–
Thứ hai, 07/02/2022 18:02 (GMT+7)
Theo quan niệm dân gian, ngày mùng 10 tháng Giêng là ngày vía Thần Tài , ngày này mọi người thường làm lễ cúng Thần Tài để cầu may mắn, tài lộc.
Tham khảo cách bài trí bàn thờ và mâm cúng Thần Tài theo sách “Lễ tục trong gia đình người Việt” của tác giả Bùi Xuân Mỹ, NXB Văn hoá – Tôn giáo.
Bài trí bàn thờ Thần Tài
Bàn thờ Thần Tài, Thổ Địa đặt dưới đất, nơi trang nghiêm hướng ra cửa chính hoặc gần cửa chính. Trên bàn thờ Thần Tài thường được đặt các đồ vật, lễ vật sau:
– Tượng Thần Tài – Thổ Địa: thường được làm bằng sứ, đặt hai bên bàn thờ. Theo nguyên tắc, vị trí đặt (nhìn từ ngoài vào) sẽ là: tượng Thần Tài bên trái, tượng Thổ Địa bên phải.
– Tượng Phật Di Lặc: là vị thần quản lý và ngăn chặn các vị thần làm những điều sai trái, thường được đặt bên trên ban thờ Thần Tài.
– Hũ gạo, hũ muối, hũ nước đầy: được đặt ở giữa hai tượng Thần Tài – Thổ Địa. Đây là những vật tượng trưng cho cuộc sống no đủ, êm ấm và được đặt từ đầu năm cho tới cuối năm mới được đem thay.
– Bát nhang: được đặt giữa ban thờ và tuyệt đối không được xê dịch, di chuyển.
– Lọ hoa tươi và quả tươi, thường là mâm/đĩa ngũ quả.
– 5 chén nước xếp hình chữ thập: tượng trưng cho ngũ hành và ngũ phương phát triển.
– 5 củ tỏi: đặt vào trong một chiếc đĩa nhỏ với ý nghĩa xua đuổi ma quỷ.
– Bát nước đầy rắc cánh hoa hồng ở trên: mang ý nghĩa giữ cho tiền bạc không bị trôi đi. Thường được đặt trên nền đất ngoài cùng ban thờ.
– Tượng Ông Cóc: đặt bên trái ban thờ với ý nghĩa đón sinh khí, tài lộc. Ban ngày quay tượng ra ngoài và tối quay vào trong.
Mọi người thường làm lễ cúng vào ngày Thần Tài để mong nhiều may mắn. Ảnh: TL
Lễ vật cúng Thần Tài
– Bộ tam sên, gồm 3 món: 300g thịt heo (có thể luộc hoặc quay), 3 quả trứng luộc (trứng gà hoặc trứng vịt) và 3 con tôm hoặc cua luộc.
– Cá lóc nướng: Cá lóc này phải để nguyên con, đem đi nướng trui mang ý nghĩa tưởng nhớ rằng ông cha rất thiếu thốn khó khăn trong buổi đầu khai hoang, không nề hà chuyển cá vảy cả con, miễn sao nuôi dưỡng được bản thân và đảm bảo công việc thì vui lòng.
– Mâm ngũ quả: Có thể chọn các quả như cam, xoài, thanh long, táo, dưa hấu,… nên cúng Thần Tài bằng quả tươi ngon và thường dùng táo, lê, chuối, cam, quýt
– 1 lọ hoa tươi có màu sắc rực rỡ (hoa cúc, hoa ly,…), lưu ý không nên dùng hoa giả, cần mua hoa tươi, có nụ, có hương thơm.
– 1 bộ giấy tiền vàng mã.
– 1 dĩa gạo và 1 dĩa muối hột.
Trên đây là thành phần trong mâm cúng Thần Tài theo quan niệm từ có từ trước, với mong ước được nhiều tài lộc, may mắn.