Nguyên tắc trong giao tiếp là những “điều luật” cơ bản, những tiêu chuẩn hành vi mà người thực hiện giao tiếp phải tuân thủ một cách triệt để. Các nguyên tắc trong giao tiếp là chìa khóa mở ra những mối quan hệ nhằm mục đích nâng cao hiệu quả hoạt động giao tiếp. Vấn đề cơ bản nhất là chúng ta phải biết vận dụng các nguyên tắc đó vào trong những trường hợp cụ thể một cách linh hoạt và chính xác thì mới hy vọng đem lại sự thành công. Điều này lại phụ thuộc rất nhiều vào thái độ, kiến thức và kỹ năng của chúng ta khi giao tiếp. Muốn hoạt động giao tiếp có hiệu quả thì cần phải đảm bảo các nguyên tắc cơ bản sau đây:
Nguyên tắc 1: Nguyên tắc vàng và là nền tảng của các mối quan hệ là: “Đừng làm những gì mình không muốn người khác làm cho mình”.
Một lời khuyên ngắn gọn là: “Muốn người khác cư xử với bạn như thế nào, hãy cư xử với họ như thế ấy” hay: “Những gì mình không muốn thì chớ trao cho người” hoặc: “Điều mình không muốn thì không ép người khác”. Tuy nhiên, “Bạn mong muốn người khác đối xử với bạn như thế nào thì hãy đối xử với họ như thế ấy” hay: “Hãy cư xử với người khác như những gì họ mong muốn ở bạn”. Hơn nữa, “Nếu không yêu thương chính mình, bạn không thể yêu thương người khác. Nếu bạn không có từ bi đối với mình, bạn không thể phát triển lòng từ bi đối với người khác” – Dalai Lama 14.
Vì vậy, Khổng Tử đã dạy: “Điều mình không muốn thì đừng làm cho người khác” hay: “Việc mình không muốn làm, đừng bắt người khác làm”. (Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân). Mình nên thay đổi chính mình, trước khi mong cầu sự thay đổi từ người khác, hãy yêu thương và tin tưởng họ trước khi yêu cầu họ tin tưởng mình. Vì con người chân chính thường nghĩ rằng cho đi là hạnh phúc. Chúng ta luôn học cách ứng xử văn minh, nhìn nhận sự việc, hiện tượng dưới mọi góc độ để có sự cảm thông sâu sắc và nhân văn hơn.
Nhiều người thắc mắc không biết lời giáo huấn đó có còn tồn tại, và phát huy được hiệu quả trong môi trường kinh doanh cạnh tranh gay gắt như ngày nay không. Nguyên tắc vàng vẫn còn là vàng trong thế giới phẳng ngày nay. Triết lý của hãng Worthington Industries tóm gọn trong câu duy nhất: “Chúng tôi đối xử với khách hàng, nhân viên, nhà đầu tư, nhà cung cấp như cách chúng tôi muốn được người khác đối xử với mình”. Lời khuyên này, một trong những phương cách cổ nhất và danh tiếng nhất trong giao tiếp, đang tạo ra những điều kỳ diệu trong thế giới kinh doanh phức tạp ngày nay.
Giả sử chợt một ngày nào đó, trong một vài câu chuyện thể hiện quan điểm, luận điểm của cá nhân, vô tình ta đã xúc phạm tới người bạn của mình trước đám đông. Vì không ai có thể lấy thước đo lòng tức giận hoặc bảo vệ quan điểm của mình trong hoàn cảnh ấy. Khi lời đã nói, nó không chỉ là gió thoảng mây bay mà nó sẽ in sâu và hằn vết trong tâm thức của bạn. Bản thân ta không bao giờ muốn bị ai đó xúc phạm hoặc “dạy dỗ” trước đám đông. Vậy người khác thì sao?
Lúc này, chúng ta thử suy nghiệm cách thay đổi vị trí của nhau mà suy nghĩ, giả sử ta là họ, thì sẽ như thế nào, hành động ra sao và nói lên những lời gì? Lúc này chúng ta sẽ thấm nhuần hơn ý nghĩa của Cổ nhân “Điều mình không muốn thì đừng làm cho người khác”.
Nguyên tắc 2: Khuôn vàng thước ngọc của hầu hết các mối quan hệ là sự tôn trọng, sự công bằng và sự trung thực.
– Sự tôn trọng là yếu tố hết sức cần thiết để tạo được những mối quan hệ xây dựng và lâu bền. Sự tôn trọng dựa trên sự thật, mỗi cá nhân là một con người. Sự tôn trọng biểu lộ qua mối quan hệ không xem thường người khác và luôn làm cho người khác cảm thấy thoải mái do có lối ứng xử đúng đắn. Sự tôn trọng người khác trong giao tiếp, không chỉ trích, oán trách hay than phiền. Dù tốt hay xấu, họ cũng tặng bạn những kinh nghiệm sống hết sức tuyệt vời.
Tôn trọng nhau là biết coi trọng sự sống của nhau không còn phân biệt giới tính, tuổi tác, trình độ, sang giàu hay nghèo hèn, nông thôn hay thành thị, tôn giáo hay dân tộc… Khi con người sống với lòng yêu thương chân thật, thì chỉ muốn đem niềm vui và hạnh phúc đến cho mọi người và muôn loài vạn vật khác. Lấy niềm vui và hạnh phúc đó làm niềm vui và hạnh phúc cho mình. Do vậy mà trong cuộc sống hằng ngày con người sống biết cung kính và tôn trọng nhau để đem đến cho nhau sự bình an và nụ cười.
– Sự công bằng xã hội không phải chỉ là một danh từ thời thượng, mà trước hết là một khát vọng thâm sâu của nhân loại và một lý tưởng cao đẹp mà không biết bao nhiêu triệu con người đã hy sinh chính mạng sống để tranh đấu hoặc để bảo vệ nó. Chính vì vậy, không thể xây dựng một xã hội lý tưởng nếu thiếu vắng công bằng.
Đứng trên phương diện lịch sử, Aristote đã đóng góp rất nhiều trong việc hệ thống hóa quan niệm công bằng. Ông phân biệt công bằng như một nhân đức tổng quát với các biến thái khác nhau khi được áp dụng vào những hoàn cảnh và trường hợp cụ thể. Theo ông, “công bằng là một tập quán giúp con người chọn lựa điều chính đáng”. Người công bằng là người có thói quen hành động ngay thẳng và luôn chọn lựa điều công minh, chính trực.
Trong một bản văn khác, Aristote nói rõ hơn: “Công bằng là một nhân đức nhờ đó mỗi người nhận phần của mình và theo sự quy định của luật pháp. Trái lại, bất công là sự kiện ai đó lấy của cải của người khác và không phù hợp với luật lệ”.
Áp dụng vào thực tại cuộc sống, Aristote đề cập đến công bằng giao hoán (mức độ tương ứng trong việc trao đổi của cải giữa các cá nhân), công bằng hiệu chỉnh (tương quan quân bình giữa mỗi các sai phạm với hình phạt tương ứng), và công bình phân phối (tương quan quân bình trong việc phân chia quyền lợi và nghĩa vụ giữa các thành viên cùng một đẳng cấp trong một cộng đồng hay xã hội). Ba thứ tương quan này liên hệ mật thiết với quan niệm căn bản về bình đẳng: “Cũng như bất công hàm chứa sự bất bình đẳng, thì công bằng bao hàm bình đẳng”.
Nói tóm lại, khi ta hỏi một người muốn được đối xử thế nào, thì công bằng thường là một trong những từ đầu tiên trong câu trả lời của họ. Cư xử công bằng với người khác là hành động đúng và không thiên vị.
– Sự trung thực là thành thực với người và cả với chính mình, luôn tuân thủ chuẩn mực đạo đức chân thật trong từng lời nói và hành động. Đó là một trong những phẩm chất quan trọng nhất tạo nên giá trị của một con người chân chính. Tính trung thực giúp con người trở nên đáng tin cậy trong các mối quan hệ, giao dịch, đó là sức mạnh lớn nhất giúp thuyết phục người khác. Người trung thực không chấp nhận gian dối trong bất kì việc gì. Trung thực làm nên nhân cách con người. Sống trung thực không phải lúc nào cũng dễ, nó đòi hỏi sự dũng cảm và nghiêm khắc với bản thân. Walter Anderson cho rằng: “Cuộc sống sẽ thay đổi khi chúng ta biết nắm bắt các cơ hội cho mình, nhưng cơ hội đầu tiên và khó khăn nhất lại là việc chúng ta phải thành thật với chính bản thân mình”. Ngay cả khi phải đối diện với thất bại, thua thiệt, ta vẫn cần phải sống trung thực, có thế, ta mới có thể ngẩng cao đầu mà sống và cảm thấy thanh thản trong lòng.
Theo Samuel Johnson: “Trung thực mà không hiểu biết thì yếu ớt và vô dụng, còn hiểu biết mà không trung thực thì thật là nguy hiểm và đáng sợ. Còn những người trung thực và hiểu biết sẽ là những người viết nên lịch sử của chính mình”. Người trung thực sẵn sàng lắng nghe những điều họ phải nghe về mình hơn là những điều họ muốn nghe. Người trung thực trước tiên là trung thực với chính bản thân mình, thành thật nhìn nhận những nhược điểm và sai lầm của mình. Họ nhận thức được là dù họ có công khai nhìn nhận sai lầm của mình hay không thì thường những người xung quanh vẫn biết.
Abraham Lincoln – Tổng thống thứ 16 của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ (1861 – 1865) đã gửi bức thư sau cho thầy giáo của con mình: “Kính thưa thầy! Con tôi sẽ phải học tất cả những điều này, rằng không phải tất cả mọi người đều công bằng, tất cả mọi người đều chân thật. Nhưng xin thầy hãy dạy cho cháu biết cứ mỗi một kẻ vô lại ta gặp trên đường phố thì ở đâu đó sẽ có những con người chính trực; cứ mỗi một chính trị gia ích kỷ, ta sẽ có một nhà lãnh đạo tận tâm. Bài học này sẽ mất nhiều thời gian, tôi biết, nhưng xin thầy hãy dạy cho cháu biết rằng một đồng đôla kiếm được do công sức lao động của mình bỏ ra còn quý giá hơn nhiều so với 5 đôla nhặt được trên hè phố…”.
Sự trung thực là một phẩm chất quan trọng hàng đầu trên hành trình hiện thực hóa ước mơ của mình. Trung thực cũng là phẩm chất hàng đầu của nhà lãnh đạo. Những người thiếu trung thực, nhất thời có thể đạt được những lợi ích nhất định, nhưng không sớm thì muộn sẽ bị phát hiện và sẽ đánh mất lòng tin của người khác. Người không trung thực khó lòng duy trì mối quan hệ hợp tác lâu dài và đứng vững được trong xã hội. Nếu không muốn thất bại, và tự hủy hoại các mối quan hệ, kể cả đối với những người thân, thì cần ghi nhớ: “Một lần bất tín, vạn lần bất tin”. Không ít chính khách và người đứng đầu quốc gia đã gánh chịu những thất bại đau đớn khi sự thiếu trung thực bị phơi bày trước công luận.
Nói tóm lại, muốn người khác trung thực với mình thì trước tiên mình phải là người trung thực. Người có nhân cách không ngừng tu dưỡng để có được phẩm chất trung thực.
Nguyên tắc 3: Thành thật quan tâm đến người khác
Bàn về sự chân thành, sách Đắc Nhân Tâm đã viết: “Khi chúng ta cố gây ấn tượng với người khác chỉ để người ấy quan tâm đến mình, chúng ta sẽ không bao giờ có nhiều bạn bè thật sự chân thành”. Quả thật, nếu muốn có những người bạn thật sự thì hãy thật lòng nghĩ và làm việc gì đó cho họ, dành thời gian quan tâm và giúp đỡ họ, chân thành không vụ lợi. Biểu lộ sự quan tâm chân thành đối với người khác không những giúp bạn có được những người bạn, đồng nghiệp thân thiết thật sự mà còn có thể làm tăng lòng trung thành của khách hàng hay mức độ gắn kết của đội ngũ đối với doanh nghiệp.
“Ai cũng muốn những mơ ước, mong muốn và suy nghĩ của mình mà người khác quan tâm đến” – Dale Carnegie. Nếu chúng ta muốn có những người bạn thật sự thì hãy nghĩ và làm việc gì đó cho họ, dành thời gian cho họ, sức lực và sự quan tâm không vụ lợi. Người nào không quan tâm đến đồng loại sẽ gặp không ít khó khăn, thất bại trong cuộc sống. Đồng thời, sẽ gây ra những tổn thương to lớn cho người khác và sau đó là chính mình. Chân thành có nghĩa là thực tế, lương thiện và thành thật. Những người chân thành luôn có sự nhất quán giữa những gì họ suy nghĩ và thể hiện ra bên ngoài. Tiếc là phẩm chất này rất khó để nhận ra vì chúng ta thường đánh giá người khác thông qua lăng kính chủ quan của bản thân.
Người chân thành nhìn nhận bản thân theo cách mà những người khác sẽ đánh giá họ một cách khách quan: không so đo, tính toán hay kiểm soát giữa những gì thực sự ở trong đầu họ với những gì mọi người nghe và nhìn thấy.
Một khi bạn hiểu điều đó, bạn sẽ thấy một sự nhất quán trong những biểu hiện của người chân thành. Những gì bạn thấy chính là những gì bạn sẽ nhận được. Một điều đáng buồn là trong thế giới ngày nay, giá trị ấy đã và đang bị mai một. Tìm được người chân thành không phải dễ, tự rèn luyện bản thân để trở thành một người chân thành lại càng khó hơn.
Sự quan tâm chân thành đến người khác sẽ tạo ra những phép mầu. Phép mầu ấy không chỉ dành cho người khác mà còn dành cho chính bạn. Như ta thường hay nói: Niềm vui được chia sẻ sẽ tăng lên gấp đôi. Nỗi buồn được chia sẻ sẽ vơi đi một nửa. Hãy luôn nhớ rằng bạn có 2 cánh tay: Một để tự giúp mình và một để giúp người khác. “Một người có thể thành công trong hầu hết mọi việc nếu anh ta có một lòng nhiệt tình vô hạn” – Charles Watts.
Ngày nay, chúng ta đối diện với nhiều vấn nạn. Vài vấn nạn do chính chúng ta tạo ra, do các phân biệt về ý thức hệ, tôn giáo, sắc tộc, tình trạng kinh tế, hoặc do các yếu tố khác. Vì thế, đã đến lúc chúng ta cần suy nghĩ dưới góc độ sâu sắc hơn, dưới lăng kính con người, và từ góc độ này, chúng ta nên ghi nhận và tôn trọng tính tương đồng của người khác với tư cách là nhân loại. Nhưng chúng ta cũng không thể tồn tại nếu không có tình người.
Nguyên tắc 4: Thành thật khen ngợi và biết ơn người khác.
Biết khen ngợi và luôn biết ơn người xung quanh một cách chân thành chính là chiếc đũa thần tạo nên tình thân ái và nguồn động viên tinh thần to lớn. Bởi vì nhà phân tâm học Freud đã nói rằng: “Mọi hành động của con người đều xuất phát từ hai động cơ: niềm kiêu hãnh của giới tính và sự khát khao được là người quan trọng” hay là “sự khao khát được thể hiện mình” mà Dewey có nhắc tới. Tổng thống Lincol viết: “Mọi người đều thích được khen ngợi” còn Willian James cho rằng: “Nguyên tắc sâu sắc nhất trong bản tính con người đó là sự thèm khát được tán thưởng”. Người có giá trị nhất là giúp cho người khác cảm thấy họ quan trọng là một trong những cách thức hữu ích nhất để giúp họ sống và làm việc tốt hơn. Bởi vì, John Dewey đã từng nói rằng: “Lòng ham muốn được tỏ ra mình quan trọng là một sự thôi thúc mạnh mẽ nhất trong bản chất con người”.
Sống mà không có lòng biết ơn là một cuộc sống vô nghĩa. Nếu cuộc đời chỉ là một chuỗi của những lời oán than về sự bất công, về những thua thiệt mà ta đã gặp phải, nhưng lại không nhớ đến những may mắn đã từng đến với ta, thì chắc chắn là chúng ta sẽ bị trầm cảm – một căn bệnh thường gặp trong xã hội ngày nay. Khi rơi vào trạng thái trầm cảm, chúng ta không thể nhớ tới những điều tốt đẹp đã đến với ta, đã ngưng đọng trong trí não ta mà chỉ luôn nghĩ rằng sự khốn khổ này sẽ không bao giờ chấm dứt. Bởi vì, con người ta sinh ra ít người sẵn có lòng biết ơn. Vô ơn là bản tính vốn có của con người. Không nên đau khổ hay thất vọng nếu gặp một người vô ơn. “Ăn quả nhớ người trồng cây, uống nước nhớ nguồn”, phải chăng trong những câu ca dao tục ngữ quen thuộc mà ông bà ta vẫn dạy cháu con đã gửi gắm lòng biết ơn đến từ những điều rất đỗi thân quen khi ta được nếm vị ngon của quả, vị mát lành từ mạch nguồn sự sống. Gieo trồng lòng biết ơn, cho cây đời xanh tươi mãi… “Lòng biết ơn là quan trọng nhất, có thể thay đổi cuộc sống nhiều nhất trong tất cả những thái độ mà chúng ta có thể đạt được” Zig Ziglar.
Hãy biết ơn những người đã có ảnh hưởng đến cuộc đời bạn. Đừng đợi cho đến khi quá muộn để nói lời cảm ơn và hãy cho họ biết rằng họ đã tạo ra sự khác biệt trong bạn như thế nào. Nhờ vả thì dễ nhưng nói ra lời cảm ơn dường như lại khó vô cùng. Hãy thể hiện lòng biết ơn mọi lúc mọi nơi để hạnh phúc sẽ theo đó mà nhân lên gấp bội. Biết ơn giúp ta thấy được giá trị của chính mình và mang lại niềm lạc quan trong đời sống hằng ngày. Hãy thể hiện lòng biết ơn theo cách thức đơn giản và gần gũi nhất để người được nhận lòng biết ơn và người thực hiện lòng biết ơn đều cảm thấy hạnh phúc.
Nguyên tắc 5: Biết đặt vị trí của mình vào vị trí người khác để suy nghĩ.
Hãy luôn đặt mình vào vị trí người khác, nếu điều đó làm tổn thương bạn thì nó cũng sẽ tổn thương người khác. Một lời nói vô ý là một xung đột hiểm họa, một lời nói nóng giận có thể làm hỏng cả một cuộc đời, một lời nói đúng lúc có thể làm giảm sự căng thẳng, còn lời nói yêu thương có thể chữa lành mọi vết thương và mang đến sự bình yên.
Muốn đạt được sự nhất trí trong giao tiếp, bạn phải xem trọng ý kiến cũng như tình cảm của người đối thoại. Hai bên phải biết rõ mình đang nói về chủ đề gì và sẽ dẫn đến đâu. Hãy đặt mình vào vị trí người nghe xem bạn muốn nghe gì thì sẽ nói về điều đó. Việc này sẽ khiến cho người nghe dễ dàng chấp nhận ý kiến của bạn. Người Việt Nam có câu: “Trách người hãy nghĩ đến ta”. Hãy thông cảm, thấu hiểu mọi người thay vì oán trách họ. Hãy đặt mình vào vị trí của họ để hiểu tại sao họ lại hành xử như vậy. “Biết mọi thứ cũng có nghĩa là tha thứ mọi thứ”. Những người bạn gặp trên đường đời sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn. Dù tốt hay xấu, họ cũng tặng cho bạn những kinh nghiệm sống hết sức tuyệt vời. Chính vì vậy, đừng nên lên án, chỉ trích hay than phiền ai cả. Thậm chí, nếu có ai đó làm tổn thương bạn, phản bội bạn, hay lợi dụng lòng tốt của bạn thì xin hãy cứ tha thứ cho họ bởi vì có thể chính nhờ họ mà bạn học được cách khoan dung. Vì vậy, đừng vội phán xét hãy biết đặt mình vào hoàn cảnh của người khác để cảm thông. “Nếu có bí quyết thành công nào lớn nhất trên đời thì đó là khả năng đặt mình vào vị trí của người khác và nhìn sự vật bằng quan điểm của họ cũng như của bạn” – Henry Ford.
Mỗi chúng ta cần phải nỗ lực lưu tâm đến lời khuyên của nhân vật Atticus Finch (trong tác phẩm “Giết con chim nhại” là một câu chuyện bao gồm nhiều mô-típ, như sự ích kỷ, sự thù hận, lòng dũng cảm, sự kiêu hãnh, định kiến trong cuộc đời, đặt trong bối cảnh cuộc sống ở miền Nam Hoa Kỳ), người nói rằng bạn không bao giờ thực sự hiểu một người cho đến khi bạn nhìn nhận sự việc từ quan điểm của người đó, cho đến khi bạn “khoác trên mình tấm da của người đó”.
Nguyên tắc 6: Biết lắng nghe và khuyến khích người khác nói về vấn đề của họ.
Lắng nghe người khác rất quan trọng. Thế mà lại có những ông chủ các cửa hàng bách hóa sẵn sàng tiêu tốn hàng chục ngàn đô-la quảng cáo, thuê một không gian đắt tiền nhưng lại tuyển những nhân viên chẳng hề biết lắng nghe, thậm chí cứ ngắt lời hoặc nói trái ý khách gây mất thiện cảm như là muốn đuổi khách hàng ra khỏi cửa hiệu vậy.
Vì vậy, muốn được người khác quan tâm, bạn cần phải quan tâm tới người khác. Hỏi những câu mà họ thích trả lời. Khuyến khích họ nói về chính họ và thành tích của họ. Bởi vì sự cảm thông, chia sẻ mạnh hơn lời nói và niềm vui cùng với sự chân thành sẽ thật sự bền vững khi bạn biết quan tâm đến người khác như đã từng quan tâm tới bản thân mình.
Xin hãy nhớ rằng những người bạn đang trò chuyện đều quan tâm đến chính họ, ước muốn của họ, những vấn đề của họ gấp trăm lần việc quan tâm đến bạn và những vấn đề của bạn. Hãy nhớ điều đó mỗi khi bắt đầu một cuộc trò chuyện. Chúng ta được sinh ra chỉ với một cái miệng nhưng cái miệng là một vũ khí sắc bén. Miệng có thể làm tổn thương, làm đau lòng hay thậm chí có thể giết chết người khác. Xin bạn hãy ghi nhớ: nói ít, nhìn và lắng nghe nhiều. Một nguyên tắc nổi tiếng trong quản lý con người: Mọi người thường không quan tâm đến bạn hay công việc của bạn cho đến khi họ biết rằng bạn quan tâm thật sự đến những vấn đề của họ. “Sự im lặng du dương hơn bất cứ bản nhạc nào” – Christina Rossetti.
Nguyên tắc 7: Hãy nở nụ cười để tạo ấn tượng tốt đẹp.
Hành động có ảnh hưởng mạnh hơn lời nói. Khi chúng ta cười, nét mặt chúng ta tràn ngập niềm hân hoan và tình thân mến. Một nụ cười niềm nở tự đáy lòng có thể thay cho lời nói: “Tôi thật sự quý mến anh”. Một câu danh ngôn cho những người đang yêu: “Hãy yêu người nào có thể làm bạn luôn mỉm cười vì chỉ có nụ cười mới có thể xua đi những góc khuất tăm tối trong tâm hồn”. Trong tình yêu, nụ cười có ý nghĩa lớn như thế. Đối với tất cả các mối quan hệ khác, nụ cười cũng đem lại những kết quả kỳ diệu như vậy.
Một nụ cười thật sự, một nụ cười làm ấm lòng người nó phải được xuất phát từ tận đáy lòng. Nó phải thể hiện được sự quan tâm, mong muốn tìm hiểu về người đối diện. Những ai biết mĩm cười đều có thiên hướng biết cách quản lý bán hàng hiệu quả, tạo được hạnh phúc và nuôi dạy con cái nên người. Chính vì vậy, khích lệ là cách hiệu quả hơn hẳn trừng phạt. Nụ cười có sức tác động vô cùng mạnh mẽ ngay cả khi người ta không nhìn thấy nó. Bạn hãy thử nhấc máy lên gọi cho bạn bè hay người thân của mình. Lần đầu, bạn không mỉm cười khi nói. Lần thứ hai, bạn mỉm cười thật tươi. Bạn sẽ thấy điều kỳ diệu trong thái độ mà bạn sẽ đem đến cho người nhận cuộc gọi.
Nếu bạn ngồi một mình, bạn có thể hát khẽ một giai điệu nào đó, tự nhiên lúc đó nổi buồn sẽ vơi đi và bạn bắt đầu cảm thấy nhẹ nhàng. Khoa học đã chứng minh rằng hành động và cảm xúc có sự tương tác lẫn nhau bằng cách bắt hành động phải chịu sự kiểm soát trực tiếp của ý chí. Chúng ta có thể gián tiếp điều chỉnh cảm xúc mặc dù cảm xúc vốn nằm ngoài tầm kiểm soát của ý chí.
Vì vậy, để xua tan một nỗi buồn, cách tốt nhất là tự mỉm cười. Người không biết tươi cười sẽ không biết cách mở ra những cánh cửa hạnh phúc (Ngạn ngữ Trung Quốc). Không phải của cải vật chất bạn đang sở hữu hay địa vị xã hội của bạn làm cho bạn hạnh phúc hay đau khổ. Shakespeare có nói rằng: “Không có sự vật, hiện tượng hay hoàn cảnh tốt hay xấu mà chính cách nghĩ của con người khiến cho nó xấu hay tốt”. Hầu hết con người đều hạnh phúc nếu như họ có những suy nghĩ hạnh phúc”.
Hãy ngẩng đầu thật cao và hiên ngang bước tới. Tất cả chúng ta đều là những nhân tài tiềm ẩn trong tư chất của mình. “Mỗi lúc tôi mỉm cười với ai đó, thì đó là một cử chỉ yêu thương, một món quà tinh thần, một điều tuyệt đẹp cho người đó”. Nụ cười làm bừng sáng cuộc đời của tất cả những ai nhìn thấy nó. Đối với những người luôn phải tiếp xúc với những bộ mặt cau có đôi khi giận dữ thì nụ cười của bạn như tia nắng mặt trời chiếu sáng lấp lánh xuyên qua đám mây mù tăm tối và không phải ngẩu nhiên mà một nhà thơ đã từng viết: “Khi cười, gương mặt chúng ta nở hoa”.
Nụ cười không chỉ làm giàu cho người nhận mà cho cả người cho. Nụ cười xuất hiện trong nháy mắt nhưng có thể để lại dấu ấn suốt đời. Không ai giàu có mà thiếu nụ cười. Người nghèo khổ sẽ trở nên giàu có hơn nhờ nụ cười. Nụ cười đem lại hạnh phúc trong gia đình, mang lại cảm hứng, thiện chí trong công việc và làm ấm áp thêm tình bạn. Đừng quên mỉm cười trong cuộc sống. Nụ cười của bạn mang lại hạnh phúc cho những người xung quanh và do đó cũng mang lại hạnh phúc cho chính bản thân bạn. Hãy cười với mọi người, không kể người đó là ai. Hãy mỉm cười với nhau dù đó là người bạn chưa quen biết. Nụ cười ấy sẽ soi chiếu đến những góc khuất của tâm hồn và làm bừng sáng cả những nơi tăm tối nhất. Bởi vậy, dù bạn là ai, cuộc sống của bạn thế nào, hãy cứ cười lên. Khi bạn hào phóng tặng cuộc đời một nụ cười, cuộc đời sẽ trả lại bạn gấp bội niềm vui.
Nguyên tắc 8: Lối giao tiếp lời nói tế nhị.
Lời nói đơn giản nhưng có tác dụng tích cực, làm giảm sự khó chịu cho người đối diện. Người Việt Nam thường hay nói: “Của đi thay người”; “Một mặt người hơn mười mặt của…”. Trong cuộc sống và giao tiếp hàng ngày, con người luôn phải ứng phó với rất nhiều tình huống, có lúc dễ dàng xử lý, có lúc rất phức tạp, khó xử. Xã hội càng văn minh thì nhu cầu trong giao tiếp của con người càng cao. Giao tiếp ứng xử một cách khôn khéo, tế nhị giúp tạo lập được mối quan hệ hiệu quả và được xem như bí quyết thành công trong công việc cũng như trong cuộc đời của mỗi người. Bởi vì, lời tử tế ngắn gọn dễ nói nhưng âm vang của nó thực sự vô tận.
Việc giao tiếp hiệu quả giúp chúng ta thể hiện bản thân mình một cách tích cực. Từ đó bạn sẽ tạo ấn tượng tốt với những người xung quanh. Bạn cần lưu ý là người ta thường đánh giá mình chỉ trong 5 giây đầu tiên gặp gỡ. Vì vậy khi đi phỏng vấn xin việc hoặc có những cuộc gặp gỡ quan trọng, bạn cần phải làm cho người khác có ấn tượng tốt về mình, để công việc được thuận lợi. Và sau này khi bạn đi làm, thì việc giao tiếp hiệu quả sẽ giúp bạn làm việc nhóm tốt, tạo mối quan hệ tốt với đồng nghiệp và cấp trên, từ đó đạt được nhiều thành quả và được thăng tiến trong công việc.
Nguyên tắc 9: Lý và tình là hai mặt cần được quan tâm trong giao tiếp ứng xử.
Đức Phật dạy: “Oán không bao giờ diệt được oán, chỉ có tình thương yêu mới diệt được oán”. Hay Cổ nhân thường nói: “Oán thù nên mở chứ không nên kết”. Tình cảm được nảy sinh trên cơ sở những xúc cảm của con người trong quá trình nhận thức đối tượng. Hay nói cách khác, yếu tố nhận thức, rung động và phản ứng cảm xúc là ba yếu tố làm nảy sinh tình cảm. Trong đó, nhận thức được xem là “cái lý” của tình cảm là những rung cảm, những thái độ ổn định của con người đối với hiện thực. Sống trong đời sống cần phải có sự yêu thương và tôn trọng nhau là nguyên tắc quan trọng trong giao tiếp ứng xử. Quan hệ xã hội là quan hệ cho – nhận, có đi có lại mới toại lòng nhau. Nếu ứng xử với lòng nhiệt tình, biết quan tâm, lo lắng cho người khác thì bạn cũng sẽ nhận được những giá trị tương tự như vậy.
Nguyên tắc 10: Ðảm bảo chữ tín trong giao tiếp.
Trong giao tiếp, việc giữ lời hứa là điều rất quan trọng. Nó nói lên sự tôn trọng với người được hứa, cũng như người giữ lời hứa.
Triết học của khu vực văn minh cầm đũa (Trung – Việt – Nhật – Triều) từ ngàn xưa đã rất coi trọng khái niệm chữ “Tín”. Đó là một trong 5 đức cơ bản trong hành vi thường nhật của con người, được gọi là ngũ thường: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Để trở thành người thành đạt thì không thể thiếu một trong những đức tính cơ bản sau:
Người không có Nhân thì sẽ thành kẻ độc ác.
Người không có Nghĩa thì sẽ thành kẻ bội bạc.
Người không có Lễ thì sẽ thành kẻ vô phép.
Người không có Trí thì sẽ thành kẻ ngu ngốc.
Người không có Tín thì sẽ thành kẻ giả dối.
Nguyễn Trãi từng dẫn lại lời của Khổng Tử trong sách Luận ngữ: Phàm người không có đức tín thì phỏng làm được gì. Ông còn nói rõ thêm chữ Tín là một trong bốn đức của con người, ví như trời đất có bốn mùa vậy! (Bốn đức: Trung, Tín, Hiếu, Lễ). Từ bao đời nay, để nhấn mạnh tầm quan trọng của đức tín người ta thường thuật lại cuộc trò chuyện, giữa hai thầy trò Khổng Tử và Tử Cống. Một hôm Tử Cống hỏi Khổng Tử về chính trị, Khổng Tử bảo chỉ cần làm sao có đủ lương thực, đủ binh lính và niềm tin của dân. Tử Cống hỏi nếu bất đắc phải bỏ đi một thì bỏ cái gì trước. Bỏ: binh lính (quân đội). Lại hỏi nếu trong hai điều còn lại phải bỏ một thì bỏ gì trước. Đáp: Bỏ lương thực. Vì dân mà mất đức tín thì (nước nhà) không thể đứng vững! (Dân vô tín bất lập). Thế là không được để cho dân không còn niềm tin, không được đánh mất niềm tin trong lòng nhân dân. Không được để cho xã hội đánh mất đức tín. Đó có thể gọi là cái túi khôn mà người xưa để lại cho chúng ta. Trọng chữ “tín” là một phẩm chất cao quý. Người thiếu chữ “tín” sẽ không có thể tạo dựng cho mình tình bạn hay bất cứ mối quan hệ bền vững nào trong cuộc sống. Sự bội tín dù có khi thu được món lợi nào đó, nhưng cái giá phải trả có khi kéo dài trong cả cuộc đời. Ngạn ngữ có câu: “Một lần bất tín, vạn lần bất tin”. Mất tiền còn có thể tìm lại được, nhưng mất chữ “tín” rất khó lấy lại được lòng tin. Giữ chữ “tín” là nguyên tắc hàng đầu, là chuẩn mực đạo đức trong tất cả các mối quan hệ, dù là trong gia đình hay ngoài xã hội, trong quan hệ bạn bè hay trong kinh doanh hoặc “lòng tin” và “quan hệ tin cậy lẫn nhau” trong quan hệ quốc tế.
Trong kinh doanh người ta thường lấy sự thành thật để đổi lấy sự tin tưởng của mọi người… Người sáng lập ra tập đoàn YKK, đã nói rằng: “Trong quan hệ với mọi người, trước tiên cần phải thành thật, có như vậy người khác mới tin tưởng vào bạn. Nếu không làm được điều này, những thành công của bạn chẳng khác nào cây không có rễ, hoa không có gốc”. Không ai muốn kết giao với người bất tín. Không ít doanh nghiệp xuất khẩu đã thất bại vì không giữ được chữ tín với khách hàng về chất lượng sản phẩm hay thời hạn giao hàng. Đừng để khách hàng “một đi không trở lại” vì không giữ chữ “tín”. Chữ tín trong cuộc sống hàng ngày rất quan trọng, dù thời xưa hay thời nay thì sống ở đời mọi người cũng cần có một uy tín nhất định trong quan hệ với mọi người xung quanh.
Trong bối cảnh mở cửa và hội nhập hiện nay, Việt Nam đang trong quá trình mở rộng các quan hệ với các đối tác quốc tế, đặc biệt là các nước láng giềng, đi vào chiều sâu và ổn định, chú trọng hiệu quả, tăng cường sự tin cậy lẫn nhau, tạo sự đan xen lợi ích nhằm củng cố vị thế của ta và đảm bảo lợi ích quốc gia trong quan hệ với các nước này. Trong quá trình hiện nay, Việt Nam mong muốn “là bạn, đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, tham gia tích cực vào tiến trình hợp tác quốc tế và khu vực”. Đây là một thông điệp đối ngoại phù hợp về việc xây dựng lòng tin và thúc đẩy mối quan hệ tin cậy lẫn nhau góp phần đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển ổn định (tránh rủi ro và những sự cố bất ngờ) và lâu dài giữa các bên. Sự lựa chọn tin cậy hay không tin cậy phụ thuộc rất lớn vào nhận thức về rủi ro của chủ thể. Lòng tin là thái độ/quyết định chấp nhận rủi ro. Chấp nhận rủi ro có thể là kết quả của lòng tin chứ không phải là tiền đề của lòng tin. Nói một cách khác, chỉ trong tình huống có rủi ro (về sự bội ước) chúng ta mới cần đến sự tin cậy và tin cậy một đối tượng nào đó tức là chấp nhận rủi ro với đối tượng đó. Vì vậy, lòng tin mang tính tình huống: một đối tượng đáng tin cậy trong tình huống này nhưng có thể không đáng tin cậy trong một tình huống khác, mặc dù không thể loại trừ trên thực tế có nhiều nước vẫn giữ được lòng tin với các đối tác trong nhiều tình huống.
Nguyên tắc 11: Tôn trọng ý kiến người khác.
Nếu bạn muốn vạch ra lỗi lầm của người khác. Xin bạn đừng bao giờ bắt đầu bằng câu nói: “Tôi sẽ chứng minh cho anh thấy là anh đã sai”. Nó cũng đồng nghĩa với câu: “Tôi thông minh hơn anh. Để tôi nói cho anh hiểu ra mà thay đổi cái ý định ngu ngốc đó!”. Đây thực ra là một thách thức. Nó gây ra sự chống đối và khiến người nghe muốn phản bác bạn ngay trước khi bạn bắt đầu. Có điều luôn đúng trong thực tế là trong khi hai người đang cãi nhau, người tự nhận mình có lỗi là người thông minh hơn.
Làm thay đổi ý kiến của người khác là rất khó, ngay cả trong những điều kiện thuận lợi nhất, và lời khuyên cứng rắn không có kết quả sẽ trở thành nhát búa nảy ngược trở lại chúng ta. Thế thì tại sao chúng ta lại chọn con đường gay go như thế? Nếu bạn muốn chứng minh một điều gì đó thì nên thực hiện một cách tế nhị, khéo léo để không ai cảm thấy nó.
Alexander Pope đã trình bày điều này tóm tắt như sau: “Dạy người, phải khéo léo như không dạy gì cả, giảng điều chưa biết mà cứ như nhắc lại chuyện đã quên. Bởi một điều đơn giản là đối với người hiểu biết thì chỉ cần nửa lời cũng đủ cho họ nắm rõ mọi điều chúng ta muốn nói”.
Cách đây trên ba trăm năm, nhà thiên văn học Galilei đã nói: “Bạn không thể dạy ai bất kỳ điều gì, bạn chỉ có thể giúp anh ta tìm thấy điều đó ở bản thân anh ta mà thôi”. Và, Chesterfield từng dạy con trai rằng: “Hãy khôn hơn người khác nếu như con có thể nhưng đừng cho họ biết con khôn ngoan hơn họ”. Nhà hiền triết Socrates thì lặp đi lặp lại với các học trò của mình: “Tôi chỉ biết có một điều, đó là tôi không biết gì cả”.
Nếu có người đưa ra một nhận xét mà bạn nghĩ là sai thì có lẽ bạn nên trả lời: “Tôi có suy nghĩ khác với ông, nhưng có thể là tôi sai. Được rồi, bây giờ chúng ta sẽ cùng xem xét nó. Tôi vẫn thường sai lầm, và nếu như tôi sai, tôi rất muốn chúng ta cùng đều chỉnh nó”. Câu nói: “Rất có thể tôi đã sai” chứa đựng một thông điệp rất nhiệm mầu. Không có câu nói nào dễ được thông cảm và chấp nhận bằng cách nói thẳng thắn và chân thành rằng: “Tôi đã sai rồi”. Không ai sống trên đời này lại phản đối hay không đánh giá cao sự nhận lỗi một cách thành thật và khiêm nhường đó. Chúng ta có thể tự nhận sai với chính mình và cũng có thể nhận sai trước người biết tôn trọng mình, đối xử tử tế với mình. Khi ấy ta còn tự hào rằng mình đã thành thật và cởi mở.
Nói cách khác, đừng bao giờ tranh cãi với khách hàng hoặc vợ, chồng bạn hay những người chống đối bạn. Đừng bao giờ bảo rằng họ đã sai. Đừng chọc giận họ. Hãy cư xử với họ một cách tế nhị, lịch thiệp và chân tình nhất. “Tài năng quý hiếm nhất là tài năng của một người biết nhìn nhận người khác có tài năng” – Ernest Hemingway. Trong cuộc sống không phải lúc nào chúng ta cũng có thể kiềm chế cảm xúc của mình, nhưng đừng vì thế mà bạn coi thường, công kích hay chê bai ý tưởng của ai đó. Vì ý kiến đó họ cũng mất thời gian công sức để suy nghĩ. Thế nên đừng bao giờ làm cho họ cảm thấy mình không được tôn trọng. Khi ai đó đưa ra ý tưởng của mình bạn thường làm gì? Chê bai, chỉ trích? Không nên chút nào đâu bạn, cho dù bạn không thích ý kiến của người đó nhưng hãy tôn trọng ý kiến của họ. Việc này không chỉ thể hiện thái độ và tinh thần hợp tác của bạn mà còn mở ra cho bạn nhiều điều mới mẻ.
Nguyên tắc 12: Đồng cảm với mong muốn và chia sẻ của người khác.
Đồng cảm là khả năng nhận thức được quan điểm của người khác và điều tiết phản ứng cảm xúc của riêng bạn. Nó góp phần ổn định tình cảm, khả năng phục hồi, khả năng vượt qua nghịch cảnh, sự liên kết xã hội, và sự mãn nguyện chung. Sự thông cảm, đồng tình của người khác với ước muốn của mình là điều con người khao khát. Sự đồng cảm là một phẩm chất đạo đức tốt đẹp. Người có lòng đồng cảm thường rất tinh tế, hiểu mọi người và quan tâm yêu thương mọi người.
Ba phần tư những người chúng ta gặp ngày mai luôn “đói khát” sự đồng cảm và chia sẻ. Hãy cho họ điều đó và họ sẽ yêu mến bạn. Chỉ cần một cái ôm thật chặt, một sự im lặng cảm thông, một cái chạm tay thân thiện, một đôi tai biết lắng nghe là bạn có thể chia sẻ với tất cả mọi người. Lòng tốt, sự quan tâm chia sẻ, đồng cảm là ngôn ngữ đặc biệt mà bất cứ ai cũng có thể cảm nhận được. Hãy cho họ điều đó và họ sẽ yêu mến bạn. “Đừng để một ai chẳng nhận được gì sau khi rời bạn mặc dù bạn biết rằng có thể bạn sẽ không bao giờ gặp lại họ. Đôi khi, chỉ một ánh mắt thiện cảm dành cho người khác cũng là một món quà lớn lao trong đời” – Ngạn ngữ Pháp.
Nguyên tắc 13: Niềm tin là yếu tố quyết định đến kết quả hoạt động giao tiếp.
Nguyên tắc này không chỉ áp dụng cho các mối quan hệ chuyên môn với khách hàng, các đối tác kinh doanh, các thành viên trong tập thể mà còn cho các mối quan hệ cá nhân của mỗi chúng ta. Đây là nguyên tắc phải học đối với những ai giữ cương vị quản lý, từ cấp bộ phận trong một doanh nghiệp nhỏ cho tới cấp tập đoàn có quy mô toàn cầu. Bởi vì, nó là một yếu tố quan trọng nhất – nền tảng – để quyết định sự thành công hay thất bại của mọi tổ chức trong thế kỷ 21 đó chính là “Niềm tin”.
Stephen Covey đưa ra luận điểm rất thuyết phục rằng niềm tin là bộ tăng tốc cho kết quả hoạt động và khi niềm tin tăng lên thì tốc độ đạt được kết quả sẽ tăng theo, trong khi chi phí lại giảm xuống. Tốc độ của Niềm tin bắt đầu từ bên trong mỗi con người chúng ta, rồi lan sang các mối quan hệ khác như các tổ chức nơi chúng ta đang hoạt động, các mối quan hệ trên thương trường và cuối cùng sẽ lan tỏa ra khắp nơi trên thế giới. Niềm tin làm giảm chi phí giao dịch; bớt đi sự cần thiết phải kiện cáo và tăng tốc độ giao thương; nó thực sự bôi trơn cho guồng máy các tổ chức và xã hội. Cuối cùng, cũng đã có người khắc họa giá trị đích thực của nó và coi nó như là điều cốt lõi của năng lực kinh doanh.
Một tổ chức thiếu niềm tin thì năng lực của nó sẽ bị hủy hoại, tạo ra một bầu không khí ngờ vực và đa nghi, phá hoại hoàn toàn tinh thần đồng đội và thay thế nó bằng sự mâu thuẫn nội bộ. Kết cục là tinh thần làm việc sa sút và kết quả công việc kém. Quả vậy, không có sự tự tin bạn không thể chiếm được niềm tin của tổ chức – mà nếu thiếu điều này thì không thể đạt được thành tích thực sự. Trong cuộc sống cũng như trong kinh doanh các mối quan hệ đều rất quan trọng – nhưng chúng sẽ trở nên trống rỗng nếu không được xây dựng trên cơ sở của sự tin cậy. Niềm tin là nền tảng để xây dựng thương hiệu, và là chất keo gắn kết lâu dài tất cả các mối quan hệ.
Tốc độ của Niềm tin dạy chúng ta một bài học quan trọng – chỉ có những tổ chức có mức độ tin cậy cao mới có thể tạo dựng được văn hóa cống hiến đích thực chống lại dòng xoáy của tư duy hão huyền về sự tuân lệnh bắt buộc. Thông qua “lăng kính niềm tin” của mình để hiểu được bằng cách nào và vì sao niềm tin lại quan trọng như vậy đối với công việc chuyên môn và cuộc sống cá nhân. Bằng cách chứng mình niềm tin có tính hữu hình và có thể đo lường được và điều quan trọng nhất, nó là cái chúng ta có thể xây dựng nên một cách dễ dàng hơn là chúng ta tưởng. Một khi tổ chức tin tưởng ở những người lãnh đạo của họ, và ai cũng đáng tin cậy, thì mọi người sẽ hoạt động đồng tâm hiệp lực và không còn thủ thế, điều đó sẽ dẫn đến những kết quả tốt nhất và nhanh nhất.
Trong cái thế giới đảo điên, tất cả những ai lãnh đạo các tổ chức, những ai muốn có các mối quan hệ sâu sắc, những ai muốn tìm kiếm những điều có ý nghĩa hơn trong cuộc sống sẽ làm được điều đó khi họ coi niềm tin là tài sản quý giá nhất. Nhận diện Niềm tin là tiêu chuẩn năng lực lãnh đạo quan trọng nhất trong nền kinh tế toàn cầu mới; hãy làm mọi cách để xây dựng, phát triển, mở rộng và lưu giữ phẩm chất quan trọng này trong xã hội của chúng ta và trên toàn thế giới.
Nguyên tắc 14: Đảm bảo sự hài hòa về mặt lợi ích giữa các bên tham gia giao tiếp
Nguyên tắc này dựa trên một thực tế có tính qui luật về mặt tâm lý của con người. Bất kỳ ai, khi thực hiện các quan hệ giao tiếp đều mong muốn, tin tưởng hoặc hy vọng rằng thông qua việc giao tiếp có thể đạt được một lợi ích nào đó cho mình hoặc cho chủ thể mà mình đại diện. Lợi ích mà con người hướng tới có thể là vật chất (tiền bạc, tài sản…) cũng có thể là lợi ích tinh thần (trình bày ức chế, mong được chia sẻ và cảm thông, hoặc một đề nghị ghi nhận một sự đóng góp của bản thân cho tập thể, cho xã hội…). Có thể nói, hầu như không một ai thực hiện giao tiếp lại không muốn, hoặc không hy vọng rằng sẽ đạt được mục đích đã đặt ra, ngay cả khi chính bản thân chúng ta biết rằng để đạt được lợi ích đó là hết sức khó khăn. Xuất phát từ tâm lý này, đối tác khi giao tiếp với chúng ta thường ít chuẩn bị tâm lý cho những yêu cầu, đề nghị của họ khi không được đáp ứng, những mong muốn của họ không được chia sẻ và cảm thông. Khi không đạt được những điều như đã dự định, đối tác thường có những phản ứng ở những mức độ khác nhau (có thể bực tức, buồn bã, chán nản, mất lòng tin, tỏ thái độ bất hợp tác thậm chí lăng nhục…). Những phản ứng này dù ở mức độ nào đi chăng nữa thì đều không có lợi cho 2 phía. Chính vì vậy, một nguyên tắc cơ bản trong giao tiếp là phải cố gắng đảm bảo sự hài hòa về lợi ích của 2 bên tham gia giao tiếp. Nguyên tắc này đòi hỏi chủ thể trực tiếp giao tiếp với đối tác phải chú ý những điểm cơ bản như sau:
(1) Phải hiểu tâm lý của đối tác khi đến giao tiếp, dành thời gian để tìm hiểu mục đích của đối tượng giao tiếp, đồng thời trong hoạt động giao tiếp này, doanh nghiệp mình cần đạt được mục đích gì.
(2) Trong quá trình giao tiếp, phải đặt mục tiêu sao cho đạt mục đích của mình và lợi ích của đối tác cũng được thỏa mãn một phần hay toàn bộ. Có như vậy, thì việc giao tiếp mới đem lại kết quả cao.
(3) Ngay cả trong trường hợp lợi ích của đối tượng giao tiếp không được thỏa mãn thì chủ thể cần phải tỏ thái độ cảm thông, chia sẻ chứ không thể có thái độ hiếu thắng hoặc thờ ơ.
Nói tóm lại, hoạt động giao tiếp được thực hiện theo nguyên tắc là sự giao tiếp phải được thực hiện trong sự thông cảm, thống nhất với nhau chứ không phải dưới hình thức tranh đua, đối địch… Sự thành công của giao tiếp không phải là ở sự chiến thắng đối tượng