Cá tính của cá rồng
Mỗi giống vật sinh sống trên Trái Đất này đều có những cá tính riêng, có điều không ít thì nhiều mà thôi. Cá rồng cũng vậy, ngay một giống loài với nhau nhưng có giống dữ giống hiền, giống sinh sản sớm, giống sinh sản muộn …
Điều thú vị đối với người nuôi là càng thấu đáo được kỹ càng những cá tính của một giống loài thì mới mong dễ dàng gặt hái được thành công như ý khi ta nuôi dưỡng chúng. Chỉ những ai thờ ơ hoặc xem thường đến việc này thì mới gặp thất bại. Xin đừng đổ thừa tại mình không mát tay.
Cá tính đặc biệt của cá rồng xét ra không nhiều. Tuy vậy, ta cũng nên tìm hiểu kỹ để nuôi chúng được thành công tốt đẹp hơn.
1, Tính hung dữ: Trong đời sống hoang dã bên ngoài cá rồng sống thành bầy đàn nhỏ độ vài ba mươi con đổ lại. Chúng sống hoà thuận bên nhau, kiếm ăn chung với nhau.
Chỉ đến mùa sinh sản, những con cá trống trưởng thành tách bầy để la cà ngao du đây đó hầu tìm cho mình một bạn tình. Hoặc cá trống và mái cũng đàn sau một thời gian ve vãn nhau cũng kết đôi với nhau. Những đôi cá này sẽ tìm đến một khúc sông thích hợp gần đó để làm ổ đẻ trứng.
Thế nhưng cũng có một ít cá trống khác thích sống riêng rẽ, mỗi con tự kiếm cho mình một lãnh địa riêng. Hằng ngày chúng bơi rảo quanh canh giữ, đồng thời tìm kiếm thức ăn trong phần đất riêng của mình, quyết không để cho cá lạ nào xâm nhập lãnh thổ. Trường hợp bị đối đầu với những con cá mạnh hơn, hung hãn hơn thì nó mới chịu thua. Và khi đã thua thì đành nhường đất đai lại cho con thắng cuộc và cố tìm một vùng đất khác để sinh sống …
Còn cá rồng nuôi nhốt trong hồ, cách sống có lãnh địa riêng cũng thường trỗi mạnh trong nhiều cá thể.
Bằng chứng cho thấy chúng thích sống riêng rẽ mỗi con một ngăn hồ, mà không chấp nhận chung sống hoà bình với một con cá lạ nào khác, kể cả cùng loài với nó, trừ con cá lau kiếng (còn gọi là cá Chùi Hồ).
Có những loài cá rồng tính khí rất hung dữ như cá thanh long, ngân long, hắc long … Chúng dám ăn thua đủ với những con cá lớn đồng chạng với nó hoặc nhỉnh xác hơn nó. Vì vậy, nếu nuôi chung hồ mà thấy chúng tỏ sự gây hấn với nhau thì phải kịp thời bắt ra nuôi riêng.
Tuy vậy, nếu hai con hoặc nhiều con từ lúc nhỏ được nuôi chung hồ với nhau thì sau này lớn lên chúng vẫn có khả năng sống hoà thuận bên nhau, miễn diện tích hồ nuôi không quá chật và thức ăn được chủ nuôi cung cấp mỗi ngày.
2, Cách bắt mồi hung hãn: Cá rồng khi bơi trong hồ kiểng lúc nào cũng có dáng vẻ ung dung thanh thản như người nhàn tản thảnh thơi. Nhiều người mới trông thấy lần đầu đều lầm tưởng giống cá kiểng lớn này hiền lành và chậm chạp. Chỉ khi thấy tận mắt cá rồng tới bữa ăn mồi (mồi cá sống) mới thấy nó nhanh nhẹn còn hơn các giống cá kiểng khác! Tới bữa, bụng đói nên vừa nhác thấy con mồi phía trước nó liền lao nhanh mình tới theo kiểu máy bay tiêm kích và đớp gọn con mồi vào miệng. Và, thế là mười lần như một, con mồi sẽ không tài nào tránh được cái miệng đang há to của nó.
Nhiều người nuôi cá rồng đều tỏ ra thích thú với cách vồ mồi này của nó.
Trong đời sống hoang dã bên ngoài, dù bơi lội trong vùng nước đục, cá rồng vẫn có khả năng săn bắt mồi nhanh nhẹn và chính xác. Đó là nhờ cá có đôi râu kỳ diệu. Râu cá rồng không phải là thứ trang trí cho đẹp mà có những xúc giác bén nhạy, giúp cá phát hiện được con mồi đang xuất hiện trước hoặc quanh quẩn gần nó.
Cá rồng còn có nhiều kiểu cách săn mồi độc đáo khác, như:
3, Cách bơi khoan thai: Nhờ vào thân mình vừa dẹp và dài, cái đầu to vừa phải, thêm vào đó là đôi mắt to và cặp râu kiểu … rồng. Thêm vào đó là những chiếc vảy to như vỏ sò được sắp xếp đều đặn và có lớp lang mỹ thuật dọc hai bên thân mình cá lúc nào cũng phát quang sáng bóng nên khi bơi trong hồ cá rồng tạo được ma lực đủ sức cuốn hút sự chú ý của người xem một cách say mê.
Khi bơi với dáng điệu vừa uyển chuyển vừa khoan thai, cá rồng đã tạo nên vẻ đài các, quý phái khiến ai nhìn cũng ưa. Và có lẽ do sự cuốn hút của tư thế bơi thanh thản này của cá rồng đã khiến nhiều người yêu thích nó và ưa chuộng nuôi nó.
Quả thật vậy, qua những giờ làm việc mệt nhọc, tay chân rã rời, đầu óc căn thẳng mà được ngắm nhìn cái dáng vẻ khoan thai của nó bơi tới bơi lui trong bể nước thì còn gì thú vị hơn? Có phương thuốc hiệu nghiệm nào để xả được căng thẳng trong khoảnh khắc bằng cách nhìn cá rồng bơi khoan thai như vị khách nhàn du này?
4, Phóng cao ra khỏi hồ nuôi: Trông đủng đỉnh khoan thai là vậy, nhưng cũng có những lúc cá rồng nổi hứng tung mình ra khỏi hồ nuôi đến cả mét và thường bị chết sau đó.
Có lẽ bất cứ người nuôi cá rồng nào cũng tỏ ra lo lắng trong việc tìm cách ngăn chặn sao cho thật sự hữu hiệu để con cá rồng quá đẹp trong hồ nuôi của mình đừng phóng tuốt ra ngoài. Lo lắng đến điều đó cũng phải, vì một khi con cá đã phóng ra khỏi hồ thì số phận của nó xem như đã chấm dứt.
Nhưng cái tật thích thỉnh thoảng quẫy mạnh mình để phóng cao ra khỏi hồ là cái chứng trời sinh ra của loài cá này.
Trong đời sống tự nhiên bên ngoài, cá rồng có khi quẫy mạnh mình rồi phóng lên cao khỏi mặt nước hơn hai mét! Cá tung mình phóng lên cao như vậy là do nhiều nguyên nhân:
-
Bị sợ hãi
-
Bị giật mình (như do nhác thấy có bóng người xuất hiện thình lình gần hồ nuôi nó …)
-
Do thấy con mồi xuất hiện trên thành hồ (thằn lằn, gián, dế …) nó liền phóng lên bắt ăn. Được biết trong đời sống tự nhiên bên ngoài, cá rồng cũng có cách săn mời theo kiểu đó.
-
Nhiều khi tung mình lên khỏi mặt nước là do ngẫu hứng, chứ không có nguyên nhân nào khác.
Để ngăn ngừa chú cá rồng nuôi trong hồ kiếng lúc nào cũng phải khép mình chịu an phận trong môi trường sống chật hẹp, ta nên đậy nắp hồ cho thật kỹ. Nếu cần dùng vật đủ nặng để dằn lên, như vậy cá có quẫy cũng không thể phóng ra khỏi hồ nuôi được.
Farmvina xin được lưu ý các bạn là mỗi lần cho cá rồng ăn, mỗi lần thay nước mới, ta nên nhớ đậy kỹ nắp hồ cá. Việc này nói ra thì dễ, ai cũng tự dặn mình cảnh giác cao độ, nhưng thường sau khi cho cá ăn hay thay nước mới lại hay quên đậy lại nắp hồ!