Được mệnh danh là “vua bơi đàn”, cá neon có đặc điểm mà mọi người chơi thủy sinh ưa thích: đẹp, bơi đàn, nhỏ xinh, tạo ấn tượng mạnh cho mọi loại bể ở mọi kích thước. Cá neon từng được các trang trại Hồng Kông, Singapore và Thái Lan nuôi và bán với số lượng rất khủng.
Nguồn gốc, phân bố
Cá neon, hay còn có tên gọi khác là Neon tetra, có nguồn gốc từ các nhánh sông ở lưu vực sông Orinoco và sông Amazon ở Brazil, Columbia và Peru. Đây là những vùng nước tối bên dưới những tán rừng rậm rạp với rất ít ánh sáng lọt qua. Cá Neon sống trong các bãi cạn chủ yếu ở tầng nước giữa, ăn giun và động vật giáp xác nhỏ.
Màu sắc, hình dáng
Cá neon có hình dáng thuôn dài, phần thân trên có màu xanh còn bụng có màu đỏ. Nhiều người cho rằng cá neon có màu sắc sặc sỡ để dễ nhận ra đồng loại trong các vùng nước tối.
Cũng như nhiều loài cá nhiều màu khác, màu sắc rực rỡ của cá neon sẽ nhạt vào buổi tối khi chúng nghỉ ngơi, khi chúng sợ hãi hoặc bị bệnh. Khi chọn mua cá ở các tiệm thủy sinh, các bạn nên chọn những con linh hoạt và có màu sắc đẹp bởi vì cá nhạt màu có thể là dấu hiệu của cá yếu, bệnh và “sắp lên đường”.
Các bạn nên nuôi cá neon theo bầy, tốt nhất từ 10 con trở lên (hoặc ít nhất cũng là 5 con) bởi chúng là loài sinh sống theo bầy đàn. Ngoài ra, không nên nuôi các loài cá “mồm to” hoặc cá hung dữ khác bởi chúng có thể khiến neon bị stress hoặc nuốt chửng từng con cá neon của các bạn.
Môi trường sống và cách chăm sóc cá Neon
Cá neon khá nhạy cảm và yếu nếu chăm sóc không đúng cách. Các bạn nên hoàn thành chu trình chạy nước trước khi thả cá (tốt nhất để bể ổn định khoảng 3 tuần trở lên). Nếu có thể, các bạn có thể bổ sung lũa gỗ hoặc lá bàng để tạo môi trường thoải mái, giúp giảm nhẹ độ pH và tăng độ chống chịu bệnh cho cá.
Cá neon mua từ cửa hàng về nên cho thích nghi dần với nước. Các bạn cho cả túi cá vào bể để nhiệt độ bằng nhau. Tiếp theo mở dần túi để nước hòa vào nhau. Để càng lâu càng tốt, hoặc có thể chờ cho tới khi cá tự chui từ túi vào bể. TUYỆT ĐỐI KHÔNG THẢ CÁ TRỰC TIẾP VÀO BỂ, như vậy sẽ làm cá bị sốc nhiệt độ, sốc pH. Hậu quả là cá bay màu và sẽ nhanh “lên đường”.
Trong môi trường sống tự nhiên, cá neon sống ở những vùng nước tối với cây cối rậm rạp và rễ cây. Do đó, việc tạo ra môi trường sống với nhiều nơi ẩn náu sẽ giúp cá khỏe mạnh và bớt stress hơn. Ngoài ra, các bạn cũng có thể cho thêm nhiều loại cây thủy sinh hoặc bèo, rong nổi trên mặt nước nếu được. Gỗ lũa cũng sẽ tạo ra nơi trú ngụ cho cá. Phân nền tối màu sẽ tái tạo môi trường sống tự nhiên cho cá neon. Một số người nuôi cá chuyên nghiệp còn dán kính đen ba mặt của bể cá để tạo môi trường sống tốt nhất cho cá neon.
Chốt lại, các bạn nên hiểu rằng “đèn là để người ngắm, còn cá thì không thích đèn” =)).
Chế độ ăn cho cá Neon
Cá Neon là động vật ăn tạp, có nghĩa là chúng sẽ ăn cả thực vật và động vật. Thực phẩm dạng mảnh, dạng hạt nhỏ, tôm sống hoặc đông lạnh hoặc giáp xác, và giun huyết đông lạnh hoặc khô đều là những lựa chọn tốt. Các bạn nên cho cá ăn nhiều loại thức ăn đa dạng, bao gồm cả thức ăn sống, để đảm bảo sức khỏe tốt cho cá. Trong quá trình nuôi cá neon, mình từng thấy cá ăn XÁC tép rất ngon lành.
Cách nuôi cá Neon sinh sản
Việc nuôi cá neon sinh sản trong bể thủy sinh có vẻ khá là khó. Các bạn nên tách bể riêng cho cá nếu muốn nuôi cá sinh sản. Phải đảm bảo độ pH ở trong ngưỡng 5.0-6.0. Thêm nhiều cây, tạo môi trường tối cho cá và nhiệt độ tối ưu ở mức 24 độ C.
Cho cá sinh sản ăn thức ăn tươi sống trước khi cho vào bể sinh sản. Khi đưa cặp cá sinh sản vào bể, các bạn có thể tắt đèn. Những ngày sau đó bắt đầu tăng cường bật đèn dần dần để kích thích cá đẻ. Thường cá sẽ đẻ trứng vào buổi sáng. Trứng trong suốt và hơi dính, sẽ dính vào cây. Khi thấy trứng, các bạn nên tách cá bố mẹ ra ngay lập tức để tránh cá ăn trứng.
Chúc các bạn nuôi cá neon thành công!
Nguồn bài viết: https://www.thesprucepets.com/neon-tetra-paracheirodon-1381835