Cách làm bánh cuốn từ vỏ bánh tráng giúp bạn có một bữa ăn ngon trong tích tắc 😍.
Những người mê ẩm thực và có cơ hội trải nghiệm món ăn ở đất Hà thành chắc hẳn không xa lạ gì với món ăn bánh cuốn Thanh Trì. Tại sao chiếc bánh cuốn đơn giản với lớp bánh tráng làm từ gạo rồi cuộn với nhân thịt ăn kèm với chả quế hoặc giò lụa lại hấp dẫn người ăn đến vậy?
Đó là bởi vị hương vị thanh tao của chiếc bánh cuốn. Không chỉ có bánh cuốn Hà Nội, các vùng miền lại có công thức riêng để chế biến những chiếc bánh cuốn này.
Sự công phu khi chế biến bánh cuốn phải kể đến việc chọn loại gạo tẻ ngon, ngâm vài tiếng rồi vo sạch. Sau đó, gạo phải được xay thật kĩ thành bột nước. Khi tráng thì phải thật khéo léo để tráng bột bánh thật mỏng mà không bị rách. Khi đạt đủ yêu cầu của từng bước thì mới có thể làm ra những chiếc bánh cuốn óng mướt, thơm ngon.
Vì vậy, để có được đĩa bánh cuốn ngon nhà làm thì thường rất khó. Bạn có thể không có dụng cụ hay cũng không đủ khéo léo để tráng bánh thật mỏng và cả pha bột cũng cần phải có một tỉ lệ chính xác mới có được đĩa bánh cuốn thật là ngon.
Nhưng tất cả những khó khăn đó đều đã được khắc phục bởi cách làm bánh cuốn từ vỏ bánh tráng.
Cách làm này được chia sẻ rất nhiều trên các trang mạng từ đầu năm nay. Mình cũng đã làm thử và phải công nhận:
Chỉ một nốt nhạc là bạn có một đĩa bánh cuốn vừa ý!
Tuy cách làm này đã được phổ biến nhiều nhưng hãy cùng mình đi vào chi tiết của từng bước cũng như làm thí nghiệm với hai loại bánh tráng khác nhau xem thành phẩm đạt được như thế nào nhé.
Cùng rửa tay xà phòng thật sạch và xắn tay áo vô bếp thôi!
In Công Thức
from
votes
Cách làm bánh cuốn
Bánh cuốn là một món ăn đăc trưng với vỏ bánh thật mỏng, mềm, hòa cuộn giữa vị gạo thanh mát cùng nhân thịt đậm đà. Và cách làm bánh cuốn đơn giản bằng vỏ bánh tráng sẽ giúp ban có những đĩa bánh cuốn như vậy một cách dễ dàng.
Chuẩn bị
20
phút
Nấu
15
phút
Tổng thời gian
35
phút
Khẩu phần:
4
Calories:
285
kcal
Nguyên Liệu
-
20
cái
bánh đa nem hay bánh tráng
(2 thếp)
-
200
g
thịt lợn xay
-
30
g
mộc nhĩ
5 – 6 nhánh
-
10-15
củ
hành khô
-
Nước mắm, muối, đường, chanh, ớt
-
Rau mùi, rau thơm, chả quế
để ăn kèm
Hướng dẫn
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
-
Mộc nhĩ ngâm nở, băm nhuyễn.
-
Trộn thịt vói một ít muối gia vi.
-
Rau mùi rửa sạch. Tỏi bóc vỏ, đạp dập, băm nhuyễn. Ớt rửa sạch, bỏ hạt, băm nhuyễn
-
Hành khô bóc vỏ, thái lát, phi vàng trong chảo ngập dầu hoặc bằng lò vi sóng.
Bước 2: Xào nhân
-
Cho thịt băm vào chảo, xào với lửa vừa khoảng 5-7 phút rồi cho mộc nhĩ đã băm nhuyễn vào đảo đều thêm 5 phút cho thịt và mộc nhĩ chín đều.
Bước 3: Pha nước chấm bánh cuốn
-
Bạn pha nước chấm theo tỉ lệ 1 mắm : 1 đường : 1 chanh/dấm : 3 nước lọc. Sau đó cho tỏi ớt băm nhuyễn vào.
Bước 4: Cuốn và hấp bánh cuốn
-
Ngâm mềm bánh tráng rồi cho phần nhân vào cuốn lại như cuốn nem hoặc phở cuốn
-
Hấp bánh cuốn bằng xửng hấp 2 – 3 phút hoặc quay lò vi sòng 90 giây – 2 phút
Bước 5: Hoàn thành
-
Bạn rắc hành khô đã phi vàng lên đĩa bánh cuốn, để kèm bát nước chấm, chả quế và rau mùi.
Nutrition
Calories:
285
kcal
Bạn thử chưa?
Đăng ảnh lên @ThatLaNgon hoặc tag #thatlangon nhé!
Cách làm bánh cuốn chi tiết
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
Bạn rửa mộc nhĩ qua với nước, rồi cho vào nước ấm ngâm nở khoảng 10 phút. Sau đó, bạn rửa sạch, cắt chân, rồi băm nhuyễn.
Trong lúc chờ mộc nhĩ nở, bạn sơ chế các nguyên liêu khác. Nếu bạn mua thịt cả miếng thì rửa sạch rồi băm nhỏ, sau đó cho một it gia vị vào và trộn đều. Nếu mua thịt xay sẵn thì bạn chỉ cần cho gia vị thôi. Bạn nên chọn thịt có một chút mỡ để khi làm nhân không bị quá khô.
Rau mùi bạn bỏ rễ, rửa sạch.
Tỏi bóc vỏ rồi băm nhuyễn. Mẹo để bóc tỏi nhanh là sau khi tách từng tép tỏi ra, bạn dùng phần lưỡi dao ở sống dao áp vào tép tỏi. Sau đó, bạn dùng phần cổ tay đập mạnh xuống lưỡi dao. Lúc này phần vỏ sẽ tuột ra khỏi tép tỏi, bạn chỉ cần bỏ nó đi và băm nhuyễn tỏi.
Ớt, bạn rửa sạch cắt đôi, bỏ hạt, rồi băm nhuyễn. Bạn nên bỏ hạt để dễ băm nhuyễn hơn.
Hành khô (hành tím) bạn bóc vỏ, thái lát. Bạn phi vàng hành khô trong chảo ngập dầu. Một mẹo để bạn phi hành được giòn ngon là bạn nên phơi hành đã cắt lát cho khô hoặc trộn với một ít bột bắp trước khi phi.
Để hành phi được vàng đều và giòn thì bạn cần chiên ngập dầu. Bạn nên chiên trong một chảo sâu đáy có phần vành vát chéo lên hay trong một cái nồi con như nồi quấy bột sẽ tiết kiệm được dầu hơn.
Một mẹo nhỏ nữa là bạn có thể phi hành bằng lò vi sóng. Bạn cho hành vào một bát dùng được trong lò vi sóng, đổ dầu ngập hành rối lấy màng thực phẩm bọc miệng bát. Bạn lấy tăm hoặc đũa chọc một hai lỗ trên màng.
Bạn quay bát hành khoảng 3 phút sẽ thấy dầu bắt đầu sôi lăn tăn. Bạn lấy bát hành ra, đảo đều hành, rồi quay tiếp 3 phút nữa. Sau đó, bạn lại lấy hành ra đảo và quay thêm mỗi lần 1 phút đến khi hành bắt đầu chuyển hơi vàng thì dừng lại. Bạn dùng đũa đảo hành trong bát cho vàng đều rồi vớt hành vào đĩa đã trải khăn giấy ăn nhà bếp.
Với cách phi hành bằng lò vi sóng này bạn sẽ có món hành khô phi vàng giòn không kém gì ngoài hàng mà lại rất nhanh và tiện lợi.
Bước 2: Cách Làm Bánh Cuốn – Xào nhân
Bạn cho thịt băm vào chảo đun với lửa nhỏ vừa. Bạn có thể thêm dầu để xào nhưng mình thấy khi thịt đã có mỡ, mỡ từ thịt sẽ nóng chảy ra nên không cần thêm dầu.
Bạn xào thịt khoảng 5 – 7 phút đến khi thịt bắt đầu chuyển màu thì cho mộc nhĩ đã băm nhuyễn vào.
Bạn xào thêm 4-5 phút nữa đến khi thịt và mộc nhĩ chín đều. Bạn sẽ không thấy màu đỏ của thịt và mộc nhĩ hơi săn lại là được. Vì ăn bánh cuốn chấm nước mắm nên phần nhân bạn không cần làm quá đậm.
Bạn đổ nhân ra tô để chuẩn bị cuốn bánh.
Bước 3: Pha nước chấm bánh cuốn
Vì bánh cuốn ăn ngon nhất khi vừa hấp xong nên chúng mình nên pha nước chấm sẵn nhé.
Mình thường pha nước chấm bánh cuốn theo tỉ lệ 1 mắm: 1 đường: 1 chanh hoặc dấm: 3 nước lọc. Nếu bạn muốn ăn nhiều ngọt, chua hay mặn thì có thể gia giảm lại thêm nhé.
Theo mình thấy sẽ không có một công thức chuẩn nào để pha nước chấm bởi mỗi người có một khẩu vị khác nhau và đặc biệt mỗi loại mắm bạn sử dụng cũng có độ mặn khác nhau. Do đó, nước mắm ngon nhất là nước mắm tự bản thân thấy vừa ăn nhất 😉.
Sau khi đã pha phần nước mắm chua ngọt vừa miệng, bạn cho một nửa phần tỏi ớt đã băm vào rồi bày lên bàn cùng với đĩa đựng phần tỏi ớt còn lại. Khi hấp bánh cuốn xong hẵng cho nốt phần tỏi ớt này vào nước chấm. Làm như vậy tỏi ớt sẽ nổi trên mặt nước chấm nhìn đẹp mắt hơn.
Bước 4: Cuốn và hấp bánh cuốn
Bạn lấy một cái đĩa sâu lòng, vành rộng hơn miếng bánh tráng hoặc một cái chảo rồi cho nước ngập lưng đĩa/chảo.
Bạn cho từng cái bánh tráng vào ngâm cho mềm. Bạn đừng cho cả thếp vào ngâm cùng một lúc nhé, sẽ rất dính, không tách được từng miếng đâu! Bạn có thể cho thêm chút dầu để bánh tráng khỏi dính vào nhau và bánh khi hấp xong trông cũng “bóng bẩy” hơn.
Ban nhẹ nhàng lấy miếng bánh tráng đã ngâm mềm cho ra thớt hoặc đĩa, cho nhân vào gần mép phía dưới và cuốn lại như cách bạn cuốn nem. Đó là bạn cuộn một mép ở phía gần bạn chồng lên phần nhân, rồi gấp hai mép ở hai bên vào giữa, rồi cuộn lại cho tới mép còn lại ở phía xa bạn.
Bạn cũng có thể chỉ cuộn tròn lại như cuốn phở cuốn.
Sau khi cuộn hết phần bánh tráng thì bạn đem đi hấp. Bạn có thể hấp bằng xửng hấp như hấp bánh bao hoặc lại dùng chiếc lò vi sóng “thân thương”.
Nếu hấp bằng xửng, bạn cho nước vào nồi phía dưới, đun sôi. Bạn không cần cho quá nhiều nước vì hấp bánh cuốn rất nhanh. Khi nước ở phía dưới đã sôi, bạn cho đĩa bánh cuốn vào hấp 2 – 3 phút là được.
Nếu dùng lò vi sóng, bạn vẩy một xíu nước lên bề mặt bánh rồi cho vào lò quay 90 giây đến 3 phút tùy theo công suất lò và độ dày của bánh tráng.
Bước 5: Cách Làm Bánh Cuốn – Hoàn thành
Bạn cho đĩa bánh cuốn ra bàn, rắc thêm hành phi lên trên. Bạn bày thêm cùng chả quế, rau mùi, nước chấm tỏi ớt 🧄🌶 vừa pha là có một mâm bánh cuốn ngon không kém ai rồi.
Đến đây chúng mình đã hoàn thành cách làm bánh cuốn siêu tiện lợi này rồi.
Lại nói đến siêu tiện lợi, các bạn hoàn toàn có thể làm nhiều nhân và hành phi một chút. Phần nhân bạn có thể bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh 3 ngày và ngăn đá tối đa một tháng. Còn phần hành phi sau khi để nguội, bạn cho vào lọ thủy tinh đậy kín cũng có thể bảo quản bên ngoài từ 1 tuần tới 10 ngày.
Vậy là bạn chỉ cần giã đông phần nhân, pha chút nước mắm, rồi cuốn bánh là đã có món bánh cuốn trong tích tắc, thỏa mãn cơn thèm khi chúng ta đang cố gắng giãn cách xã hội để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 rồi.
Và như đã nói ở đầu, chúng mình cùng làm thí nghiệm nào!
Bánh tráng dày hay bánh tráng mỏng?
Các bài chia sẻ đầu tiên của cách làm bánh cuốn này được cho là của các bạn ở nước ngoài. Các bạn ấy không thể dễ dàng nhảy lên xe máy và ra hàng bánh cuốn ăn như khi ở Việt Nam được. Nhưng “cái khó ló cái khôn” và tinh thần “muốn ăn thì lăn vào bếp”, món bánh cuốn từ vỏ bánh tráng đã ra đời.
Vì ở xa, loại bánh tráng dễ tìm thấy nhất là các loại bánh tráng khá dày dặn như bánh tráng Safaco nên mọi người thường thấy trong công thức bánh cuốn sẽ sử dụng loại bánh tráng này.
Tuy nhiên, mình muốn thử cách làm bánh cuốn này với bánh tráng mỏng truyền thống thường dùng gói nem rán xem thế nào.
1. Thời gian ngâm mềm
Điều khác nhau đầu tiên mà bạn nhận thấy khi sử dụng hai loại bánh tráng này trong cách làm bánh cuốn là bánh tráng dày cần nhiều thời gian để ngâm mềm hơn bánh tráng mỏng.
- Với bánh tráng dày, bạn cần ngâm 3 – 4 phút đến khi các vân trên bề mặt bánh không thấy nữa.
- Còn với bánh tráng mỏng, chưa đầy 30 giây trong nước là bạn có thể dùng.
Do đó, khi dùng bánh tráng mỏng sẽ tiết kiệm thời gian hơn. Bạn chỉ cần thả vào nước 30 giây, rồi lấy ra đặt lên đĩa đồng thời cho một cái bánh tráng mới vào nước. Trong lúc đó thì bạn cho nhân vào cuốn. Như vậy bạn có thể làm gối các bước nên rất nhanh.
Ngoài ra, vì thời gian ngâm mềm ngắn nên bạn không cần cho nhiều cái vào nước một lúc như khi dùng bánh tráng dày. Vì vậy mà bạn không cần lo bánh tráng bị dính vào nhau. Còn bánh tráng dày, bạn cũng có thể ngâm lần lượt từng cái nhung sẽ mất khá nhiều thời gian chờ.
À còn nữa, nếu bạn sử dụng bánh tráng dày và thả nhiều cái bánh tráng vào ngâm cùng lúc thì khi bắt đầu lấy bánh tráng để cuốn, bạn nên lật các miếng bánh tráng ngược lại để cái ở đáy sẽ lên phía trên mặt. Bởi cái bánh tráng ở đáy là cái đầu tiên bạn thả vào nước.
Nếu không lật ngược lại thì đến khi bạn cuốn tới cái này, nó sẽ mềm nhũn mất và khả năng bạn làm rách rất cao.
2. Khả năng bị rách
Điều thứ hai trong khi làm bánh cuốn với hai loại bánh tráng này là ta có thể thấy bánh tráng dày sẽ dễ thao tác hơn.
- Bánh tráng dày dẻo dai hơn nên khi nhấc ra khỏi nước sẽ không bị rách.
- Còn bánh tráng mềm khá “tiểu thư”, bạn cần rất nhẹ tay khi lấy chúng ra khỏi nước.
Một điều làm bánh tráng mềm dễ bị rách bởi bản thân ban đầu miếng bánh tráng này cũng có thể có các vết nứt hay lỗ nhỏ, nên nó càng trở nên mỏng manh hơn trong nước.
3. Thời gian hấp bánh
Bánh cuốn mỏng thì dĩ nhiên hấp nhanh hơn bánh cuốn dày. Nhưng trên thực tế mình thấy sự khác nhau này không đáng kể, nó chỉ khác từ 30 giây đến 1 phút. Không nhằm nhò gì phải không nào?
4. Thành phẩm
Cái cuối cùng và cũng là điều đáng quan tâm nhất!
Đĩa bánh cuốn bên trái được làm từ bánh tráng dày và đĩa bên phải là bánh tráng mỏng.
- Về “dung mạo” thì bánh tráng dáy sẽ cho bánh cuốn trong hơn, nhìn rõ cả nhân bên trong, còn bánh tráng mỏng cho miếng bánh có màu trắng đục hơn. Theo mình màu này mới giống bánh cuốn nóng ngoài hàng.
- Về kết cấu vỏ thì bánh làm từ bánh tráng dày ăn rất dai, như ăn bánh bột lọc vậy. Còn bánh từ loại bánh tráng mỏng thì mềm và có độ dai vừa phải.
- Về mùi vị, nếu không tính phần nhân và nước chấm và chỉ ăn mỗi vỏ không, bạn sẽ thấy mùi vị của gạo rõ hơn với bánh tráng mỏng.
Và kết quả cuối cùng, với mình, cách làm bánh cuốn từ vỏ bánh tráng mỏng cho ra miếng bánh cuốn đúng vị hơn cả. Bánh tráng dày thích hợp làm bánh tráng trộn 🍜 hơn.
Còn bạn nghĩ sao? Hãy thử ngay cách làm bánh cuốn này và chia sẻ ý kiến với chúng mình nhé!
Các cách làm bánh cuốn khác
Ngoài ra, với phương châm “chia sẻ tất cả”, mình cũng kể đơn giản một số cách làm vỏ bánh cuốn khác. Nếu ban là con người truyền thống và muốn thử thách pha bột và tráng bánh cuốn thì hãy tham khảo công thức pha bột cho vỏ bánh cuốn sau đây.
Bạn pha 200 g bột gạo tẻ, 50 g bột khoai tây hoặc bột bắp, 20 g bột năng và 1 xúi muối trong 800 ml nước. Bạn khuấy đều cho tan rồi để nghỉ 30 phút đến 1 tiếng. Bột sẽ lắng xuống đáy, bạn chắt nước và thay bằng một lượng nước mới tương đương với thể tích nước chắt ra. Bạn cho thêm một muỗng canh dầu ăn rồi khuấy đều.
Khi đã chuẩn bị xong hỗn hợp bột trên, bạn dùng chảo để tráng bánh hoặc nếu có nồi hơi tráng bánh cuốn chuyên dụng thì càng tốt. Nếu không bạn cũng có thể tự căng một miếng vải xô lên trên một cái nồi to để tráng bánh.
Ngoài cách pha bột truyền thống và dùng vỏ bánh tráng trên thì mới đây dân mạng còn chia sẻ thêm một cách làm rất độc đáo. Đó là cách làm bánh cuốn bằng rau câu. Tuy nhiên chắc chắn mùì vị của những chiếc bánh này sẽ khác xa với bánh cuốn truyền thống. Cách làm này thường chỉ được sử dụng đặc biệt cho các bạn muốn ăn kiêng theo cách giảm tinh bột từ gạo trong lớp vỏ bánh cuốn.
Nói cho công bằng thì có lẽ pha bột ngon và tráng bánh cuốn thật mỏng với nồi hơi sẽ cho ra những chiếc bánh cuốn ngon nhất. Tuy nhiên, trong thời đại hiện nay khi chúng ta luôn bận rộn với rất nhiều công việc, hay luôn bị xao nhãng bởi chiếc máy điện thoại thông minh 📱 thì những đơn giản hóa các công thức nấu ăn là một điều cần thiết.
Và cách làm bánh cuốn bằng bánh tráng trong bài viết hôm nay thực sự có thể thay thế phần nào công việc pha bột và tráng bánh cho bạn. Và nó cũng rất phù hợp với các bạn không được khéo léo cho lắm trong bước đổ bánh khó khăn kia.
Vậy các bạn còn chần chừ gì nữa mà không ra tay “xử nhanh” cách làm bánh cuốn siêu tiện này!
*Ảnh: En Thi và sưu tầm Internet
0
Shares