Các tầng địa ngục theo Phật giáo’ là một tư liệu quý được ghi chép theo lối khảo tả từ góc nhìn của 2 tác giả người Pháp từ hơn 130 năm trước.
Địa ngục được mô tả là nơi người tạo nghiệp xấu ác bị sanh vào để chịu khổ sở (hình mang tính minh họa)
Các tầng địa ngục theo Phật giáo là câu chuyện về chuyến chu du đến những ngôi chùa Việt Nam của hai tác giả người Pháp Léon Riotor và Léofanti. Tại đây họ “phỏng vấn” và đàm đạo với các sư trụ trì để hiểu về thế “địa ngục” qua góc nhìn của Phật giáo. Các nhà sư dùng kiến thức triết học và tôn giáo của mình để truyền tải cho hai người đến từ thế giới phương tây hiểu rõ hơn về các tranh mô tả địa ngục trên tường của nhà chùa.
Sách Các tầng địa ngục theo Phật giáo là kết quả của cuộc hành trình đó. Có thể nói sách là một tư liệu quý được ghi chép theo lối khảo tả từ góc nhìn của người phương Tây từ hơn 130 năm trước. Nội dung cuốn sách đã phần nào phản ánh đời sống văn hóa, triết học và tâm linh của người dân bản xứ thời kỳ đầu thế kỷ hai mươi, đặc biệt là những gì họ hình dung và tin tưởng vào một thế giới sau cái chết.
Sách Các tầng địa ngục theo Phật giáo (NXB Thế Giới và Nhã Nam ấn hành)
Tác phẩm được in kèm ba tiểu dẫn và lời tựa của Ernest Renan, Ledrain – Giáo sư École du Louvre, Foucaux – Giáo sư Collège de France, cùng các họa tiết, tranh đầu chương, tranh đầu sách và mười hai phụ bản được các nghệ nhân người Nhật, Pha và Ly, vẽ bằng bút sậy theo các bản khắc nổi ở chùa Báo Ân. Mười hai phụ bản này thể hiện hình ảnh Thập điện Diêm Vương không chỉ độc đáo ở góc độ mỹ thuật mà như E. Ledrain nhận định, còn chứng tỏ mỹ thuật đã “len lỏi tới đâu trong tư duy của các nhân vật tôn giáo quyền lực và tầng lớp thường dân”.
Không nghi ngờ gì rằng, những hiểu biết của người Việt Nam về thế giới bên kia phần lớn được kiến tạo từ tư tưởng Phật giáo. Địa ngục được tạo ra như một sự răn đe để con người sống thiện lành hơn. Từ tư tưởng triết học, địa ngục được chuyển hóa thành nhiều loại hình nghệ thuật tôn giáo khác nhau, từ thơ phú, cho đến hội họa, bích họa, điêu khắc, phù điêu…
Nhân dịp ra mắt bản dịch tác phẩm Các tầng địa ngục theo Phật giáo, sách được dịch từ nguyên bản tiếng Pháp Les Enfers Bouddhiques: le Bouddhisme Annamite (Chamuel, Paris, 1895), bản tiếng Việt do NXB Thế Giới và Nhã Nam ấn hành tháng 8.2020, Nhã Nam phối hợp với Viện Pháp tổ chức buổi tọa đàm Địa ngục trong tâm thức người Việt để giới thiệu đến bạn đọc những vấn đề khác nhau liên quan đến các tầng địa ngục trong triết học và văn hóa Phật giáo.
Diễn giả của chương trình là Tiến sĩ Trần Trọng Dương, nhà nghiên cứu Hán Nôm và cổ sử Việt Nam và Tiến sĩ Văn học Mai Anh Tuấn
Buổi tọa đàm sẽ diễn ra vào lúc 18 giờ ngày 26.8 2020 tại Thư viện Viện Pháp L’espace, 24 Tràng Tiền, Hà Nội.
Địa ngục (地獄, Niraya) là một khái niệm của thế giới quan Phật giáo, vốn được tìm thấy trong Kỳ Na giáo (Jainism) và Ấn giáo (Hinduism). Không nghi ngờ gì rằng, những hiểu biết của người Việt Nam về thế giới bên kia phần lớn được kiến tạo từ tư tưởng Phật giáo vốn đã được tưới tắm và giáo dưỡng trong nhiều thế kỷ.
Ta có thể tìm thấy hàng loạt những mảnh vụn ngữ ngôn minh chứng cho sự hòa tan của Phật giáo trong kho từ vựng tiếng Việt, các từ ngữ như: quỷ đói (ngạ quỷ), quỷ sứ, đầu trâu mặt ngựa, vong linh, oan hồn, địa ngục, âm ty, địa phủ, súc sinh, Diêm La, đầu thai, vãng sinh, hóa kiếp… đến những thành ngữ quán ngữ vẫn quen dùng, như “đi chầu Diêm Vương”,“đi chầu ông bà ông vải”, “về thế giới bên kia”, “gầy như quỷ đói”, “địa ngục trần gian”… Tôi còn nhớ, mẹ tôi mỗi khi bắt con gà trong chuồng, tay liếc dao, miệng đều lẩm bẩm câu: “Tao hóa kiếp cho mày được sang kiếp khác tốt hơn nhé.” Có quá nhiều chứng cứ như vậy còn hiện diện trong ngôn ngữ ngày nay.
Người ta khi nhỏ, đứa nào cũng đã từng bị ám ảnh về ma, với những câu chuyện huyền hoặc vu vơ do người lớn đem dùng để dọa – dỗ. Cách giáo dục con trẻ như thế chủ yếu bắt đầu từ các bà các mẹ, những người lân mẫn chốn cửa chiền, rồi lan tỏa ra đầu sông bến chợ, đền phủ miếu lăng.
Có một thứ “văn hóa về ma quỷ” trong đời sống dân gian ngàn đời, vốn là sự hòa kết từ Phật giáo, Đạo giáo, Nho giáo và tín ngưỡng bản địa. Phật giáo vẽ ra những tầng địa ngục dầu sôi lửa bỏng để trừng ác khuyến thiện, đơm thổi sự hy vọng của con người vào những kiếp lai sinh tốt đẹp hơn, nhưng thực chất là để răn dè con người sống lương thiện hơn ở cái hiện kiếp. Đạo giáo sáng tạo nên những phép thuật, phù chú, bùa yểm, các kiểu phương thuật để làm dịu mát sự phấp phỏng chông chênh của những người đang sống phải đối diện những cái chết của những người thân, nhằm hóa giải những tai ương bất trắc vô lường của cuộc sống.
Nho giáo đặt định những người đã mất vào hệ thống quan hệ xã hội – chính trị và hệ giá trị đạo đức, với các tiên thánh, tiên hiền, tiên triết, tiên vương, tổ khảo, tổ tỷ… Trong thế giới quan của Nho giáo, chỉ có một thế giới, đó là thế giới con người đang sống, đang tồn tại, với ba tài: thiên-địa-nhân. Thời gian là chuỗi tuyến tính không thể quay lại, nên lịch sử được đếm bằng “lịch triều”, được tính bằng lịch sóc và niên hiệu.
Cái chết được cho là dấu chấm hết của một sinh mệnh. Nho giáo phân loại thành nhiều kiểu chết khác nhau: chết non (yểu tử), chết bất đắc kỳ tử, chết đường chết chợ, và một kiểu chết được chú ý đặc biệt: chết chẳng toàn thây… Cho nên, các hình phạt cao nhất của Nho giáo đều thuộc dạng chết cuối cùng này: lăng trì (cắt từng miếng cho đến chết), chém đầu, chém ngang lưng (trảm yêu), tứ mã phanh thây, voi giày ngựa xé,…
Người ta coi sự xương thịnh của hiện tại là bắt nguồn từ tổ tiên (âm đức: đức từ cõi âm, nên các nhà thờ dòng họ thường đề các bức hoành: quang tiền dụ hậu, đức lưu quang). Để cắt đứt phúc ấm/âm phù của kẻ thù thì người ta thực hiện đào mả, quật xác tổ tiên nhà khác. Người được “khảo chung mệnh” (theo cách nói nôm na là chết già, xưa từ 50 trở đi đã được gọi là lên lão) thì được gọi là thọ, ngược lại nếu không hưởng hết số trời một cách tự nhiên thì chỉ được gọi là “hưởng dương”. Nho giáo không có quan niệm về thế giới bên kia, mà tất cả người chết được sắp đặt trong những nghi thức hữu dụng dành cho người đang sống: tang chế, mồ mả, gia phả, hệ thống bài vị (theo chiêu mục), từ tường, nhà thờ họ,… Tổ tiên dẫu có được mường tượng được sống ở “thế giới người hiền”, thì đó vẫn là thế giới của những người đã chết, nên “Trời” (thiên, hạo thiên,…) trong quan niệm của Nho giáo lại không thuộc thế giới quan, mà vẫn chỉ là một khái niệm của đạo đức chính trị.