Cá nheo khổng lồ của sông Mê Kông (họ Pangasiidae) là loài đặc hữu ở sông Mê Kông
và các sông nhánh của nó có phân bố từ vùng châu thổ của Việt Nam về phía Bắc qua
Campuchia, Lào và Thái Lan đến tận phía Nam của tỉnh Vân Nam tại Trung Quốc (hình
61). Trong thế kỷ 20, sự kết hợp của việc đánh cá và xuống cấp của môi trường sống
cùng với việc phát triển sông Mê Kông đã làm cho loài cá này gần như tuyệt chủng trong
tự nhiên. Vùng phân bố và mật độ của nó đã giảm xuống đáng kể và đã bị biến mất khỏi
tỉnh Vân Nam, Đông Bắc của Thái Lan và Việt Nam. Mặc dù nhiều loài cá nước ngọt
đang bị đe dọa trong khu vực, cá nheo khổng lồ của sông Mê Kông là loài cá lớn nhất và
đã trở thành mục tiêu chính của các nỗ lực bảo tồn. Những điều chưa được biết về lịch
sử tự nhiên, vòng đời và cấu trúc quần thể phản ánh những thách thức đối với việc bảo
tồn những loài tương tự.
Mặc dù loài cá nheo khổng lồ này là một trong những loài cá nheo của sông Mê Kông
được nghiên cứu nhiều nhất, sinh thái và tập tính của chúng vẫn còn ít được biết đến.
Đặc điểm đáng chú ý nhất của nó là kích thước khổng lồ: loài này có thể dài đến 3m
và nặng hơn 300kg; một mẫu vật dài 2,2m bắt được vào năm 1932 có trứng nặng 40kg.
Chúng chủ yếu ăn tảo từ các tảng đá (và đôi khi nuốt cả đá vào bụng trong lúc ăn) và có
thể đạt tới trọng lượng 150-200kg trong vòng 6 năm. Tốc độ lớn này đặt chúng vào vị trí
những loài cá nước ngọt lớn nhanh nhất trên thế giới. Như các thành viên khác cùng họ,
cá nheo khổng lồ của sông Mê Kông có các đặc điểm thích nghi về mặt hình thái và tập
tính cho việc tăng tối đa tốc độ lớn, trong đó có các thói quen ăn rất nhiều và đường tiêu
hóa cũng như phần bụng có thể giãn ra rất lớn. Ngoài kích thước của nó, loài cá nheo
này có các đặc điểm đặc trưng của họ: da trơn không có vảy có màu trắng đến màu xám
nhạt, vây lưng, vây hậu môn và vây đuôi có màu xám sẫm hơn. Chúng có một cái vây
nhỏ, không có xương và có nhiều mỡ ở phần phía dưới. Râu cá (râu cảm giác) ở môi
trên và môi dưới rất phát triển ở con non nhưng teo lại và thậm chí biến mất ở các cá thể
già hơn.
Trước đây, cá nheo khổng lồ của sông Mê Kông trong một chừng mực nào đó gần như
chắc chắn là loài di cư, và nó có lẽ vẫn còn di cư, mặc dù các chu kỳ tự nhiên đã không
còn rõ ràng và bị phá vỡ do sự suy giảm rất nhiều về số lượng của nó và những thay đổi
về các môi trường sống cũng như dòng chảy của sông. Nó được cho là di chuyển lên
phía thượng lưu khi nước lũ rút xuống (vào cuối mùa đông và đầu mùa xuân) và trở lại
vùng hạ lưu khi con sông lại phình ra do băng tan và mưa theo mùa. Các quần thể lớn
nhất còn sót lại của cá nheo khổng lồ của sông Mê Kông có lẽ phân bố tại Campuchia
(đáng chú ý là ở sông và hồ Tonle Sap), Thái Lan và Lào nơi những ngư dân địa phương
đôi khi bắt được các cá thể của loài này. Nơi đẻ và thời gian đẻ của chúng vẫn chưa được
biết. Gần đây không có bằng chứng là chúng đẻ ở miền Bắc của Thái Lan, nhưng sự xuất
hiện của các cá thể có kích thước nhỏ hơn ở Tonle Sap chứng tỏ chúng đẻ tự nhiên tại
sông Mê Kông mặc dù kết luận này vẫn còn gây nhiều tranh cãi. Vào năm 1984, chính
phủ Thái Lan đã bắt đầu chương trình nuôi đẻ và thả lại vào tự nhiên, nhưng sản lượng
đánh cá ở khu vực này tiếp tục giảm sút. Vì khoảng cách và hướng di chuyển, địa điểm
đẻ trứng và đặc điểm sinh thái của sự phát triển của ấu trùng chưa rõ ràng, các mối liên
hệ giữa di cư, sinh sản, tình trạng của quần thể và cấu trúc di truyền gần như vẫn chưa
được biết đến.
Giải quyết những vấn đề này đóng vai quan trọng trong việc bảo tồn loài cá nheo khổng
lồ của sông Mê Kông và các loài cá di cư khác của con sông này. Nếu không biết vòng
đời của loài cá này, khó có thể chọn lựa và bảo vệ các khu vực cần thiết cho sinh sản,
giám sát tình trạng và số lượng của quần thể và ước tính tác động của nhiều đập thủy
điện đã được dự kiến lên quá trình di cư và sự tồn tại của chúng. Tìm hiểu cấu trúc di
truyền của các quần thể sẽ xác định được liệu quần thể ở Campuchia và Thái Lan là 1
hay 2 quần thể riêng biệt và việc thả lại cá có tác động gì, nếu có, lên các quần thể trong
tự nhiên. Bước đầu tiên tiến tới giải quyết các câu hỏi này đã được thực hiện qua chương
trình mua và thả lại tại khu vực đánh cá của sông Tonle Sap, nơi các nhà nghiên cứu
mua cá nheo khổng lồ của sông Mê Kông từ những ngư dân địa phương và đo đạc, đánh
dấu và thả chúng lại vào sông. Chương trình này nhằm mục đích cứu các cá thể sinh sản
trưởng thành và sau đó thu thập thông tin sinh học về loài cá này. Thách thức cuối cùng
trong việc cứu loài cá nheo khổng lồ của sông Mê Kông khỏi bị tuyệt chủng là bản chất
công việc này cần tham gia của nhiều nước. Việc bảo tồn có hiệu quả cần sự phối hợp
của 5 nước và mỗi nước có các ưu tiên khác nhau trong việc bảo tồn, phát triển và về tài
nguyên thiên nhiên. IUCN xếp cá nheo khổng lồ của sông Mê Kông và loại nguy cấp.