Các thuật ngữ trên nhãn thực phẩm – Thảo Mộc Út Em

Nhãn thực phẩm có thể giúp chúng ta chọn được chế độ ăn uống lành mạnh hơn và đảm bảo an toàn khi ăn những thực phẩm đó. Dưới đây là hướng dẫn về một số thuật ngữ phổ biến nhất trên nhãn thực phẩm

Nhãn thực phẩm cung cấp nhiều thông tin về các loại thực phẩm. Nếu chúng ta định tận dụng nhãn thực phẩm thì quan trọng là phải hiểu được toàn bộ thông tin có trong đó.

Ví dụ, nếu một sản phẩm được gắn nhãn là “light” hoặc “lite” hay “no added sugar” (không bổ sung thêm đường), thế điều đó có nghĩa là gì?

Những nhà sản xuất thực phẩm phải tuân thủ các quy tắc nhất định để phòng tránh những tuyên bố sai lầm về thực phẩm hay các thông tin mô tả gây nhầm lẫn, và thực hiện theo những hướng dẫn rõ ràng về những thông tin nào có thể và không thể đưa ra trên bao bì sản phẩm.

Sau đây, chúng tôi sẽ giải thích về một số những thuật ngữ thường có trên nhãn thực phẩm.

Use by (sử dụng đến ngày) và best before (sử dụng tốt nhất trước ngày)

Use by (sử dụng đến ngày)

Bạn sẽ thấy ngày “use by” trên những loại đồ ăn nhanh hỏng, như là cá xông khói, các sản phẩm thịt và salad làm sẵn.

Đừng sử dụng bất cứ loại đồ ăn hoặc thức uống nào sau ngày cuối cùng của ngày “use by” in trên nhãn, kể cả nếu nó trông vẫn ngon và mùi vẫn bình thường. Nguyên nhân là vì nếu dùng chúng sau ngày này thì sức khỏe của bạn có thể có nguy cơ gặp phải vấn đề.

Để ngày “use by” là ngày hướng dẫn có giá trị thì bạn phải thực hiện theo những hướng dẫn bảo quản in trên bao bì như là “keep in a refrigerator” (bảo quản lạnh).

Nếu bạn không tuân theo những hướng dẫn này, đồ ăn sẽ bị hỏng nhanh hơn và bạn có thể gặp phải nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm.

Một khi đã mở loại thực phẩm mà có in ngày “use by”  trên nhãn, thì bạn cũng cần làm theo bất cứ hướng dẫn nào có của nhà sản xuất, ví dụ như “eat within 3 days of opening” (ăn trong vòng 3 ngày sau khi mở bao bì).

Nhưng nhớ là, nếu ngày “use by” là ngày mai, thì trong vòng đến cuối ngày mai bạn phải dùng loại thực phẩm đó, kể cả nhãn có in là “eat within a week of opening” (ăn trong vòng một tuần sau khi mở) mà bạn chỉ mới mở hôm nay.

Nếu có thể cấp đông thực phẩm thì có thể kéo dài được hạn sử dụng xa hơn ngày “use by”.

Nhưng hãy đảm bảo là bạn làm theo bất cứ hướng dẫn nào có trên bao bì, ví dụ như là “cook from frozen” (nấu trực tiếp không cần rã đông), hay “defrost thoroughly before use and use within 24 hours” (rã đông kỹ trước khi sử dụng và dùng trong vòng 24 giờ).

Ngày “Use by” là ngày quan trọng nhất cần xem xét vì những ngày này liên quan đến độ an toàn của thực phẩm.

Best before (Sử dụng tốt nhất trước ngày)

Ngày “Best before” xuất hiện trên một loạt những loại đồ đông lạnh, đồ khô, đóng lon và những loại đồ thực phẩm khác.

Ngày “Best before” là về chất lượng của sản phẩm, chứ không phải độ an toàn khi sử dụng sức phẩm. Khi ngày đó qua đi thì không có nghĩa là đồ ăn sẽ gây hại, nhưng nó có thể bắt đầu mất dần hương vị và kết cấu bình thường.

Trứng có hạn sử dụng là 28 ngày (từ ngày trứng được đẻ đến ngày best before). Theo luật, trứng phải đến tay người tiêu dùng cuối cùng trong vòng 21 ngày kể từ ngày quả trứng đó được đẻ ra. Ngày này còn được gọi là ngày sell-by (bán đến ngày).

Sau ngày này, chất lượng của quả trứng sẽ giảm sút. Nếu có mặt bất cứ khuẩn salmonella nào thì chúng có thể sinh sôi đến một mật độ cao và làm người ăn vào bị bệnh.

Điều này có nghĩa là trứng cần được chuyển đến người tiêu dùng ít nhất 7 ngày trước ngày best before. Người tiêu dùng khi đó có 7 ngày để dùng trứng tại nhà.

Hàng năm, chúng ta vứt bỏ 7,2 triệu tấn đồ ăn thức uống ở Vương Quốc Anh, phần lớn trong số đó đáng lẽ ra vẫn ăn được. Vì thế hãy cân nhắc cẩn thận trước khi vứt đi đồ ăn đã quá ngày “best before”.

Nhớ là ngày “best before” chỉ chính xác nếu bảo quản thực phẩm theo hướng dẫn trên nhãn, như là “store in a cool dry place” (bảo quản nơi thoáng mát) hay “keep in the fridge once opened” (bảo quản lạnh sau khi mở bao bì).

Display until (bày đến ngày) và sell by (bán đến ngày)

Các nhà bán lẻ thường dùng ngày “sell by” và “display until” trên giá hàng, chủ yếu vì mục đích kiểm soát hàng hóa.

Luật không quy định phải có những ngày này và các chỉ dẫn đó là dành cho nhân viên cửa hàng chứ không dành cho người mua hàng.

Những ngày quan trọng mà bạn cần xem đó là ngày “use by” và “best before”.

Health claims (Tuyên bố liên quan đến sức khỏe)

Bao bì sản phẩm thường có những tuyên bố liên quan đến sức khỏe về một loại thực phẩm, chẳng hạn như “helps maintain a healthy heart” (giúp duy trì một trái tim khỏe mạnh) hoặc “helps aid digestion” (hỗ trợ tiêu hóa).

Kể từ năm 2007, những quy định cụ thể đã được đưa ra để ngăn ngừa những tuyên bố gây hiểu lầm.

Bất cứ tuyên bố nào được đưa ra về lợi ích dinh dưỡng và sức khỏe của một loại sản phẩm đều phải dựa trên cơ sở khoa học. Chỉ những tuyên bố đã được Ủy Ban châu Âu (European Commission) phê duyệt mới được dùng trên bao bì thực phẩm.

Những tuyên bố chung chung về các tác dụng sức khỏe toàn diện tốt như là “healthy” (lành mạnh), “good for you” (tốt cho cơ thể bạn) chỉ được phép sử dụng nếu đi kèm tuyên bố đã được phê duyệt.

Điều này đồng nghĩa với việc những tuyên bố này phải được hỗ trợ bởi lời giải thích về nguyên nhân tại sao thực phẩm đó lại “lành mạnh”/”healthy”.

Các nhãn thực phẩm không được phép tuyên bố là thực phẩm đó có thể điều trị, phòng tránh hoặc chữa trị bất cứ bệnh tật hay vấn đề sức khỏe nào. Những tuyên bố kiểu này chỉ được dùng cho những loại thuốc được cấp phép.

Light hay lite

Để nói được một loại thực phẩm là “light” hay “lite”, thì sản phẩm đó phải có tối thiểu một giá trị tiêu biểu, như là chất béo hoặc calo, thấp hơn ít nhất 30% so với sản phẩm tiêu chuẩn bình thường.

Nhãn phải giải thích chính xác giá trị nào đã được giảm đi và giảm bao nhiêu – ví dụ như là, “light: 30% less fat”. (light: ít đi 30% chất béo)

Để nhìn được toàn cảnh của một sản phẩm và so sánh nó đúng cách với những thực phẩm tương tự, bạn cần đọc kĩ nhãn thông tin dinh dưỡng.

Cách dễ nhất để so sánh các sản phẩm là xem phần thông tin dinh dưỡng trên 100g sản phẩm.

Bạn có thể sẽ bất ngờ về việc thực phẩm có tuyên bố liên quan đến sức khỏe và thực phẩm không có tuyên bố có mức độ khác biệt ít ỏi đến thế nào.

Phiên bản “light” hay “lite” của một nhãn hiệu khoai tây chiên có thể có cùng lượng chất béo hoặc calo như bản tiêu chuẩn của một nhãn hiệu khác.

Những chiếc bánh bích quy hấp dẫn mà tuyên bố là giảm chất béo có thể có nhiều calo hơn bạn tưởng đấy, thế nên là nhớ xem nhãn sản phẩm.

Low fat (Ít béo)

Tuyên bố rằng một loại đồ ăn ít chất béo chỉ có thể được thực hiện nếu sản phẩm đó chứa tối đa 3g chất béo trên 100g sản phẩm dạng rắn hay 1,5g chất béo trên 100ml sản phẩm dạng lỏng (1.8g chất béo trên 100ml với sữa bán gầy).

No added sugar (không bổ sung đường) hay unsweetened (không có chất tạo ngọt)

“No added sugar” (không bổ sung đường) hay “unsweetened” (không có chất tạo ngọt) nói về đường hoặc chất tạo ngọt được phụ gia vào sản phẩm với tư cách là các nguyên liệu thành phần. Những thuật ngữ này không đại biểu là sản phẩm đó không chứa đường.

Danh sách nguyên liệu thành phần trên sản phẩm mà có nhãn “no added sugar” và “unsweetened” sẽ cho bạn biết được sản phẩm đó đã dùng những nguyên liệu gì, bao gồm những loại chất tạo ngọt và loại đường nào.

Bạn thường có thể tìm thông tin về việc thực phẩm đó có bao nhiêu đường trong nhãn thông tin dinh dưỡng.

No added sugar (Không bổ sung đường)

Điều này thường có nghĩa là loại thực phẩm đó vẫn chưa bổ sung đường với tư cách là một thành phần nguyên liệu.

Một loại thực phẩm mà không bổ sung đường thì có thể vẫn có vị ngọt và chứa đường.

Đường xuất hiện tự nhiên trong thực phẩm như là trong hoa quả và sữa. Nhưng chúng ta không cần cắt giảm những loại đường này: chính những loại thực phẩm có chứa đường bổ sung mới nên cắt giảm.

Chỉ vì một loại thực phẩm có in “no added sugar”, thì nó không hẳn có nghĩa là có hàm lượng đường ít.

Loại thực phẩm đó có thể chứa những thành phần mà có hàm lượng đường tự nhiên cao (như là trái cây) hoặc có bổ sung sữa, mà có chứa lactose, một loại đường xuất hiện tự nhiên trong sữa.

Unsweetened (Không có chất tạo ngọt)

Thuật ngữ này thường có nghĩa là không bổ sung thêm chất tạo ngọt hay đường vào thực phẩm để làm nó có vị ngọt.

Cái này không hẳn có nghĩa là loại thực phẩm đó sẽ không chứa những loại đường xuất hiện tự nhiên có trong trái cây và sữa.

Ingredients (Thành phần)

Thành phần trong thực phẩm, bao gồm các chất phụ gia, được liệt kê theo thứ tự giảm dần theo trọng lượng tại thời điểm chúng được dùng để làm loại thực phẩm đó.

Nếu các loại hương liệu được dùng, nhãn thông tin cũng phải liệt kê ra. Danh sách thành phần cũng phải in đậm các chất gây dị ứng (những thực phẩm mà một số người bị dị ứng), như là trứng, quả hạch và đậu nành, ở những sản phẩm mà dùng chúng làm nguyên liệu.

Cũng như là thông tin này, sẽ luôn có tên và địa chỉ của nhà sản xuất, dấu ngày, chỉ dẫn bảo quản an toàn và trọng lượng của sản phẩm được cung cấp trong nhãn thực phẩm.

Nutrition information (Thông tin dinh dưỡng)

Bạn thường thấy nhãn dinh dưỡng trên bao bì sản phẩm cung cấp thông tin cụ thể về hàm lượng dinh dưỡng có trong thực phẩm đó.

Khi cung cấp thông tin dinh dưỡng trên nhãn, theo quy định mới thì nhãn thực phẩm tối thiểu phải chỉ ra được hàm lượng của mỗi giá trị dưới đây trên mỗi 100g hay trong 100ml sản phẩm:

  • Năng lượng/energy (theo kJ và kcal)
  • Chất béo/fat (theo g)
  • Chất béo bão hòa/saturates (theo g)
  • Carbohydrate (theo g)
  • Đường/sugars (theo g)
  • Đạm/Protein (theo g)
  • Muối/salt (theo g)
  • Cộng với lượng dưỡng chất bất kỳ mà có trong tuyên bố của sản phẩm

Đôi khi bạn sẽ thấy amounts per serving (lượng dinh dưỡng trong mỗi khẩu phần) hoặc amounts per portion (lượng dinh dưỡng trong mỗi phần), nhưng cái này phải đi cùng thông tin cụ thể trên 100g hay 100ml sản phẩm.

Hãy nhớ là nhà sản xuất có thể có quan điểm về thành phần của một “serving” hay một “portion” không giống bạn.

Các thuật ngữ phổ biến được dùng trong thông tin dinh dưỡng được giải thích như dưới đây.

Energy (Năng lượng)

Đây là lượng năng lượng mà thực phẩm đó cung cấp cho cơ thể nếu bạn ăn.

Năng lượng được tính bằng cả kilojun (kJ) và kilocalo (kcal), thường gọi là calories.

Một người đàn ông trung bình cần khoảng 10.500kJ (2.500kcal) một ngày để duy trì cân nặng của mình.

Với một người phụ nữ trung bình, con số hàng ngày vào khoảng 8.400kJ (2.000kcal).

Fat (Chất béo)

Có hai loại chất béo chính có trong thực phẩm: bão hòa/saturated và không bão hòa/unsaturated.

Để là một phần trong chế độ ăn uống lành mạnh, chúng ta nên cố gắng cắt giảm thức ăn có nhiều chất béo bão hòa.

Nhãn dinh dưỡng cho bạn biết tổng cộng có bao nhiêu chất béo ở trong loại thực phẩm.

Ăn quá nhiều chất béo cũng có thể làm chúng ta dễ tăng cân bởi vì những thực phẩm nhiều chất béo thì cũng nhiều năng lượng (kJ/kcal).

Bị thừa cân làm tăng nguy cơ chúng ta gặp phải những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, như là tiểu đường loại 2 và huyết áp cao cũng như là bệnh tim mạch vành.

Saturates (chất béo bão hòa)

Ăn uống nhiều chất béo bão hòa có thể làm tăng nồng độ cholesterol trong máu. Nồng độ cholesterol cao gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim.

Để là một phần trong chế độ ăn uống lành mạnh thì chúng ta nên cắt giảm thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa.

Đa số chúng ta ăn quá nhiều chất béo bão hòa. Đọc nhãn thông tin dinh dưỡng có thể giúp bạn cắt giảm chất béo bão hòa.

Carbohydrates (carb)

Có hai loại carbohydrates mà cơ thể biến thành năng lượng: carb đơn giản (simple carbohydrates) và carb phức tạp (complex carbohydrates).

Carbohydrates đơn giản thường được ghi trên nhãn thông tin dinh dưỡng là “carbohydrates (của loại đường nào)”. Đường bao gồm đường bổ sung và đường tự nhiên có trong trái cây và sữa.

Carbohydrates phức tạp còn được gọi là thực phẩm tinh bột. Thực phẩm tinh bột bao gồm khoai tây, bánh mỳ, gạo, mỳ ống và những carbohydrates tinh bột.

Chúng ta nên nạp phần lớn năng lượng cho cơ thể từ những carbohydrates phức tạp, hơn là từ những loại carb đường.

Cố gắng ăn các loại thực phẩm tinh bột nguyên cám nhiều chất xơ bất cứ khi nào có thể bằng việc chọn mỳ ống nguyên cám, gạo lứt hay đơn giản là ăn khoai tây nguyên vỏ.

Đôi khi bạn chỉ thấy được con số tổng cộng của carbohydrates trên nhãn dinh dưỡng. Con số này bao gồm cả lượng carbohydrates phức tạp và đơn giản.

Sugars (đường)

Đường xuất hiện tự nhiên trong những thực phẩm như là trái cây và sữa, nhưng chúng ta không cần cắt giảm những loại đường này.

Đường cũng được bổ sung thêm vào một loạt những sản phẩm như là đồ ngọt, bánh ngọt, bánh bích quy và sô-cô-la.

Chính những loại đường này mới là thứ chúng ta nên cắt giảm, vì tiêu thụ thường xuyên những loại đồ ăn thức uống nhiều đường làm bạn tăng nguy cơ bị béo phì và sâu răng.

Nhãn dinh dưỡng thường cho bạn biết một loại thực phẩm chứa bao nhiêu đường. Lượng đường này bao gồm đường bổ sung (còn gọi là “free sugars”/đường tự do) và đường tự nhiên có trong trái cây và sữa tươi.

Bạn có thể so sánh các nhãn thông tin với nhau và chọn những loại thực phẩm chứa ít đường.

Protein (Đạm)

Cơ thể cần đạm để sinh trưởng và phục hồi. Đa số người trưởng thành ở Vương Quốc Anh hấp thu nhiều protein hơn nhu cầu của cơ thể họ.

Những thực phẩm giàu đạm gồm có thịt, cá, sữa và thực phẩm chế biến từ sữa, trứng, đậu hạt, đậu lăng và quả hạch.

Salt (Muối)

Thuật ngữ “salt” trên nhãn thực phẩm bao gồm toàn bộ lượng natri có trong một thực phẩm. Trong khi đa số natri đến từ muối (NaCl), một số natri có thể xuất hiện tự nhiên trong thực phẩm. Nó cũng có thể đến từ các chất phụ gia và các chất chăn nuôi.

Quá nhiều muối có thể tăng huyết áp của bạn, đặt bạn vào nhiều nguy cơ gặp các vấn đề sức khỏe như là bệnh tim và đột quỵ.

Cắt giảm muối làm hạ huyết áp, tức là giảm đi nguy cơ bạn bị đột quỵ hoặc phát sinh bệnh tim.

(Theo NHS, người dịch: Trần Tuyết Lan, nhóm Hạ Mến, hướng dẫn ăn đúng)

Rate this post

Viết một bình luận