Các điểm du lịch khác

Các điểm du lịch khác

* Di tích lịch sử – Văn hóa cấp Quốc gia:

+ Di tích lịch sử văn hóa Nọc Nạng:

Tọa lạc tại ấp 4, xã Phong Thạnh A, thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu. Khu di tích có diện tích 3ha, có nhiều hạn mục: Khu mộ gia đình Mười Chức, phủ thờ – nhà trưng bày hiện vật, cụm tượng diễn tả lại sự kiện ngày 17/02/1928, (trận quyết tử đòi lại ruộng đất của anh em Mười Chức với bọn địa chủ, quan lại thực dân cướp đất), nhà thủy tạ… Được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia vào năm 1991.

 

Di tích lịch sử văn hóa Nọc Nạng (Ảnh Internet)

+ Di tích kiến trúc nghệ thuật Tháp Vĩnh Hưng:

Là di tích được Được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 1992, tọa lạc tại ấp Trung Hưng 1B, xã Vĩnh Hưng A, huyện Vĩnh Lợi. Đây không chỉ là mộ kiến trúc tháp thuộc nền văn hóa Óc Eo còn sót lại duy nhất ở Tây Nam Bộ mà trong cuộc khai quật tại Tháp Vĩnh Hưng, các nhà khảo cổ học còn thu được một bộ sưu tập hiện vật hết sức quý giá với nhiều tượng đá, đồng gốm, đá quý… Đánh dấu một giai đoạn tồn tại và phát triển khá dài (từ thế kỷ IV đến thế kỷ XIII sau công nguyên) của Tháp cổ Vĩnh Hưng. Với những giá trị vốn có ấy, Tháp cổ Vĩnh Hưng đã và đang được tu bổ nhằm bảo tồn và phát huy tác dụng của một di tích kiến trúc nghệ thuật tầm cỡ quốc gia.

 

Di tích kiến trúc nghệ thuật Tháp Vĩnh Hưng (Ảnh Internet)

+ Di tích kiến trúc nghệ thuật Đình An Trạch:

Đình An Trạch được xây dựng từ năm 1877, tọa lạc tại đường Thống Nhất, phường 5, thành phố Bạc Liêu, đến nay đã được tu bổ khang trang theo kiểu kiến trúc đình miền Trung. Đình thờ danh sĩ Nguyễn Công Trứ – Người có công khai hoang phục hóa, mở mang bờ cõi. Hàng năm, cứ vào ngày 14 tháng 11 Âm lịch, nhân dân tổ chức lễ giỗ tại Đình. Trong những năm kháng chiến, Đình An Trạch còn là nơi tổ chức các buổi hội, họp của cách mạng, nuôi dưỡng cán bộ… Đình được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 2000.

 

Di tích kiến trúc nghệ thuật Đình An Trạch (Ảnh Internet)

+ Di tích kiến trúc nghệ thuật Thành Hoàng Cổ Miếu (Chùa Minh):

Chùa được xây dựng năm 1895, cấu trúc hình chữ “Công”, tọa lạc tại phường 3, thành phố Bạc Liêu. Chùa Minh mang đậm nét kiến trúc cung đình Trung Hoa với cột quấn rồng chạm nổi trên gỗ quý và đá hoa cương nguyên khối; các hoành phi, câu đối, mành, phù điêu – đều chạm nổi trên gỗ quý rất tinh vi, theo thời gian trở nên đen bóng. Trên bàn thờ Thành Hoàng Bổn Cảnh là bộ lư đồng mắt tre có một không hai. Được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 2000.

 

Di tích kiến trúc nghệ thuật Thành Hoàng Cổ Miếu (Ảnh Internet)

+ Di tích kiến trúc nghệ thuật Phước Đức Cổ Miếu (Chùa Bang):

Tọa lạc tại số 74, đường Điện Biên Phủ, phường 3, thành phố Bạc Liêu. Đây là ngôi miếu lâu đời nhất của người Hoa sống tại Bạc Liêu được xây dựng vào khoảng năm 1810, với diện tích 580m2, Chùa được xây dựng theo lối kiến trúc hình chữ Quốc, một số kiến trúc cung đình triều Minh. Chùa thờ Phước Đức Chính Thần (Bổn Đầu Công) nên còn gọi là Phước Đức Cổ Miếu. Với những giá trị về mặt kiến thức, Chùa được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật vào ngày 24/11/2000.

 

Di tích kiến trúc nghệ thuật Phước Đức Cổ Miếu (Ảnh Internet)

+ Di tích lịch sử Chùa Cỏ Thum (kro-pum-mean-chey-kos thum):

Chùa Cỏ Thum tọa lạc tại ấp Cỏ Thum, xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân, đây là một ngôi chùa cổ kính, uy nghi, được xây dựng từ năm 1833. Những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nơi đây là căn cứ cách mạng vững chắc, là nơi nuôi giấu cán bộ và nơi cung cấp của cải cho hoạt động cách mạng, nơi tổ chức tuyên truyền vận động quần chúng tham gia các phong trào hoạt động cách mạng. Được công nhận di tích cấp quốc gia năm 2008.

 

Di tích lịch sử Chùa Cỏ Thum (Ảnh Internet)

+ Di tích lịch sử Khu Căn cứ Tỉnh ủy Bạc Liêu:

Tọa lạc tại ấp Cái Cui, xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân, di tích này là nơi lưu giữ và trưng bày các hiện vật lịch sử, các hạng mục phục dựng, tái hiện sinh hoạt và công việc của các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy trong thời kỳ kháng chiến, như: Bếp ăn tập thể, nhà trung đội, nhà y tế, nhà xây dựng căn cứ, nhà điện đài, cơ yếu… Di tích này được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia năm 2011 và hiện nay đã được mở rộng diện tích lên đến 38.000m2.

 

Di tích lịch sử Khu Căn cứ Tỉnh ủy Bạc Liêu (Ảnh Internet)

+ Di tích lịch sử nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên tỉnh Bạc Liêu:

Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Bạc Liêu được thành lập vào tháng 02/2930 tại làng Phong Thạnh, huyện Giá Rai (nay thuộc xã Long Điền, huyện Đông Hải) là một mốc son lịch sử ghi dấu sự ra đời sớm nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam tại Bạc Liêu và khu vực lúc bấy giờ. Đây là di tích lịch sử cấp tỉnh có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu, di tích có tổng diện tích là 2.305,5km2 bao gồm các hạng mục công trình như: Bia kỷ niệm, nhà trưng bày, khu dừa nước nhằm tái hiện quang cảnh xưa; hoa viên, cây cảnh và các công trình khác. Di tích lịch sử nơi thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên tỉnh Bạc Liêu mãi là niềm tự hào của quân và dân Bạc Liêu. Được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 2011.

 

Di tích lịch sử nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên tỉnh Bạc Liêu (Ảnh Internet)

* Các di tích lịch sử – văn hóa khác:

+ Di tích lịch sử Đồng hồ Thái Dương:

Đồng hồ Thái Dương hay còn gọi là Đồng hồ đá, được nhà Bác vật Lưu Văn Lang xây dựng vào đầu thế kỷ XX, nằm trên đường 30/4, phường 3, thành phố Bạc Liêu. Phía trên mặt đồng hồ có khắc vạch và số La Mã chỉ thời gian từ 06 giờ sáng đến 06 giờ chiều trong ngày, xem giờ bằng bóng đổ của ánh nắng mặt trời có độ chính xác rất cao. Đây là chiếc đồng hồ “độc đáo” ở Việt Nam. Chiếc còn lại trên thế giới nằm ở thành phố Luân Đôn của nước Anh. Di tích được Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh ngày 11/10/2006.

 

Di tích lịch sử Đồng hồ Thái Dương (Ảnh Internet)

+ Di tích kiến trúc nghệ thuật Tiên sư Cổ miếu:

Tiên sư Cổ miếu ở khóm 2, phường 7, thành phố Bạc Liêu, mang đậm dấu ấn miếu của người Kinh Nam Bộ, gắn liền với chiến tích tiểu trừ quân phiến loạn của Nguyễn Tri Phương. Đồng thời, đây là nơi duy nhất dạy chữ Hán, chữ Việt đầu tiên ở Bạc Liêu. Tiên sư Cổ miếu được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh vào năm 1997.

 

Di tích kiến trúc nghệ thuật Tiên sư Cổ miếu (Ảnh Internet)

+ Chùa Khmer Hưng Hội – Chùa Đầu (Ghosi-ta-ram):

Chùa Hưng Hội còn được gọi là Chùa Đầu tọa lạc tại ấp Cù Lao, xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi, ngôi chùa được xây dựng vào năm 1860 theo kiến trúc Khmer và khánh thành vào năm 1872. Năm 2001, Chánh điện được xây mới với diện tích khảng 400m2 với những hoa văn trang trí nhiều màu sắc, phù điêu đắp nổi công phu rất đẹp.

 

Chùa Khmer Hưng Hội – Chùa Đầu (Ảnh Internet)

+ Chùa Vĩnh Đức:

Tọa lạc số 132, đường Cách Mạng, khóm 7, phường 1, thành phố Bạc Liêu. Trong những năm kháng chiến, Chùa Vĩnh Đức là nơi hoạt động của cách mạng, đây còn là địa điểm diễn ra buổi lễ truy điệu Bác Hồ an toàn ngay trong lòng địch; là điểm xuất phát khởi hành của Đoàn cán Bộ Bạc Liêu đi đàm phán với Đại tá nguyễn Ngọc Điệp – Tỉnh trưởng chế độ cũ và giành chính quyền thắng lợi không đổ máu lần thứ hai vào sáng ngày 30/4/1975. Chùa Vĩnh Đức được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh vào ngày 02/3/1997. 

 

Chùa Vĩnh Đức (Ảnh Internet)

+ Miếu Quan Đế (Chùa Ông):

Chùa tọa lạc tại đường nguyễn Thị Minh Khai, phường 2, thành phố Bạc Liêu. Được xây dựng năm 1823, theo kiến trúc cổ của người Hoa, thờ Quan Đế Thành Quân, tức Quan Vân Trường thời Tam Quốc nên người địa phương thường gọi một cách tôn kính là Chùa Ông. Trong Chánh điện có Quan Công, Quan Bình và Châu Xương mặc giáp trụ uy nghi. Người Hoa thờ Ông tượng trưng cho tinh thần “Trung, hiếu, tín, nghĩa”. Người Hoa thường đến Chùa Ông cầu xin Ông phù hộ phước lộc, bình an, may mắn. Hiện nay, chùa còn giữ rất nhiều hoành phi, câu đối chạm nổi chữ Hán sơn son thiếp vàng, giá binh khí thập bát ban võ nghệ bằng gỗ quý đen tuyền. Với hơn 190 năm tồn tại, Miếu Quan Đế hiện là ngôi miếu lâu đời trên địa bàn thành phố Bạc Liêu.

 

Miếu Quan Đế (Ảnh Internet)

+ Phủ thờ Dòng họ Cao Triều:

Năm 1914, họ tộc Cao Triều đã xây dựng Phủ thờ Gia tộc khang trang bên bờ sông Bạc Liêu thuộc phường 5, thành phố Bạc Liêu theo lối kiến trúc Huế. Phủ thờ lợp ngói âm dương, cột đá hoa cương nguyên khối chạm nổi “Lưỡng long tranh châu”. Hiện nay, phủ thờ còn lưu giữ hai bộ trường kỷ bằng đá hoa cương nguyên khối, hai cặp hạc đội đèn bằng đồng, hai bộ lư đồng mắt tre. Gia tộc giàu sang, họ tộc cự phú Bạc Liêu nhưng nhân sỹ Cao Triều Phát, một người con của họ tộc Cao Triều vẫn một lòng sắt son với cách mạng, lòng yêu nước mạnh mẽ. Ông là đại biểu Quốc hội khóa I của tỉnh Bạc Liêu và đã phục vụ đất nước trong hai thời kỳ kháng chiến giải phóng dân tộc.

 

Phủ thờ Dòng họ Cao Triều (Ảnh Internet)

+ Di tích lịch sử Đình Tân Long:

Tọa lạc tại ấp Tân Long, xã Long Thạnh, huyện Vĩnh Lợi , được xây dựng vào thế kỷ XIX. Năm 1852, Đình được vua Tự Đức ban sắc tứ; hàng năm, nhân dân trong vùng tổ chức lễ hội Kỳ Yên để ghi nhớ công ơn của các bậc tiền nhân đã có công khai hoang, mở cõi.

 

Di tích lịch sử Đình Tân Long (Ảnh Phan Thanh Cường)

+ Bia Khám Lớn:

Là tên gọi Khám lớn Bạc Liêu do người Pháp xây dựng và được Mỹ sử dụng lại nhằm đàn áp phong trào đấu tranh của các chiến sỹ Cách mạng. Những năm tháng tù đày sau song sắt không những không làm tắt ngọn lửa yêu nước của đồng bào, đồng chí mà còn thổi bùng lên ý chí đấu tranh kiên cường, góp phần vào thắng lợi vẻ vang, thống nhất đất nước (30/4/1975). Bia Khám lớn được đặt trang trọng trên đường 30/4 phường 3, thành phố Bạc Liêu.

 

Bia Khám Lớn (Ảnh Internet)

+ Nơi treo lá cờ Đảng đầu tiên của tỉnh Bạc Liêu:

Thời khắc treo lá cờ Đảng đầu tiên đã ghi dấu ấn vào lịch sử Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu trong thời kỳ đấu tranh chống Pháp, giành độc lập dân tộc. Đến nay, nơi treo lá cờ đã được dựng bia tưởng niệm nhằm giáo dục lòng yêu nước, truyền thống đấu tranh cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Bia kỷ niệm nơi treo lá cờ Đảng được xây dựng trước Trung tâm Thương mại Bạc Liêu, đường Trần Phú, phường 3, thành phố Bạc Liêu. 

 

Nơi treo lá cờ Đảng đầu tiên của tỉnh Bạc Liêu (Ảnh Internet)

+ Tượng đài Sự kiện Mậu Thân:

Được xây dựng bên cạnh Quảng trường Hùng Vương, phường 1, thành phố Bạc Liêu; Tượng đài Mậu Thân là công trình có ý nghĩa lịch sử để tưởng nhớ đến các chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc trong Sự kiện Tết Mậu Thân năm 1968, công trình là biểu tượng truyền thống, đạo lý uống nước nhớ nguồn của các thế hệ người dân Bạc Liêu.

 

Tượng đài Sự kiện Mậu Thân (Ảnh Cổng TTĐT tỉnh)

+ Đài tưởng niệm Anh hùng, Liệt sĩ:

Đài tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ tỉnh Bạc Liêu được xây dựng trên đường Trần Huỳnh, cạnh Quảng trường Hùng Vương. Công trình xây dựng để tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì đất nước, đồng thời cũng là nơi giáo dục các thế hệ thanh thiếu niên của tỉnh và tưởng nhớ công ơn các anh hùng, liệt sĩ.

 

Đài tưởng niệm Anh hùng, Liệt sĩ (Ảnh Internet)

* Các điểm tham quan du lịch tâm linh – Tín ngưỡng:

+ Nhà thờ Tắc Sậy:

Tọa lạc tại ấp 2, xã Tân Phong, thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu. Đây là điểm hành hương của tín đồ Công giáo cũng như khách du lịch đến tham quan, hàng năm thu hút rất đông người đến hành hương và tham quan. Trong khuôn viên nhà thờ là cụm kiến trúc đặc trưng bao gồm thánh đường và khu thờ Linh mục Trương Bửu Diệp.

 

Nhà thờ Tắc Sậy (Ảnh Cổng TTĐT tỉnh)

+ Tịnh xá Ngọc Liên:

Tọa lạc tại đường Ninh Bình, khu dân cư phường 2, thành phố Bạc Liêu, thuở ban đầu, Tịnh xá được xây dựng bằng cây, ván đơn sơ và là điểm tín ngưỡng cho nhiều thế hệ dân cư trong vùng. Hiện nay, Tịnh xá được xây dựng theo lối kiến trúc cổ, trong khuôn viên trồng rất nhiều cây xanh tỏa bóng mát và hồ sen lớn rất đẹp. Nơi đây trở thành điểm du lịch tín ngưỡng hấp dẫn của phật tử trong và ngoài tỉnh.

 

Tịnh xá Ngọc Liên (Ảnh Internet)

+ Chùa Hưng Thiện:

Tọa lạc tại ấp Phú Tòng, xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu, là một ngôi chùa đã tồn tại trên trăm năm. Trong khuôn viên rộng và rất đẹp của chùa có dựng tượng Quán Thế Âm Bồ Tát cao 43,5m, đây được xem là pho tượng Quán Thế Âm lớn nhất tỉnh cho đến thời điểm hiện nay.

 

Chùa Hưng Thiện (Ảnh Phan Thanh Cường)

+ Lăng Cá Ông Gành Hào:

Lăng Cá Ông Gành Hào còn được gọi là Lăng Ông Nam Hải tọa lạc tại khu vực II, thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải, nơi đây hiện đang lưu giữ nhiều xương Cá Ông trên 100 năm tuổi. Gần đây nhất, năm 2010, ngư dân Gành Hào đã phát hiện 01 Ông “Lụy” dài 9,7m, nặng khoảng 13 tấn, sau đó bộ da của Ông được Viện Hải dương học Nha Trang xử lý, đặt trang trọng trong lăng để phục vụ du khách tham quan và hành hương.

 

Lăng Cá Ông Gành Hào (Ảnh Internet)

+ Lăng Cá Ông Vĩnh Thịnh:

Tọa lạc tại xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình, nơi đây trưng bày bộ xương Cá Ông dài 16m. nguồn gốc của bộ xương cùng tập quán thờ cúng của người dân nơi đây đã làm cho Lăng Cá Ông Vĩnh Thịnh trở thành điểm du lịch tín ngưỡng không thể bỏ qua khi du khách đến với Bạc Liêu.

 

Lăng Cá Ông Vĩnh Thịnh (Ảnh Internet)

* Các điểm tham quan du lịch sinh thái:

+ Sân chim Bạc Liêu:

Thật hiếm nơi nào trên đất nước ta lại có một sân chim tự nhiên còn nguyên nét hoang sơ như ở Bạc Liêu. Chỉ cách trung tâm thành phố khoảng 03km (khóm Kinh Tế, phường Nhà Mát, thành phố Bạc Liêu), sân chim Bạc Liêu là nơi sinh sống của hơn 40 loài chim, trong đó có nhiều loài chim quý hiếm được ghi trong sách đỏ Việt Nam như: Lele, quắm trắng, quắm đen, còng cọc, cò nga, giang sen, diệc Sumatra… Sân chim Bạc Liêu là điểm khám phá du lịch kỳ thú, hấp dẫn, thu hút rất đông du khách trong và ngoài nước đến tham quan.

 

Sân chim Bạc Liêu (Ảnh Phan Thanh Cường)

+ Vườn nhãn Bạc Liêu:

Cách thành phố Bạc Liêu 06km, vườn nhãn Bạc Liêu có diện tích rộng trên 50ha, thuộc xã Hiệp Thành, Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu. Vườn nhãn nơi đây khá nổi tiếng với những gốc nhãn trên trăm năm tuổi. Đến tham quan, du lịch vào mùa trái chín, du khách sẽ được thưởng thức vị ngọt ngào đặc trưng của trái nhãn Bạc Liêu và khung cảnh mát dịu trong lành tuyệt vời của làn gió biển nơi đây.

 

Vườn nhãn Bạc Liêu (Ảnh Internet)

+ Cây xoài 300 năm tuổi:

Cách trung tâm thành phố Bạc Liêu 07km, thuộc xã Hiệp Thành, thành phố Bạc Liêu có một cây xoài cổ thụ 300 năm tuổi. Thân cây cao khảng 20m, đường tròn gốc cây khoảng 07 người ôm mới hết, có rất nhiều cành, tán lá tỏa bóng mát rộng đến 300m2. Đây là cây xoài cổ thụ duy nhất của Đồng bằng sông Cửu Long, “Cụ xoài” đã được du khách và người dân địa phương hình tượng hóa như một “Chứng nhân” của lịch sử, gắn liền với lịch sử khẩn hoang của cha anh, đồng thời là địa chỉ tham quan du lịch rất hấp dẫn du khách gần xa.

 

Cây xoài 300 năm tuổi (Ảnh Internet)

+ Biển và rừng ngập mặn Bạc Liêu:

Bạc Liêu có bờ biển dài 56km, chiếm 1,27% tổng chiều dài bờ biển cả nước. Rừng Bạc Liêu là rừng ngập mặn có diện tích hơn 5.000ha, chiếm khoảng 2% diện tích đất tự nhiên của tỉnh. Ngoài vai trò bảo tồn các loài sinh cảnh, chắn sóng, lấn biển, bảo vệ sản xuất, điều hòa khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái, nâng độ che phủ… Rừng ở Bạc Liêu còn giữ vai trò rất quan trọng trong việc phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái. Đây là thế mạnh của Bạc Liêu trong việc phát huy thế mạnh của rừng, phát triển loại hình du lịch khám phá “Rừng vàng biển bạc” và những trải nghiệm tuyệt vời này.

 

Biển và rừng ngập mặn Bạc Liêu (Ảnh Phan Thanh Cường)

+ Khu Điện gió Bạc Liêu:

Điện gió Bạc Liêu là nguồn năng lượng sạch, đây là công trình điện dùng năng lượng gió đặt tại xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu, một trong những dự án điện gió đầu tiên tại Việt Nam. Giữa vùng nước mênh mông hoang sơ, công trình điện gió Bạc Liêu mang hơi thở hiện đại, tô điểm thêm cho vùng đất này bộ mặt mới đầy khởi sắc và đang chuyển mình từng ngày theo nhịp sống công nghiệp hiện đại. Đồng thời khu điện gió Bạc Liêu cũng là nơi tham quan rất thú vị.

 

Khu Điện gió Bạc Liêu (Ảnh Internet)

+ Bảo tàng tỉnh Bạc Liêu:

Bảo tàng tỉnh Bạc Liêu được đặt tại số 25, đường Hai Bà Trưng, Phường 3, Thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu. Đây là nơi trưng bày, lưu giữ các hiện vật về lịch sử hình thành, quá trình đấu tranh giữ nước và quá trình phát triển của tỉnh Bạc Liêu từ thuở khai hoang, mở cõi đến nay. Bảo tàng có 05 phòng trưng bày với từng chủ đề riêng biệt: Phòng 01: Bạc Liêu đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển; Phòng 02: Đặc trưng văn hóa dân tộc Kinh tại Bạc Liêu; Phòng 03: Đặc trưng văn hóa dân tộc Khmer tại Bạc Liêu; Phòng 4: Đặc trưng văn hóa dân tộc Hoa tại Bạc Liêu; Phòng 05: Văn hóa khảo cổ tại Bạc Liêu…

 

Bảo tàng tỉnh Bạc Liêu (Ảnh Internet)

+ Trung tâm triển lãm nghệ thuật và Nhà hát Cao Văn Lầu:

Tọa lạc tại khu Quảng trường Hùng Vương, phường 1, thành phố Bạc Liêu, công trình mang hình khối 03 chiếc nón lá đan xen nhau, có 03 tầng có độ cao giảm dần (tính từ mặt đất đến đỉnh mái). Các hạng mục công trình gồm: Hồ nước, sân ngoài trời, khối kỹ thuật, đường đi nội bộ, hệ thống cây xanh, hệ thống điện, hệ thống cấp – thoát nước, hệ thống âm thanh – ánh sáng – được bố trí rất hài hòa, hiện đại và rất hoành tráng.

 

Tổng quan Trung tâm triển lãm nghệ thuật và Nhà hát Cao Văn Lầu (Ảnh Phan Thanh Cường

 

Trung tâm triển lãm nghệ thuật và Nhà hát Cao Văn Lầu (Ảnh Internet)

+ Đờn ca tài tử Bạc Liêu:

Tại Bạc Liêu, nghệ thuật đờn ca tài tử được xem là món ăn tinh thần của người dân nơi đây, là một phần không thể thiếu tại các buổi tiệc sinh nhật, cưới hỏi, lễ giỗ, các điểm vui chơi giải trí hay các điểm lễ tết… Có dịp đến Bạc Liêu, du khách sẽ được thưởng thức nghệ thuật đờn ca tài tử tại bất cứ nơi đâu tại cái nôi đờn ca tài tử này. Hình ảnh nghệ nhân tài tử, ngồi khảy đờn kìm và ca bài Dạ cổ hoài lang hay bài vọng cổ mùi mẫn, nao lòng, trên chiếc chiếu hoa trải dưới những gốc cây nhãn cổ thụ trong những đêm trăng thanh gió mát, hay tiếng hát ngân nga phát ra từ những chiếc ghe, xuồng lênh đênh trên sông nước miệt vườn… Điểm đặc biệt là, không chỉ người nghệ sĩ mới thể hiện được những câu vọng cổ mà hầu như người dân Bạc Liêu ai ai cũng có thể ngân nga được những câu ca đi vào lòng người này. Những yếu tố đó đã làm cho đờn ca tài tử trở thành phong trào văn hóa nghệ thuật tại Bạc Liêu, góp phần cùng các địa phương trên cả nước đưa nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ đến với bạn bè khắp năm châu, bốn bể. Điều đó đã tạo nên giá trị tinh thần và bản sắc văn hóa độc đáo và nghệ thuật đờn ca tài tử đã được tổ chức UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại điện của nhân loại.  Được sự đồng ý của Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với tỉnh Bạc Liêu tổ chức Festival Đờn ca tài tử Quốc gia lần thứ nhất năm 2014 tại thành phố Bạc Liêu từ ngày 25 đến 29/4/2014, nhằm tôn vinh và quản bá nghệ thuật độc đáo của dân tộc Việt Nam nói chung và người dân Nam Bộ nói triêng đến với du khách trong và ngoài nước.

 

Đờn ca tài tử Bạc Liêu (Ảnh Phan Thanh Cường)

Rate this post

Viết một bình luận