Cô Thu Trang chia sẻ, để làm tốt văn nghị luận, học sinh cần trang bị kiến thức xã hội để đưa ra căn cứ, lí lẽ thuyết phục.
Cô Nguyễn Thị Thu Trang, giáo viên môn Ngữ văn tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI cho rằng, bài văn nghị luận thuyết phục người đọc cần có căn cứ và lí lẽ thuyết phục người đọc. Để làm tốt kiểu bài văn nghị luận lớp 7, các em cần trang bị cho bản thân kiến thức xã hội tốt.
Cô giáo Nguyễn Thị Thu Trang, giáo viên môn Ngữ văn tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI.
Đặc điểm của văn bản nghị luận
Theo cô Nguyễn Thị Thu Trang, văn nghị luận có thể tồn tại ở nhiều dạng văn bản khác nhau: ý kiến trong cuộc họp, bình luận, phê bình, xã luận… để giải quyết những vấn đề đặt ra trong đời sống.
Cô Thu Trang đưa ra 3 đặc điểm chính của văn nghị luận như sau:
Thứ nhất, văn nghị luận cần có các luận điểm. Đó là ý chính, quan điểm xuyên suốt cả bài viết. Thứ hai, bài văn phải có lí lẽ (gồm những đạo lí, lẽ phải đã được thừa nhận), dẫn chứng (gồm các sự việc, số liệu, bằng chứng) làm cơ sở cho luận điểm.
Ví dụ: Mạng xã hội như có ưu điểm là giúp mở rộng các mối quan hệ, con người giao lưu kết nối được nhiều hơn, sự chia sẻ làn truyền những thông tin tích cực. Bên cạnh đó, mạng xã hội cũng có những mặt hạn chế, khiến cho người sử dụng dễ bị xâm phạm quyền riêng tư, bị lừa đảo bởi những trang bán hàng không uy tín…
Thứ ba, một bài văn nghị luận cần phải có sự lập luận, cách chọn lựa, sắp xếp, trình bày các luận điểm, luận cứ theo một trình tự hợp lý, rõ ràng, thuyết phục.
Một bài văn nghị luận gồm có 3 bước lập ý: xác lập luận điểm, tìm luận cứ, xây dựng lập luận. Bố cục của bài văn nghị luận cũng gồm 3 bước: Mở bài (nêu vấn đề), Thân bài (làm sáng tỏ vấn đề bằng những luận điểm phụ, luận cứ, Kết bài (khái quát, khẳng định quan điểm).
Hai phép lập luận đặc trưng
Cô Thu Trang cho biết, trong văn nghị luận có phép lập luận chứng minh và phép lập luận giải thích.
Trong văn nghị luận, chứng minh là một phép lập luận đúng những lí lẽ, bằng chứng đã được thừa nhận để làm sáng tỏ quan điểm. Theo đó, các lí lẽ, bằng chứng dùng trong phép lập luận chứng minh phải được lựa chọn, thẩm tra, phân tích thì mới có sức thuyết phục.
Ví dụ 1, đề bài “Chứng minh tính đúng đắn của câu tục ngữ “Một cây làm chẳng nên non – Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”, hướng dẫn làm dạng bài này như sau:
Mở bài: Giới thiệu câu tục ngữ và khẳng định tính đúng đắn.
Thân bài: Thứ nhất: giải thích nghĩa từng từ “một cây”, “ba cây”, “chụm lại”, “núi cao” và nghĩa cả câu, Mục đích để đề cao sức mạnh của tinh thần đoàn kết và đem lại thành công.
Thứ hai: chứng minh câu tục ngữ trên thông qua việc xét về lí và xét về thực tế. Cụ thể
Xét về lí: đoàn kết là điều cần thiết để con người có sức mạnh, động lực phấn đấu, không đoàn kết khó có thể đạt được thành công.
Xét về thực tế: đoàn kết là sức mạnh dẫn đến thành công (đưa ra dẫn chứng về chiến đấu chống giặc ngoại xâm, lao động sản xuất…). Bên cạnh đó, sức mạnh đoàn kết còn giúp con người vững bước vượt qua những khó khăn, thách thức trong cuộc sống (dẫn chứng, chương trình truyền hình “Triệu trái tim – một tấm lòng”, “Việc tử tế”…)
Kết bài: Nêu suy nghĩ về câu tục ngữ và liên hệ bài học rút ra là gì?
Đối với phép lập luận giải thích, cô Thu Trang cho biết, giải thích trong văn nghị luận là làm cho người đọc, người nghe hiểu rõ các tư tưởng, đạo lí, phẩm chất, quan hệ… cần được giải thích nhằm nâng cao nhận thức, trí tuệ, bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm cho con người.
Văn nghị luận có các cách giải thích: Nêu định nghĩa, liệt kê các biểu hiện, so sánh đối chiếu, chỉ ra các mặt lợi và hại, nêu nguyên nhân.
Ví dụ 2, đề bài “Nhân dân ta có câu tục ngữ “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”. Hãy giải thích nội dung câu tục ngữ đó”, hướng dẫn làm dạng bài này như sau:
Bước 1 là bước triển khai tìm hiểu đề và tìm ý. Cụ thể, yêu cầu của đề là giải thích, vấn đề cần giải thích là “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, lưu ý gạch dưới từ then chốt. Các ý cần triển khai (giải thích nhiều mặt của vấn đề gồm nghĩa đen, nghĩa bóng), liên hệ với các câu ca dao, tục ngữ tương tự. Học sinh lưu ý tra từ điển, suy nghĩ kĩ, hỏi người hiểu biết hơn.
Bước 2 là lập dàn bài.
Mở bài: Giới thiệu câu tục ngữ với ý nghĩa sâu xa là đúc kết kinh nghiệm thể hiện khát vọng đi nhiều nơi để mở rộng hiểu biết.
Thân bài: Triển khai việc giải thích. Nghĩa đen “Đi một ngày đàng” nghĩa là gì? “Một sàng khôn nghĩa” là gì?. Nghĩa bóng là: Đi đây đó thì mở rộng tầm hiểu biết, khôn ngoan từng trải. Nghĩa sâu: Khát vọng của người nông dân xưa muốn mở rộng tầm hiểu biết. Liên hệ thêm các câu “Đi một buổi chợ, học một mớ môn”, “Đi cho biết đó biết đây, ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn”.
Ở phần này, các em cần thao tác chứng minh: Chứng minh tính đúng đắn của câu tục ngữ này trong đời sống. Tuy nhiên thao tác chứng minh chỉ cần 1-2 dẫn chứng minh họa, còn quan trọng vẫn là thao thác giải thích.
Kết bài: Câu tục ngữ xưa vẫn còn ý nghĩa cho đến ngày hôm nay.
Xem thêm phương pháp làm bài văn nghị luận xã hội lớp 7 tại đây.
(Nguồn: HOCMAI)