Cá mập trắng bị tấn công
Đối với người ta, có lẽ cá mập trắng, loài cá ăn thịt lớn nhất trên thế giới, đáng khiếp sợ hơn bất cứ sinh vật nào khác. Tuy nhiên, hiện nay nó lại là loài cá được bảo vệ ở các vùng biển chung quanh Brazil, Hoa Kỳ, Nam Phi, Namibia và Úc, cũng như ở vùng Địa Trung Hải. Các quốc gia khác cũng đang cứu xét việc mở rộng phạm vi bảo vệ loài cá này. Nhưng tại sao lại bảo vệ loài cá khét tiếng ăn thịt người? Chúng ta sẽ thấy rằng vấn đề không đơn giản như thế. Nhận thức của công chúng về loài cá mập trắng cũng không luôn luôn đúng với sự thật.
CÙNG với cá heo dữ và cá nhà táng, cá mập trắng đứng đầu chuỗi thức ăn ngoài biển. Trong họ cá mập, nó là vua, là siêu cá mập. Nó ăn bất cứ thứ gì—cá, cá heo, ngay cả các loại cá mập khác. Nhưng khi già hơn, lớn hơn và chậm hơn, nó thích ăn hải cẩu, chim cánh cụt và thịt ôi—nhất là cá voi đã chết.
Khi kiếm mồi, đa số cá mập sử dụng tất cả các giác quan của chúng, kể cả thị giác rất tinh. Xét về khứu giác, thì nói cá mập là “cái mũi biết bơi” là lối nói ẩn dụ rất thích hợp! Song, ngoài khứu giác ra, hầu như chẳng có thứ gì thoát khỏi đôi tai thính của chúng—thính đến độ cá mập cũng có thể được gọi là đôi tai biết bơi.
Đôi tai của cá mập có sự trợ giúp của những tế bào nhạy cảm với áp suất, nằm dọc theo hai bên thân cá mập. Không thứ gì thoát khỏi hệ thống nghe ngóng này; nó đặc biệt nhạy với sự rung động do sự vùng vẫy gây ra—chẳng hạn như con cá giãy giụa ở đầu cây xiên. Vì thế, người săn cá dưới nước bằng xiên cần thận trọng đem con cá đang giãy giụa và chảy máu ở đầu xiên ra khỏi nước càng sớm càng tốt.
Cá mập cũng có giác quan thứ sáu. Nhờ có những bóng Lorenzini—tức các ống dẫn li ti rải rác chung quanh mũi của cá mập—chúng có thể dò ra được điện trường yếu, phát ra từ tim con mồi khi co bóp, từ cử động của mang hoặc của bắp thịt khi con mồi bơi. Quả vậy, giác quan thứ sáu này thính đến độ có thể làm cho cá mập nhạy cảm ngay cả với sự tương tác của từ trường trái đất với đại dương. Kết quả là cá mập có thể định hướng bắc và nam.
Nhận ra cá mập trắng
Tuy được gọi là cá mập trắng, nhưng chỉ phần dưới của thân hình có màu trắng hay nhợt nhạt. Lưng của nó thường có màu xám đậm. Hai màu này giáp nhau dọc theo hai mặt bên của cá mập, tạo thành một đường gấp khúc; mỗi con đều có một đường khác nhau. Đặc điểm này giúp cá mập dễ lẩn khuất trong môi trường sống, nhưng cũng giúp các nhà khoa học nhận ra chúng.
Cá mập trắng lớn đến cỡ nào? Sách Great White Shark nói: “Khi đo chính xác thì cá mập trắng lớn nhất dài từ [5,8 đến 6,4 mét]”. Cá cỡ này có thể cân nặng hơn 2.000 kilogam. Tuy nhiên, nhờ có hai vây hình tam giác hơi cong về phía sau, dính liền với thân mình giống trái ngư lôi, nên con vật khổng lồ này lướt dưới nước như hỏa tiễn. Cái đuôi của nó hầu như có hình đối xứng, được tạo dựng nên để có sức mạnh, là một điều hiếm có trong thế giới cá mập, vì đuôi của hầu hết các loài cá mập khác đều rõ ràng không đối xứng.
Ưu thế rõ rệt cũng như đáng sợ nhất của cá mập trắng là cái đầu khổng lồ hình nón, đôi mắt đen lạnh lùng và cái miệng đầy những răng lởm chởm hình tam giác, sắc như dao cạo, có cạnh như răng cưa. Khi những “con dao” hai lưỡi này mẻ hay rụng đi, thì hàm răng giống như ‘băng tải’ đẩy các răng khác ra ngoài để thay thế.
Mạnh nhờ có máu nóng
Cá nhám thu, cá nhám hồi và cá mập trắng thuộc họ Lamnidae, có hệ tuần hoàn khác hẳn hệ tuần hoàn của đa số cá mập khác. Máu chúng có nhiệt độ cao hơn nhiệt độ nước biển khoảng từ 3° đến 5°C. Máu nóng giúp cá mập tiêu hóa thức ăn nhanh hơn, tăng thêm sức mạnh và sức chịu đựng. Cá nhám thu ăn những loài cá biển phóng nhanh, như cá ngừ chẳng hạn; trong những quãng phóng ngắn, vận tốc của cá nhám thu có thể đạt tới 100 kilômét giờ!
Khi bơi, cá mập trồi lên nhờ hai vây ngực. Nếu bơi quá chậm, thì cá mập khựng lại và chìm nghỉm như một chiếc máy bay; điều này vẫn xảy ra bất kể tính gây nổi của lượng dầu tàng trữ trong lá gan to của nó—to đến độ tương đương một phần tư trọng lượng cá mập! Ngoài ra, nhiều loài cá mập phải bơi liên tục để thở, vì qua cách này chúng đẩy nước có nhiều khí oxi qua miệng và mang. Điều này giải thích kiểu nhe răng lạnh lùng của chúng!
Cá mập ăn thịt người chăng?
Trong số 368 loài cá mập mà người ta biết hiện nay, chỉ có khoảng 20 là thuộc loại nguy hiểm. Và trong số này chỉ có bốn loài đã gây ra phần lớn trong số khoảng 100 cuộc tấn công vào người ta, được báo cáo hàng năm. Khoảng 30 trong các cuộc tấn công này là có người chết. Bốn loài cá mập thường tấn công người là Carcharhinus leucas, cá mập hổ, cá mập vây dài, và cá mập trắng, trong số này có lẽ Carcharhinus leucas đã giết nhiều người hơn bất cứ loài cá mập nào khác.
Điều đáng ngạc nhiên là ít nhất 55 phần trăm—và ở một số vùng trên thế giới, khoảng 80 phần trăm—những người bị cá mập trắng tấn công đã sống sót và kể lại kinh nghiệm của họ. Tại sao có nhiều người sống sót sau khi bị con thú ăn mồi đáng sợ như thế tấn công?
Cắn rồi nhả ra
Người ta biết rằng sau khi cắn mạnh lần đầu, cá mập trắng nhả con mồi đã bị thương ra. Rồi nó chờ cho con mồi chết trước khi ăn thịt. Khi nạn nhân là người, hành vi này là cơ hội thoát thân tốt. Có khi nạn nhân thoát nạn nhờ lòng can đảm của bạn mình, như thế chứng tỏ sự khôn ngoan của lời khuyên là không bao giờ nên bơi một mình.
Tuy nhiên, nỗ lực tiếp cứu như thế gần như là tự tử nếu không nhờ vào một hành vi khác của cá mập trắng. Mùi máu không đẩy nó đến chỗ cuồng ăn như vài loại cá mập khác. Nhưng tại sao cá mập trắng lại cắn rồi nhả ra?
Một nhà khoa học suy đoán rằng đó là bởi vì đôi mắt của nó. Khác với cá mập khác, mắt cá mập trắng không có màng giống như mi mắt để tự che chở; thay vì thế, nó xoay tròn đôi mắt trong hốc mắt khi sắp đụng vào con mồi. Vào lúc đụng chạm vào mồi, mắt nó bị hở ra, có lẽ trước móng của một con hải cẩu đang quẫy. Vì thế, đánh một đòn nhanh, chí tử rồi thả ra là hành vi thông thường của cá mập trắng.
Cũng hãy nhớ rằng cá mập trắng có hành vi rất giống như các trẻ nhỏ—đưa mọi thứ thẳng vào miệng để thử trước! “Đáng tiếc thay, khi cá mập trắng cắn thử, thì hậu quả có thể thảm khốc”, theo lời giải thích của John West, nhà sinh học biển ở Sydney, Úc.
Dù nguy hiểm, nhưng cá mập trắng không phải là con quái vật thèm ăn thịt người. Một người từng lặn 6.000 giờ dưới nước để tìm bào ngư đã gặp chỉ hai con cá mập trắng, và không con nào đã tấn công ông. Thật ra, cá mập trắng thường bỏ chạy khi gặp người ta.
Trong khi lặn ngoài khơi quần đảo Cape Verde, nhà thám hiểm hải dương Jacques-Yves Cousteau và một cộng tác viên tình cờ gặp một con cá mập trắng lớn. Ông viết: “Khó mà tưởng tượng được phản ứng [của nó]. Hoàn toàn hoảng sợ, con vật khổng lồ bài tiết ra một đống phân cuộn lên mù mịt và phóng đi với một vận tốc không tin nổi”. Ông kết luận: “Khi ngẫm nghĩ về tất cả các kinh nghiệm của chúng tôi với cá mập trắng, tôi thường xuyên ngạc nhiên vì có một hố sâu ngăn cách lớn giữa những gì công chúng tưởng tượng về con vật này và những gì chúng tôi biết”.
Cá mập trắng là con mồi
Hình ảnh của công chúng về cá mập trắng chịu nhiều ảnh hưởng của quyển tiểu thuyết Jaws trong thập niên 1970, quyển tiểu thuyết này được chuyển thành phim được nhiều người thích. Trong một sớm một chiều, cá mập trắng trở thành hiện thân của sự xấu xa, và theo sách Great White Shark, “những người lùng kiếm vật kỷ niệm kéo nhau đi cả đoàn, đua nhau xem ai ở trong số họ là người đầu tiên trưng bày cái đầu hay xương quai hàm của cá mập trắng bên trên lò sưởi của họ”. Với thời gian, một cái răng cá mập trắng bán được đến 1.000 đô la (ở Úc); và toàn bộ xương quai hàm bán được hơn 20.000 đô la.
Tuy nhiên, đại đa số cá mập trắng chết vì vướng trong lưới đánh cá ngành thương nghiệp. Ngoài ra, hàng triệu cá mập khác bị đánh bắt hàng năm nhằm thỏa mãn nhu cầu đang bành trướng của thị trường tiêu thụ các sản phẩm lấy từ cá mập, nhất là vây cá. Trong những năm gần đây, khi số lượng đánh bắt giảm đi, tiếng chuông báo động đã vang lên khắp thế giới, nhất là cho loài cá mập trắng.
Sự hiểu biết đang gia tăng
Người ta biết rằng cá mập lùng kiếm khắp các đại dương để tìm cá bịnh, sắp chết, già yếu và cá đã chết. Vì thế, có nhiều cá mập nghĩa là lòng đại dương được sạch sẽ, lành mạnh.
Do nhận thức được mối đe dọa sự sống còn của cá mập, Ủy Ban Bảo Vệ Chủng Loại của Hội Liên Hiệp Bảo Tồn Tự Nhiên đã thành lập Nhóm Chuyên Gia Cá Mập để nghiên cứu toàn diện vấn đề cá mập. Tuy nhiên, nghiên cứu cá mập trắng không dễ dàng—chúng không sinh sản nhiều, và chết khi nuôi trong hồ. Vì thế phải nghiên cứu chúng trong môi trường thiên nhiên.
Khi hiểu biết nhiều hơn về cá mập, người ta thay đổi thái độ đối với con vật lôi cuốn này. Nhưng điều đó không thay đổi bản chất của cá mập trắng. Tuy không phải là quái vật, nhưng dù sao đi nữa, nó vẫn là con vật nguy hiểm nên cần phải thận trọng và e dè. Thật e dè!
[Hình nơi trang 11]
Miệng cá mập to lớn và đáng sợ
[Nguồn hình ảnh nơi trang 10]
Photos by Rodney Fox Reflections
Viện Nghiên Cứu Cá Mập Trắng Nam Phi