Cá lóc miền Nam gọi là gì

Nội dung chính

  • Share this:
  • Thích bài này:
  • Có liên quan
  • Video liên quan

Người miền Nam gọi là cá lóc. Người miền Trung thì gọi là cá tràu. Cả hai tiếng gọi có vẻ không tượng thanh hay tượng hình lắm. Có lẽ tiếng Mỹ mud fish hay là cá sống trong bùn có vẻ tượng hình hơn.

Người Đà Nẵng ăn cá hàng ngày vì cá rẻ, cho dù là cá biển hay cá nước ngọt ở sông hay bàu (đầm lầy). Thịt gà, vịt, heo hay bò cũng có nhưng không thường xuyên. Thường thì cá nước ngọt mắc hơn một chút vì là cá sống. Hầu như hàng tuần mạ tôi cũng mua cá tràu về nấu. Thường thì mạ chiên nếu con cá tràu nhỏ hay nấu canh chua một nửa, kho một nửa nếu con cá tràu lớn. Mỗi lần làm cá thì mạ lấy cán dao đập vào đầu cá, cá ngoay ngoay một lúc mới nằm yên. Tôi nói với mạ thôi đừng ăn nữa vì đập nó tội quá. Mẹ nói mình không ăn, người khác hay rắn và trăn cũng ăn nó. Sau cùng tôi nói thôi mạ bảo người bán cá làm dùm để mạ và tôi không có tội. Sau này lớn lên nghe các thầy Phật Giáo giảng thì tôi mới biết người chủ tiệm bán cá cũng có tội sát sinh, người làm thịt cá theo lịnh của chủ thì không có tội. Còn người ăn cá thì . vẫn có tội.

Cá tràu chiên giòn hay canh chua thì ngon không nói làm gì. Cá tràu kho nghệ và ớt thì khỏi nói, cay vô cùng đối với con nít. Mạ giã nghệ tươi, và thêm ớt bột vào nhiều. Phải là ớt bột sản xuất ở Huế thì kho cá mới cay, thơm, và ngon. Con nít 2-3 tuổi mà ăn cá kho kiểu Huế thì khó lắm vì quá cay. Mạ phẻ thịt cá tràu ra, bỏ xương rồi nhúng vào canh cho bớt cay rồi đút cho tôi ăn. Ngon thì có ngon nhưng mà cũng còn cay, vừa ăn vừa lau nước mắt. Ngó lại tô canh thì không còn rau xanh nữa mà đã thành màu cà ri Ấn Độ!

Sau nhà tôi là đường xe lửa, nay đã bị giải toả thành đường Nguyễn Hoàng (nối dài). Đi dọc theo đường rầy xe lửa thì sẽ đến một khu đầm lầy khá lớn gọi là Bàu Thạc Gián. Nay thì bàu đã bị san lấp để làm nhà. Hàng ngày nhất là vào buổi chiều, nhiều người câu cá về đi qua phía sau nhà tôi, cầm theo vài con cá tràu lớn nhưng đã chết. Thỉnh thoảng mạ mua một con cá tràu lớn nấu cháo tiêu hành. Ngon và ngọt vô cùng.

Bàu Thạc Gián là một nơi tôi rất muốn đến để câu cá nhưng ba mạ tôi từ chối dứt khoát vì sợ tôi chết đuối vì nghe nói Bàu có mấy con ma gia chuyên bắt con nít. Bắt được một đứa con nít thì ma gia được đi đầu thai. Lâu lâu mạ tôi lại nói có người chết đuối ở Bàu để có lý do không cho tôi đi. Con nít và người lớn ở đâu mà bị ma gia bắt chết nhiều như vậy? Chắc chắn là mạ tôi sợ tôi gặp nạn thôi nên nói vậy để tôi sợ. Tôi năn nỉ ỉ ôi nhiều lần thì mạ tôi chịu dẫn tôi lên Bàu để xem cảnh, nhưng vẫn không cho tôi câu cá.

Đi dọc theo đường xe lửa khoảng 20 phút thì tới Bàu. Đó là một bãi đầm lầy của vùng trũng phường Thạc Gián. Dân sống quanh Bàu là dân nghèo từ trong quê ra thành phố. Hầu như gần hết các nhà sát mé Bàu đều không có nhà vệ sinh. Tiêu tiểu, giặt dũ đều xuống Bàu. Nước Bàu nhớp (bẩn) lắm. Ven bìa thì dân địa phương thả trồng rau muống rất nhiều, loại rau muống nước. Sau đó tôi nói mạ tôi đừng mua rau muống Bàu nữa, thay vào đó là rau muống khô, trồng trên cạn bằng hột. Bàu có nhiều cá tràu và cá rô.

Biết là mạ sẽ không cho tôi đi câu ở Bàu nên tôi nói mạ cho tôi bắt mấy con cá tràu con về nuôi. Mạ cho tiền các em bé cùng tuổi tôi ở trong xóm để nhờ các em dùng vợt bắt cá tràu con. Bắt được hơn 10 con, mang về nhà bỏ vào một cái thẩu (keo) nuôi. Hàng ngày sau giờ học tôi dùng cái vợt nhỏ để vớt lăng quăng (ấu trùng của muỗi) về cho cá tràu con ăn. Cá tràu con lúc mới sanh ra có màu đỏ tươi rất dễ thương. Khi lớn lên thì màu đỏ nhạt dần thay vào bằng màu xám đen. Không biết nước trong thẩu sạch quá hay không mà các con cá tràu con lần lần chết đi. Cuối cùng rồi ý định nuôi cá tràu ở nhà của tôi cũng trôi vào dĩ vãng.

Năm 1974 tôi vào Sài Gòn học Đại Học. Sài Gòn lúc đó thật quá lớn so với Đà Nẵng của tôi. Trên đường về nhà trọ, chạy gần đến đại học Vạn Hạnh là cầu Trương Minh Giảng, hình ảnh của Bàu Thạc Gián lại trở về khi tôi nhận ra nước con kênh Trương Minh Giảng đen hơn nước bàu quê tôi cũng như nhiều rau muống và lục bình. Tôi tự hỏi con kênh này có nhiều cá tràu không? Hỏi các anh ở khu nhà trọ thì không ai biết.

Năm 1975-1976 là năm tôi cùng với các bạn học cùng lớp học chính trị Mác Lê. Trong tổ của tôi có 2 bạn người Long An. Sau khi làm quen được 1-2 tháng, mấy bạn Long An rủ tôi về Long An chơi. Đường đi về miền Tây thật khác xa với đường về miền Đông để về các tỉnh miền Trung. Quốc lộ 4 sau chiến tranh vẫn còn tốt hơn Quốc lộ 1 nhiều. Hai bên đường cây trái xanh tươi và những mảnh ruộng lớn và xanh rì như một tấm thảm lớn.

Vườn nhà bạn tôi có đủ thứ cây ăn trái như xoài, mận, me, nhãn, Chưa vào mùa trái cây nên trái còn non, ngoại trừ me. Đến bữa ăn tối thì tôi sửng sốt. Nồi cơm gạo mới rất thơm và dẻo. Bao năm trời ở Đà Nẵng tôi luôn luôn ăn cơm gạo cũ hay rất cũ. Miền Trung chiến tranh loạn lạc liên miên nên mẹ tôi lúc nào cũng mua trữ 4-5 tạ gạo để ăn từ từ. Hàng ngày mạ tôi bảo tôi xúc gạo rồi bắt sâu mọt và lượm sạn. Toàn là gạo cũ ít nhất là 6 tháng. Khi ăn cơm, mùi bao bố vẫn còn thoang thoảng chen lẫn với chút hương còn sót lại của gạo cũ.

Món ăn chỉ có hai món: cá lóc nấu canh chua và thịt heo cá lóc kho nước dừa. Cá lóc thì là 3 con loại lớn cỡ hơn 2kg/con vì tôi thấy 3 cái đầu cá.

Cá canh chua hay kho chung với thịt heo không phải dọn trong tô hay dĩa mà là trong thau (chậu) lớn. Mẹ của bạn bảo tôi: Con ăn cơm sau nghe rồi bà bỏ vào chén của tôi một khúc cá lóc canh chua. Khúc cá nằm gọn trong chén và không có chỗ cho cơm. Sau cá canh thì đến thịt kho mà mỗi miếng cũng to gần bằng nắm tay, kho từ từ nên mềm nhũn. Sau thịt heo kho thì lại đến cá lóc kho, Tôi nhớ là ăn không đến nửa chén cơm vì phải ăn nhiều thức ăn. Chưa bao giờ tôi ăn nhiều cá lóc đến như vậy.

Tôi cũng bị cuốn theo dòng người đi vượt biên của dân Việt Nam. Xa Sài Gòn 5 năm, ba mạ đều đã qua đời nên tôi không còn chỗ dựa, ít nhất là về mặt tinh thần cho những khó khăn và nguy hiểm của vượt biên. Do đó tôi quyết định đi vượt biên từ miền Nam sau vài lần không thành ở Đà Nẵng.

Vũng Tàu, Long Hải, hay Bà Rịa không mang lại cho tôi một chút may mắn nào nên các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long là nơi tôi tìm đường vượt biên.

Đường về các tỉnh miền Tây từ Sài Gòn thì không xa lắm. Sài Gòn Mỹ Tho 70 km, Cần Thơ 170 km, Bạc Liêu 230 kn, Cà Mau hay Rạch Giá Hà Tiên cũng chỉ ngoài 300 km.Nhưng cái bất tiện là phải qua hai Bắc (phà) Mỹ Thuận và Cần Thơ nên nếu từ Sài Gòn đi Cần Thơ lúc 8 giờ sáng thì cũng 3 giờ chiều mới đến, Cà Mau hay Rạch Giá cũng gần tối mới đến.Đi nhiều, dừng xe nhiều nên tôi có dịp ăn hàng quà nhiều. Tôi lại biết thêm một món ăn làm từ cá lóc. Đó là bún nước lèo.

Trong những năm tìm đường vượt biên hay bị ém lại những vùng đồng sâu của những vùng ven biển của Bạc Liêu, Hộ Phòng, Kinh B, Cà Mau, Rạch Giá, Rạch Sỏi, Hà Tiên, . Nếu chỉ là người dẫn mối ém thì đồ ăn cũng bình thường như cá kèo kho tiêu, khô cá sặc, trứng vịt chiên, Nếu được ém tại nhà chủ tàu hay con cháu họ (không phải mất tiền cho người dẫn mối) thì đồ ăn ngon hơn như thịt heo, gà, cá hú (giống cá tra) và cá lóc nấu canh chua. Còn thêm lẩu mắm cá lóc và mắm lóc chưng. Chưa nói đến chuột đồng nướng hay cà ri chuột. Những ngày sắp đi thì ăn cơm với khô cá lóc nướng.

Ngay cả lúc ở tù ở trại Cây Gừa (Bạc Liêu), Sông Đốc (Cà Mau), Tà Niên (Rạch Giá?) và chưa được ra lao động và chưa được thăm nuôi, tôi vẫn được các bạn tù cho ăn cá lóc kho tộ hay khô cá lóc nướng khi họ được thăm nuôi. Khi được phép ra lao động thì mỗi lần anh em trong tổ bắt được cá lóc, cá trê, lịch (giống như lươn nhưng nhỏ hơn) thì tôi cũng có phần.

Cá lóc kho tộ và lẫu mắm cá lóc cũng theo người tỵ nạn Việt Nam qua Mỹ. Căn hộ của tôi mướn có nhiều đơn vị, tuỳ theo là 1, 2, hay 3 phòng. Tôi là người Việt Nam duy nhất ở trong khu này, số còn lại là Mỹ trắng hay Mễ. Mỗi lần muốn nấu thịt heo kho trứng hay cá catfish (giống như cá tra hay bông lau) kho mắm tiêu thì phải mang ra sau hè nấu lúc ban ngày khi mọi người đi học hay đi làm vì mùi nước mắm nặng lắm. Chừng vài tháng sau có một gia đình gốc Bạc Liêu dọn vào. Ông hàng xóm mới này rất thích 2 món: lẩu mắm cá lóc và vịt nấu chao. Ông ta không thích ra sau hè nấu vì cho là gió thổi mạnh quá và lạnh nên nấu trong nhà. Ở Mỹ các căn hộ đều có trần chung nên mùi nấu ăn có thể len vào trần và thấm vào các căn hộ khác. Mùi mắm lóc và chao thì khỏi nói. Ông ta lại mê nghe cải lương. Hàng ngày ông mang cái võng ra sau hè vừa uống bia vừa nghe cải lương để bớt nhớ quê hương. Ông ta rất rộng rãi nên mở khá to nên cả khu có thể nghe. Trong vòng 2 năm toàn bộ người thuê Mỹ và Mễ dọn ra khỏi chung cư và khu đó nay toàn là người Việt. Không hiểu các người đó dọn đi vì mùi mắm cá lóc hay âm điệu của cải lương?

Ở Mỹ tôi có mua cá lóc đông lạnh một lần để nấu canh chua. Không thấy ngon và thơm như cá lóc ngày xưa, thậm chí có mùi tanh. Từ đó đến nay chưa ăn cá lóc lần thứ hai ở Mỹ. Nghe bạn nói đó là cá lóc nuôi, không phải là cá lóc thiên nhiên nên thịt không thơm và ngon.

Năm 2009 một người bạn ở Sài Gòn mời đi ăn cá lóc nướng đất sét. Con cá lóc được bao bằng đất sét rồi nướng trong lò. Khi gỡ đất sét ra thì thịt cá lóc trắng tươi nhưng không tìm ra mùi thơm và chất ngọt của cá lóc ngày xưa.

Về thăm lại Đà Nẵng, cảnh và người cũng khác xa. Chợ Cồn lớn hơn nhưng hàng cá không có bán nhiều cá tràu thiên nhiên như xưa. Chỉ có cá lóc nuôi. Đôi lần tôi muốn chị tôi mua 1 con cá tràu nhỏ thiên nhiên về chiên nhưng nghĩ lại chị tôi gần như ăn chay trường nên tôi bỏ qua ý định đó. Đến Sóc Trăng thăm bà chị và các cháu thì tôi mạnh dạn nói ra. Hai lần cháu tôi đón người trong đồng mang cá tôm và ếch ra chợ bán. Đó là kết quả của một đêm câu. Cá lóc thiên nhiên thì ốm và nhỏ, nặng chừng 3-400 gram nhưng khi chiên dòn lên thì thịt rất thơm và ngọt. Vì chỉ có một con nên chị và các cháu không chịu ăn, nhường hết cho tôi ăn.

Giờ đây, sống xa quê hương, nơi chôn nhau cắt rún, mỗi lần ăn cơm tôi đều nghĩ đến những bữa cơm mà mạ tôi đã lo cho tôi. Vô tình hay cố ý, may mắn hay cố tình chọn lựa sống ở ngay trung tâm người Việt Nam lớn nhất ở hải ngoại, những bữa ăn của tôi cũng gần giống các bữa ăn ngày xưa. Cũng có canh rau dền, rau muống, bầu, bí, mồng tơi, khổ qua Cũng có cá nục, chim, hố, bạc má, thu, ngừ,..

Chỉ thiếu có mỗi cá tràu thiên nhiên.

Nhiều nhạc, văn, thi sĩ viết về ý: Chúng ta đi mang theo quê hương thì đúng và rất cảm động. Nhưng có mang đi bao nhiêu thì cũng để lại một nửa ở quê nhà. Với tôi, hình ảnh và hương vị con cá tràu thiên nhiên ở Bàu thì tôi không thể mang đi vì đó là một phần nhỏ của quê hương tôi.

Nguyễn Hữu Tưởng

Share this:

  • Twitter

  • Facebook

Thích bài này:

Thích

Đang tải…

Có liên quan

Rate this post

Viết một bình luận