi cá cảnh phát tán bởi “không nghĩ ngợi gì” về những bất cập của loài cá lạ này.
Hình dạng cá lau kính quái dị, màu sắc xám xịt nhưng chúng được xếp vào hàng cá cảnh nhờ “tài” cọ bể. Chỉ cần thả vào hồ cá cảnh vài chú cá lau kính thì rong rêu bám vào thành hồ hoặc chất cặn bã lắng xuống đáy hồ sẽ được chúng dọn sạch.
cá lau kínhcó hình thù quái dị nên rất ít người dám ăn. Thịt cá lại không ngon nên không ai nghĩ đến chuyện chế biến chúng thành những món ăn. Sau thời gian dài “định cư” ở Việt Nam, cá lau kính sinh nở ồ ạt theo cấp số nhân khiến mọi người phát hoảng, mỗi lứa, một cá mẹ có thể cho ra đời nửa vạn cá con.
Những năm gần đây, khi đến mùa thu hoạch cá, người dân các làng nuôi cá dọc hai bên bờ sông Thao ở Đồng Nai rất mệt mỏi. Họ không biết làm cách nào để tống khứ hàng tấn cá lau kínhkhông mời mà vẫn cứ chui vào ao nhà. Mặc dù họ đã cẩn thận lấp, bít mọi ngõ ngách tiếp giáp với ao hồ sông suối xung quanh nhưng cá lau kính vẫn nghênh ngang xuất hiện. Sông Vàm Cỏ Đông đoạn chảy qua huyện Gò Dầu (Tây Ninh) cũng dày đặc cá lau kính. Anh Trần Văn Tùng ngụ xã Cẩm Giang (Gò Dầu) cho biết: “Tôi đặt chà bắt cá chỉ trên một đoạn sông ngắn mà đã thu được hơn 70kg, tưởng hời, cha con ra kiểm tra thì đã hơn 60kg cá lau kính”. Sự phát tán và sống dai của cá lau kính thật kinh khủng, có người dân quật hàng trăm con ném gần một nguồn nước, chỉ vài giờ sau ra xem đã thấy chúng sống lại, đua nhau trườn xuống nước.
Với tình trạng cá lau kính không có giá trị kinh tế kèm nhiều tác hại xuất hiện tràn lan, để bảo vệ môi trường nước, mọi người cũng không thể tiêu diệt chúng bằng hoá chất hoặc xung điện. Phát biểu về vấn đề này, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Tây Ninh Lê Văn Khải cho biết: “Để đối phó với vấn nạn này, một mặt chúng tôi tuyên truyền tác hại của cá lau kính. Mặt khác, việc tiêu diệt cá lau kính cũng đã được đặt ra với nhiều giải pháp”. Đã có ngư dân “hiến kế” cấp kinh phí cho mọi người tìm bắt và diệt chúng như một thời đã từng tiêu diệt dịch ốc bươu vàng.
Thực tế, nếu mọi người có cái nhìn ít định kiến hơn về loài cá xấu xí này thì vẫn có cách tiêu thụ để giải quyết tình trạng chúng xuất hiện tràn lan. Ở địa bàn nông thôn, đã có nhiều nông dân ở Trị An, Định Quán (Đồng Nai) dùng xác cá lau kính bón cây khá tốt. Thịt cá lau kínhchiếm khoảng 10% trọng lượng cơ thể; 90% còn lại là da, xương, vẩy… có hàm lượng chất vôi và đạm khá cao, rất phù hợp để chế biến thức ăn gia súc.