Các phong cách ngôn ngữ trong tiếng Việt | Cách xác định & ví dụ

Xác định phong cách ngôn ngữ là một dạng bài tập cơ bản trong phần đọc hiểu của bài thi môn Ngữ Văn THPTQG. Vậy các phong cách ngôn ngữ đó là gì? Cách nhận biết từng loại? Chúng ta sẽ cùng nhau ôn luyện phần kiến thức này qua bài viết dưới đây nhé!

Phong cách ngôn ngữ là gì?

Phong cách ngôn ngữ là cách thức diễn đạt để hình thành một kiểu diễn đạt nhất định trong văn bản. 

Các phong cách ngôn ngữ 

các phong cách ngôn ngữ

Có mấy phong cách ngôn ngữ? Có tất cả 6 phong cách ngôn ngữ trong tiếng Việt, cụ thể như sau:

Bài viết tham khảo: Từ loại là gì? Các từ loại trong tiếng Việt | Dấu hiệu nhận biết

Phong cách ngôn ngữ sinh hoạt

* Khái niệm

Phong cách ngôn ngữ sinh hoạt là phong cách ngôn ngữ được dùng phổ biến trong giao tiếp thường ngày, không mang tính chất trang trọng, nghi thức mà thân mật, gần gũi. Mục đích của phong cách này là trao đổi thông tin, tình cảm,… của con người. 

* Đặc trưng

  • Tính cảm xúc: Được thể hiện thông qua ngữ điệu/ giọng điệu của người giao tiếp. Đồng thời cũng thể hiện qua cách sử dụng thán từ, trợ từ, các kiểu câu linh hoạt,… 

  • Tính cụ thể: Các yếu tố về thời gian, không gian, hoàn cảnh giao tiếp, nhân vật, cách thức, nội dung giao tiếp,… đều rất rõ ràng và cụ thể. 

  • Tính cá thể: Đó là những điểm riêng biệt về cách nói chuyện, giọng nói,… Từ đó giúp chúng ta có thể hiểu rõ hơn về người nói. Đó là các đặc điểm về nghề nghiệp, sở thích, tuổi tác, tính cách, giới tính,,…

* Hình thức tồn tại

  • Dạng nói: đàm thoại, đối thoại và độc thoại

  • Dạng lời nói bên trong: độc thoại nội tâm, đối thoại nội tâm, dòng tâm sự

* Các thể loại thường gặp

Trò chuyện, nhật ký, nhắn tin, thư từ,… 

* Ví dụ về phong cách ngôn ngữ sinh hoạt: 

“Hắn hầm hầm, chĩa vào mặt mụ bảo rằng:

– Cái giống nhà mày không ưa nhẹ! Ông mua chứ ông có xin của nhà mày đâu! Mày tưởng ông quỵt hở? Mày thử hỏi cả làng xem ông có quỵt của đứa nào bao giờ không?…”

(Chí Phèo – Nam Cao)

các phong cách ngôn ngữ

Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật

* Khái niệm 

Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật là phong cách được dùng chủ yếu trong các tác phẩm văn học. Ngôn ngữ trong các tác phẩm nghệ thuật được tổ chức, sắp xếp, gọt giũa, tinh luyện từ những ngôn ngữ thông thường và đạt giá trị nghệ thuật cao. 

* Đặc trưng

  • Tính hình tượng: Được xây dựng chủ yếu thông qua các biện pháp tu từ nghệ thuật như hóa dụ, so sánh, nhân hóa, ẩn dụ, điệp,…. 

  • Tính truyền cảm: Thể hiện thông qua ngôn ngữ của người viết, người nói. Cách sử dụng từ ngữ này đều có tác dụng gây cảm xúc, tạo ấn tượng mạnh cho người đọc, người nghe. 

  • Tính cá thể: Đó là dấu ấn riêng của tác giả, được lặp lại nhiều lần tạo thành phong cách nghệ thuật riêng. Bên cạnh đó, tính cá thể còn thể hiện trong lời nói của nhân vật.

* Các thể loại thường gặp

Truyện ngắn, thơ, tiểu thuyết,… 

* Ví dụ về phong cách ngôn ngữ nghệ thuật

“Trong đầm gì đẹp bằng sen

Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng

Nhị vàng bông trắng lá xanh

Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.”

Phong cách ngôn ngữ chính luận

* Khái niệm

Phong cách ngôn ngữ chính luận là phong cách được dùng chủ yếu trong các văn bản chính luận hoặc giao tiếp trong các buổi hội nghị, nói chuyện chính sự,… nhằm mục đích trình bày, đánh giá, bình luận về những sự kiện, những vấn đề xã hội, tư tưởng, chính trị,… theo một quan điểm nhất định. 

* Các phương tiện diễn đạt

  • Sử dụng từ ngữ: Dùng các ngôn ngữ thông thương nhưng có khá nhiều từ chính trị. 

  • Ngữ pháp: Kết cấu câu chuẩn mực, liên kết các câu trong văn bản rất chặt chẽ, logic, có tính thuyết phục cao. 

  • Biện pháp tu từ: Nhiều biện pháp tu từ cũng được sử dụng để tăng sức thuyết phục cho các lập luận. 

* Đặc trưng 

  • Tính công khai về quan điểm chính trị: Thể hiện rõ ràng quan điểm của người nói về các vấn đề mang tính cấp bách, thời sự. Từ ngữ rõ ràng, mạch lạc, không mơ hồ. Câu văn ngắn gọn, súc tích, không dùng câu văn dài, không dùng các từ đa nghĩa. 

  • Tính chặt chẽ khi diễn đạt và suy luận: Hệ thống luận điểm, luận cứ và lập luận rõ ràng. Cách diễn đạt mạch lạc, liên kết chặt chẽ với nhau. Thường sử dụng các từ liên kết như: do đó, vì thế, cho nên,… 

  • Tính thuyết phục, truyền cảm: Được thể hiện qua cách đưa ra lý lẽ với giọng văn tha thiết, hùng hồn, thể hiện sự nhiệt tình của người viết. 

* Một thể loại thường gặp

Xã luận, tuyên ngôn, lời kêu gọi, cương lĩnh, bình luận xã hội, báo cáo phát biểu trong các hội thảo,… 

* Ví dụ về phong cách chính luận

“Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước.”

(Hồ Chí Minh – Tinh thần yêu nước của nhân dân ta)

Phong cách ngôn ngữ khoa học

* Khái niệm

Phong cách ngôn ngữ khoa học là phong cách được dùng trong các văn bản khoa học hoặc trong giao tiếp thuộc lĩnh vực khoa học. 

* Đặc trưng

  • Tính trừu tượng, khái quát: Dùng nhiều ngôn ngữ khoa học, các từ chuyên môn dùng trong các ngành khoa học. Kết cấu văn bản mang tính chất khái quát, các luận điểm được trình bày theo cấp độ, từ lớn đến nhỏ, từ khái quát đến cụ thể. 

  • Tính logic, lí trí: Từ ngữ mạch lạc, không dùng từ đa nghĩa, không dùng các biện pháp tu từ. Câu văn chặt chẽ, chuẩn cú pháp. Kết cấu văn bản mạch lạc, chặt chẽ, lập luận logic. 

  • Tính khách quan và phi cá thể: Câu văn mang sắc thái trung hòa, ít thể hiện cảm xúc cá nhân. 

khoa học

* Một số thể loại thường gặp

Tiểu luận, chuyên khoa, luận văn, luận án, sách giáo khoa, giáo trình, báo, giáo án,… 

* Ví dụ về phong cách ngôn ngữ khoa học

Xenlulozơ là chất rắn hình sợi, màu trắng, không mùi, không bị, không tan trong nước ngay cả khi đun nóng, không tan trong các dung môi hữu cơ thông thường như Ete, Benzen,…  

(Hóa học nâng cao 12, NXB giáo dục, 2014)

Phong cách ngôn ngữ báo chí

* Khái niệm

Phong cách ngôn ngữ báo chí là phong cách được dùng nhiều trong lĩnh vực báo chí nhằm mục đích thông báo những tin tức thời sự trong nước và ngoài nước.

* Phương tiện diễn đạt

  • Từ ngữ: Sử dụng từ ngữ phong phú với độ chính xác cao.

  • Ngữ pháp: Căn văn đa dạng nhưng thường là những câu ngắn gọn, mạch lạc. 

  • Biện pháp tu từ: Sử dụng các biện pháp tu từ nhằm tăng hiệu quả diễn đạt. 

* Đặc trưng

  • Tính thông tin thời sự: Thông tin mang tính chất cấp bách, có tính thời sự, nóng hổi. Yêu cầu phải có độ chính xác về thời gian, địa điểm, sự kiện, nhân vật,… 

  • Tính ngắn gọn: Lời văn ngắn gọn nhưng dung lượng thông tin cao. 

  • Tính sinh động và hấp dẫn: Cách sử dụng từ ngữ, đặt câu và đặt tiêu đề phải kích thích trí tò mò của người đọc. 

* Các thể loại thường gặp

Phóng sự, tiểu phẩm, bản tin, phỏng vấn miệng trên truyền hình/ đài phát thanh, quảng cáo,… 

* Ví dụ về phong cách ngôn ngữ báo chí

“Liên quan đến vụ c.h.á.y ở phường Phú Đô, Nam Từ Liêm, Hà Nội ngày 31/3/2022. Đến khoảng 19 giờ 30 phút cùng ngày, lực lượng chức năng đã dập tắt hoàn toàn đám c.h.á.y, cứu và hướng dẫn thoát nạn 12 người, trong đó có 4 trẻ em, ra khỏi đám c.h.á.y; đồng thời phát hiện 1 t.h.i t.h.ể nữ giới tại hiện trường. Song song với việc c.ứ.u, chữa c.h.á.y, lực lượng chức năng đã khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ c.h.á.y,….”.

Phong cách ngôn ngữ hành chính

* Khái niệm

Phong cách ngôn ngữ hành chính là ngôn ngữ được dùng trong các văn bản hành chính. 

* Đặc trưng

  • Tính khuôn mẫu: Mỗi văn bản hành chính sẽ tuân thủ theo một khuôn mẫu nhất định. 

  • Tính xác minh: Không sử dụng các biện pháp tu từ, lỗi diễn đạt phải rõ ràng, không mơ hồ, không hàm ý. Không tùy tiện sửa chữa hoặc thay đổi nội dung. Đảm bảo tính chính xác trong từng câu chữ, thời gian ký. 

  • Tính công cụ: Không dùng các từ ngữ biểu thị mối quan hệ cá nhân, không dùng khẩu ngữ, dùng từ địa phương,… Mà thay vào đó là lớp từ toàn dân. 

* Các thể loại thường gặp

Hợp đồng thuê nhà, đơn xin nghỉ học,…. 

Trong các phong cách ngôn ngữ kể trên thì phong cách ngôn ngữ hành chính rất ít khi xuất hiện trong đề thi. Tuy nhiên, các bạn học sinh không được phép chủ quan mà cần phải ôn luyện, rèn luyện về phong cách ngôn ngữ này!

Cách nhận biết các phong cách ngôn ngữ

Dưới đây là dấu hiệu giúp bạn dễ dàng nhận biết các loại phong cách ngôn ngữ: 

Phong cách ngôn ngữ sinh hoạt

Trong dạng bài đọc hiểu, đề bài thường đưa ra đoạn trích hội thoại, lời đối đáp nhân vật, trích đoạn nhật ký, một bức thư,… 

Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật

Khi đề bài đưa ra các đoạn trích nằm trong một cuốn tiểu thuyết, bài thơ, truyện ngắn, ca dao, tùy bút,… hay một tác phẩm văn học nói chung thì đáp án thường là phong cách ngôn ngữ nghệ thuật. 

Phong cách ngôn ngữ chính luận

  • Nội dung thường đề cập đến các sự kiện, các vấn đề về văn hóa, xã hội, tư tưởng, chính trị,… 

  • Thể hiện quan điểm, tư tưởng của người viết, người nói. 

  • Sử dụng các từ ngữ chính trị. 

  • Thường là đoạn trích dẫn trong các văn bản chính luận của sách giáo khoa hoặc lời phát biểu của các nguyên thủ quốc gia. 

các phong cách ngôn ngữ

Phong cách ngôn ngữ khoa học

Dựa vào những đặc điểm về từ ngữ, nội dung, cách trình bày và diễn đạt. 

Phong cách ngôn ngữ báo chí

  • Nếu đoạn trích đó được trích dẫn từ một bài báo, ghi rõ nguồn và thời gian cụ thể thì đoạn trích đó thường dùng phong cách ngôn ngữ khoa học. 

  • Nếu thông tin trong đoạn trích mang tính thời sự, có nhân vật, sự kiện và thời gian cụ thể thì tác giả đã dùng phong cách ngôn ngữ khoa học. 

Phong cách ngôn ngữ hành chính

  • Có phần tiêu ngữ ở đầu văn bản.

  • Cuối văn bản thường có dấu đỏ của cơ quan chức năng hoặc có chữ ký. 

  • Văn mình được trình bày theo một khuôn mẫu nhất định. 

Bài tập về xác định các phong cách ngôn ngữ 

Ví dụ:

Hãy xác định phong cách ngôn ngữ của các đoạn trích dưới đây: 

  1. Cuộc đời ai cũng có những tấm lòng

    Để làm giấy chứng minh

    Để cầu mong thành đạt

    Những tấm bằng như những bảng chỉ đường qua những đường phố hẹp

    Để đến đại lộ cuộc đời ngày càng mở rộng thêm.

    [….]

    Những tấm bằng có đóng dấu kí tên

    Chỉ là giấy thông hành đi vào cuộc sống

    Nhưng quý giá hơn là cuộc đời ghi nhận

    Mới là TẤM BẰNG – bằng – của – chính – ta.

  2. “Thế kỷ 20 đã dạy cho tất cả chúng ta, không chỉ Việt Nam một trật tự quốc tế và an ninh chung phụ thuộc lẫn nhau. Chúng ta xây dựng thông lệ chung tất cả quốc gia đều là quốc gia có chủ quyền, dù lớn hay nhỏ phải được tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ. Các nước lớn không được bắt nạt các nước nhỏ hơn, việc giải quyết các tranh chấp cần tiến hành hòa bình. Các thể chế như ASEAN và cấp cao Đông Á cần được củng cố. Đó là điều mà chúng tôi tin tưởng và ủng hộ.”

    (Bài phát biểu của tổng thống Obama).

  3. “…Chị bây giờ… nói thế nào?

    Bướm tiên khi đã lạc vào vườn hoang

    Chị từ lỡ bước sang ngang

    Trời giông bão giữa tràng giang lật thuyền

    Xuôi dòng nước chảy liên miên

    Đưa thân thế chị tới miền đau thương

    Mười năm gối hận bên giường

    Mười năm nước mắt bữa thường thay canh

    Mười năm đưa đám một mình

    Đào sâu chôn chặt mối tình đầu tiên

    Mười năm lòng lạnh như tiền

    Tim đi hết máu mà duyên không về …”

    (“Lỡ bước sang ngang – Nguyễn Bính)

Lời giải:

  1. Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật

  2. Phong cách ngôn ngữ chính luận

  3. Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật

Trên đây là bài viết chia sẻ về các phong cách ngôn ngữ, hy vọng sẽ là nguồn tài liệu tham khảo hữu ích cho các bạn học sinh trong quá trình ôn luyện. 

5/5 – (2 bình chọn)

Rate this post

Viết một bình luận