1. Không có một thông báo nào chính thức đủ độ tin cậy, nhưng nhiều người cho rằng cá Rồng được người châu Á ưa chuộng nhất. Và cá Rồng châu lục này cũng được xếp vào hàng đầu trong thế giới cá cảnh do giá bán cao và vẻ đẹp độc đáo của nó. Đó là hình dáng uyển chuyển, cái miệng rộng và những lớp vẩy sáng đã tạo ra cho chúng một vẻ đẹp nổi trội trong bất cứ bể cá cảnh nào.
Kim Long Quá Bối.
Nhiều người Trung Quốc còn tin rằng cá Rồng là tượng trưng cho sự may mắn, phát tài lộc và đem lại hạnh phúc. Cho tới tận bây giờ, khi nuôi cá Rồng trong nhà, cùng với vẻ đẹp của nó mang lại thì người ta còn cho rằng sẽ làm nên yếu tố Phong Thủy được tốt hơn. Đó là quan niệm: bể nuôi là “Phong”; nước trong bể nuôi là “Thủy”; cá Rồng là “Tài”. 3 chữ này hợp lại thành “Đại Phúc”.
Người chơi cá Rồng châu Á chia loài này thành 4 loại, tùy theo màu sắc tự nhiên khác nhau của chúng. Đó là Kim Long Quá Bối (có nhiều ở Malaysia); Huyết Long (nguồn gốc chính từ tỉnh West Kalimantan, Indonesia); Kim Long Hồng Vỹ (có nhiều ở tỉnh Pekanbaru, Indonesia); và Thanh Long- trong tự nhiên chúng xuất hiện ở Malaysia, Indonisia, Myanmar và Thái Lan.
Do nhu cầu quá lớn, cá Rồng trong tự nhiên bị săn bắt ráo riết. Số lượng sụt giảm ghê gớm nên chúng đã được liệt vào hàng động vật có nguy cơ tuyệt chủng trên phạm vi toàn cầu (theo CITES). Nhất là với giống Kim Long Quá Bối và Huyết Long, trong thập kỉ 80 của thế kỉ 20, người ta bỗng nhiên thấy chúng biến mất trong môi trường tự nhiên. Tới nay, hai loài này tuy có xuất hiện trở lại nhưng cũng rất hiếm hoi.
Với Kim Long Quá Bối (còn được người chơi cá cảnh Việt Nam gọi là “Lưỡi xương rồng Mã Lai”), chúng có điểm đặc biệt là khi trưởng thành trên lưng sẽ có màu trong suốt. Đây cũng là loài cá Rồng khó sinh sản nhất trong điều kiện nuôi nhốt. Vảy của chúng có thể có màu xanh, tím, vàng, xanh lục và bạc. Kim Long Quá Bối khi trưởng thành sắc màu thật toàn vẹn: toàn thân vàng ửng như 1 thỏi vàng 24K. Chúng bơi lơ lửng chậm rãi, đường bệ như phong thái của một vị vua.
Không rõ thực hư, nhưng người chơi cá cảnh vẫn nói với nhau rằng, một vị khách Nhật Bản từng bỏ ra 800.000 USD để mua một con Kim Long Quá Bối ở Malaysia.
Với Huyết Long, đây cũng là một loại cá Rồng cực đặc biệt. Khi trưởng thành, toàn thân chúng màu đỏ. Trên dòng sông Kapuas và hồ Sentarum ở Indonesia, thi thoảng người ta vẫn thấy chúng chậm rãi bơi, như một ánh đuốc trong làn nước lóng lánh. Đáng chú ý, vây, đuôi, miệng, râu loài cá này đã trổ màu đỏ ngay từ khi còn bé. Chúng được chia ra làm 4 loại khác nhau: Đỏ ớt, Đỏ huyết, Đỏ cam,và Đỏ vàng. Tùy từng thời điểm, giá của Huyết Long với Kim Long Quá Bối chênh lệch, tuy rằng đây vẫn là 2 loại cá Rồng cao giá nhất.
2. Ở Nam Mỹ, cá Rồng cảnh lại có những điểm khác với cá Rồng châu Á. Người chơi cá cảnh Nam Mỹ thường biết đến 2 loài Bạch Long và Hắc Long.
Bạch Long Oai Chấn.
Bạch Long có nhiều ở sông Amazon, đuôi hình nón, vảy và vây có màu bạc. Trong loài Bạch Long thì Bạch Long Hồng Vỹ và Bạch Tuyết Long là quý hơn cả. Đây là loài toàn thân màu trắng bạc, trong điều kiện nuôi nhốt khi trưởng thành chúng có thể dài đến 90cm. Đây là loài dễ sinh sản, giá rẻ, dễ nuôi nên chúng phổ biến trên toàn thế giới.
Hắc Long.
Tương tự Bạch Long, cá Rồng Hắc Long cũng dễ nuôi tuy ít phổ biến hơn. Ngay khi còn bé, Hắc Long đã có vây và vảy màu đen, với những sọc trắng hoặc vàng. Chỉ khi trưởng thành, toàn thân mới có màu đen hoặc xám. Con dài nhất trong điều kiện nuôi nhốt chừng 80cm. Hắc Long chỉ đẻ theo mùa, khác với các loài cá Rồng khác có thể đẻ quanh năm.
Cuối cùng, có thể nói đến một loài cá Rồng khác, nhưng không phải nuôi làm cảnh mà để làm thực phẩm. Đó là những loài cá Rồng khủng ở vừng rừng rậm nhiệt đới Amazon.
Đây là sinh vật được coi là cổ xưa bậc nhất vẫn tồn tại ở vùng rừng mênh mông đầy huyền bí này. Cá Rồng Arapaima còn được gọi là cá Hải Tượng hoặc Hải Tượng Long. Chúng cũng được xếp vào loài cá nước ngọt có kích thước lớn nhất. Ngư dân trong vùng từng đánh bắt được những con Arapaima có chiều dài hơn 3m, nặng tới 150kg. Vảy trên thân hình chúng cũng cực lớn: chiều rộng lớn hơn 6cm. Đây được coi là bộ áo giáp lý tưởng, giúp chúng len lỏi, va quệt trong đám rễ cây chằng chịt dưới lòng nước mà không hề hấn gì.
Người dân ở đây rất thích ăn thịt cá Rồng Arapaima. Cũng chính vì thế, số lượng của chúng trong tự nhiên sụt giảm. Tới nay, để bảo vệ Arapaima, người ta chỉ đánh bắt chúng 2 tháng trong 1 năm, đó là vào tháng 11 và 12. Khi ấy, những ngôi làng của thổ dân trong rừng trở nên vô cùng háo hức, nhộn nhịp. Đàn ông thì lội xuống sông, xuống đầm lầy săn Arapaima; ở nhà phụ nữ chuẩn bị “đồ nghề” đợi khi cá được mang về thì tiến hành mổ xẻ, pha chế.
Người dân trong vùng rừng rậm Amazon với chiến lợi phẩm là những con cá Rồng Arapaima khổng lồ.
Có một quy định: người ta chỉ được bắt những con Arapaima có chiều dài toàn thân 1,5m trở lên. Quy định đó nhằm bảo đảm cho sự sinh sản tiếp nối của loài cá này. Những con Arapaima nhỏ hơn phải được giữ lại để dành cho cho những mùa kế tiếp. Cá Rồng Arapaima to lớn và rất mạnh mẽ, nên khi bắt, người ta phải dùng vật cứng đánh cho chúng bất tỉnh thì mới kéo được chúng lên xuồng.
Cá Rồng Arapaima có thể ăn tươi, ướp lạnh hoặc sấy khô. Tới nay, thương hiệu của loại thực phẩm này đã vượt khỏi Nam Mỹ, lan ra toàn cầu, đặc biệt người châu Âu rất ưa thích. Do đó, giá của chúng cũng khá cao.