Trong thú chơi tiêu khiển của cá rồng, Kim Long Quá Bối được xem như đứng hàng đầu trong các loại cá rồng vì màu sắc rực rỡ của chúng. Dĩ nhiên màu sắc của cá rồng luôn là lý do có nhiều ma lực quyến rủ người xem, cũng như người chơi, nhưng bằng những phương pháp nào chúng ta có thể mang ra được hết tiềm năng và duy trì màu sắc của KLQB/KLHV Đây là chủ đề của bài viết này, và cũng như những bài viết trước, tin hay không tin, các bạn là người hoàn toàn quyết định. Mục đích của bài viết chỉ mong được chia sẽ một vài kiến thức/ kinh nghiệm trong thú chơi KLQB/KLHV.
Trước tiên tôi xin được khẳng định mỗi một loại cá rồng đều có những nét đẹp riêng của chúng, nhưng vì đây là bài viết chủ đề về Kim Long Quá Bối, nên phải nói nhiều đến giống loại này. Nếu phải so sánh về cách nuôi dưỡng giữa Kim Long Quá Bối và Huyết Long, thì phương thức nuôi và chăm sóc Huyết Long đòi hỏi nhiều công sức và sự nhẫn nại hơn. Lý do là vì với Kim Long Quá Bối, giống tốt, ở kích thước 25-30 cm, các bạn đã có thể thích thú và trâm trồ khi quan sát chúng, vì màu sắc của Kim Long Quá Bối ở tuổi này đã phát triển và khi được kích thước 38-40cm thì hầu như chúng ta có thể đoán biết được đến ~90% tiềm năng của chúng. Nhưng đối với Huyết Long, thì ở kích thước tương tự, chúng ta khó lòng mà tiên đoán, vi Huyết Long lên màu rất chậm, lắm lúc phải chờ đợi đến năm thứ 3/4 để có thể thấy được màu sắc của Huyết Long.
Vì đây là bài viết về màu sắc nên tôi sẽ chú trọng và đi vào chi tiết về những yếu tố và phương thức để có thể khả dĩ giúp cho KLQB/KLHV lên màu. Những yếu tố này được chia theo tỉ lệ bách phân như sau: 1. Di truyền (~60%) 2. Phẩm chất nước của bể (~20-25%) 3. Thức ăn (~15%) 4. Ánh sáng/Đèn (~5%) .
1. Di Truyền
Yếu tố này chúng ta sẽ không thay đổi hay làm gì được ở phần này. Muốn có một Kim Long Quá Bối với màu sắc và hình dáng mê hoặc lòng người, quan trọng nhất vẩn là di truyền. Câu “con nhà tông không giống lông cũng giống cánh” thật là chí lý ở đây, tuy nhiên giống cá đẹp thì sẽ ít có vì trong một bầy cá thường chỉ có 5-6 con tuyệt đep, và chúng thật đắt tiền. Đây là điều kiện tiên quyết, không thể bàn cải chi ở đây, ngoại trừ chuẩn bị tiền thật nhiều để mua.
2. Phẩm chất nước của bể cá
Kích thước của bể; Hê thống lọc nước. Đầu tư vào một bể/ hồ có kích thước ít nhất là 150cmX60cmX60cm là điều cần thiết, vì cá rồng lớn rất mau, bạn sẽ tiết kiệm được tiền bạc và thời gian di chuyển cá sau này (nếu không muốn bàn đến chuyện cá bỏ ăn khi phải chuyển bể/hồ). Nếu khả năng tài chính không là vấn đề, bạn nên bỏ tiền mua/ thiết kế một hệ thống lọc thật hữu hiệu có khả năng thanh lọc/ xử lý các chất thải của cá, ammonia, nitrite, nitrate. Các độc tố này có liên quan trực tiếp đến sức khoẻ và sự lên màu của cá.
Độ pH Mặc dầu KLQB/KLHV có thể sống khoẻ mạnh trong môi trường nước hơi acid của Huyết Long (pH 6-6.5), nhưng thật sự không tốt cho màu sắc của KLQB/KLHV. Độ pH nước của KLQB/KLHV nên ở độ nước kiềm (pH ~ 7.5-8.0). Khác hẳn với Huyết Long cần lên màu đỏ, và màu đỏ như đã đề cập trong bài viết về Huyết Long, sẽ có đặc tính lây lan trong môi trường nước acid. Đối với KLQB/KLHV, sư lên màu của chúng hoàn toàn ngược lại. Sắc tố chủ yếu về màu sắc của KLQB/KLHV là màu đen. Màu đen sẽ phối hợp với các màu khác, mà theo yếu tố di truyền cá đã thừa hưởng từ bố mẹ của chúng, để lên các sắc màu như: vàng, xanh lá cây, tím, xanh da trời. Màu đen trong một môi trường nước kiềm (pH ~7.5-8.0 hoăc cao hơn, nhưng đối với KL chúng ta không nên để độ pH lên cao quá 8.0) sẽ có đặc tính lây lan, không tích tụ lại một chổ trong các tế bào màu sắc. Màu đen cần phải có đặc tính lây lan/di chuyển này để có thể pha trộn với các màu sắc tích tụ từ thức ăn vừa nêu trên, cộng thêm yếu tố phản quang của mặt trời/anh sáng/ ánh đèn để tạo nên các màu sác mà chúng ta thường thấy ở KLQB/KLHV. Đây là sự khác biệt căn bản trong thể chế nước giũa KLQB/KLHV và Huyết Long.
Theo yếu tố di truyền, KLQB/KLHV sẽ thừa hưởng các tế bào màu sắc ở 3 vị trí. Phần trên cùng của vẩy thường là các mô tế bào tích tụ sắc tố đen, dưới đó là các mô tế bào có đặc tính phản quang, và bên dưới là các mô tế bào tích tụ các màu sắc vàng, xanh.
Các mô tế bào ở phần giữa có đặc tính phản quang, là các tế bào giúp chúng ta thấy được sự óng ả của màu sắc nơi cá. Chúng là các tinh thể trong suốt như thuỷ tinh, và có thể tìm thấy trong các thưc ăn có nhiều chất purines. Càng nhiều chất purines trong thức ăn tich tụ ở các mô tế bào phản quang này, sự óng ánh của cá càng rực rỏ và đẹp hơn .
Khi các mô tế bào tich tụ chất melanin ( màu đen) phối hợp với các mô tế bào phản quang, và khi ánh sáng rọi vào thân thể cá, các mô tế bào sắc tố đen này có khả năng di chuyển hay tich tụ ( do di truyền). Nếu di chuyển được, màu đen sẽ có tác dụng cản trở sự phản quang, và vì thế chúng ta sẽ thấy được nền vẩy màu xanh da trời/tím ( xanh da trời hay tím tuỳ theo sự phối trí của chất melanin). Trong trường hợp vì yếu tố di truyền, các mô tế bào melanin không di chuyển được, nên không cản trở được các tinh thể có đặc tinh phản quang, chúng ta sẽ thấy được màu xanh lá cây nếu chất Beta- carotenoids tích tụ ít, hoặc chúng ta sẽ nhận thấy được màu vàng nếu chất Beta-carotenoids tich tụ nhiều trong các mô tế bao tich tụ sắc tố.
3. Thức ăn
Như đã nêu trên, màu sắc của KLQB/KLHV tuỳ thuộc vào sự phối hợp giũa các hoá chất tích tụ từ thức ăn, và các tế bào phản quang.
a . Màu vàng: nên cho cá ăn thức ăn có nhiều chất beta-carotenoids, rất nhiều trong tôm/tép. Đây là lý do tại sao ma các loai giống cá rồng thường được cho ăn loại thức ăn này.
b . Màu đen: nên cho cá ăn các loai dế/ gián. Trong lớp vỏ cứng bọc bên ngoài của bọn này có tích tụ nhiều chất melanin. Các bạn cũng chẳng nên vặt chân của bọn này làm gì, vì chúng chứa nhiều chất melanin. Cá rồng sinh sống ngoài thiên nhiên, nào có ai vất bỏ chân của các loại côn trùng này giùm chúng, chúng xơi tươi nguyên con.
c . Sự óng ánh tích tụ nhiều ở các thưc ăn có chứa nhiều chất purine: thịt bò, thìt gà, thịt heo, tim gà, tim bò. Chắc bạn đang thắc mắc là có nên cho Kim Long Quá Bối? KLHV ăn mấy thứ này không? Và nơi môi trường thiên nhiên của cá rồng làm gì có mấy loại thức ăn này ????
Câu trả lời dĩ nhiên là không có, nhưng bạn có muốn cá của bạn lên màu vẩy óng ả hay không? Tôi vẫn thường cho cá của toi xơi tuần một lần môt trong các nhóm thức ăn nêu trên, thái nhỏ, nhưng bạn phải tập, vi đây không phải là món ăn chính của chúng.
Cá mồi là nguồn calcium cần thiết cho cá, bạn nên để món này vào thực đơn của KLQB/KLHV vì lý do sau đây.
4. Ánh sáng/ Đèn
Anh sáng rất cần thiết cho sự tích tụ của chất Beta-carotenoids, vì khi cặp mắt của cá tiếp nhận được ánh sáng qua các mô tiếp nhận ánh sáng ở võng mạc sẽ kích thích một chuổi phản ứng hoá học mà cuối cùng là dẩn đến sự tích luỹ của Beta-carotenoids nhận được từ thức ăn. Kim Long có được tên là Kim Long, nếu nhìn trên phương diện phân tử học thì tất cả bắt nguồn từ đây. Chất calcium rất quan trọng vì chất beta-carotenoids cần phải đi cặp với calcium để được vào trong các tế bào xanthophores là nơi cất giữ sắc tố vàng.
Mặc dầu anh sáng/đèn cần thiết, nhưng nếu lạm dụng sẽ làm cho chất melanin trên phần trên của lưng cá ( vẩy hàng thứ 6) phát triển mạnh, vi đây là nơi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời nhiều nhất. Vảy của hàng thứ 6 sẽ trở nên xám đen hơn, và vì thế vẩy của hàng thứ 6 sẽ khó lên màu, và sẽ lên màu chậm hơn.
Ánh sáng đối với KLQB/KLHV không cần thiết phải bật lên nhiều giờ như Huyết Long, 4-8 tiếng/ngày cũng đã đủ vì yếu tố melanin.
Có một điều các bạn cần nên lưu ý là với Huyết Long, Huyết Long sẽ thích nước cũ nhưng phẩm chất nước phải tốt ( tuỳ thuộc vào hệ thống lọc nước của bạn), vì nước cũ sẽ là nước acid vì cá thở ra khí CO2, và các chất dơ, cộng thúc ăn sẽ làm nước trong bể từ từ ngày càng acidic. Nếu hệ thống lọc nước tốt và hữa hiệu, sẽ thanh lọc các độc tố, nhưng nước vẫn thích hơp cho Huyết Long vì nước cũ vẩn giữ đặc tinh acid . Màu đỏ có đặc tính lây lan trong môi trường acid.
KLQB/KLHV (vẫn cần một hệ thống lọc nước tốt), thi hoàn toàn ngược lai, vì melanin (màu đen) sẽ lây lan trong môi trường nước kiềm, và sự lây lan của chất melanin rất cần thiết cho sư phối hơp với các sắc tố khác để lên màu như đã nêu trên. Như đã trình bày, nước của bể cá tư từ sẽ biến dạng qua nước acid, nên không thích hợp mấy cho sự lên màu của KLQB/KLHV ( đây là cho căp mắt của chúng ta, chứ thật sư giống cá rồng nào cũng vẫn thích thể chế nước mềm và acid; nhưngKLQB/KLHV vẩn sống vui, và sống khoẻ ở một thể chế nước hơi kiềm ) Vì biết được đặc tinh và yếu tố cần thiết để lên màu của KLQB/KLHV, nên chúng ta điều chỉnh môi trường nước chút đỉnh để cho hợp nhản với chúng ta .
Nếu bạn nào từ trước đến giờ không hiểu tại sao Huyết Long nên giữ nước củ, mà KLQB/KLHV lại phải thay nước mới thuờng xuyên, thì đây là lý do !!!!
Hy vọng trong khuôn khổ hạn hep của bài viết, tôi đã phần nào giải đáp một số thắc mắc và sự khác biệt căn bản giũa cách nuôi và chăm sóc thế nào để có thể tận dụng được tiềm năng màu sắc tiềm ẩn trong những chú cá KLQB/KLHV hay Huyết Long. Chúc các bạn có được những chú cá rồng tuyệt đẹp