Các món ăn ngon ở Phú Quốc (Cập nhật 07/2022) | Ăn gì ở Phú Quốc

Các món ăn ngon ở Phú Quốc

Phú Quốc

Các món ăn ngon ở Phú Quốc

(Cập nhật 07/2022)

Cùng Phượt – Phú Quốc từ lâu đã trở thành một địa chỉ nghỉ dưỡng được du khách trong và ngoài nước ưa thích. Những bãi biển hoang sơ với bờ cát trắng chạy dài luôn có một sức hút rất riêng đối với du khách. Đến Phú Quốc ngoài việc tắm biển, lặn ngắm những rặng san hô tuyệt đẹp, đi câu cá… du khách còn được khám phá những món ăn ngon miệng của người dân trên đảo được chế biến từ nguồn hải sản phong phú của biển. Những món ăn ngon trong bài viết này đều được giới thiệu từ thông tin mà một người bạn ở Phú Quốc của Cùng Phượt cung cấp. Các bạn khi du lịch Phú Quốc nếu muốn một bữa BBQ hải sản Ngon – Bổ – No nhưng không rẻ có thể liên hệ với Cùng Phượt qua email để được cung cấp thêm thông tin.


Nhiều món ngon ở Phú Quốc đang đợi bạn (Ảnh – Internet)

©Bản quyền hình ảnh : Trong bài viết có sử dụng một số hình ảnh được tìm kiếm thông qua công cụ Google Image của các tác giả Nguyen Hoang, TamNguyenHuu, Thuy Duong, OVC 2012, Vịt Già Gian Ác, billygilman2009, Đá Cuội, Nhu Vu Nguyen, Huy Pham, anvietnam, ePi.Longo, tuan_ltt90, Khoa Nhat, truongquanmy, Moon, titi, Phạm Tuấn Minh và của một số tác giả chưa rõ tên nhằm minh họa rõ hơn cho nội dung bài viết. Bản quyền những hình ảnh này thuộc về tác giả. Chính sách của Cùng Phượt về bản quyền hình ảnh các bạn có thể theo dõi tại đây.

Ghẹ Hàm Ninh


Ghẹ Hàm Ninh rất ngon nhá (Ảnh – Nguyen Hoang)

Ghẹ Hàm Ninh giá từ 100k-150k/kg tùy nhỏ to nhưng ghẹ to ở Phú Quốc cũng chỉ bằng ghẹ mới đẻ ở miền Trung. Ghẹ to quá ăn ko ngon, ghẹ bé quá thì ko có thịt, ghẹ ăn khoảng 6-7 con một ký, thích ăn gạch thì lựa ghẹ cái, thịt nhiều thì ăn con đực, ghẹ chắc là ghẹ ngon. Ðến đây mà chưa thưởng thức ghẹ luộc thì coi như chưa trọn vẹn.


Mua ghẹ tại những ghe của người dân sẽ rẻ hơn trong nhà hàng nhiều (Ảnh – TamNguyenHuu)

Ghẹ là đặc sản Phú Quốc, gần như lúc nào cũng có. Những con ghẹ vừa bắt lên đem luộc, màu đỏ tươi, thịt chắc nịt, chấm muối tiêu chanh thật tuyệt vời. Nhưng ăn ghẹ ngon nhất thì phải đến Làng Chài Hàm Ninh hoặc bạn cũng có thể tới đây chơi và mua ghẹ mang về nhờ khách sạn nơi bạn ở chế biến cho.

Gỏi cá trích


Cá trích và các nguyên liệu để ăn gỏi (Ảnh – Thuy Duong)

“Nước mắm ngon đem dầm con cá trích
Anh có vợ rồi đứng xích cho xa”

Câu ca ấy đã khiến du khách bốn phương phần nào hình dung về sự hấp dẫn của món ăn làm từ con cá trích. Không cầu kỳ trong cách chế biến nhưng món cá trích đòi hỏi nhiều công đoạn tỉ mẩn: từ việc phải chọn những con cá trích thật tươi, vảy bóng trắng; vỏ bánh phải làm bằng bột gạo nguyên chất và được nhúng vào nước cốt dừa loãng cho mềm đến rau sống phải hội tụ đủ cả rau rừng và rau trồng như: đọt dứa, bằng lăng, xà lách, húng cay, dấp cá…


Gỏi cá trích (Ảnh – OVC 2012)

Cuộn các thứ rau vào bánh tráng, cho thêm vài sợi dừa nạo, gắp miếng cá trích còn tươi đỏ chấm chung với nước mắm Phú Quốc, từ từ đưa vào miệng, vị mềm giòn, ngòn ngọt, chua chua của cá, vị béo của dừa và lạc rang hòa trong cái vị cay, chan chát của rau rừng cứ tan dần trong miệng khiến cho bất kỳ ai khi có cơ hội thưởng thức lần đầu sẽ thấy là lạ, lần thứ hai thấy ngon và rồi nghiện ăn món này lúc nào không hay.


Rượu Sim cũng là một trong những đặc sản Phú Quốc (Ảnh – Vịt Già Gian Ác)

Nét đặc biệt của cư dân Phú Quốc là khi ăn gỏi cá trích phải uống chút rượu sim, bởi cá trích có rất nhiều đạm và còn tươi sống, khi ăn gỏi cá dùng chút ít chất men để tốt cho tiêu hóa, đồng thời tạo nên sự hưng phấn, êm ấm bên gia đình sau những ngày ra khơi.


Thành phần món gỏi cá trích (Ảnh – Moon)

Quây quần bên mâm bàn còn là dịp để cho các ngư dân hàn huyên tâm sự, trao đổi kinh nghiệm với nhau về việc đánh bắt hải sản và bàn tính chuyện ra khơi sắp tới. Có thể nói, gỏi cá trích và rượu sim đã quyện chặt với nhau trong các bữa ăn gia đình trên đảo Phú Quốc mà khó có món ăn nào sánh được.

Ốc nhảy


Ốc nhảy (Ảnh – anvietnam)

Có rất nhiều loại ốc nhảy, trong đó phổ biến nhất là ốc nhảy trắng và ốc nhảy đỏ. Sở dĩ phân biệt được như vậy là nhờ màu sắc của vỏ ốc. Ốc nhảy trắng vỏ dày, thịt thơm và béo hơn ốc nhảy đỏ. Có lẽ nhờ chất lượng thịt thơm ngon hơn nên giá ốc nhảy trắng cũng cao hơn. 1kg ốc nhảy đỏ khoảng 110k – 120k /kg (loại 30 – 35 con/kg), trong khi 1 kg ốc nhảy trắng cùng loại là 180k /kg.


Ốc nhảy ngon nhất là luộc với xả (Ảnh – Huy Pham)

Món ốc nhảy ngon nhất là luộc với sả, tuy nhiên thỉnh thoảng mình cũng hay chế biến các món như ốc nhảy nướng, ốc nhảy sốt sa tế… Món ốc nhảy nướng và ốc nhảy luộc, hấp sả hợp với ăn chơi hơn, còn nếu để làm món mặn trong bữa cơm thì món ốc nhảy sốt sa tế là hợp nhất.

Còi biên mai nướng sa tế


Ảnh – billygilman2009

Còi biên mai chính là hai lớp cơ thịt nối liền hai mảnh con sò biên mai. Có thể thấy con sò này lớn cỡ nào nếu bạn cứ hình dung với con sò huyết quá thông dụng ở đất liền có hai bộ phận còi chỉ như cây tăm tre nhỏ thì còi biên mai lại lớn bằng đồng xu và lớp thịt dày đến nửa lóng tay. Con biên mai lớn xác vậy nhưng thịt của chúng rất nhão và ăn không ngon. Mọi tinh túy của con vật này chỉ tập trung vào hai cái còi. Có rất nhiều cách chế biến món còi biên mai: xào cùng với nấm đông cô, nấm rơm, củ hành cùng cải bẹ xanh. Các đầu bếp còn pha thêm một chút tương đậu nành vào nước nấu xâm xấp cho ra một màu nâu đậm của đất phù sa. Cái ngọt đậm đà của thứ hải sản lạ hợp cùng cái ngọt nhẹ nhàng của các loại nấm, ngọt hăng của hành pha thêm một chút cay nồng của cải xanh khiến mọi người có thể ăn không biết no.


Ngon nhất là Còi biên mai nướng, chấm muối ớt (Ảnh – Đá Cuội)

Tuy nhiên, với người sành ăn muốn thưởng thức hương vị nguyên sơ của biển cả thì không gì qua nổi món còi biên mai nướng muối ớt. Cả một đĩa còi biên mai được ướp cùng muối hạt to đã được đâm nhuyễn vào đó mấy trái ớt đỏ tươi. Thực khách cứ lấy một vài sống lá dừa xâu chuỗi chúng lại để nướng trên bếp than đỏ rực. Cái mặn mà của muối, cái cay xé lưỡi của ớt càng nâng tầm vị ngọt của còi biên mai. Và cũng chỉ chế biến bằng cách này thì còi biên mai mới giữ được độ dai và giòn hết chỗ chê

Mực trứng nướng


Mực trứng Phú Quốc (Ảnh – Phạm Tuấn Minh)

Mực trứng là những con mực to hơn ngón tay cái người lớn, dài gần bằng gang tay, có ở các vùng biển miền Trung, nhưng tập trung nhiều nhất là ở vùng biển Phú Quốc. Thời gian từ tháng 2 đến tháng 5 âm lịch là mùa mực trứng rộ nhất. Chế biến món này không khó, điều kiện đầu tiên là bạn phải chọn những con mực trứng còn tươi, khi ăn mới có vị ngọt của thịt và béo của trứng.

Mực trứng rửa sạch, ướp với muối ớt, dầu ăn để trong khoảng 15 phút cho ngấm đều gia vị. Sau đó xếp mực đã ướp lên vỉ và nướng trên bếp than hồng. Nướng thật đều hai mặt, khi thấy thân mực săn lại, căng lên, có màu vàng cùng hương thơm tỏa ra là mực đã chín. Ăn nóng với nước mắm hoặc muối tiêu chanh, kèm theo ít dưa leo và rau răm.

Tôm sú biển nướng


Tôm sú biển Phú Quốc (Ảnh – Phạm Tuấn Minh)

Tôm sú biển nướng là một món ăn dân dã nhưng mang đậm bản sắc Việt, nhất là đối với người dân những khu vực ven biển. Tôm được rửa sạch tẩm uớp qua một chút rồi đưa vào vỉ nướng trên than hồng đỏ rực.

Ốc hương


Ốc hương nướng (Ảnh – Phạm Tuấn Minh)

Ốc hương Phú Quốc, đúng như cái tên, có mùi thơm đặc trưng, có một số người nói mùi của ốc hương giống mùi lá dứa nhưng sự thật thì chỉ khi ăn bạn mới có thể cảm nhận được rõ rệt nó. Mùi hương này dù luộc, nướng hay xào đều nổi bật và khác biệt hẳn với những loại ốc biển khác.

Ốc hương có nhiều cách chế biến khác nhau. Có người thích luộc, có người thích nướng (nướng tự nhiên hoặc nướng muối ớt), có người thích hấp, tẩm bột chiên giòn, lại có người thích làm gỏi hoặc sốt me chua cay. Phổ biến ở Phú Quốc là món ốc hương nướng chấm muối ớt, muối tiêu chanh, hoặc tương ớt. Hấp dẫn nhất là khi nướng gần chín, chúng ta cho chút mỡ hành hoặc dầu ăn vào miệng ốc rồi tiếp tục nướng, thịt ốc sẽ trở nên vàng ruộm và bốc mùi thơm nức.

Tôm Mũ Ni nướng


Tôm Mũ Ni nướng (Ảnh – Phạm Tuấn Minh)

Tôm mũ ni có 10 chân, thợ lặn có thể dễ dàng nhận dạng qua bộ xúc giác to như cái đĩa lớn trước đầu, gợi nhớ hình ảnh “mũ ni che tai” nên được đặt tên là tôm mũ ni.  Thịt mềm, ngọt, thơm ngon và đặc biệt bổ dưỡng.

Cá bớp


Cá bớp nướng (Ảnh – Phạm Tuấn Minh)

Cá bớp thường sống trên các bãi bùn và cát thuộc vùng triều nước mặn. Cá này có đặc tính là hay đào hang có hai lỗ hoặc nhiều hơn làm nơi trú ẩn và đẻ trứng. Lúc triều xuống, chúng rời hang và lướt trên bùn hoặc trên đá để ăn tảo, thức ăn yêu thích của chúng là tảo silic. Một con cá bớp trưởng thành có trọng lượng trung bình từ 5 – 15 kg/con.

Cá Bớp là một trong những hải sản cao cấp và đặc biệt của đảo Phú Quốc để làm nên những món ngon Phú Quốc. Cá được chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn và ngon miệng.

Ốc gai Phú Quốc


Ảnh – Nhu Vu Nguyen

Đây là loại ốc có hình dáng hơi lạ mắt, vỏ gồm nhiều gai nhọn tủa ra nên mới có tên ốc gai – thường sinh sống quanh các hải đảo vùng biển Tây Nam. Giới sành hải sản rất thích loại ốc này nhờ thịt nhiều, béo và ngọt. Ốc gai có nhiều cách chế biến khác nhau như nướng, luộc, xào tỏi, hấp gừng, trộn gỏi, nhưng thông thường nhất là ăn nướng hoặc luộc, vừa thơm ngon, vừa tiện lợi và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Ốc bắt được chỉ cần rửa sạch là có thể chế biến ăn liền. Nếu muốn ăn luộc thì rất đơn giản, chỉ cần cho tất cả ốc vào nồi, đổ ít nước, chút muối và cho thêm vài tép sả rồi đậy nắp lại, nấu sôi độ 15 phút là chín.


Ốc gai nướng mỡ hành (Ảnh – Internet)

Món ốc gai nướng có mùi vị thơm ngon độc đáo. Trước khi ăn nên chọn những con vừa nướng chín rồi dùng chiếc tăm tre nhọn khều thịt ra, mùi thơm xông lên tận mũi đủ kích thích vị giác, làm mọi người háo hức muốn vào cuộc. Thịt ốc có màu trắng đục, no tròn, cho vào miệng nhai từ từ sẽ cảm thấy vừa béo, vừa dai dai, giòn giòn, hương vị đậm đà khác hẳn với mùi vị của ốc mỡ, vọp hoặc nghêu, sò.

Nhum Phú Quốc


Gian nan nhất là gỡ đống gai của nhum (Ảnh – ePi.Longo)

Nhum thường sống thành đàn ở những vùng biển nước ta, nhiều nhất là ở Cà Ná, Ninh Thuận và Phú Quốc, Kiên Giang. Chúng thường quần tụ ở những nơi có nhiều rạn san hô, đá ngầm và hang hốc để ăn rong rêu, cỏ biển, đặc biệt là cỏ lá hẹ. Ngoại hình nhum tròn như quả cầu nhỏ, nhiều gai tua tủa tựa lông nhím nên còn có tên cầu gai hay nhím biển. Chế biến nhum, có lẽ công đoạn vất vả nhất là cắt hết số gai tua tủa bao quanh. Nhum sau khi được “dọn” hết gai chỉ còn lại quả cầu tròn sần sùi to cỡ quả banh tennis. Dùng dao chẻ đôi, bỏ hết bộ lòng choáng gần hết bên trong sẽ thấy lớp thịt màu vàng đục bám dọc bên thành “quả cầu”, đó là phần quý của con nhum.


Cháo nhum (Ảnh – tuan_ltt90)

Dân Phú Quốc có ba cách chế biến nhum. Cầu kỳ nhất là cạo hết lớp thịt bên trong, xào sơ với mỡ tỏi và cho vào nồi cháo đang sôi. Cháo nhum với vị béo, bùi và đặc biệt có mùi thơm ngai ngái rất đặc trưng, được xem là thức ăn bổ dưỡng, giúp nhanh lấy lại sức sau những chuyến đi biển, những khi đi đường xa mệt nhọc.


Nhum nướng mỡ hành (Ảnh – Khoa Nhat)

Thế nhưng, cách ăn nhum phổ biến nhất ở Phú Quốc là cắt đôi con nhum, nướng quanh lửa hồng. Trên bếp hồng, nhum nướng nhanh chóng tỏa mùi. Chỉ cần nướng sơ, dùng muỗng nạo phần thịt chấm muối tiêu chanh… là sẽ thưởng thức được thịt nhum thơm, béo. Những người thích gọn lẹ hơn thì cứ chanh, mù tạc cho vào nửa “quả cầu”. Món nhum tái chanh, mù tạc càng thích hợp nếu trên bàn tiệc có chút rượu

Nấm tràm Phú Quốc


Nấm tràm khi mới hái về (Ảnh -truongquanmy)

Đã thành truyền thống, cứ sau cơn mưa, những người sống bằng nghề hái nấm bắt đầu vào rừng, dạo qua nhiều khu vực xem nơi nào nấm đã bắt đầu phát triển. Độ một tuần sau là có thể đến để thu hoạch. Giống nấm tràm mau lớn nhưng cũng chóng tàn, nên phải hái nấm trong vòng một tuần sau cơn mưa, nếu không nấm sẽ lụi tàn. Thường họ đi cả gia đình, có khi cả chục người, cặm cụi hái cả ngày đến khi những chiếc giỏ mang theo đầy ắp mới ra về. Nấm tràm sau khi hái về, gọt bỏ lớp vỏ dính đất dưới chân, rửa sạch, luộc chín rồi ngâm nước lạnh hoặc trước khi chế biến thì phi tỏi với dầu ăn cho thơm, cho nấm vào xào qua, nêm muối là có thể cất vào tủ lạnh dùng dần. Khi trời nắng đem nấm đi phơi khô để được lâu hơn. Nấm tràm đắng. Thường thì nấm khô ăn không thơm và không ngon bằng nấm tươi. Muốn nấm bớt đắng thì nên rửa cho thật kỹ. Nấm khô phải ngâm, rửa nhiều lần cho sạch cát, sau đó luộc vài nước rồi mới chế biến. Nấm tươi cũng nên luộc nhiều lần.


Canh nấm tràm (Ảnh – Internet)

Khi mang ra nấu sẽ không đắng nhiều nữa về sau lại rất ngọt và mát. Chính cái vị đắng đặc trưng tạo nên món ngon khó quên của món nấm tràm đặc biệt nơi đây. Các nhà hàng ở Phú Quốc thường trữ nấm trong tủ đông quanh năm để bán cho khách phương xa ra thăm đảo như một món ăn độc đáo của người dân bản địa. Các chợ ở huyện đảo nơi nào cũng bán cả thúng lớn nấm cho khách mua.

Cá sòng nướng


Cá sòng nướng (Ảnh – Moon)

Phải là cá sòng còn tươi roi rói (vừa lưới lên, còn sống thì càng tuyệt), nếu cá đã sắp ươn thì không ngon và… hỏng vị. Trước khi thưởng thức món cá nướng tuyệt vời này, ta nên chuẩn bị tươm tất một chút. Than củi thật khô, vỉ nướng, hoả lò vừa phải, chanh, muối, ớt, bánh tráng mỏng và một dĩa rau sống đủ loại ăn kèm. Cá bắt lên không cần móc mang móc ruột, rửa sơ qua nước biển, để lên rổ một chốc cho thật ráo. Hoả lò đã rực than hồng, đặt vỉ nướng, rồi xếp vài con cá sòng (đừng tham… xếp nhiều, chỉ vài con thôi, vì món này nhấm nháp từ từ mới thú), khêu than và chờ cá chín.


Cá sòng sau khi nướng (Ảnh – titi)

Chấm cuốn bánh tráng gồm hỗn hợp rau và cá sòng nướng vào chén muối ớt chanh (chanh nhiều, ớt nhiều, thêm chút nước, chút bột ngọt – không dùng nước mắm) rồi đưa lên miệng nhai nhè nhẹ mà xem, cả hương rừng vị biển như vừa dừng lại trên đầu lưỡi, rồi tan ra, thấm đẫm vào từng chiếc gai vị giác ngọt ngào. Nhấm thêm chút rượu ngâm quả sim rừng ở đảo, rồi thêm chút cá chút rau, không gian như chợt ngừng trôi, ngày như tan ra cùng những con sóng nhỏ. Biển – trời – đảo chếnh choáng theo chiều…Thường xuyên trở qua trở lại cho cá bén than chín đều, khi thấy hai bên phi lê cá vàng ươm tươm mỡ thơm nức mũi là cá đã chín tới. Nhẹ nhàng nâng cá ra khỏi vỉ nướng, nhẹ nhàng xếp cá lên dĩa và cũng nhẹ nhàng gỡ từng thớ thịt kẹp rau cuốn bánh tráng thưởng thức.

Cá bò da nướng


Cá bò da nướng (Ảnh – Phạm Tuấn Minh)

Cá bò da hay thường còn được gọi là cá da bò, dáng hình rất xấu, bù lại thịt lại trắng và rất thơm, vị thì dai ngon như thịt gà. Món cá nướng này ngon hơn nếu cá đủ to chừng 2 kg. Người ta làm sạch cá, sạch ruột, ướp cá với gia vị, có thể nướng trực tiếp trên than hồng hoặc gói giấy bạc nướng. Từ khâu làm sạch, khâu ướp đến nướng, cá bò da đều không gây cảm tình được với ai cả, thế nhưng khi nướng xong, chờ cá ráo nước, khía thớ thịt ra mới cảm nhận vị thơm ngon rất đằm thắm của nó. Cá bò da nướng có thể chấm muối muối tiêu chanh hay muối ớt ăn chơi chẳng khác nào thịt gà ngon.

Gà hấp tiêu xanh Phú Quốc


Gà hấp mắm tiêu Phú Quốc (Ảnh – Phạm Tuấn Minh)

Nếu sau những ngày dài thưởng thức hải sản đến mức phát ngấy, bạn có thể đổi một chút hương vị bằng món này. Tiêu Phú Quốc vốn nổi tiếng thơm sẽ làm cho món gà hấp nước mắm tiêu này ngon hơn rất nhiều.


Bánh hỏi ăn kèm với món gà hấp nước mắm (Ảnh – Phạm Tuấn Minh)

Tìm trên Google :

  • các món ăn ngon ở Phú Quốc
  • đặc sản Phú Quốc làm quà
  • ăn gì khi du lịch Phú Quốc
  • các quán ăn ngon ở Phú Quốc
  • đến Phú Quốc nên ăn gì
  • địa điểm ăn uống Phú Quốc
  • ẩm thực Phú Quốc

3.8/5 – (256 đánh giá)

Rate this post

Viết một bình luận