Các nhân tố tác động đến sự hứng thú trong học tập của sinh viên

TÓM TẮT:

Bài viết xác định các nhân tố tác động đến sự hứng thú trong học tập của sinh viên (SV) Trường Đại học (ĐH) Văn Lang, nghiên cứu được tiến hành khảo sát trên 460 sinh viên tại các Khoa của Trường ĐH Văn Lang. Từ kết quả nghiên cứu đó đo lường mức độ ảnh hưởng của các nhân tố ảnh hưởng đến sự hứng thú trong học tập. Kết quả nghiên cứu cho thấy, có 6 nhân tố tác động đến sự hứng thú trong học tập của SV Trường ĐH Văn Lang, đó là: Môi trường học tập, Phương pháp giảng dạy, Nhận thức SV, Ảnh hưởng từ gia đình, Chất lượng giảng viên và Chương trình đào tạo. Trong đó, nhân tố chất lượng giảng viên có tác động mạnh mẽ nhất đến sự hứng thú trong học tập. Vì vậy, Ban lãnh đạo Nhà trường cần quan tâm nhiều hơn đến yếu tố này nhằm nâng cao sự hứng thú trong học tập của SV.

Từ khóa: sự hứng thú trong học tập, chất lượng giảng viên, sinh viên, Trường Đại học Văn Lang.

1. 

Đặt vấn đề

Ngày nay với sự phát triển không ngừng của xã hội hiện đại đòi hỏi nhiều nhu cầu cao về chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. Là một con người trong xã hội hiện đại không chỉ có kiến thức tốt, trình độ khoa học cao mà còn đòi hỏi phải có kỹ năng thực tiễn vào cuộc sống. Học tập đóng một vai trò rất quan trọng trong việc hình thành kiến thức và kỹ năng tốt cho SV trước khi ra trường.

Với Trường ĐH Văn Lang, việc tăng sự hứng thú học tập của SV được Ban lãnh đạo Nhà trường luôn quan tâm đầu tư, như: chương trình đào tạo, chất lượng giảng dạy của giảng viên, điều kiện cơ sở vật chất hay là môi trường học tập. Trước tình hình dịch bệnh Covid – 19 phức tạp như hiện nay thì tất cả việc các hoạt động dạy và học của Nhà trường đều phải chuyển sang hình thức trực tuyến. Vì vậy, việc tăng cường sự hứng thú trong học tập của SV lại càng quan trọng hơn bao giờ hết và cần thiết phải được nghiên cứu nâng cao chất lượng học tập để mang lại kết quả học tập của SV tốt nhất.

2. Cơ sở lý thuyết

Theo Nguyễn Hoài Nam, Cao Thị Quyên (2014): “Hứng thú học tập là thái độ đặc biệt của người học đối với đối tượng học tập và gắn với quá trình hoạt động học tập của họ, tạo ra khoái cảm và thôi thúc người học chủ động chiếm lĩnh tri thức” và “Năng lực là khả năng chủ động, sáng tạo của cá nhân, biết kết hợp giữa hoạt động tư duy và các hoạt động có liên quan khác để đạt được mục tiêu đề ra”. Hứng thú học tập không những chịu sự tác động trực tiếp của quá trình hoạt động học tập của SV mà còn chịu tác động gián tiếp như là nhu cầu học tập, động cơ học tập, tâm lý, sức khỏe,… Nếu SV cảm thấy yêu thích học tập, sẽ nảy sinh nhu cầu tìm tòi, dành nhiều thời gian hơn vào việc học và đó cũng là tiền đề để SV hứng thú hơn trong học tập.

Bên cạnh đó, việc xác định động cơ học tập đúng đắn, mục tiêu phấn đấu cũng là yếu tố quan trọng góp phần tác động đến hứng thú trong học tập. Động cơ học tập có thể bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài như là gia đình, nhà trường, xã hội. Sự kỳ vọng của gia đình, môi trường làm việc có sẵn (xưởng sản xuất, công ty,…) của gia đình tác động tới động cơ học tập của SV. Ngoài ra, những biện pháp khuyến khích, cơ hội phát triển của ngành nghề cũng tác động tới động cơ học tập. Những tác động của xã hội như thái độ của xã hội với ngành nghề mà SV theo học, cơ hội việc làm, những đòi hỏi về năng lực hay kinh nghiệm với SV của các đơn vị tuyển dụng sẽ tác động không nhỏ tới động lực học tập của SV.

Môi trường phát triển năng lực cũng tác động trực tiếp đến sự hứng thú học tập của SV bằng cách tham gia những ngữ cảnh học tập sinh động, tìm hiểu những nội dung hấp dẫn kích thích sự sáng tạo, tò mò thông qua những hoạt động học tập vui vẻ, sôi nổi, tạo sự hứng khởi cho SV nhờ sự trợ giúp của công cụ học tập thích hợp, sự hướng dẫn của giảng viên hay học nhóm… Với những phương pháp, kỹ thuật học tập tích cực, SV sẽ chủ động chiếm lĩnh tri thức, rèn luyện các kỹ năng để có thể đạt được các mục tiêu đã đề ra. Trong quá trình phát triển năng lực đó, những thành tựu mà SV đạt được sẽ góp phần tạo nên sự hứng thú trong học tập của SV.

3. Lược khảo các nghiên cứu trước

Nghiên cứu của Zaiton Mustafal và Hishamuddin Salim (2012) về các yếu tố ảnh hưởng đến hứng thú học tập của học sinh giáo dục Hồi giáo được tiến hành nghiên cứu ở các học sinh ở bang Selangor đã đưa ra 5 yếu tố có ảnh hưởng đến hứng thú học tập là: (1) ảnh hưởng của gia đình, (2) ảnh hưởng của giảng viên, (3) giảng viên giáo dục Hồi giáo, (4) phương pháp giảng dạy và (5) chương trình giáo dục Hồi giáo.

Nghiên cứu Leonard Chinaedum Anigbo (2016), nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến sự quan tâm của học sinh đối với toán học ở các trường trung học ở bang Enugu. Nghiên cứu được thực hiện ở 210 học sinh trường trung học trong khu giáo dục Enugu và Obollo Afor ở bang Enugu. Kết quả nghiên cứu này cho thấy sự quan tâm đến toán học đối với học sinh trung học phụ thuộc vào giảng viên, học sinh, lo lắng toán học, quy mô lớp học, ảnh hưởng từ chính phủ, chiến lược giảng dạy được sử dụng bởi giảng viên và vấn đề cơ sở hạ tầng.

Nghiên cứu Arie Pratama (2017), nghiên cứu về các yếu tố ảnh hưởng đến hứng thú học tập của SV đối với chương trình học Kế toán ở thành phố Bandung, West Java, Indonesia. Nghiên cứu này được thực hiện với SV kế toán năm thứ nhất. Nghiên cứu được tiến hành ở: nhận thức ngành nghề, lựa chọn SV về ngành nghề kế toán, yếu tố xã hội, kỹ năng của SV, kỳ vọng của ngành nghề, độ tuổi và giới tính. Dữ liệu được thu thập bằng bảng câu hỏi, thu được 365 mẫu. Kết quả cho thấy, có 4 yếu tố cộng với 2 biến kiểm soát tuổi và giới tính ảnh hưởng tích cực đến kế toán, sự quan tâm của SV khi học kế toán. Một phân tích bổ sung được thực hiện trên mạng xã hội các yếu tố hướng dẫn cho thấy có sự khác biệt trung bình đáng kể giữa các gia đình, bạn bè, xã hội, giảng viên và chính phủ. Yếu tố ảnh hưởng đến học sinh nhiều nhất là cha mẹ, và yếu tố ảnh hưởng ít nhất đến họ là chính phủ.

Nghiên cứu của Phan Thị Thơm (2010) đã tập trung nghiên cứu hứng thú học tập môn tâm lý học đại cương của SV Trường ĐH Đông Đô. Kết quả đề tài nghiên cứu đã chỉ ra 5 nhân tố có tác động lớn và đồng biến đến sự hứng thú học tập môn tâm lý học đại cương, gồm: giảng viên, đặc điểm môn học, điều kiện vật chất, môi trường học tập và nhận thức. Và yếu tố giảng viên là nguyên nhân ảnh hưởng lớn nhất đến hứng thú học tập của SV.

Nghiên cứu của Đinh Thị Sen (2013) về hứng thú môn học kỹ năng giao tiếp của SV Trường ĐH Nha Trang được nghiên cứu trên 338 SV năm nhất và năm thứ hai hệ chính uy của Trường ĐH Nha Trang. Kết quả đề tài nghiên cứu đã chỉ ra 3 nhân tố tác động đến sự hứng thú học môn kỹ năng giao tiếp đó là: nhận thức SV, phương pháp giảng dạy, thái độ của giảng viên và đều tác động đồng biến.

Nghiên cứu của Phạm Thị Hồng Thái (2016) về sự hứng thú học tập môn tâm lý học đại cương của SV ngành ngôn ngữ văn hóa nước ngoài Trường ĐH Văn Hiến đã nghiên cứu trên 107 SV năm thứ hai ngành Nhật Bản và Hàn Quốc. Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra có 6 nhân tố tác động đến sự hứng thú và tác động đồng biến, gồm: (1) chất lượng giảng viên, (2) phương pháp học tập, (3) tự giác và tích cực học tập, (4) trang thiết bị phục vụ tốt, (5) sách giáo trình, tài liệu phong phú, (6) môn học hữu ích cho bản thân và nghề nghiệp.

Nghiên cứu của Nhạc Thanh Hương và Lã Nguyễn Bình Minh (2018), mục đích của nghiên cứu này là nghiên cứu về các yếu tố ảnh hưởng đến hứng thú học ngoại ngữ của SV Trường ĐH Luật Hà Nội. Kết quả nghiên cứu có 6 yếu tố tác động đến sự hứng thú học ngoại ngữ, trong đó có 3 yếu tố tác động đồng biến là người dạy, trình độ chuyên môn, phương pháp giảng dạy và có 3 yếu tố tác động nghịch biến là đặc điểm môn học, môi trường học tập và người học.

4. Mô hình nghiên cứu đề xuất

Từ cơ sở lý thuyết và các nghiên cứu trước, nhóm tác giả xây dựng mô hình nghiên cứu gồm 7 nhân tố ảnh hưởng đến sự hứng thú trong học tập của SV gồm: môi trường học tập, điều kiện vật chất, chất lượng giảng viên, chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy, nhận thức SV và ảnh hưởng từ gia đình. Biến phụ thuộc là sự hứng thú trong học tập của SV Trường ĐH Văn Lang. 

Hình 1: Mô hình nghiên cứu đề xuất

3-mo-hinh-nghien-cuu

Nguồn: Nhóm tác giả đề xuất

5. Phương pháp nghiên cứu

Bài viết kết hợp giữa phương pháp định tính và định lượng. Phương pháp định tính được thực hiện nhằm kiểm tra mô hình nghiên cứu, thang đo. Phương pháp định lượng được thực hiện thông qua việc sử dụng bảng khảo sát để thu thập thông tin và sử dụng phương pháp chọn mẫu thuận tiện: gửi phiếu khảo sát trực tuyến qua Facebook, Email cho SV các khoa Trường ĐH Văn Lang trong tháng 5/2021. Dữ liệu sau khi khảo sát được xử lý bằng phần mềm SPSS 22.0

6. Kết quả nghiên cứu và thảo luận

6.1. Kết quả nghiên cứu

Kết quả kiểm định thang đo Cronbach’s Alpha, cho thấy cả 7 biến độc lập đều đạt độ tin cậy cao. 

Bảng 1. Kết quả kiểm định độ tin cậy của thang đo

3-ket-qua-kiem-dinh-do-tin-cay-cua-thang-do

Nguồn: Nghiên cứu của nhóm tác giả

Sau khi tiến hành đánh giá độ tin cậy của thang đo bằng hệ số Cronbach’s Alpha, 38 biến của thang đo các nhân tố tác động đến sự hứng thú trong học tập của SV Văn Lang được đưa vào phân tích nhân tố với kết quả như sau:

Thông qua thủ tục kiểm định Barllet’s đưa ra KMO=0.850, Sig=0.000 cho thấy phương pháp phân tích nhân tố khám phá rất phù hợp với bộ dữ liệu. Kết quả phân tích cho ra 8 nhân tố với giá trị tổng phương sai trích đạt 60.816%, hệ số Eigenvalues là 1.012.

Thông qua phân tích EFA, ta xác định được 6 nhân tố tác động đến sự hứng thú trong học tập của SV Trường ĐH Văn Lang bao gồm: Môi trường học tập, Phương pháp giảng dạy, Nhận thức của SV, Ảnh hưởng từ gia đình, Chất lượng giảng viên, Chương trình đào tạo. Phân tích tương quan giữa các biến quan sát với biến phụ thuộc cho thấy mối tương quan giữa các biến độc lập và biến phụ thuộc ở mức trung bình, mô hình có khả năng không bị vi phạm hiện tượng đa cộng tuyến hay tự tương quan.

Kết quả ước lượng mô hình hồi quy cho ra như sau: Hệ số xác định R2 là 0.557, mô hình hồi quy phù hợp và giải thích được 55.7% sự biến thiên của các biến độc lập ảnh hưởng đến biến phụ thuộc sự hứng thú trong học tập của SV. Phân tích phương sai ANOVA cho thấy mức ý nghĩa là 0.000 < 0.05, điều này cho thấy các biến độc lập trong mô hình có quan hệ với biến phụ thuộc.

Hệ số phóng đại phương sai VIF (Variance Inflation Factor) của các biến đều nhỏ hơn 10, mô hình không xảy ra hiện tượng đa cộng tuyến. Giá trị Durbin-Waston (d) = 1.910; nằm trong khoảng [dU; 4-dU] phương trình hồi quy không bị hiện tượng tự tương quan.

Bảng 2. Kết quả phân tích hồi quy

3-ket-qua-phan-tich-hoi-quy

Biến phụ thuộc HT: Sự hứng thú trong học tập

Nguồn: Nghiên cứu của nhóm tác giả

Với mức ý nghĩa 5%, xem xét (Bảng 2) ta thấy mức ý nghĩa mức ý nghĩa của các biến môi trường học tập, phương pháp giảng dạy, nhận thức SV, ảnh hưởng từ gia đình, chất lượng giảng viên, chương trình đào tạo có giá trị sig.≤0.05 nên đều có ý nghĩa trong mô hình và có tác động cùng chiều đến sự hứng thú trong học tập.

Từ Bảng 2 nghiên cứu xác định mức độ ảnh hưởng của các nhân tố đến sự hứng thú trong học tập của SV được thể hiện qua mô hình sau:

HT = -0.671 + 0.165MT + 0.186PP + 0.136NT + 0.189GD + 0.379CL + 0.128DT (*)

Phân tích phương sai để kiểm định các giả thuyết nghiên cứu cho thấy không có sự khác biệt về sự hứng thú trong học tập của SV Trường ĐH Văn Lang theo khoa, giới tính, kết quả học tập của các SV Văn Lang.

6.2. Thảo luận và kết luận

Kết quả nghiên cứu đã cho thấy mức độ quan trọng đối với các nhân tố ảnh hưởng đến sự hứng thú trong học tập của SV Trường ĐH Văn Lang. Từ phương trình hồi quy (*) cho thấy, nhân tố chất lượng giảng viên có ảnh hưởng lớn nhất và thấp nhất là chương trình đào tạo. Bên cạnh đó, kết quả điều tra cũng cho ta thấy mức độ hứng thú trong học tập của SV đối với từng nhân tố có khác nhau.

Bảng 3. Giá trị trung bình của các nhân tố

gia-tri-trung-binh-cua-cac-nhan-to

Nguồn: Nghiên cứu của nhóm tác giả

Với kết quả này cho thấy mức độ đánh giá của từng nhân tố đạt ở mức trung bình, có thể cải thiện hơn nữa thông qua các chính sách. Mặt khác, kết quả nghiên cứu cho thấy có 6 nhân tố ảnh hưởng đến sự hứng thú trong học tập của SV Trường ĐH Văn Lang, đó là: môi trường học tập, phương pháp giảng dạy, nhận thức của SV, ảnh hưởng từ gia đình, chất lượng giảng viên và chương trình đào tạo.

Để đạt được những thành tựu trong việc làm cho SV luôn cảm thấy hứng thú trong học tập là một công việc khó khăn, đòi hỏi Ban lãnh đạo Nhà trường, Ban chủ nhiệm Khoa, các cán bộ giảng viên của Trường và các SV cùng nhau nỗ lực nâng cao sự hứng thú trong học tập của SV và chất lượng đào tạo. Dưới đây là một số giải pháp:

Một là, nâng cao chất lượng môi trường học tập như đầu tư, xây dựng tạo nên một không gian học tập năng động, sáng tạo tích hợp (không gian học tập chung, không gian giao lưu học tập học nhóm, không gian nghỉ ngơi vui chơi…) trong trường học nhằm đáp ứng mọi nhu cầu của SV trong việc học tập, nghiên cứu và không gian lớp học hiện đại, thoáng mát, yên tĩnh, có đầy đủ các trang thiết bị hiện đại để phục vụ nhu cầu giảng dạy và học tập, góp phần hứng thú sự học tập của SV.

Hai là, giảng viên chỉ dạy lý thuyết suông mà nên kết hợp nhiều phương pháp giảng dạy vào quá trình dạy học, như: phương pháp thảo luận nhóm, xem video, nêu vấn đề,… Việc thay đổi phương pháp dạy học của giảng viên một mặt có thể giúp cho SV cảm thấy thích thú hơn việc học, đồng thời cũng tạo điều kiện cho SV rèn luyện các kỹ năng cần thiết như kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng thuyết trình.

Ba là, sự tích cực, chủ động trong học tập, trao đổi thắc mắc với bạn bè và thầy cô; học hỏi, áp dụng phương pháp học tập phù hợp với bản thân để chiếm lĩnh tri thức ngành nghề đang theo học một cách sáng tạo và sâu sắc.

Bốn là, gia đình nên để cho con cái tự tìm hiểu các ngành nghề và lựa chọn ngành nghề mà bản thân SV thích và muốn học. Bên cạnh đó, gia đình cũng nên động viên, khuyến khích, ủng hộ và tạo mọi điều kiện tốt đẹp nhất cho SV về vật chất lẫn tinh thần để SV không phải lo lắng những vấn đề khác ngoài việc học.

Năm là, giảng viên phải luôn nâng cao trình độ kiến thức chuyên môn cao, kinh nghiệm giảng dạy để có thể truyền đạt kiến thức cho SV được một cách tốt nhất và hiệu quả nhất. Giảng viên phải luôn trong tâm thế đổi mới và không ngừng sáng tạo các phương pháp và hình thức dạy học, tổ chức lớp học đa dạng và phong phú.

Sáu là, SV cần tin tưởng vào sự phát triển tương lai của ngành và hài lòng với chương trình đào mà mình đang theo học, chủ động sắp xếp giờ học của bản thân.

 

Tài liệu tham khảo:

  1. Arie Pratama. (2017). Factors Affecting Students’ Learning Interest in an Accounting Study Programme: A Study in Bandung City, West Java, Indonesia. Review of Integrative Business and Economics Research, 6(2), 295-311.
  2. Đinh Thị Sen (2013). Hứng thú môn học kỹ năng giao tiếp của SV Trường Đại học Nha Trang. Luận văn Thạc sĩ Tâm lý học chuyên ngành Tâm lý học, Trường Đại học Nha Trang.
  3. Hoàng Trọng, Chu Nguyễn Mộng Ngọc (2008). Phân tích dữ liệu nghiên cứu với SPSS. Nhà xuất bản Hồng Đức, Hà Nội.
  4. Leonard Chinaedum Anigbo. (2016). Factors Affecting Students’ Interest in Mathematics in Secondary Schools in Enugu State. International Journal of Education and Evaluation, 2(1).
  5. Nguyễn Hoài Nam, Cao Thị Quyên (2014). Nâng cao hứng thú học tập cho SV Trường Cao đẳng nghề. Tạp chí Khoa học – Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, 59, (8),142-150.
  6. Nhạc Thanh Hương và Lã Nguyễn Bình Minh (2018). Các yếu tố ảnh hưởng đến hứng thú học ngoại ngữ của SV Trường ĐH Luật Hà Nội. Truy cập tại: https://ngoaingu.hlu.edu.vn/SubNews/Details/16867.
  7. Phan Thị Thơm (2005). Tìm hiểu hứng thú học tập môn tâm lý học đại cương của SV Trường ĐH Dân lập Đông Đô. Luận văn chuyên ngành Tâm lý học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn.
  8. Phạm Thị Hồng Thái (2016). Những yếu tố ảnh hưởng đến hứng thú học tập môn tâm lý học đại cương của SV ngành Ngôn ngữ Văn hóa nước ngoài Trường ĐH Văn Hiến. Tạp chí Khoa học ĐH Văn Hiến,số 11 – tháng 5/2016.
  9. Zaiton Mustafal & Hishamuddin Salim. (2012), Factors Affecting Students’ Interest in Learning Islamic Education. Journal of Education and Practice, 3(13), 81-86.

 

FACTORS AFFECTING THE INTERESTS IN LEARNING OF STUDENTS

LUU CHI DANH 1

NGUYEN THI NHU HUYEN 1

DO NGUYEN NHU QUYNH 1

VO THI MY DIEU 1

1 Van Lang University

ABSTRACT:

This study explored the factors affecting the interests in learning of Van Lang University’s students. The study surveyed 460 students from different faculties of Van Lang University. The results revealed that there are 6 factors affecting the interests in learning of students, namely Learning environment, Teaching methods, Student awareness, Influence from family, Quality of lecturers and Training program. In which, the quality of lecturers has the strongest impact on the learning interest of Van Lang University’s students. As a result, it is necessary for Van Lang University to pay more attention to improve the quality of faculty in order to enhance the learning interest of students.

Keywords: the learning interest, quality of lecturers, student, Van Lang University.

[Tạp chí Công Thương – Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, 

Số 19, tháng 8 năm 2021]

Rate this post

Viết một bình luận