Các món ăn ngon ở Lào Cai (Cập nhật 07/2022)| Ăn gì khi du lịch Lào Cai

Các món ăn ngon ở Lào Cai

Lào Cai

Các món ăn ngon ở Lào Cai

(Cập nhật 07/2022)

Cùng Phượt – Văn hóa ẩm thực Lào Cai bắt nguồn từ những sản phẩm sẵn có của địa phương và do người địa phương chế biến vì vậy luôn có những vị đặc trưng và hấp dẫn đối với khách du lịch. Những món ăn ngon ở Lào Cai như : cá hồi nướng, thịt lợn cắp nách, thắng cố, thịt hun khói, xôi ngũ sắc, thịt trâu sấy khô…mà bất kỳ du khách nào đặt chân đến mảnh đất này đều muốn một lần thưởng thức. Với tất cả chất thi vị và phong phú, dẫn dã của nghệ thuật ẩm thực vùng cao, cùng rất nhiều sản vật ẩm thực độc đáo khác của mảnh đất vốn được thiên nhiên ưu đãi này – các món ăn đậm bản sắc vùng miền đã và đang tạo ra một nét cuốn hút duyên dáng, riêng biệt của du lịch Lào Cai.

©Bản quyền hình ảnh: Trong bài viết có sử dụng một số hình ảnh được tìm kiếm thông qua công cụ Google Image của các tác giả Phạm Thúy Nga, Duyen Nguyen, Đỗ Thị Mai Hương, Trang Anh Đoàn, Lê Thu Hà, FB Rượu ngô Bản Phố/ Rượu thóc người Dao, Pham Pham Thi Hang,  Luu Huong, Lan Dang, Thành Thế Vinh, Le Quoc Cuong, Ngân Nguyễn, Cư Thị Ngọc Linh và của một số tác giả chưa rõ tên nhằm minh họa rõ hơn cho nội dung bài viết. Bản quyền những hình ảnh này thuộc về tác giả. Chính sách của Cùng Phượt về bản quyền hình ảnh các bạn có thể theo dõi tại đây.

Món ăn ngon ở Bắc Hà

Phở chua Bắc Hà

Phở chua Bắc Hà (Ảnh – Phạm Thúy Nga)

Phở truyền thống Bắc Hà gồm có phở chua, phở trộn và phở chan với nhiều nguyên liệu dùng chung, trong đó, phở chua nổi tiếng hơn cả và hầu như không “đụng hàng” ở bất kỳ đâu. Bánh phở đã tạo nên một sự khác biệt rất lớn không thể lẫn giữa Bắc Hà với các địa phương khác. Bánh phở ở đây không có màu trắng như thường thấy mà hơi nâu nâu, do được tráng từ loại gạo đỏ đặc biệt của địa phương, trồng ở xã Lùng Phình.

Với phở chua, yếu tố quyết định vị ngon chính là nước chua. Theo truyền thống, nước chua được làm từ việc ngâm, trộn rau cải với nước đường và chắt lọc được nước chua. Đây là cả một quy trình khắt khe, mà chất lượng của nước chua phụ thuộc rất lớn vào tay nghề của người làm. Ngày nay, nước chua được làm đơn giản hơn với nước giấm hoa quả nấu theo tỷ lệ nhất định.

Một bát phở chua gồm có bánh phở mới tráng còn ấm nóng, thịt lợn xá xíu, rau sống thái nhỏ, lạc và cuối cùng chan một ít nước chua. Trước khi ăn, bạn nên bỏ thêm một ít muối hạt vì phở chua sẽ hơi nhạt so với khẩu vị chung của mọi người. Phở chua phải ăn lạnh mới ngon, nên thích hợp ăn vào mùa hè. Mùa đông đến Bắc Hà bạn có thể gặp khó khăn khi muốn tìm món này vì nhiều hàng không bán phở chua.

Thắng cố Bắc Hà

Thắng cố là món ăn đặc trưng truyền thống của người H’mông, về sau được du nhập sang các dân tộc Kinh, Dao, Tày. Thịt nấu thắng cố theo truyền thống là thịt ngựa, về sau có thêm thịt bò, thịt trâu, thịt lợn. Món thắng cố ngựa ra đời từ cách đây gần 200 năm khi người Mông, Tày, Nùng về Bắc Hà cư trú. Tuy nhiên chỉ từ khi du lịch Bắc Hà phát triển mới được nhiều du khách biết tới.

Khắp các phiên chợ vùng cao, đôi khi bạn sẽ bắt gặp những chảo thắng cố như thế này (Ảnh – cungphuot.info)

Ngày xưa cách chế biến thắng cố tương đối khác so với ngày nay. Xưa kia tất cả thịt và nội tạng ngựa được làm sạch sẽ rồi cho vào chảo luộc chín, thái vuông. Sau đó người ta cho thịt vào chảo rồi cho các loại gia vị vào. Tiết ngựa cũng được luộc chín đặt lên bên trên nồi thịt rồi cho nước xâm xấp vào hầm nhừ.

Ngày nay sau khi mổ ngựa, làm sạch sẽ, tất cả thịt và lục phủ ngũ tạng của con ngựa sẽ được ướp gia vị. Thời gian ướp khoảng 15-30 phút là được. Gia vị truyền thống để chế biến gồm muối, thảo quả, địa điền, quế, lá chanh nướng thơm, tán nhỏ. Sau khi xào chín cho nước vào hầm nhừ.

Thắng cố khi ăn được múc ra từng bát nhỏ, ăn kèm với rau sống cùng 1 chén rượu ngô Bắc Hà (Ảnh – cungphuot.info)

Khi ăn thắng cố, chảo thịt vẫn đặt trên bếp đun, ăn đến đâu múc ra bát đến đó, có thể cho thêm ớt xào Bắc Hà vào để thêm vị cay. Nhấp chén rượu ngô Bản Phố cay nồng, gắp miếng thịt ngựa đã được hầm nhừ cho vào miệng, vị ngọt mềm của thịt ngựa kết hợp vị cay của ớt Bắc Hà, vi thơm ngai ngái của gia vị thắng cố sẽ tạo nên một mùi vị rất đặc trưng mà không món ăn nào có được.

Xôi 7 màu của người Nùng Dín

Là món ăn chỉ có trong những ngày lễ tết, xôi bảy màu của người Nùng Dín ngoài giá trị ẩm thực còn mang giá trị tâm linh sâu sắc. Mỗi màu xôi là màu của một tháng trong cuộc chiến diễn ra từ tháng 1 đến tháng 7 năm xưa tại nơi đây. Màu xanh lá chuối là màu của mùa xuân, màu đỏ thẫm, biểu tượng cho máu của những người đã anh dũng hi sinh, màu vàng biểu tượng cho sự đau thương li tán, màu đỏ tươi biểu tượng cho chiến thắng hào hùng của người Nùng Dín…

Điều đặc biệt làm nên sự khác lạ của món xôi này chính là ở bản hợp tấu tài tình của màu sắc mà chỉ có những người phụ nữ khéo léo Nùng Dín mới có thể tạo ra. Không dung bất cứ một thứ phẩm màu cao cấp nào, chỉ tận dụng những lá cây rừng có sắn như lá cây đỏ đen, cây hoa vàng, lá câm hoa hay nghệ nhưng những người phụ nữ nơi đây bằng bí quyết gia truyền đã tạo ra một món ăn sinh động hấp dẫn mà không phải người đầu bếp nào cũng có thể làm được.

Cốm Bắc Hà

Cốm Bắc Hà được làm từ loại thóc nếp được trồng trên nương đồi núi cao biệt lập cách xa lúa tẻ dùng làm cốm nếp có hương vị thơm ngon núi rừng. Cùng với nghề làm cốm truyền thống của người Tày Bắc Hà càng làm thêm hương vị món cốm ngon hơn. Đặc biệt cốm Bắc Hà không sử dụng phẩm màu và chất bảo quản.  Cốm ăn trực tiếp, ăn với quả chuối hoặc chế biến thành chè cốm, bánh cốm, chả cốm, cháo cốm….tùy khẩu vị.

Bánh dày Bắc Hà

Bánh dày là món ăn đặc sản, hương vị Tết riêng của người Mông ở Bắc Hà. Bánh dày làm công phu nhưng để được rất lâu, ở Bắc hà có khí hậu mát mẻ nên có thể để bánh dày hàng tháng trời.

Bánh dày có thể mang đem rán nhưng ngon nhất là mang bánh dày nướng trên bếp than hồng, khi chin, bánh phồng lên, màu ngả vàng, tỏa ra mùi thơm ngây ngất hương vị vùng cao.

Mèn mén Bắc Hà

Sau vụ thu hoạch ngô được phân loại, phơi khô cả vỏ đưa lên gác xép, xếp thành hàng, để dùng dần. Ngô được tẽ ra, quạt sạch rồi say nhỏ bằng cối đá. Xay ngô đòi hỏi sự công phu và tốn thời gian. Khi xay phải có hai người, một người kéo tràng, một người đứng bỏ hạt. Ngô xay ra đảm bảo nhỏ hơn hạt tấm, đều để dễ đồ. Khi đồ cho bột ngô vào chõ, rắc đều một chút nước đậy kín, đặt lên chảo nước rồi đun chờ có mùi thơm toả ra là cơm chín. Cẩn thận hơn, người ta làm đồ hai lượt. Lượt thứ nhất chưa chín hẳn. Đổ ra xảo, đánh tơi, chờ nguội bớt, rồi rẩy chút nước, cho lại vào chõ đồ lượt thứ hai. Cơm bột ngô háp người ta quen gọi là mèn mén.

Bánh đúc ngô Bắc Hà

Nhiều người dân thành thị biết đến bánh đúc được chế biến từ bột gạo, nhưng bánh đúc ngô thì chỉ ở vùng cao mới dễ dàng tìm thấy. Lên chợ Bắc Hà ngày xuân, du khách sẽ được thưởng thức món bánh đúc ngô dân dã được đặt trong những chiếc chậu lớn. Khi có khách, người bán mới cắt thành từng miếng nhỏ, vừa ăn, thơm thơm vị ngô rất thú vị.

Gà nướng mắc khén Bắc Hà

Không giống những món gà nướng thông thường khác, gà nướng mắc khén là một món ăn khá mới nhưng rất được thực khách ưa chuộng khi đến Bắc Hà, Lào Cai bởi độ thơm của gia vị và độ ngọt của thịt gà. Loại gà ngon nhất được lựa chọn là gà đồi khoảng 1 – 1,5 kg không quá non nhưng cũng ko già để thịt gà mềm và ngọt. Gia vị được dùng để nướng cũng khá đặc biệt, gồm hạt mắc khén dã nhỏ trộn lẫn ớt, rau thơm, muối, lá chanh, gừng, sả… và một số gia vi khác được sát lên da bên ngoài con gà để thịt được đậm và thơm hơn. Cuối cùng gà được bọc trong một lớp lá chuối, sau đó lấy than phủ lên giữ nhiệt độ luôn nóng khoảng 30 phút là gà chín. Loại gia vị chấm thích hợp nhất với món gà nướng là hạt mắc khén dã nhỏ trộn với muốn, ớt, rau thơm dã nhỏ cộng thêm một chút nước gà.

Rau củ khởi Bắc Hà

Nếu đã từng một lần đến Bắc Hà, Lào Cai và thưởng thức ẩm thực nơi đây thì chắc hẳn du khách không còn xa lạ với những món ăn nổi tiếng như: thắng cố, rượu ngô, phở chua, gà đen, lợn bản…nhưng có lẽ không phải ai cũng từng được thưởng thức món rau “củ khởi” nơi đây, một loại rau chỉ có vào mùa thu (tháng 9-10) trên mảnh đất Bắc Hà, không chỉ là món ngon hấp dẫn mà rau củ khởi còn là một vị thuốc quý trong Đông y.

Rau củ khởi còn gọi là rau khởi tử thường mọc dại trong tự nhiên và là một vị thuốc quý, có tác dụng giải nhiệt, giải độc vô cùng hiệu quả. Cây củ khởi thân nhỏ, cao từ 50cm đến 150cm, cành nhỏ, uốn cong cần câu, thỉnh thoảng có gai ngắn mọc ở kẽ lá. Lá mọc so le, có khi mọc vòng, phiến lá nhỏ hình mũi mác, cuống ngắn.

Đặc sản Bắc Hà

Một số loại đặc sản ở Bắc Hà mà các bạn có thể mua về làm quà khi đi du lịch Bắc Hà. Với một số món ăn của người dân Bắc Hà, thường không có sẵn mà bạn phải nhờ người hỏi mới có thể mua được nhé.

Chó Bắc Hà

Nói trước, chó Bắc Hà từ lâu vốn nổi tiếng như một đặc sản từ Bắc Hà của những người yêu chó. Tất nhiên, món đặc sản này chỉ để nuôi chứ không để ăn nhé. Chó có nguồn gốc ở Bắc Hà được coi là giống chó quý. Có nhiều loại chó: Chó đại, chó lông xù, chó lông dài, chó cộc đuôi… Loại nào cũng to lớn, tinh khôn và đặc biệt là rất trung thành, biết nghe lời chủ nên được nhiều dân chơi khắp nơi tìm mua về nuôi.

Mận hậu Bắc Hà

Ở các tỉnh thuộc biên giới phía Bắc nước ta, đâu cũng thấy cây mận, mận Lào Cai, Lạng Sơn có màu hồng đỏ, mận Bắc Hà có vỏ màu xanh, mỗi loại mận đều có hương vị riêng và sắc màu khác nhau, song giống mận ngon nhất, đẹp mã nhất vẫn là giống mận trồng ở đất Bắc Hà. Từ tháng giêng âm lịch, cả thung lũng Bắc Hà với diện tích rộng 30km2 nở trắng hoa mận, đất trời Bắc Hà như trong huyền thoại. Qua Cổng trời, người và ngựa cứ bồng bềnh như trôi trong mây trắng. Khác với mận Lạng Sơn khi chín quả mới đỏ, mận hậu Bắc Hà không biến đổi màu vỏ ngoài, quan sát kỹ mới nhận ra lúc thu hái quả mận hơi ngả sang màu vàng nhạt. Trông cứ tưởng quả xanh nhưng khi bổ đôi, ruột quả mận mới phô sắc vàng. Điều khác biệt giữa mận Bắc Hà với các giống mận khác, có lẽ là độ róc hột. Ngoài ra, vị ngọt của mận hậu làm cho người ăn sau khi nuốt xong miếng cuối khá lâu mà như vẫn còn miếng mận trong miệng. Có lẽ vì thế mà người ta đặt tên nó là mậu hậu.

Rượu ngô Bắc Hà

Rượu ngô Bản Phố hay còn gọi là rượu ngô Bắc Hà là một thứ rượu ngon đặc sản của người Mông ở Bản Phố, cao nguyên Bắc Hà, Lào Cai. Cùng với rượu Táo Mèo và rượu San Lùng, rượu ngô Bản Phố là các danh tửu của Lào Cai. Rượu Bản Phố có màu trong như nước suối, lúc mới uống nghe hương vị thơm nồng, sau đó là cảm giác êm dịu. Rượu ngô nơi đây say lâu nhưng không làm người ta ngu muội mà cảm giác vẫn sảng khoái.

Rượu ngô Bản Phố nấu từ nước lấy từ suối Hang Dế. Rượu ngô Bản Phố hương thơm thì nồng nàn, quyến rũ, uống vào không gắt, không chua. Ngô dùng nấu rượu Bản Phố không phải trồng ở nương rẫy hoặc thung lũng, mà ở trên núi đá cao heo hút, đặc biệt là giống ngô vàng trồng ở xã Lùng Phình (Bắc Hà) cho ra nhiều rượu có hương thơm nồng rất ngon. Loại ngô này cho bắp chắc, vàng, năng suất không cao, bù lại hạt mềm, bùi và rất giàu dinh dưỡng.

Sau khi thu hoạch, ngô được giữ nguyên bắp, phơi khô và bảo quản để nấu rượu dần. Bí quyết tạo nên sự khác biệt của rượu ngô Bản Phố với các loại rượu khác là lên men bằng bột bông của cây “pa”, còn gọi là cây Hồng Mi. Người H’Mong dùng hạt này đem xay nhỏ như bột rồi trộn với nước rượu đầu và nước sôi, nhào thật nhuyễn, nắm thành quả đặt trên rơm và phơi ở nơi ít nắng, thoáng gió đến khi những quả men khô, chuyển thành màu trắng y như chiếc bánh bao thì mang bỏ vào thúng, rổ để lên gác bếp bảo quản để dùng dần.

Người Mông nơi đây cho rằng uống rượu Bản Phố vào buổi sáng sẽ có thêm sức mạnh, tựa như có một vị thần dũng mãnh hỗ trợ làm việc đồng áng suốt ngày không cảm thấy mệt mỏi. Nếu uống vào buổi tối, cùng với bằng hữu, rượu như có sợi dây vô hình ràng buộc tình yêu thương khăng khít, trong lòng mọi người trào dâng lời hay, ý đẹp, nói lên được những điều mới mẻ, ý nghĩa thấm sâu và hào hứng mà những lúc khác không có rượu chưa nói được

Thịt gừng của người Nùng Dín

Hàng năm, cứ mỗi dịp tết đến, người Nùng Dín lại mổ lợn đón Xuân. Dù lợn to hay bé, mỗi nhà cũng phải chuẩn bị thịt để chế biến nhiều món ăn trong ngày tết. Ngoài món thịt làm nhân bánh thì người Nùng Dín còn làm món thịt gừng ‘tiếng Nùng Dín gọi là Nứt sinh’. Món ăn này rất bình dị, chế biến đơn giản nhưng có hương vị riêng, từ lâu là thức ăn quen thuộc của dân tộc này. Để làm món thịt gừng, người Nùng Dín tận dụng tất cả các loại xương như xương sống, xương sườn và thủ tươi nguyên không được rửa qua nước đem băm nhỏ, rồi rửa một lượng khá nhiều gừng giã nhỏ vắt bớt nước. Sau đó, trộn tất cả xương băm, gừng, muối với nhau, bóp sao cho thật nhuyễn. Khi bóp người ta còn pha thêm một chút rượu vừa phải để bảo quản và giữ được sự tươi sống của thức ăn. Thịt được cho vào loại chum có men bóng rồi đổ nước (không để cạn nước ở vành chum), giữ nhiệt độ để tránh thức ăn chuyển màu. Sau đó, đậy kín miệng chum bằng tấm ni lông, buộc chặt, khi nào dùng mới lấy ra nấu chín tuỳ theo bữa. Người Nùng Dín thường ăn món thịt gừng theo hai cách là hấp hoặc nấu. Nếu hấp thì có thể cho thêm một chút nước, hạt tiêu, rau thơm thì món ăn sẽ toả mùi thơm hấp dẫn hơn nhiều. Nếu nấu thì đổ thêm một lượng nước tương xứng với lượng thức ăn đun chín tới, cho gia vị như mì chính, hạt tiêu hoặc rau cần tây. Kể cả người già hay trẻ nhỏ không ăn được xương thì trộn cơm với nước thịt này cũng xuýt xoa ngon miệng. Ai đã từng thưởng thức món ăn Nứt sinh của người Nùng Dín sẽ không quên được hương vị của nó bởi vị ngọt của thịt xương quyện với cái mặn đậm đà của muối, chất cay nóng của gừng già, phảng phất vị thơm của rượu ngô.

Thịt lợn muối

Thịt lợn từ lâu là một món ăn quen thuộc dân dã đối với người dân Việt Nam và đây cũng là loại thực phẩm có nhiều cách chế biến món ăn nhất. Trong các món ngon được chế biến từ thịt lợn thì thịt lợn muối là một trong những món ngon trong danh mục ẩm thực của đồng bào vùng cao Lào Cai. Cách chế biến món thịt lợn muối hết sức đơn giản với những gia vị có sẵn trong vườn nhà. Gia vị của thịt lợn muối bao gồm các loại lá như lá quế, lá mít, lá trầu không, kèm theo ớt tươi, giềng và rượu cái nếp. Tất cả các loại lá đều được phơi khô và giã nhỏ, thịt lợn được thái vừa miếng rồi đổ rượu cái ướp cùng muối thật mặn và trộn lẫn các loại lá gia vị khô đã được giã nhỏ sau đó cho thịt vào hũ hoặc lọ để từ một đến hai tuần là có thể sử dụng được.

Khi sử dụng thịt lợn muối có thể rang hay nướng tuỳ theo khẩu vị của từng gia đình. Khi ăn, chúng ta có những cảm giác khác nhau. Có vị cay của giềng và ớt, vị thơm của quế, vị hơi chát của lá mít và lá trầu không. Đồng thời, một vị đặc trưng của thịt lợn muối là vị chua hoà lẫn vị mặn của muối, miếng thịt giòn và rắn chắc. Thịt lợn muối làm giảm đi độ béo và ngấy của mỡ. Khi ăn, chúng ta có thể lấy lại cảm giác về vị giác khi đã ăn quá nhiều đồ ăn khác mà không có cảm giác ngon. Thịt lợn muối là món ăn dân dã của người dân vùng cao đặc biệt là người Tày ở Bảo Yên. Mặc dù là món ăn bình dị nhưng cũng được người dân vùng cao tiếp đãi khách quý như một món ăn truyền thống và bộc lộ tình cảm chân thành của đồng bào đối với khách.

Nấm chân chim ở chợ Bắc Hà

Nấm còn gọi là nấm phiến chẻ, là một sản phẩm độc đáo chỉ có ở Bắc Hà (Lào Cai), không những có giá trị dinh dưỡng cao mà còn là một loại dược liệu quý. Vị ngọt của nấm khiến người ăn khó quên được hương vị của vùng cao này. Hình thái ngoài của nấm cũng dễ nhận biết, không có cuống, mũ dạng quạt – vỏ hến, đường kính từ 1 đến 3 cm, phủ lớp lông mịn mầu trắng xám, mép mũ hơi cuộn vào trong. Thịt nấm mầu trắng, mặt dưới là những phiến nấm, khi non mầu trắng, khi già mầu hồng thịt. Những gùi nấm nặng trĩu được các thiếu nữ Mông mang đến chợ bán thành một dãy riêng. Nấm được để trong gùi hoặc bày trên các tấm vải, trải trên thảm cỏ. Chẳng cần cân đo chính xác, các cô gái cứ đong từng bát đầy, bán với giá bình dân: hai nghìn đồng một bát. So với các loại rau xanh khác ở chợ, nấm chân chim bao giờ cũng được bán hết nhanh nhất. Nấm mua về đem xào hoặc nấu canh với thịt. Thưởng thức hương vị ngọt ngào của nấm, người ăn sẽ có kỷ niệm khó quên về Bắc Hà. Ngoài công dụng làm thực phẩm, nấm chân chim còn có nhiều lợi ích khác, được liệt vào loại dược liệu quý, là đối tượng nghiên cứu thực nghiệm về sinh học, như sinh lý học và di truyền học.

Các món ăn ngon ở Sa Pa

Đồ nướng Sa Pa

Thưởng thức đồ nướng trong cái lạnh của Sa Pa luôn mang lại một cảm giác rất lạ (Ảnh – cungphuot.info)

Trong rất nhiều cái thú được nhâm nhi, hưởng thụ ẩm thực của du khách trong những ngày du lịch dài ngày tại đây, thì đồ nướng Sa Pa đang trở thành một “thương hiệu” rất riêng biệt, không thể lẫn với các địa phương khác. Nhiều khách du lịch nói rằng “Nếu đến Sa Pa mà không thưởng thức đồ nướng thì quả thật chưa thực sự khám phá được hết sự độc đáo, phong phú và thi vị của văn hoá ẩm thực Sa Pa”. Không phải chỉ ở Sa Pa mới có các món đồ nướng, thế nhưng có lẽ do sự ưu đãi của khí hậu trong trẻo mát lành và thơ mộng của đất trời tự nhiên, đồ nướng Sa Pa luôn mang đến cho người thưởng thức một hương vị hết sức riêng biệt, không có bất cứ ở một địa phương nào. Dường như ở nơi đất trời và núi rừng đều vời vợi cao này, mỗi món đồ nướng dẫu dân dã, bình thường cũng thẩm thấu được tinh hoa của đất trời, khiến người thưởng thức phải trầm trồ, xuýt xoa về hương vị thơm ngọt ngon, thơm bùi riêng biệt của từng món.

Thịt bò cuốn rau cải Mèo

Thịt bò được thái lát mỏng, tẩm ướp với gia vị rồi cuộn với rau cải mèo ở bên trong, tất cả thành 1 xiên rồi nướng trên than hồng. Vị ngọt của thịt bò và vị ngăm ngăm đắng của rau cải mèo pha trộn với một chút vị cay từ tương ớt sẽ khiến các bạn khó mà dứt ra được.

Cơm lam nướng

Cơm lam là món ăn phổ biến mà bạn có thể dễ dàng bắt gặp ở vùng cao, về nguyên tắc thì cơm được nướng từ khi gạo còn sống nhưng thực tế hiện nay đa phần cơm lam đã được nấu chín trước bằng nồi, chỉ được cho vào ống để nướng lại cho nóng. Món này chấm với muối vừng để ăn kèm với các loại đồ nướng cho đỡ ngán.

Thịt lợn tẩm gia vị nướng

Thịt lợn có thể thái nhỏ rồi xiên thành các xiên hoặc để nguyên cả miếng ba chỉ, tất cả được tẩm ướp trước, sau khi khách lựa chọn thì mới mang đi nướng.

Chân gà, cánh gà nướng

Chân, cánh gà được tẩm uớp sẵn các loại gia vị hay mật ong rồi nướng trực tiếp trên than hồng. Dưới cái không khí se lạnh của Sa Pa bạn sẽ dễ dàng đánh bay một vài chiếc cánh hay dăm chục chiếc chân gà nướng.

Trứng nướng

Quả trứng, một loại thực phẩm đơn giản có thể bắt gặp ở bất cứ đâu. Tuy nhiên, ở cái tiết trời man mát se lạnh của Sa Pa, quả trứng nướng cũng mang lại cảm giác ngọt, đậm đà hơn nhiều so với ăn trứng ở dưới xuôi.

Cá suối nướng

Ăn cá suối Mường HOa chỉ việc nướng chín trên than củi, rồi ăn nóng ngay hoặc nướng qua, đem rán ròn rồi chiên với nước sốt cà chua cùng gia vị bột cà ri, bột hồ tiêu là trên mâm cơm đã có một món ăn ngon lành.

Dạ dày nướng

Một đĩa dạ dày, phèo nướng giòn cùng chén rượu cay nồng là đủ để xua cái lạnh tê tái và đắm chìm trong không gian yên bình, tĩnh lặng của phố núi lúc về đêm.

Các loại nấm nướng

Rau, đậu và các loại nấm tương tự thịt cũng được xiên thành từng xiên, nướng trên than hoa để ăn kèm với các món thịt nướng.

Cải mầm đá

Món cải mầm đá không được bán nhiều tại thị trấn sương mù này vì loại hiếm, mọc trên đỉnh núi đá cao và chỉ phát triển vào mùa lạnh. Vào cuối năm, khoảng từ tháng 11 đến tháng 3 dương lịch là mùa cải mầm đá, món ngon không phải ai cũng biết nhưng đã một lần thưởng thức sẽ muốn ăn thêm và mua về.

Cách chế biến cải mầm đá phổ biến nhất là luộc, nhưng thực ra chỉ cần nhúng sơ qua là các ngồng cải đã có thể ăn được. Cải mầm đá có thể chấm với nước mắm trứng hoặc với vừng lạc. Đây là cách chế biến quen thuộc của những người thích thưởng thức hương vị thuần khiết nhất của món cải.

Nhưng xào cải mầm đá mới được nhiều người ưa chuộng, nhất là xào với thịt trâu. Khi luộc, vị ngọt của cải tiết ra nước, nhưng khi xào, vị ngọt ấy ngấm ngược vào thịt trâu. Khi xào chỉ cần tuân thủ theo lối ăn “sần sật, giòn giòn chín tới” của cải mầm đá là đã có một món ăn thật tuyệt. Vì vậy, khi xào lửa phải vừa, tay đảo nhanh, liên tục. Cải mầm đá đặc biệt xào với mỡ lợn ngon hơn hẳn với dầu ăn. Miếng cải xanh non bóng mỡ, ăn không ngấy ngán mà ngọt lịm, càng ăn càng thích thú.

Mèn mén Sa Pa

Sau vụ thu hoạch ngô được phân loại, phơi khô cả vỏ đưa lên gác xép, xếp thành hàng, để dùng dần. Ngô được tẽ ra, quạt sạch rồi say nhỏ bằng cối đá. Xay ngô đòi hỏi sự công phu và tốn thời gian. Khi xay phải có hai người, một người kéo tràng, một người đứng bỏ hạt. Ngô xay ra đảm bảo nhỏ hơn hạt tấm, đều để dễ đồ. Khi đồ cho bột ngô vào chõ, rắc đều một chút nước đậy kín, đặt lên chảo nước rồi đun chờ có mùi thơm toả ra là cơm chín. Cẩn thận hơn, người ta làm đồ hai lượt. Lượt thứ nhất chưa chín hẳn. Đổ ra xảo, đánh tơi, chờ nguội bớt, rồi rẩy chút nước, cho lại vào chõ đồ lượt thứ hai. Cơm bột ngô háp người ta quen gọi là mèn mén.

Gà đen Sa Pa

Gà đen là một giống gà quý hiếm, đặc điểm nổi bật của giống gà này là thịt, xương có màu đen, hàm lượng mỡ trong thịt ít, thịt săn chắc, thơm ngon. Thịt gà đen, xương đen, không những có tác dụng tăng cường sinh lực mà còn có hương vị và có giá trị dược liệu đặc biệt trong chữa bệnh tim mạch. Gà đen khi ăn thịt thơm ngọt là đặc sản nổi tiếng của Sa Pa.

Cá hồi

Dù được nuôi ở nhiều nơi nhưng đến nay trại nuôi cá hồi Sapa vẫn là đơn vị thành công nhất. Nhiều du khách trong và ngoài nước đã có dịp khám phá, tìm hiểu về quy trình nuôi cá hồi, được tận mắt ngắm nhìn đàn cá tung tăng bơi lội ngay dưới chân Thác Bạc. Sự có mặt của những chú cá hồi vân giữa núi rừng Tây Bắc khiến cho sản phẩm du lịch Sapa trở nên hấp dẫn hơn, đa dạng hơn. Trại nuôi cá ngay dưới chân Thác Bạc là địa điểm được nhiều du khách ghé thăm nhất, bởi nơi đây gần điểm du lịch và nằm ngay dưới chân Phan Xi Păng nên rất tiện dừng chân.

Ở độ cao 1.800m so với mực nước biển, những chú cá hồi vân có xuất xứ từ Châu Âu, Châu Mỹ được chăm sóc rất “chu đáo” trong những cái ao nhân tạo. Đặc điểm sinh tồn của cá hồi vân là sống trong môi trường “nước động”, nhiệt độ thấp dưới 15 độ nên toàn bộ nước trong các ao đều được dẫn bởi 1.000m đường ống từ Thác Bạc về trại cá.

Với vị ngon đậm đà, thịt có màu hồng đẹp, giá trị dinh dưỡng cao, cá hồi đang là món ăn sang trọng của du khách khi đến với Sapa. Với khí hậu quanh năm mát mẻ và một mùa đông lạnh thậm chí có cả tuyết bao phủ, cá hồi Sapa có thớ săn, không có mỡ, chất lượng không thua kém cá hồi nhập khẩu, rất thích hợp để chế biến thành nhiều món khác nhau như: gỏi, lẩu, cháo, cá hồi nướng, trứng cá hấp, cá hun khói, salad rau xanh ăn kèm cá hồi tẩm sốt cam và tiêu xanh, cá hồi nhồi dưa chuột…

Thắng cố

Thắng cố là món ăn truyền thống của dân tộc Mông ở vùng Bắc Hà, Mường Khương. Tuy nhiên theo năm tháng món ăn này được hầu hết các tộc người bắt trước và biến tấu đi nhiều. Tuy nhiên nó vẫn mang hương vị và nguyên liệu đặc trưng là nôi tạng, xương của ngựa, bò, lợn. Thắng cố được nấu kèm với rất nhiều những loại thảo dược thường tại các buổi chợ phiên thì người ta nấu thắng cố trong một cái nồi lớn cho hàng chục người ăn, ninh nhừ trong vài giờ đồng hồ, khi ăn thì múc ra những tô nhỏ. Ăn thắng cố nhâm nhi cùng ly rượu ngô, rượu táo mèo chắc chắn sẽ mang lại cho du khách một trải nghiệm thú vị khó quên.

Lợn bản

Hay còn được gọi lợn cắp nách, lợn được thả rông từ lúc mới đẻ khoảng một năm mới nặng chừng 20kg, người dân có thể dắt lợn hay cắp nách đem ra chợ bán nên mới có cái tên như vậy. Dưới bàn tay khéo léo của đầu bếp thịt lớn cắp nách được đem hấp, quay, nướng… món nào cũng ngon khó cưỡng. Thớ thịt dầy, ròn ngọt, vị đậm đà, đặc biệt là không ngấy chút nào. Ở Sa Pa, có nhiều nhà hàng phục vụ món này, nếu đi đông các bạn có thể đặt làm nguyên một con nhỏ, nếu không trong thực đơn các nhà hàng cũng luôn sẵn có phục vụ các khách lẻ.

Một số đặc sản Sa Pa mua về làm quà

Là một thị trấn vùng cao, khí hậu mát mẻ nên ở Sa Pa có nhiều loại đặc sản ngon mà khi du lịch Sa Pa các bạn có thể mua về làm quà cho gia đình và bạn bè.

Lê tai nung Sa Pa

Lê tai nung có nguồn gốc từ Đài Loan, trong quá trình trồng tại một số nơi của tỉnh Lào Cai, cây Lê Tai nung tỏ ra phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương như huyện Bắc Hà, Sa Pa. Lê Tai nung ra hoa muộn hơn đào và mận, nên có thể tránh được thời điểm rét đậm trong mùa đông, thời gian thu hoạch vào tháng 6, tháng 7 (sau mùa thu hoạch đào và mận). Loại lê này có vị ngọt mát vỏ mỏng nhiều nước.

Đào Sa Pa

Sa Pa vốn nổi tiếng là vùng trồng đào ăn quả nổi tiếng, giống đào ở đây chủ yếu là giống Pháp (giống đào ta gốc hầu như không còn do bị chặt mang về xuôi để chơi) được đưa về trồng tại địa phương. Đào Sa Pa quả nhỏ, ăn giòn và có vị chua.

Mận hậu Sa Pa

Những cây mận này được trồng trên 20 năm tại Ô Quy Hồ,  là loài cây gắn bó với đời sống của người dân Sa Pa, trở thành loại quả đặc sản nhiều người muốn thưởng thức. Khác với loài quả khác, khi chín, mận hậu Sa Pa vẫn giữ màu xanh, nhưng căng mọng, ăn dóc hạt, ngọt ngon đầu lưỡi.

Cải mèo Sa Pa

Cây cải Mèo thuộc hàng rau có bẹ, lá dài màu xanh đậm, viền lá xoăn cảm giác như có gai, loại có lông, loại trơn. Rau cải Mèo loại nhỏ, lá có lông ăn ngon hơn. Trước đây, đồng bào chỉ quen trồng cải Mèo để ăn chứ không bán nên chẳng chú trọng gì. Thường thì người dân địa phương không trồng thành hàng, thành luống mà chỉ quãi hạt ra ven nương, đồi để mọc tự nhiên, cây cứ thế lớn lên, xanh tốt.

Rau cải Mèo của Sa Pa được người dân địa phương nấu bằng nhiều cách: xào, nấu, luộc hoặc dùng để ăn lẩu. Thông thường, chế biến một cách đơn giản nhất, chỉ cần thái nhỏ, đập gừng đổ nước vào đun sôi là có một bát canh mát, rất hợp cho thực khách uống rượu. Kỳ công hơn, rau có thể nấu cùng với thịt gà băm rối, không quên bỏ gia vị gừng, nêm vừa mắm, muối, người thưởng thức sẽ cảm nhận được một hương vị thật độc đáo. Chất ngọt của thịt gà quện với cái ngọt mát, ngăm ngăm đắng của rau cải làm cho người ăn cảm thấy không bị ngán.

Su su

Do được trồng ở độ cao 1.500 mét, với màu mỡ đất mùn núi cao, đồng thời biên độ chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm lớn, khả năng tích lũy đường cao, nên đã tạo cho Su su Sa Pa có vị ngọt và độ giòn rất đặc trưng. Rau Su su trồng tại Sa Pa luôn phát triển tốt, cho năng suất cao, chất lượng tốt, ít phải dùng đến các loại thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích sinh trưởng.

Có một đặc điểm khác biệt so với Su su trồng ở các địa phương khác, là rau Su su Sa Pa chỉ trồng một lần và thu hoạch nhiều năm. Vì vậy, có những gốc Su su ở Sa Pa có tuổi đời hàng chục năm. Sau mỗi một mùa thu hoạch từ tháng 4 – 11 hàng năm, người dân lại cắt bỏ các dây Su su ở trên mặt đất, đồng thời tiến hành bón phân chăm sóc cho phần gốc. Tuy nhiên, với những năm thời tiết rét đậm đầu năm kéo dài, lại có tuyết rơi nên mùa thu hoạch Su su ở Sa Pa sẽ muộn hơn so với những năm bình thường.

Nấm hương rừng

Sapa không chỉ là vùng đất nổi tiếng về phong cảnh thiên nhiên mà còn là nơi lưu giữ được nét văn hóa ẩm thực tinh tế và độc đáo. Vùng đất này được thiên nhiên ban tặng cho vô số các đặc sản của núi rừng vô cùng thơm ngon, trong đó không thể không kể đến nấm hương Sapa. Nấm hương Sapa về hình thức cũng giống như các loại nấm hương khác nhưng ăn sựt sựt đã miệng, mùi thơm tự nhiên thích hợp cho các món xào hoặc lẩu vẫn có mùi thơm của nấm mà không át đi các vị thơm của các thực phẩm đi kèm.

Rượu táo mèo Sapa

Quả táo mèo hay người dân vùng cao còn gọi là quả sơn tra vốn từ lâu đã nổi tiếng với du khách Tây Bắc. Nếu nói đến táo mèo người ta sẽ nhớ nhiều đến Trạm Tấu hay Mù Cang Chải của tỉnh Yên Bái, tuy nhiên, nếu nhắc tới rượu táo mèo thì có lẽ phải nghĩ ngay tới Sapa.

Để làm rượu chua chát, từng quả táo mèo được rửa sạch, trải qua những bước ngâm khác nhau tùy từng gia đình. Có nhà cẩn thận bổ đôi quả sơn tra, ngâm muối cho bớt nhựa quả, nhưng cũng có nhà lại để nguyên quả đảo qua đường cho nhựa ra nhiều rồi cho vào bình thủy tinh hoặc hũ ngâm rượu. Qua 6 đến 8 tháng rượu mới đạt đủ độ và cho ra một loại rượu thơm ngon, bổ dưỡng.

Rượu thóc Sim San

Rượu Sim San là đặc sản truyền thống của đồng bào dân tộc Dao, được bà con người Dao đỏ trưng cất trên độ cao 2000m tại thôn Sim San xã Ý Tý, Bát Xát.

Củ Hà Sin Cô

Được người dân gọi là Hà Sin Cô hay Hoàng Sin Cô, loại củ này có hình dáng bên ngoài rất giống củ khoai lang, nhưng bên trong lại có màu vàng nhạt, nhiều nước, vị giòn, ngọt nhẹ, thanh mát. Củ sau khi gọt vỏ có thể ăn sống.

Nấm hương Y Tý

Khi những cơn mưa đầu tiên xuất hiện xóa đi những ngày lạnh giá, để đón một mùa hè mới bắt đầu, đây cũng là thời điểm mà nấm rừng bắt đầu vào mùa. Ở Y Tý, mùa này (tháng 4-5) hay có nhất vẫn là nấm hương, thi thoảng cũng có nấm sò, nấm thông, hoặc một số loại nấm khác. Theo kinh nghiệm của bà con nơi đây, sau mỗi đợt mưa nấm lại mọc nhiều, đó cũng là lúc bà con rủ nhau lên rừng tìm nấm. Nếu đúng thời điểm này bạn đang đi săn mây Y Tý, hãy để ý những quầy hàng ven đường của bà con nhé, rất dễ mua được một vài dây nấm hương rừng rất ngon đấy.

Bia Hà Nhì

Ở Lào Cai lại có một dân tộc sản xuất Bia thủ công truyền thống đặc biệt ngon đó là dân tộc Hà Nhì thuộc xã “Y Tý” Bát Xát, đến với người Hà Nhì chúng ta sẽ thấy nhà nào cũng biết nấu bia, ủ bia để dùng cho những dịp lễ, tết và mời khách quý.

Bia của người Hà Nhì làm từ gạo nếp. Công đoạn ủ bia thì quả là cầu kỳ và độc đáo. Để có được hũ bia ngon, mùi thơm đặc trưng thì điều quan trọng nhất đó là phải chọn được loại gạo nếp ruộng phơi đủ nắng, hạt đều và có mùi thơm. Gạo nếp được đãi sạch, ngâm nước 1 tiếng rồi đem đồ thành xôi. Khi xôi chín, người ta rải xôi ra mẹt và để nguội. Để từng hạt xôi ngấm đều men người ta dùng nước đun sôi để nguội vẩy lên mẹt xôi cho từng hạt tơi ra, không dính vào nhau. Ngoài gạo ra thì men là cũng là yếu tố quan trọng để làm bia ngon. Men để ủ thành bia là được làm thủ công từ hạt cây rừng, nghiền nhỏ trộn với bột gạo nếp và ủ trong rơm. Sau khi xôi nguội, người ta rắc men trộn đều và cho xôi vào hũ sành, bịt kín lại. Sau 3 ngày, phần cơm xôi đó sẽ lên men, tiết ra nước, phần cái nổi lên trên và phần dưới là nước cốt. Nước cốt màu trắng ngà có mùi thơm và vị ngọt dịu. Lúc này, sẽ chế thêm nước sôi để nguội vào hũ và tiếp tục ủ, đủ 15 ngày sẽ cho ra sản phẩm bia. Cứ 10 kg gạo nếp sẽ cho khoảng 7 lít bia. Càng ủ lâu, nước bia chuyển từ trắng sẽ sang vàng và uống càng ngon.

Lạp xưởng lợn đen

Lạp xưởng này đặc biệt ở chỗ được chế biến bằng thịt của giống lợn đen nổi tiếng, thịt rất thơm và ngọt. Quy trình chế biến cũng không hề đơn giản. Để lạp xưởng ngon, người ta phải lựa chọn loại thịt có lẫn mỡ và lạc để không khô và cũng không ngấy khi thưởng thức. Sau đó lạp xưởng được phơi khô khoảng ba nắng rồi mới treo lên gác bếp. Khói và hơi nóng của bếp lửa qua từng ngày làm cho miếng thịt săn hơn và thơm ngon kì lạ.

Dứa Bản Lầu (Mường Khương)

Dứa Bản Lầu là loại dứa chỉ có ở Mường Khương. Đến đây bạn sẽ cảm thấy như lạc vào cánh đồng dứa bát ngát vô tận và khó có thể cưỡng lại cái mùi thơm lừng. Dứa thường có 2 mùa là xuân hè và thu đông. Quả dứa to, mắt căng có vị ngọt sắc, thơm ngon. Đặc biệt với thời tiết càng nhiều nắng dứa càng ngon, quả khô và tích mật.

Tương ớt Mường Khương

Dù chỉ là một trong những món giản dị nhưng lại rất phổ biến và không thể thiếu trong mỗi bữa ăn hằng ngày của đồng bào dân tộc nơi đây, do đó tương ớt Mường Khương được nhiều du khách phương xa biết đến bởi cái hương vị cay cay, thơm thơm, thưởng thức một lần là nhanh chóng “bị nghiện” và không bao giờ quên được hương vị đậm đà, đặc sắc của món tương này.

Rượu Mản Thẩn

Nếu Bắc Hà nổi tiếng với rượu Bản Phố thì Si Ma Cai có rượu Mản Thẩn, Sín Chéng làm say lòng thực khách. Nguyên liệu nấu rượu chủ yếu từ ngô bản địa, kết hợp với men Hồng My và nguồn nước tự nhiên của xã Mản Thẩn, Si Ma Cai, Lào Cai. Đặc biệt, khi chưng cất có cả râu ngô nên rượu Mản Thẩn không gây tác hại tới hệ thần kinh, uống không nhức đầu.

Vịt Sín Chéng

Đã từ lâu, giống vịt Sín Chéng đã thành thương hiệu gắn liền với mảnh đất Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai. Vịt Sín Chéng vừa là đặc sản, vừa mở ra hướng phát triển kinh tế bền vững thoát nghèo cho bà con trên vùng cao nguyên đá.

Ưu điểm của vịt Sín Chéng là trọng lượng lớn, thịt ngọt, quả trứng to, tỷ lệ lòng đỏ cao nên rất được thị trường ưa chuộng. Tuy nhiên nguồn cầu lớn nhưng cung vẫn chưa thể đáp ứng, bởi những khó khăn trong việc chăn nuôi và phát triển đàn vịt quý này.

Năm 2012, Viện chăn nuôi Quốc gia đã quyết định đưa giống vịt Sín Chéng vào danh sách cần bảo tồn nguồn gen để nhân giống phát triển đàn gia cầm quốc gia. Năm 2013 vịt Sín Chéng được công nhận thương hiệu, trở thành đặc sản của vùng cao này.

5/5 – (1 đánh giá)

Rate this post

Viết một bình luận