Cá nheo và vị thuốc niềm ngư
Cá nheo được dùng trong y học cổ truyền với tên thuốc là niềm ngư hay di ngư, gồm các bộ phận như thịt, mắt, gan, đuôi và nước dãi cá.
Thịt cá nheo (niềm ngư nhục) Có vị ngọt, tính ấm, không độc, có tác dụng tư âm, bổ khí, mát máu, chỉ huyết, kiện tỳ, khai vị, thông kinh, lợi tiểu, tiêu thũng, chữa phù thũng, tiểu tiện bất lợi, chứng mắt miệng méo xệch, đau dạ dày, lòi dom. Dạng dùng thông thường là nấu canh ăn hằng ngày.
Sách Dược tính chỉ nam có ghi: Cá nheo hay niềm ngư ăn ngon và bổ khí, nhưng không ăn lẫn với gan trâu, gan bò, thịt gà rừng, lợn rừng.
Mắt cá nheo (niềm ngư mục): Khi bị gai châm hoặc vật nhọn đâm vào da thịt gây đau nhức, lấy mắt cá nheo phơi khô, đốt cháy thành than mà đắp là khỏi.
Gan cá nheo (niềm ngư can) đốt tồn tính, bôi chữa nghẹn họng, hóc xương.
Dãi cá nheo (niềm ngư diên) chữa chứng khô cổ, họng háo, khát nước. Lấy dãi hòa với bột hoàng liên làm thành viên, rồi uống với nước sắc ô mai. Mỗi lần uống 3-5 viên, ngày 3 lần.
Đuôi cá nheo (niềm ngư vĩ). Cắt lấy đoạn nhọn của đuôi cá, để tươi, dán ngay vào má và môi để chữa miệng mắt bị méo xệch.
Theo tài liệu, ở Trung Quốc, người ta dùng cá nheo dưới dạng thức ăn – vị thuốc rất phổ biến.
Chữa chảy máu cam: Cá nheo 1 con, làm sạch, thái miếng, hấp trên nồi xôi (100g gạo nếp). Ăn nóng trong ngày.
Chữa thiếu máu ở những người mới ốm khỏi hoặc phụ nữ sau khi sinh: Cá nheo 3 con nấu chín với 50-100g đậu đen. Ăn nóng hằng ngày.
Chữa suy nhược, đau dạ dày: Bong bóng cá nheo 50g, hấp cách thủy với thịt lợn nạc 100g. Ăn hết một lần.
facebook
zalo
copy